Số phận người lính Mỹ bị bỏ rơi 3 năm trên đảo Clipperton

Thứ Bảy, 22/09/2018, 07:40
Nhờ vào cuốn nhật ký cất kỹ dưới đáy rương được phát hiện sau cái chết của ông Peter Baggett, thế giới bàng hoàng khi biết tới câu chuyện bi thảm của một nhóm người, đa phần là phụ nữ và trẻ em, bị bỏ rơi trong ba năm trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Thái Bình Dương.

Vào một ngày cuối năm 1966, tại một thị trấn nhỏ của miền Tây nước Mỹ, quân đội cử hành tang lễ cho Peter Baggett, một ông già về hưu hiền hậu, người đã tận tụy phục vụ hải quân Mỹ trong thời gian 30 năm.

Nhờ vào cuốn nhật ký cất kỹ dưới đáy rương được phát hiện sau cái chết của ông, thế giới bàng hoàng khi biết tới câu chuyện bi thảm của một nhóm người, đa phần là phụ nữ và trẻ em, bị bỏ rơi trong ba năm trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Thái Bình Dương.

Cơ hội sống sót bị bỏ lỡ

Clipperton, hòn đảo nhỏ bé chỉ vỏn vẹn 6km², nằm ở một góc heo hút trên Thái Bình Dương, cách bờ biển Mexico 1.600 km. Người Anh phát hiện ra nó, người Pháp nắm quyền sở hữu nó, người Mexico đòi lại và chiếm đóng nó. Trên đảo không có cây cối gì đáng kể ngoài một vài rặng dừa thưa thớt. Loài động vật duy nhất nhìn thấy ở trên đảo là những con cua và những loài chim di cư đôi lúc ghé qua. Vùng biển xung quanh đảo đầy rẫy hiểm nguy với những con cá sấu luôn rình rập.

Đảo Clipperton ngày nay.

Nguồn sống duy nhất của những cư dân trên đảo là nguồn thực phẩm được tiếp tế từ đất liền 2 tháng một lần do tàu của quân đội Mexico đảm nhận. Toán lính đồn trú trên đảo bao gồm 13 người lính cùng với 8 phụ nữ với những đứa con nhỏ của họ. Đại úy Ramón De Arnaud, một người đàn ông nghiêm nghị, có gốc gác quý tộc là người chỉ huy toán lính này.

Ngày 25 tháng 6 năm 1914, chiến hạm Mỹ USS Cleveland của thuyền trưởng William cập bến đảo Clipperton. Williams đề nghị gặp đại úy Arnaud để thông báo tình hình. Đất nước Mexico đang trải qua những biến động dữ dội, quân đội Mỹ đã đánh chiếm toàn bộ bang Veracruz. Chính phủ tướng Huerta dường như không còn có thể trụ vững lâu hơn nữa… Bao trùm lên tất cả, đó là bầu không khí ngột ngạt nóng bỏng của một cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất sắp nổ ra. Tin rằng quân đội Mexico sẽ không còn khả năng gửi tàu mang theo đồ tiếp tế ra đảo, thuyền trưởng Williams đề nghị đại úy Arnaud cùng toàn thể đội quân đồn trú cùng gia đình hãy theo tàu trở về đất liền.

Được nghe từ chính miệng Williams thông báo sự kiện quân đội Mỹ đã đánh chiếm cảng Veracruz, Arnaud đã dứt khoát từ chối sự giúp đỡ của "kẻ thù" và quyết định sẽ bám trụ lại trên đảo. Quyết định này đã nhận được sự đồng thuận của toàn thể đội quân đồn trú.

Buổi chiều ngày 25 tháng 6 năm 1914, thời tiết trên đảo Clipperton đột ngột biến chuyển theo chiều hướng xấu, tàu USS Cleveland vội vã nhổ neo ra khơi sau khi trao tặng lại 137 hộp thức ăn dự trữ cho các cư dân trên đảo. Trong lúc vội vã khởi hành, tàu USS Clevend đã không nhận ra rằng một thành viên của thủy thủ đoàn đã bị bỏ rơi lại trên đảo: Hạ sĩ Peter Baggett.

