Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014):

“Sáng trong như ngọc một con người…”

Thứ Năm, 02/01/2014, 19:55

Tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng hiện vẫn còn bản tiểu sử của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ghi ngày soạn là 7/7/1967, trong đó có đánh giá: "Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và liên tục. Ở đồng chí đã luôn luôn nổi bật ý chí đấu tranh kiên cường, tinh thần cách mạng tiến công; đồng chí là một cán bộ lãnh đạo nhiều tài năng và nghị lực, đã đóng góp xuất sắc vào việc vận dụng và quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng và đã đóng góp tích cực vào những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta...".

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh sinh ra trong một gia đình bần cố nông ở thôn Niệm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ngay từ nhỏ, đồng chí đã thể hiện tinh thần yêu nước qua các hoạt động vì nghĩa và sớm tham gia cách mạng. Và cũng ngay từ thời trẻ, phong độ của một nhà lãnh đạo lớn đã bộc lộ ở anh thanh niên Nguyễn Vịnh (tên thật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

Đồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, từng gặp gỡ với Nguyễn Vịnh từ năm 1937, trong phong trào hoạt động của thanh niên yêu nước Huế. Và qua những "Lửa thử vàng" đầu tiên của cuộc đời cách mạng, đồng chí Hoàng Anh đã nhận thấy  trong vị Đại tướng tương lai một "con người đầy nhiệt tình cách mạng, sôi nổi trong sáng... hiên ngang trước kẻ thù, chân tình, cởi mở và chan hòa với anh em bạn bè, được mọi người tin yêu mến phục".

Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Năm 1950,  đồng chí được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và sau đó một năm, được bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng. Đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội,  từng được biết đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ năm 1947 và sau này, đã được làm việc cùng suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ.

Sau này, đồng chí Lê Quang Đạo đã đúc kết những bài học từ Đại tướng: "Chúng tôi học tập ở anh cách làm việc coi trọng nghiên cứu lý luận, khoa học, điều tra, khảo sát thực tế, tìm tòi sáng tạo cách giải quyết những vấn đề khó khăn,  những vấn đề mới nảy sinh. Đặc biệt anh có tác phong rất quần chúng, gần gũi, quý trọng anh em, rất dân chủ, rất sâu sát lắng nghe ý kiến mọi người, từ đó đúc rút ra được nhiều ý kiến hay.

Đối với anh Thanh tha hồ tranh luận, nhưng anh cũng kiên quyết giữ ý kiến và thuyết phục mọi người những vấn đề anh thấy là đúng. Anh có ý kiến độc lập về những vấn đề lớn, nhưng khi ý kiến còn chưa thống nhất, anh biết chờ đợi để giữ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Làm việc với anh Thanh, anh em chúng tôi đều thấy thoải mái, chan hòa, chân tình, tin cậy, dù có khi còn có ý kiến khác nhau. Khi vấn đề đã được tập thể kết luận, nhất là các vấn đề đã có nghị quyết của Trung ương Đảng, của tập thể Tổng Quân ủy, anh chấp hành và đôn đốc thực hiện rất nghiêm túc, triệt để. Nhưng khi phát hiện có sai lầm, anh cũng thẳng  thắn nêu vấn đề với tổ chức...".

Đồng chí Lê Quang Đạo cũng nhận xét: "Tôi đồng ý với rất nhiều đồng chí nhận xét rằng, đức tính nổi bật nhất của anh Thanh là tinh thần cách mạng tiến công. Bất cứ ở đâu, bất cứ nhiệm vụ gì dù khó khăn nguy hiểm, phức tạp đến đâu, anh cũng không bao giờ lùi bước mà tìm cách làm cho bằng được. Anh Thanh lúc nào cũng rừng rực ngọn lửa cách mạng, với tư thế luôn luôn sẵn sàng xốc tới, nhất là khi đánh Mỹ...".

Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nhấn mạnh:

"Cần chỉ ra rằng bản lĩnh và nhân cách lãnh đạo gắn bó hữu cơ với phong cách sống và làm việc của đồng chí.

Sở dĩ lời nói của đồng chí có sức nặng, có tính thuyết phục: một là, nó được đề ra sau một quá trình tìm hiểu thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của quần chúng, là kết quả của một công phu tìm tòi, nghiên cứu và thể nghiệm, nói có sách mách có chứng.

Hai là, nói và làm thống nhất, miệng nói tay làm, làm theo điều mình nói, mà đã làm là làm đến nơi đến chốn, không chập chờn, do dự.

Ba là, tác phong gương mẫu, nói về đạo đức thì bản thân đồng chí cũng là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chan hòa gần gụi quần chúng, sống giản dị, trong sạch, trong nếp sống và gia đình cũng làm như vậy.

Đồng chí là con người năng động sáng tạo, đi đến đâu là khuấy động phong trào cách mạng ở đó. Những cao trào phục vụ chiến dịch thời kháng chiến, phong trào Ba Nhất, Đại Phong, Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt... đều gắn với tên tuổi đồng chí. Đồng chí trân trọng những cái mới nảy sinh, cố gắng nhân rộng nó ra, nhìn trước xu hướng phát triển của kháng chiến để biến khả năng thành hiện thực.

