Phóng viên ảnh chiến trường

Thứ Tư, 01/11/2017, 19:22
Đó là lời của bạn bè, đồng đội đã ban tặng cho tác giả bài viết này từ khi còn hoạt động ở chiến trường Nam bộ, cũng như ngày nay, khi những tấm ảnh xưa cũ thời chinh chiến được xuất hiện trên nhiều ấn phẩm của Báo Công an nhân dân. Lời đồng đội chỉ chính xác “cái vế chiến trường”. Còn cái danh phóng viên ảnh thì không dám, bởi sẽ mang tiếng vơ vào, ngộ nhận!


Là một cộng tác viên lâu năm của Báo Công an nhân dân (từ thời báo chỉ phát hành nội bộ tới nay). Nhân kỷ niệm truyền thống 71 năm của tờ báo mình yêu thích, gắn bó - mảnh đất gieo mầm văn chương cho nhiều cây viết trong Lực lượng công an mà trong đó có bản thân mình, xin được tâm sự đôi điều cùng bạn đọc về cái nghề nhiếp ảnh nghiệp dư thời bom đạn ở chiến trường.

Điều không ngờ tới

Năm 1961, tôi trúng tuyển bộ đội, vào lính pháo binh. Gần 4 năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc. Chuyển ngành về tỉnh ủy Sơn Tây, rồi được cử đi học lớp nghiệp vụ do Văn phòng Trung ương mở để đi công tác tại sứ quán ta ở nước ngoài.

Trần Minh Tâm (cán bộ H67) theo dõi hoạt động của địch tại căn cứ An Phước, Châu Thành, Bến Tre (năm 1972)

Lớp học có hơn 200 người, tất cả đều là đảng viên được chọn lựa từ các địa phương. Sau đợt Mỹ ném bom miền Bắc (tháng 8/1964), lớp lính cũ chúng tôi đều xung phong tái ngũ. Tôi nằm trong danh sách hơn 30 người được Cục II (Tình báo quân đội) tuyển chọn, huấn luyện để đưa vào chiến trường miền Nam.

Tôi và Nguyễn Văn Giai được bố trí về huấn luyện tại một ngôi nhà “mật” ở phố Hàng Bè (Hà Nội). Cứ một thầy, hai trò cho tới hết khóa học.

Buổi học đầu tiên, anh Long (cán bộ phụ trách chúng tôi) đưa tới một thầy và nêu vấn đề: “Các đồng chí tập trung tinh thần học cấp tốc một số môn nghiệp vụ cơ bản. Môn đầu tiên có ý nghĩa thiết thực mà sau này các đồng chí thường xuyên sử dụng. Vì vậy, thời gian sẽ ưu tiên hơn. Đó là môn nhiếp ảnh...”.

Trái tim tôi như muốn vượt khỏi lồng ngực. Thật là điều không ngờ tới. Không hiểu trời run rủi thế nào mà “cái nghề sang trọng” ấy bỗng chốc lại đến với tôi. Vì thế mà môn học này tôi tiếp thu “hơi bị” nhanh. Chỉ sau 2 tuần lễ, từ một người mù tịt về nhiếp ảnh, chúng tôi có thể làm được tất cả các loại ảnh với bao công đoạn.

Trần Văn Chót và Đoàn Thị Thêm trong ngày cưới tại căn cứ An Đức

Từ mở máy, lắp phim, điều chỉnh cự ly, ánh sáng, bấm máy, tua phim, tháo phim... Rồi phương pháp chụp tài liệu, chụp chân dung, phong cảnh... cho tới pha thuốc hiện hình, giữ hình, tráng phim trong buồng tối, tráng phim ban ngày trong túi đen. Rồi sấy phim, in ảnh, phóng và sấy ảnh, đọc phim tài liệu qua kính lúp... chừng ấy thứ, đối với nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì chẳng có gì đáng nói. Song, đối với chúng tôi thì quả là kỳ công, tuyệt hảo.

Những bức ảnh thời chinh chiến

Ấy là tôi muốn nói tới những bức ảnh của đám nghiệp dư chúng tôi. Không dám mảy may so sánh với các nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh bay trong lửa đạn để có những bức ảnh sống động của quân ta.

Mười năm ở chiến trường Nam bộ (1965-1975) tôi đã công tác ở các cụm tình báo chiến lược (B48, B49 và H67). Phương án vào hoạt động hợp pháp tại đô thành Sài Gòn bị kẹt bởi quân đội Sài Gòn giai đoạn đó thực hiện nhiều đợt bắt quân dịch.

Dẫu rằng tổ chức đã chuẩn bị rất chu đáo cho tôi về mặt thủ tục - bình phong chức nghiệp lính pháo binh thuộc Sư đoàn 7 quân đội Liên hiệp Pháp (đội lốt một người lính quê Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương).

Năm 1954 tập kết vào Trà Vinh. Có giấy khám sức khỏe với lời ghi của đốc-tờ: “Yêu cầu cho giải ngũ vì bệnh tim” về cư ngụ tại Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương. Với nghề nghiệp Giáo sư bậc trung học (chính quyền Sài Gòn thời đó, dạy bậc trung học người ta đều gọi là giáo sư). Về tuổi đời, mọi giấy tờ đều ghi tăng 7 tuổi so với tuổi thực của tôi.

Song, nhìn tướng hình, dáng bộ thì chẳng che giấu được. Vả lại, các đợt đôn quân, bắt lính, dù có ghi bao thứ bệnh tật thì họ vẫn cứ kiểm tra lại. Con đường trở thành lính “Việt Nam Cộng hòa” là cái chắc. Vì vậy, tôi được đưa về công tác tại bộ phận căn cứ.

