Pakistan: Thủ tướng Nawaz Sharif bị lật đổ như thế nào?

Thứ Tư, 12/12/2007, 11:50
Mặc dù ông Pervez Musharraf đã đáp ứng khá đầy đủ  một loạt kiến nghị của phe đối lập trước khi chính thức làm lễ nhậm chức Tổng thống dân sự hôm 29/11/2007, nhưng những tiếng nói chỉ trích ông vẫn vang lên tại Pakistan. Thậm chí, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, người vừa được phép hồi hương còn lên tiếng kêu gọi các đảng phái đối lập tẩy chay cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/1/2008.

Nhiều người cho rằng mọi rắc rối, phức tạp hiện nay đều bắt nguồn từ cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Nawaz Sharif cách đây hơn 8 năm: tối 12/10/1999.

Cuộc đảo chính không đổ máu

Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc đảo chính quân sự tối 12/10/1999 là do mâu thuẫn sâu sắc giữa Thủ tướng Nawaz Sharif với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân kiêm Tham mưu trưởng lục quân, Thượng tướng Pervez Musharraf kể từ sau “vấn đề Kashmir” không được giải quyết thấu đáo. Tiếp đến là nguyên nhân trong nội các.

Ngày 18/7/1993, ông Nawaz Sharif đã phải tuyên bố từ chức Thủ tướng vì những cáo buộc tham nhũng.

Thậm chí Chánh án Tòa án Hiến pháp còn kiến nghị xem xét lại vụ án tham nhũng của ông Nawaz Sharif. Khi đó dư luận rộ lên những tin đồn, những quan chức chính phủ (đương nhiệm và tiền nhiệm) có tới 60 tỉ USD gửi tại các nhà băng trên thế giới. Đây là một con số đáng báo động về sự tham nhũng ở Pakistan.

Riêng ông Nawaz Sharif bị cáo buộc sở hữu tới 17 nhà máy sản xuất đường, sắt thép (theo con số công khai). Trong khi quan chức chính phủ giàu có thì đời sống người dân lại đói nghèo.

Theo thống kê, tại thời điểm đó có tới 62,2% người mù chữ trong tổng số 130 triệu dân, thu nhập bình quân 500 USD/người, nợ nước ngoài 30 tỉ USD, đất nước luôn bất ổn, mâu thuẫn tôn giáo gia tăng, thêm vào đó là 3 lần chiến tranh với Ấn Độ, chạy đua hạt nhân khiến cho tăng trưởng kinh tế trong năm 1999 chỉ khoảng 3,4%, thấp hơn mức 5,4% của năm 1998.

Nhưng khi đó đảng của ông Nawaz Sharif chiếm tới 2/3 số ghế tại cả hai viện trong Quốc hội Pakistan, trừ quân đội còn tất cả các cơ quan trọng yếu tại Pakistan đều nằm dưới sự kiểm soát của ông Nawaz Sharif. Mọi việc tưởng chừng cứ phát triển theo chiều hướng thuận, nào ngờ “vấn đề Kashmir” đã làm thay đổi tất cả.

Mâu thuẫn giữa giới quân sự với Thủ tướng Nawaz Sharif bắt đầu trở nên gay gắt kể từ khi ông ra lệnh rút quân đội ra khỏi khu vực Kashmir hồi tháng 7/1999 dưới sức ép của Mỹ.

Ngòi nổ của cuộc đảo chính xuất hiện sau khi Thượng tướng Pervez Musharraf cách chức Thiếu tướng Tariq Pervez vì ông có cuộc gặp gỡ riêng với Thủ tướng Nawaz Sharif.

Ngay lập tức, Thủ tướng Nawaz Sharif cách chức Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân kiêm Tham mưu trưởng Lục quân của Thượng tướng Pervez Musharraf, đưa Trung tướng Khawaja Ziaddin, người đứng đầu cơ quan tình báo lên thay mà không hề giải thích bất cứ một lý do nào.

Ban đầu, Thủ tướng Nawaz Sharif cũng nghĩ rằng, nhân dịp Thượng tướng Pervez Musharraf ra nước ngoài ra tay trước sẽ chắc phần thắng, nào ngờ kết quả lại quay ngoắt 1800 khiến ông không kịp trở tay.

Phát biểu trên Đài phát thanh và vô tuyến truyền hình hôm 13/10/1999, ông Pervez Musharraf đã chỉ trích Thủ tướng Nawaz Sharif để cho đất nước Pakistan rơi vào tình trạng bất ổn định và hỗn loạn về chính trị, xã hội và kinh tế rơi vào tình trạng suy sụp và đã tiến hành đảo chính.