Tìm con đường sống

Vào năm 1914, Peter Baggett là một chàng thủy thủ tráng kiện 28 tuổi. Sáng hôm đó, khi tàu cập bến, Peter cùng một vài thủy thủ lên bộ để đi tham quan đảo. Sự đón tiếp nồng nhiệt của đội quân đồn trú đã khiến anh lưu luyến ngồi nán lại ở túp lều của trung sĩ Velasquez, nhấm nháp thứ rượu vang tuyệt vời của Mexico và say sưa ngắm sắc đẹp bốc lửa của Carlotta, cô con gái trung sĩ…

Chợt nghe tiếng còi tàu rúc từ xa, anh choàng tỉnh cơn mơ màng, khi chạy ra đến cầu tàu thì chiến hạm USS Cleveland chỉ còn là một chấm nhỏ xíu ở nơi đường chân trời. Đại úy De Arnaud, một con người bình thường rất nghiêm nghị, vỗ vai anh an ủi: "Đừng lo, anh bạn trẻ. Hai tháng một lần sẽ có một chuyến tàu tiếp phẩm đến từ Acapulco, khoảng 15 ngày nữa nó sẽ tới. Từ Acapulco anh có thể đi nhờ những tàu đánh cá tới California và tìm về đơn vị".

Những người sống sót cuối cùng trên đảo Clipperton sau khi trở về đất liền.

Nỗi buồn phiền lo lắng của Peter Baggett cứ tăng dần. Sau 15 ngày tàu tiếp tế không đến; rồi hai, ba tháng trôi qua vẫn không thấy bóng dáng bất cứ con tàu nào, dù chỉ là đi ngang qua đảo.

Đó là một thời kỳ đặc biệt rối loạn trong lịch sử Mexico. Có những ngày, lần lượt ba tổng thống thay nhau lên nắm quyền rồi bị lật đổ. Hiển nhiên là bất cứ chính phủ nào khi lên cầm quyền, họ đều không quan tâm, hay nói đúng hơn là quên bẵng đi số phận đội quân đồn trú bé nhỏ trên đảo Clipperton.

Không có tiếp tế, tình hình lương thực trên đảo Clipperton ngày càng vơi dần khiến đội quân đồn trú phải tính toán, giảm thiểu khẩu phần ăn hàng ngày để cầm cự chờ có tàu đi qua. Nhưng kể từ sau khi chiến hạm USS Cleveland ghé qua đảo thì không có một con tàu nào khác xuất hiện trên biển. Thức ăn dù đã tiết kiệm đến mức tối đa nhất, rồi cũng cạn kiệt. Đội quân đồn trú tự nuôi mình bằng cá và dừa. Nhưng dừa lại gây ra bệnh lỵ.

Dưới sự lãnh đạo của đại úy Arnaud, một nguyên tắc cơ bản được tuân thủ nghiêm ngặt: dành ưu tiên thức ăn cho phụ nữ và trẻ em. Nhưng với chế độ đó, những người đàn ông gần như suy kiệt hoàn toàn. Sau 13 tháng, Peter Baggett bị sút đi một nửa trọng lượng cơ thể nhưng vẫn may mắn còn sống. Những người Mexico khác thì trái lại, từ 21 người nay chỉ còn 16 (không tính trẻ em).

Một buổi sáng, những người còn sống sót họp lại và quyết định chế tạo một cái bè. Họ hy vọng nó sẽ đến được Mexico hay một nước nào đó ở Trung Mỹ để kêu gọi hỗ trợ. Chiếc bè được chế tạo khá công phu tại một hồ nước mặn ven biển. Thời gian đóng bè gần 4 tháng vì mỗi ngày họ phải dành nhiều thời gian đánh bắt cá để khỏi chết đói. Những đứa trẻ 4-5 tuổi cũng phải lội bì bõm dưới nước tìm bắt những con cá nhỏ hoặc sò, ốc.

Sau một thời gian dài lưỡng lự, đại úy Arnaud ra quyết định: "Peter sẽ ở lại. Không thể mạo hiểm. Cần người đàn ông khỏe mạnh nhất ở lại để lo cho phụ nữ và trẻ em. Am hiểu vùng biển này, tôi sẽ đi cùng với trung sĩ Velasquez và những người đàn ông khác. Peter ở lại đây cùng hạ sĩ Cortez".

Tội ác và sự trừng phạt 

Cuộc sống của Peter, viên hạ sĩ Cortez cùng 8 người phụ nữ và 10 đứa trẻ được tổ chức lại. Những con cá đánh bắt được, nguồn thực phẩm quý giá duy nhất được góp chung lại và Peter Baggette là người đứng ra phân phối. Vào một buổi sáng, Carlotta bắt quả tang tay hạ sĩ Cortez đang rán vụng một con cá to. Cô báo cho Peter. Quá giận dữ, Peter nhẩy chồm vào hắn, khóa chặt tay và đè hắn xuống đất. Những người phụ nữ xúm lại. Họ quyết định phải trừng phạt Cortez. Có thể hiểu được cơn giận dữ của họ, trừ ba người, trong đó có Carlotta là không có con, những người phụ nữ còn lại đều có từ hai đến ba con, trong khi  Cortez lại là một gã đàn ông độc thân có sức khỏe.

