Pavel Fitin – Người hồi sinh Tình báo đối ngoại Xôviết

Thứ Ba, 05/11/2019, 06:13
80 năm trước đây, ngày 13-5-1939, Pavel Mikhailovich Fitin được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết, trở thành một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất trong lịch sử của cơ quan mật vụ này.

Bất chấp tình hình đặc biệt khó khăn và phức tạp cả trong nước và trên thế giới, Fitin đã thành công trong việc biến Cơ quan tình báo Xôviết trở thành một bộ máy làm việc hiệu quả không ngừng nghỉ. Không nhiều người biết chính ông đã được hóa thân vào điện ảnh qua nhân vật Alex – Trung tướng Vladimir Gromov – trong bộ phim nổi tiếng “17 khoảng khắc mùa xuân”.

Người xuất hiện đúng thời điểm

Thời điểm cuối những năm 1930 là một trong những giai đoạn phức tạp nhất trong lịch sử các cơ quan mật vụ Xôviết. Lực lượng này phải trải qua một làn sóng thanh trừng dưới thời lãnh đạo của Yagoda và Ezov, khiến cho nhân lực và khả năng hoạt động bị suy giảm đáng kể. Phải đến khi Lavrentia Beria lên nắm cương vị Dân ủy nội vụ, vị trí điều hành trực tiếp các cơ quan mật vụ, tình hình mới trở nên dần sáng sủa hơn. Beria quan tâm đầu tiên đến việc hồi sinh Cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết.

Nhà tình báo Pavel Fitin.

Vào thời điểm đó, Tổng cục An ninh quốc gia (GUGB) thuộc Bộ dân ủy nội vụ Liên Xô (NKVD) chính là cơ quan phụ trách hoạt động tình báo đối ngoại. Điều Beria trăn trở nhất chính là tìm được một nhân vật thích hợp để đảm trách việc điều hành và hồi sinh hoạt động của GUGB. Sau một vài lần thay đổi tạm thời cương vị quan trọng này, Beria cuối cùng đã tìm ra được một ứng cử viên thích hợp.

Ngày 13-5-1939, Stalin ký quyết định bổ nhiệm Pavel Fitin làm chỉ huy trưởng Cục 5 của GUGB, sau khi được đích thân Beria đứng ra tiến cử. Dưới con mắt của Beria, một nhân vật mới có 31 tuổi như Fitin được đánh giá là một chuyên gia kiệt xuất, không chỉ với vai trò là một điệp báo viên chuyên nghiệp, mà còn là một nhà tổ chức, nhà lãnh đạo tài năng. Pavel Fitin được coi là một đại diện điển hình của thế hệ lãnh đạo trẻ tài năng do Stalin cất nhắc.

Fitin sinh ngày 15-12-1907 tại làng Ozogina (tỉnh Kurganski) trong một gia đình thuần nông. Ngay từ khi còn thanh niên, Fitin đã thể hiện là một con người tài năng và đầy nhiệt huyết, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của đoàn thanh niên. 

Ông được kết nạp vào đảng từ năm 1927, khi mới có 19 tuổi. Năm 1932, Fitin tốt nghiệp khoa Công trình của Học viện nông nghiệp Timiriazev. Sau đó, ông có thời gian làm kỹ sư trong Phòng thí nghiệm máy nông nghiệp thuộc Viện điện cơ khí nông nghiệp Moscow.

Tháng 3-1938, sau khi giới lãnh đạo Xôviết quyết định tìm kiếm chọn lọc các tài năng trẻ bổ sung vào các vị trí lãnh đạo tại các cơ quan an ninh, Fitin đã nhận được quyết định chuyển sang NKVD.

Sau một số khóa đào tạo cấp tốc về nghiệp vụ tình báo, Fitin vào tháng 11-1938 trở thành nhân viên thực tập tại Cục 5 của GUGB, nơi chuyên trách về hoạt động tình báo đối ngoại. Chỉ trong khoảng một năm, sự nghiệp của Fitin đã có những bước thăng tiến đến chóng mặt. Từ vai trò một nhân viên thực tập, ông đã trở thành cục phó Cục 5 của GUGB, trước khi chính thức trở thành cục trưởng theo quyết định của Stalin.

Được bổ nhiệm vào cương vị cực kỳ quan trọng ở tuổi còn rất trẻ, Fitin đã rất hăng hái bắt tay vào công việc để thể hiện mình. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được đặt ra đối với nhà lãnh đạo trẻ là phải xây dựng được một hệ thống đào tạo cán bộ tình báo có hiệu quả. Fitin cho chỉnh đốn lại Trường đào tạo tình báo đặc biệt, làm cơ sở về sau hình thành nên Học viện Cờ đỏ KGB, chuyên đảm trách việc đào tạo cán bộ cho tình báo đối ngoại Xôviết.