Ngay sau khi biết tin về cuộc đảo chính, cựu Thủ tướng Benazir Bhutto đang sống lưu vong tại Anh cho rằng, Thủ tướng Nawaz Sharif vốn là “con người của khủng hoảng”, nhưng cuộc đảo chính tối 12/10/1999 đã nằm ngoài sự kiểm soát của ông - trong khi Thủ tướng đang tìm cách chính trị hóa quân đội thì ông lại bị nhấn chìm bởi chính kế hoạch này.

Sau khi cuộc đảo chính hôm 12/10/1999 qua đi, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như phải chăng Thủ tướng Nawaz Sharif đã quá tự tin vào quyền lực của mình hay ông đã thụ động, chủ quan và không thức thời trước những đổi thay của các nước lớn? Tại sao Mỹ biết trước cuộc binh biến sắp xảy ra tại Pakistan để báo trước cho Thủ tướng Nawaz Sharif?

Điều đáng nói là trước khi cuộc đảo chính diễn ra khoảng 3 tuần, Mỹ đã “đánh tiếng” về một cuộc động binh có thể xảy ra nếu cuộc xung đột giữa Thủ tướng Nawaz Sharif với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân kiêm Tham mưu trưởng Lục quân, Thượng tướng Pervez Musharraf không được cải thiện triệt để.

Theo tiết lộ của giới thạo tin, CIA biết trước cuộc đảo chính quân sự tại Pakistan tới mấy tháng, có điều họ không biết rõ ngày giờ cụ thể, do đó đối với Chính phủ Mỹ và nhất là những người lãnh đạo CIA cuộc đảo chính tối 12/10/1999 chẳng có gì là bất ngờ.

Ngay sau khi cuộc đảo chính thành công, Thủ tướng Nawaz Sharif đã trở thành mục tiêu chính của nhiều cuộc điều tra xung quanh những cáo buộc như gian lận thuế, thiếu nợ và âm mưu ngăn chặn chiếc máy bay chở Thượng tướng Pervez Musharraf hạ cánh.

Theo giới truyền thông, dưới sức ép của Thượng tướng Pervez Musharraf, cảnh sát nước này đã nhanh chóng bắt tay làm rõ vụ tham nhũng 100 triệu USD, rửa 40 triệu USD “tiền bẩn”, trốn 60 triệu USD tiền thuế thu nhập và 10 triệu USD tiền lạm dụng công quỹ mà Thủ tướng Nawaz Sharif có liên quan.

Được biết chiếc máy bay chở Thượng tướng Pervez Musharraf sáng 12/10/1999 chỉ có thể bay tiếp trong khoảng 48 phút là hết nhiên liệu. Tại thời điểm đó, đài quan sát ở sân bay Karachi đã hướng dẫn cho máy bay hạ cánh xuống Nawabusha, cách 220 km về phía đông bắc so với sân bay Dubai khi họ nhận được tin báo máy bay sắp hết nhiên liệu.--PageBreak--

Điều đáng quan tâm là bức điện tuyệt mật được đánh đi từ sân bay Karachi cho “ai đó” mà Trung tướng Khawaja Ziaddin, người đứng đầu cơ quan tình báo biết được khi máy bay của Thượng tướng Pervez Musharraf vẫn còn đang bay trên bầu trời: “Chỉ cần máy bay hạ cánh xuống Nawabusha, Thượng tướng Pervez Musharraf sẽ bị người của Trung tướng Khawaja Ziaddin bắt ngay. Do đó, máy bay không thể hạ cánh trước khi quân đội làm chủ tình hình tại sân bay”.

Ngay sau khi nhận được tin này, Quân đoàn số 10 đóng tại Karachi đã tiến vào chiếm giữ sân bay, khống chế đài quan sát. Chỉ tới lúc đó máy bay chở Thượng tướng Pervez Musharraf mới hạ cánh được xuống sân bay Karachi và khi đó nhiên liệu chỉ còn đủ cho 15 phút bay.

Ngay sau khi xuống máy bay vào tối ngày 12/10/1999, Thượng tướng Pervez Musharraf đã có cuộc họp khẩn cấp với các tướng lĩnh tại đây và đêm đó tất cả các điểm “nhạy cảm” đều nằm dưới sự khống chế của quân đội.

Nawaz Sharif là một trong những Thủ tướng chấp chính lâu nhất, là Thủ tướng được ca ngợi, ủng hộ nhiều nhất tại Pakistan. Ông Nawaz Sharif sinh ngày 25/12/1949 và bắt đầu tham chính từ năm 1981 khi được cử giữ chức phụ trách tài chính, rồi Bộ trưởng Thể dục - Thể thao.