Đồng chí là một con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...".

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, từng có một cuộc làm việc với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ba ngày trước khi Đại tướng  đột ngột qua đời. Và đồng chí Đồng Sỹ Nguyên về sau đã nhớ lại:

"Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên về lần làm việc cuối cùng với anh Nguyễn Chí Thanh. Cuối tháng 6/1967,  Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh triệu tập một số cán bộ trong Bộ Tư lệnh Trường Sơn về Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện mùa khô năm 1967 và nhận nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch năm 1968. Chiều 2/7/1967, tôi về đến Hà Nội.

Trong lúc ăn cơm tối, vợ tôi nói: Anh Nguyễn Chí Thanh gặp em ngay trước cổng nhà ta,  anh ấy hỏi thăm anh rồi hỏi em: Đã khỏi đau khớp chưa? Em trả lời: Thưa anh, chưa ạ! Sau đó một lúc, anh Thanh cho người đưa sang cho em một lọ mật gấu, dặn hễ thấy lúc nào đau thì lấy mà xoa bóp. Lúc ấy gia đình tôi ở số nhà 91, gia đình anh Thanh ở số nhà 34, cùng phố Lý Nam Đế, chỉ cách nhau hơn 100 mét.

Tôi biết tính anh Thanh, gặp mặt là bắt ngay vào việc, nên hôm sau tôi phải chuẩn bị một ít số liệu, đề phòng anh hỏi. Tối ngày 3/7/1967, tôi sang thăm anh Thanh. Tôi chưa biết ba hôm nữa anh lại trở vào Nam. Vừa bước chân vào khỏi cổng, tôi gặp anh ngay. Anh nói: "Tôi đang muốn gặp anh. May quá, anh về lúc nào?". Tôi trả lời: "Thưa anh, tôi về tối hôm qua". Anh hỏi: "Nghe nói công việc trên tuyến chi viện đường Hồ Chí Minh chuyển biến tốt phải không?". Tôi trả lời: "Thưa anh, mới bắt đầu". Anh nói: "Tôi sắp vào nên cần biết một số tình hình trên tuyến chi viện”.

Sau khi nghe tôi báo cáo vắn tắt về tình hình địch, ta, kết quả mọi mặt mùa khô năm 1967 trên tuyến và những khó khăn biện pháp cần tháo gỡ. Anh nói: "Thế là tôi biết thêm một số cứ liệu để khi vào, sẽ làm kế hoạch cho các chiến trường miền Nam. Tôi ra đây đã báo cáo tình hình địch, ta trên các chiến trường miền Nam cho Bác, anh Ba (đồng chí Lê Duẩn - TG), anh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chính trị. Nhân gặp anh đang phụ trách tuyến chi viện cho các chiến trường, vừa là một hướng chiến trường đặc biệt, một căn cứ chiến lược của các chiến trường miền Nam Việt Nam, Trung - Hạ - Lào, Đông - Bắc - Campuchia, công việc của anh có quan hệ chặt chẽ với chúng tôi...

Vì lẽ đó - anh Thanh nói tiếp: Tôi muốn nói cho anh rõ phương pháp đánh giá địch, ta. Trong chiến tranh lúc thắng, lúc thua lẽ thường tình. Nhưng điều quan trọng là thắng lợi cuối cùng thuộc về ai. Đó là vấn đề bản chất của cuộc chiến tranh. Ta có chính nghĩa, với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết chiến quyết thắng, với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương, cuộc đấu tranh nhất định thắng lợi.

Việc đánh giá địch, ta trên chiến trường miền Nam và chiến lược, sách lược đối phó ở thời kỳ này tuy khá phức tạp, nhưng so với cách đánh giá địch, ta và chiến lược, sách lược đối phó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Bộ Chính trị thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám thì khi ấy khó khăn, phức tạp, hiểm nghèo hơn rất nhiều. Đối thủ của ta mỗi thời có khác nhau, nhưng nói chung đều là thực dân cả, chỉ khác là thực dân cũ và thực dân mới mà thôi...".--PageBreak--

Hai ngày sau buổi làm việc trên đã xảy ra một chuyện đau đớn. Đại tá, bác sĩ Nguyễn Thị Bảo, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa A3 Viện Quân y 108, nhớ lại rằng, trưa ngày 5/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã ăn cơm cùng với Bác Hồ và nghe Bác dặn dò thêm một số điều. Chiều hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng ăn cơm và trao đổi thêm nhiệm vụ.