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Fitin, tình báo Xôviết đã rất nhanh chóng khôi phục lại được hoạt động của mình. Cho đến năm 1941, tình báo đối ngoại đã phát triển được 40 chi nhánh khác nhau với tổng số 240 điệp viên; tập trung tại những quốc gia có ý nghĩa quan trọng như Đức, Italy, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật… 

Chính nhờ mạng lưới mới khôi phục này, Fitin đã đích thân báo cáo cho Stalin về kế hoạch tấn công Liên Xô của phát xít Đức, cũng như về quan điểm của các cường quốc phương Tây. Các điệp viên Xôviết đã triển khai rất nhiều những nỗ lực khó tin để làm rõ thời điểm cũng như nội dung cụ thể của kế hoạch tấn công Liên Xô từ phía giới lãnh đạo phát xít Đức.

Những chiến công trong chiến tranh

Nhiệm vụ đặt ra đối với cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết trong những năm của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại là hết sức nặng nề. Cụ thể là có 3 nhiệm vụ chính được đặt ra đối với Fitin: thu thập thông tin về những gì đang diễn ra tại Đức, tại các quốc gia đồng minh, cũng như xác định các nước đồng minh phương Tây sẽ xây dựng bản đồ chính trị của thế giới sau khi kết thúc chiến tranh như thế nào.

Ngay cả khi không còn làm trong cơ quan mật vụ, Fitin chưa bao giờ tiếc nuối về những năm tháng cống hiến xuất sắc của mình.

Các điệp viên Xôviết phải căng mình ra hoạt động không chỉ tại các quốc gia là kẻ thù, mà còn cả tại các nước đồng minh. Moscow hiểu rất rõ, liên minh quân sự với Liên Xô đối với người Mỹ và Anh thực chất chỉ là giải pháp tình thế. Còn trên thực tế, họ đang ấp ủ những kế hoạch làm suy yếu, thậm chí nhằm phá hoại đất nước Xôviết.

Tất nhiên trong giai đoạn này, xu hướng hoạt động ưu tiên của tình báo đối ngoại vẫn là nước Đức. Trong các điều kiện bị săn lùng theo dõi sát sao, các điệp viên Xôviết vẫn hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của Fitin, cơ quan tình báo đối ngoại đã liên tục cung cấp cho giới lãnh đạo Xôviết những thông tin hết sức quý giá về các kế hoạch của Bộ chỉ huy quân đội Đức, về những dự án về khoa học kỹ thuật quân sự của Hitler, và cả về những cuộc đàm phán bí mật giữa phát xít Đức với các đồng minh.

Chẳng hạn khi những thông tin về khả năng đàm phán về một hiệp ước hòa bình riêng rẽ giữa Đức với Anh và Mỹ đã chuyển kịp thời đến tay Stalin, nhà lãnh đạo Xôviết đã gửi một bức thư cảnh báo cho cả Roosevelt và Churchill để ngăn chặn kịp thời âm mưu này. 

Còn trong quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị thượng đỉnh tại Yalta, Postdam và Tehran; Stalin nhờ có cơ quan tình báo đã xác định trước được những nội dung cần phải đạt được, cần phải yêu cầu phương Tây chấp thuận hay nội dung có thể thỏa hiệp. “Đó là giới hạn giấc mơ của bất kỳ cơ quan tình báo nào trên thế giới” – giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) là Allen Dulles đã phải thán phục thốt lên như vậy về những thành quả mà tình báo đối ngoại Xôviết đã khai thác được trong chiến tranh.

Theo sáng kiến của Fitin, trong thành phần cơ quan tình báo đối ngoại đã thành lập một ban thông tin đặc biệt – thực chất là một bộ phận chuyên về phân tích thông tin đầu tiên trong lịch sử các cơ quan mật vụ, chuyên tập hợp và phân tích thông tin từ mọi nguồn tin tình báo khắp nơi đổ về. Cũng chính trong giai đoạn này, Fitin đã chỉ đạo xây dựng những yêu cầu và phương pháp cơ bản của hoạt động phân tích thông tin tình báo, hiện vẫn là những cơ sở căn bản của hoạt động phân tích tổng hợp thông tin trong các cơ quan tình báo Nga.

Vai trò trong dự án nguyên tử

Khó có thể đánh giá hết vai trò của tình báo đối ngoại Xôviết trong dự án chế tạo vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Chính các điệp viên của cơ quan này là những người đầu tiên để mắt tới chủ đề hạt nhân. Như vào năm 1940, Leonid Kvasnikov, lãnh đạo bộ phận tình báo khoa học kỹ thuật đã để ý tới một hiện tượng, khi trên các tạp chí của Mỹ đều biến mất tăm mọi bài báo có liên quan đến chủ đề vật lý hạt nhân. 