Sau khi trở thành nghị sĩ Quốc hội (tháng 2/1985), ông được cử làm Chủ tịch Liên minh Dân chủ Islam. Tháng 11/1990, ông được bầu làm Thủ tướng Pakistan và gần 1 năm sau (tháng 9/1991) lại được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Ngày 18/4/1993, chính quyền của ông bị Tổng thống Pakistan ra lệnh giải tán. Và chỉ 1 ngày sau (19/4/1993), ông được bầu làm Chủ tịch Liên minh Muslim. Hơn 1 tháng sau (26/5/1993), Tòa án Tối cao Pakistan ra lệnh khôi phục lại chức Thủ tướng cùng nội các của ông Nawaz Sharif.

Ngày 18/7/1993, ông Nawaz Sharif tuyên bố từ chức Thủ tướng. Và gần 4 năm sau (3/2/1997), ông Nawaz Sharif lại được bầu làm Thủ tướng cho đến khi bị đảo chính hôm 12/10/1999.

Tổng thống Pervez Musharraf và chặng đường phía trước

Khác với ba lần đảo chính quân sự trước, cuộc đảo chính quân sự tối 12/10/1999 đã diễn ra nhanh gọn, êm thấm. Lực lượng đảo chính không ban bố tình trạng khẩn cấp trong toàn quốc, Quốc hội không bị giải tán, Hiến pháp không bị hủy bỏ và Thượng tướng Pervez Musharraf, người lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự khi đó đã tiến hành nhiều cuộc thương đàm với Tổng thống Muhammad Tafiq Tarar về phương cách điều hành đất nước sau khi chính quyền của Thủ tướng Nawaz Sharif bị lật đổ.

Cho đến nay ông Pervez Musharraf vẫn đứng vững trên chính trường một phần nhờ biết điều tiết một cách hài hòa mối quan hệ phức tạp cả trong và ngoài Pakistan.

Và chính những nhượng bộ đầy sức thuyết phục của Tổng thống Pervez Musharraf vừa qua đang khiến cho nội bộ vốn mâu thuẫn của phe đối lập càng bị chia rẽ.

Trong khi cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, thủ lĩnh đảng Nhân dân Pakistan (PPP) hoan nghênh bước đi của Tổng thống Pervez Musharraf thì cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan -Nawaz (PML-N) lại muốn các đảng phái đối lập tẩy chay cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/1/2008.

Tuy nhiên, ông Nawaz Sharif cũng thừa nhận việc tẩy chay chỉ có hiệu quả khi các đảng đối lập lớn đoàn kết. Cho đến nay chẳng một nhà phân tích, bình luận nào dám khẳng định, tình hình Pakistan sẽ ổn định sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ và cuộc bầu cử đươc tiến hành trong hòa bình bởi sự thay đổi thất thường của các nhà chính trị đối lập.

Tuy ủng hộ những nhượng bộ của Tổng thống Pervez Musharraf, nhưng cựu Thủ tướng Benazir Bhutto vẫn bảo lưu quyền rút khỏi cuộc bầu cử nếu nó bị dàn xếp.

Nếu cựu Thủ tướng Benazir Bhutto liên kết với cựu Thủ tướng Nawaz Sharif chống lại Tổng thống Pervez Musharraf thì tình hình Pakistan không biết sẽ đi về đâu. Dù sao thì vị thế của Tổng thống Pervez Musharraf vẫn không bị ảnh hưởng lớn khi chưa có sự can thiệp của nước ngoài.

Tổng thống Pervez Musharraf sinh (tháng 8/1943) tại Ấn Độ, nhưng gia đình ông chuyển tới sinh sống tại thành phố Karachi, Pakistan ngay cuối năm 1943.

Năm 1964, ông bắt đầu cuộc đời binh nghiệp sau khi tốt nghiệp Học viện quân sự; đã từng giữ trọng trách tại lực lượng pháo binh, thiết giáp và bộ binh, đã từng được du học (tập huấn) 2 lần ở Anh, đã từng tham chiến 2 lần trong các cuộc xung đột Pakistan - Ấn Độ. Lần đầu được thưởng huân chương vì thành tích đặc biệt trong chiến đấu và lần thứ hai ông tham chiến trong lực lượng đặc nhiệm của quân đội Pakistan.

Ông Pervez Musharraf từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm trong quân đội, được thăng hàm Trung tướng năm 1995 sau đó là Thượng tướng. Được đề cử làm Tham mưu trưởng lục quân ngày 7/10/1998 và tháng 4/1999, ông được cử giữ thêm chức Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Sau cuộc đảo chính tối 12/10/1999, ông Pervez Musharraf lên nắm quyền điều hành đất nước cho tới hôm nay

Trường Giang (tổng hợp)
.
.