Về nhà, Đại tướng còn làm việc thêm với các đồng chí  đang giữ những trọng trách trong quân đội như Song Hào, Lê Quang Đạo, Phạm Ngọc Mậu và cả đồng chí Vũ Tuân từ Văn phòng Trung ương Đảng... Tới 11 giờ đêm, đồng chí mới được nghỉ và dành thời gian trò chuyện, dặn dò vợ con trước lúc trở lại chiến trường miền Nam. Và chuyện không lành đã xảy ra:

"Khoảng 3 giờ sáng, anh Chắt bảo vệ đến nhà dưới đánh thức bác sĩ Thuận - người phụ trách sức khỏe riêng của anh Thanh, thấy anh Thanh kêu đau tức ngực và nóng ran trong bụng như cào xé. Bác sĩ Thuận đo huyết áp: 140/80, mạch 80 nên khuyên anh nằm yên để mời kíp cấp cứu Viện 108 đến nhà. Anh bảo bác sĩ Thuận gọi điện đi báo cáo Trung ương tình trạng anh bị ốm bất ngờ. Bác sĩ Thuận đưa anh lên xe ôtô. Trên xe, trong tư thế nằm, anh vẫn nói chuyện với anh Chắt bảo vệ và anh Thuận. Xe đến phòng cấp cứu Viện Quân y 108, bác sĩ Thuận đề nghị đưa cáng ra khiêng anh vào giường.

Anh Thanh đùa: "Chú Thuận chúa hình thức, quan trọng hóa", rồi anh ngồi dậy đi thẳng vào buồng cấp cứu. Ở đó đã có Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh và bác sĩ Phạm Tử Dương ra đón ngay. Anh Thanh vừa ngồi xuống giường rồi nằm xuống, tự nhiên anh phát ra một tiếng "ặc", mặt và toàn thân tím ngắt. Các bác sĩ xoa bóp ngoài lồng ngực, tiêm các thuốc trợ tim, điều trị cấp cứu tích cực nội khoa, nhưng không kết quả. Thế là các nhà chuyên môn phải chuyển anh lên phòng mổ can thiệp ngoại khoa mở lồng ngực, kích thích trực tiếp vào tim do giáo sư Phạm Gia Triệu và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản thực hiện.

Ngay sau đó, các đồng chí Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Tôn Thất Tùng và bao nhiêu chuyên gia tim mạch trong và ngoài quân đội đến đầy đủ để tham gia cấp cứu anh. Nhưng tim anh vẫn chỉ co bóp rời rạc. Đến 9 giờ sáng ngày 6/7/1967, tim anh ngừng đập và anh đã tắt thở hoàn toàn, với chuẩn đoán cuối cùng nhồi máu cơ tim (gây cơn đau ngực, lan xuống động mạch chủ bụng, gây chết đột ngột...).

Lễ tang anh, người đến viếng rất đông, ai ai cũng mắt đỏ hoe vì quá thương tiếc anh. Đặc biệt, khi Bác Hồ đến viếng, Bác lau nước mắt thì nhiều người khóc nấc lên...".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, khi còn sống đã nhận xét về đồng chí Nguyễn Chí Thanh:

"Anh là một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, xông xáo, năng động, sáng tạo. Anh hết lòng thương yêu nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội. Anh là một con người bản tính cương trực, thẳng thắn, có tác phong quần chúng, giản dị, sâu sát thực tiễn, luôn học tập tìm tòi nghiên cứu. Anh đã có những đóng góp vào sự phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng...".

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu.

Không chỉ là tấm gương sáng trong công việc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn là một nhân cách lớn, trong như pha lê trong mọi sinh hoạt đời thường. Đồng chí Lê Quang Đạo hồi tưởng: "Là người có tài năng, nhưng anh rất khiêm tốn. Trong tâm sự với những người thân thiết cũng như trong hành động thực tế, anh không để các vấn đề địa vị, cấp bậc, chức vụ, danh vọng cá nhân làm vẩn đục tâm hồn trong sáng và cao thượng của mình. Đối với anh, làm chức vụ gì, giữ cấp bậc gì cũng được, tùy tổ chức phân công, cốt sao làm được nhiều nhất, tốt nhất cho dân, cho nước. Anh không mưu cầu lợi ích gì riêng cho mình. Anh luôn quan tâm tới mọi người từ việc lớn đến việc nhỏ, việc chung đến việc riêng...

Anh sống rất giản dị, không ưa những nghi thức long trọng. Khi ra làm nông nghiệp, một lần đến một hợp tác xã ở một vùng Công giáo, có đội kèn đồng của nhà thờ thổi kèn đón Đại tướng. Bị bất ngờ, anh bảo đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra nhận chào đón, còn anh thì lặng lẽ vào sau. Anh theo gương Bác Hồ, luôn luôn coi trọng đoàn kết nội bộ, như giữ gìn con ngươi của mắt mình...". Nhà thơ Tố Hữu sau khi viếng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh năm 1967 đã viết những vần thơ tưởng niệm:

"Ôi sống như anh sống trọn đời,
Sáng trong như ngọc một con người.
Thanh ơi, anh mất rồi chăng đấy,
Cứ thấy như anh nở miệng cười...".

Tấm gương "sáng trong như ngọc một con người" của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho tới hôm nay vẫn còn đầy ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta. Không ngẫu nhiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nêu rõ: "Tôi nghĩ rằng nhớ tiếc và học tập anh Thanh, trước hết là học tập tinh thần cách mạng kiên cường, đạo đức trong sáng, một lòng một dạ vì nước, vì dân, sống cần kiệm giản dị, chống quan liêu, tham nhũng, để góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa..."

Minh Huyền
.
.