Chứng nhận nhân viên an ninh danh dự Bộ dân ủy nội vụ Liên Xô của Fitin.

Điệp viên nhanh nhạy này ngay lập tức kết luận, chính vì những mục tiêu quân sự mà vật lý hạt nhân đã trở thành một chủ đề được giữ bí mật hết sức nghiêm ngặt. Kvasnikov báo cáo hiện tượng trên với Fitin và ngay lập tức nhận được sự tán đồng của ông. 

Thế là các chi nhánh tại Anh và Mỹ nhận được chỉ đạo phải tập trung theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến mới nhất trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt khi chúng có liên quan tới đề tài quân sự. Nhiệm vụ của họ là phải khai thác tối đa những thông tin cụ thể về các kế hoạch chế tạo vũ khí mới, về  những công trình nghiên cứu mới về kỹ thuật vật lý hạt nhân đang được triển khai tại Đức, cũng như các quốc gia đồng minh như Anh, Mỹ.

Nhờ hoạt động hết sức hiệu quả của tình báo đối ngoại, các nhà khoa học và kỹ sư Xôviết đã nhận được nhiều thông tin về các thành tựu kỹ thuật tiên tiến nhất tại phương Tây, nhờ đó giảm bớt đáng kể thời gian nghiên cứu của chính mình. 

Tháng 3-1943, Viện sĩ Igor Kurchatov, người được mệnh danh là cha đẻ dự án bom nguyên tử của Liên Xô đã có một lá thư cảm ơn gửi tới Beria, trong đó có đoạn: “Những tài liệu được trình lên tôi đã cho thấy chúng có một giá trị to lớn không thể đánh giá hết đối với đất nước và hoạt động nghiên cứu khoa học của chúng ta… Tài liệu đã giúp cho chúng tôi có được những định hướng đúng đắn cho quá trình nghiên cứu tiếp theo của mình..”. 

Có thể nói, việc Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử vào năm 1949, thay vì năm 1956 như người Mỹ vẫn dự tính, là nhờ vào sự đóng góp rất lớn của các nhân viên tình báo dưới quyền Fitin. 

Chưa kể trong thời gian này, họ cũng khai thác được rất nhiều tài liệu mật quan trọng về các lĩnh vực chế tạo máy bay, xe tăng, chế tạo máy và các vấn đề khoa học kỹ thuật nói chung. Cần nói thêm, nếu như Liên Xô không nhanh chóng có được vũ khí hạt nhân, Mỹ và Anh nhiều khả năng sẽ nhanh chóng tấn công nước này ngay sau khi đánh gục nước Đức phát xít.

Những thăng trầm trong sự nghiệp

Có thể nói 7 năm lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại của Fitin là những năm tháng phức tạp nhất nhưng cũng thành công nhất trong lịch sử của cơ quan này. Tháng 5-1946, Trung tướng Pavel Fitin (khi đó mới 38 tuổi) được điều sang làm thứ trưởng đặc quyền của Bộ An ninh quốc gia tại khu vực do Liên Xô kiểm soát tại Đức. 

Đài tưởng niệm Fitin tại trụ sở Cơ quan tình báo đối ngoại Nga.

Một năm sau, ông lại bị điều chuyển làm Phó đại diện Bộ An ninh quốc gia tại tỉnh Sverdlovsk, nơi đang hình thành một loạt những xí nghiệp quan trọng nhất của Liên Xô trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân. Nhiệm vụ của Fitin vào thời điểm này không còn là khai thác thông tin về loại vũ khí mới tại phương Tây, mà là bảo đảm an toàn và bí mật cho các cơ sở quan trọng của Liên Xô tại khu vực này. 

Sau một vài lần thuyên chuyển nữa, Fitin đã bị gỡ bỏ mọi chức vụ liên quan đến cơ quan an ninh với lý do “không phù hợp với nhiệm vụ”. nguyên nhân chủ yếu là do quan chức đỡ đầu của ông là Lavrentia Beria bị bắt giữ vào năm 1953. Pavel Fitin qua đời vào ngày 24-12-1971 ở tuổi 63. 

Mãi về sau này, những công lao to lớn của ông đối với Cơ quan tình báo đối ngoại Xôviết mới được chính thức ghi nhận. Ngày 10-10-2017, một đài tưởng niệm dành riêng cho ông đã được chính thức khánh thành ngay tại trụ sở của Cơ quan tình báo đối ngoại Nga.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.