Được lãnh đạo giao nhiệm vụ nghiên cứu, tập hợp tin tức từ các lưới điệp báo nội thành để chuyển về trung tâm; tiếp xúc, cảm hóa để xây dựng lực lượng bí mật; phối hợp với cấp ủy địa phương làm công tác vận động quần chúng diệt ác, phá kìm, phá khu gom dân trở về vườn cũ, nhà xưa; phối hợp du kích địa phương chống càn giữ đất...

Tài liệu, tin tức điệp báo gửi về căn cứ thời đó qua mấy hình thức: Viết tay, được ngụy trang bằng bí danh, bí số; viết tay bằng mực bí mật trên các lề sách, báo; qua phim ảnh... Tất cả đều do lực lượng giao thông viên đem về. Những tài liệu nguyên bản, nhiều trang, hàm chứa nội dung quan trọng, hầu hết sử dụng hình thức phim ảnh. Vì vậy, bộ phận căn cứ của các cụm tình báo phải có cán bộ thành thạo nghề ảnh.

Căn cứ bám trụ của các đơn vị tình báo, an ninh thời đó thường ở vùng giáp ranh với địch, nên việc làm ảnh cực kỳ khó khăn, chủ yếu thực hiện dưới hầm, đề phòng bom, pháo của địch.

Để có đầy đủ một bộ đồ nghề dã chiến về nghề ảnh không phải chuyện dễ dàng. Phải thông qua một cơ sở bí mật nội thành biết nghề ảnh mua giúp. Việc chuyển về căn cứ an toàn còn khó khăn hơn bởi các cửa ngõ vào vùng giải phóng đều bị phong tỏa, phải qua rất nhiều trạm kiểm soát. Những dụng cụ tráng phim, thuốc hiện hình, giữ hình tới phim và giấy in ảnh... họ phát hiện thì người vận chuyển sẽ bị bắt như chơi.

Về ánh sáng khi in và phóng ảnh, chúng tôi phải dùng đèn pin. Dùng bếp than để sấy ảnh. Tất cả các công đoạn đều thực hiện vào ban đêm, kể cả thông tin liên lạc bằng điện đài về trung tâm, bởi ban ngày phải lo đối phó với càn quét của địch.

Làm ảnh thời đó nhiêu khê lắm. Nhiều khi đến thót tim. Tôi nhớ một lần ở chiến trường miền Đông Nam bộ, căn cứ bám trụ của đơn vị ở vùng Thanh An, Bến Chùa. Chuyến giao thông đặc biệt từ Sài Gòn chuyển về 8 cuốn phim chưa tráng.

Đó là tài liệu quan trọng do điệp viên “gạo cội” của đơn vị thu được từ bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Dù đã tráng phim dưới hầm, tôi vẫn cẩn thận thao tác trong túi đen. Cuộn phim cuối cùng vừa thả vào hộp thuốc hiện hình thì một loạt pháo của địch từ căn cứ Đồng Dù dội tới làm tung cả nắp hầm kỹ thuật.

Dứt đợt pháo, anh em đơn vị lao tới, ánh đèn pin loang loáng phía trên. Tôi vội thét lên: “Tắt đèn! Tắt đèn ngay! Tớ vẫn đang sống nhăn, không việc gì đâu”. Rất may, khu vực bếp Hoàng Cầm an toàn, nhờ vậy mới có chỗ sấy phim. Chúng tôi mừng rơi nước mắt bởi 8 cuộn phim chất lượng đều tốt.

Sau tết Mậu Thân, địch đánh phá ác liệt chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Nhiều chuyến liên lạc giữa các lưới điệp báo nội thành gián đoạn. Theo lệnh của cấp trên, các cụm đều chuyển căn cứ bám trụ về Đồng bằng sông Cửu Long (miền Trung và Tây Nam bộ) để đánh lạc hướng theo dõi của địch.

Đơn vị chúng tôi về địa bàn xã An Phước, Châu Thành, Bến Tre. Về đồng bằng, đỡ được cái nạn B52, xe tăng, xe ủi, nhưng phải hứng chịu cảnh sông nước, kênh rạch đan dày, cảnh càn quét triền miên, có khi suốt ngày dầm mình dưới nước.

Bảo đảm an toàn cho bộ đồ nghề chụp ảnh thật nhiêu khê. Cái khó ló cái khôn, vớ được chiến lợi phẩm là cái thùng đựng đạn đại liên của địch, tất cả máy ảnh, phim, giấy ảnh bỏ vào đó, đậy nắp lại, vùi xuống mương, rạch là an toàn tuyệt đối, cả tháng sau đem lên cũng không sao.

Tiệc trà đầu năm, Xuân Quý Sửu tại căn cứ An Phước, Châu Thành, Bến Tre

Ngoài việc sử dụng kỹ thuật ảnh phục vụ công  tác nghiệp vụ, đôi  khi cũng sử dụng phục vụ sinh hoạt của đơn vị trong dịp lễ, tết, đám cưới của anh em. Giữa chiến trường ác liệt, đôi uyên ương không áo cưới, không tiệc tùng đình đám, chỉ liên hoan tiệc trà, nhưng có được một tấm ảnh cưới, dẫu chỉ là ảnh trắng đen cũng là hạnh phúc lắm rồi.

Đối với chúng tôi, những bức ảnh thời đó trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chinh chiến của mình.

Khổng Minh Dụ
.
.