Chiểu theo mức án kỷ luật mà đại úy Arnaud đã đặt ra trước đây, Cortez buộc phải quỳ xuống, mấy phụ nữ giữ chặt lấy hắn để Peter quất hắn bằng chiếc thắt lưng da. Sau roi thứ 5, những người phụ nữ buông hắn ra. Nhợt nhạt vì đau đớn và giận dữ, Cortez đứng dậy quát vào mặt Peter: "Mày sẽ biết tay tao". Hắn nhổ một bãi nước bọt xuống chân anh rồi quay sang những người phụ nữ thét lên: "Tất cả chúng mày rồi cũng sẽ phải đền tội". Sau đó hắn biến mất vào khu vực hoang vắng nằm sâu trong đảo.

Vài hôm sau, Peter phát hiện ra tất cả vũ khí, đạn dược của đội quân đồn trú đều đã biến mất, chỉ còn sót lại chiếc kèn hiệu lệnh. Peter chụp lấy chiếc kèn và thổi hiệu lệnh báo động để tập hợp những người phụ nữ lại. Tất cả có mặt trừ Senora Aquabo. Mọi người bổ đi khắp nơi tìm kiếm và thấy cô nằm ngất lịm ở gần một rặng dừa, quần áo rách bươm, môi chảy máu. Khi tỉnh lại cô kể rằng, Cortez đột ngột xuất hiện và tấn công khi cô đang lom khom nhặt dừa. Hắn dằn ngửa cô xuống đất, xé rách quần áo, quất roi rồi đá túi bụi vào đầu cô và cuối cùng đã hãm hiếp người phụ nữ khốn khổ này.

Peter nghĩ rằng viên hạ sĩ đã phát điên, anh quyết định đi tìm hắn. Vì hòn đảo không lớn nên anh nhanh chóng chạm mặt hắn. Nhưng chính viên hạ sĩ mới là kẻ đang rình anh phía sau cái nòng súng kê trên một cành củi khô. "Nếu mày cử động, tao bắn ngay", tay hạ sĩ nói và Peter tin rằng hắn sẽ làm. Hắn bắt Peter leo theo một đường dốc cheo leo tới một mỏm núi, vách đá dựng đứng, ở đó hắn rút thắt lưng đeo bao đạn quật túi bụi rồi lấy chân đạp anh rơi từ mỏm đá vào khoảng không.

Lăm lăm khẩu súng trên tay, các băng đạn quấn quanh người, Cortez nghênh ngang trở về làng, hắn tuyên bố đã giết chết anh lính Mỹ và tự xưng là "vua" của hòn đảo này. Hắn yêu cầu những người phụ nữ hàng ngày phải nấu cho hắn những con cá ngon nhất họ đánh bắt được. Buổi tối hắn sẽ chọn vào lều của bất cứ người phụ nữ nào hắn muốn để ngủ với họ. Nếu có trường hợp nào cưỡng lại hay chống đối, hắn sẽ bắn nát đầu một đứa trẻ.

Và từ đó mỗi đêm, người ta lại nghe thấy tiếng gầm gừ của tên hạ sĩ, tiếng khóc lóc của những người phụ nữ, tiếng roi quất đen đét cho đến khi họ bất tỉnh. Riêng Carlotta là hắn chưa đụng đến, chắc hắn muốn cô chứng kiến mọi sự đớn đau của người khác trước khi bị hắn tra tấn.

Rồi một ngày, để vực tinh thần của những người phụ nữ khác, Carlotta thổ lộ cái bí mật bấy lâu nay cô giấu kín : "Peter chưa chết, anh ấy chỉ bị gãy chân, đang trốn trong lều của em, khi nào đứng dậy được, anh ấy sẽ cứu tất cả chúng ta". Thực tế, khi đang rơi xuống từ vách đá, Peter may mắn bám được vào một mỏm đá nhô ra nhưng bị gãy chân. Anh trốn trong bụi rậm chờ lúc tối trời cố lết đến chiếc lều của Carlotta. Tin Peter còn sống được nhanh chóng lan truyền đến tất cả các phụ nữ trên đảo, họ bí mật tiếp tế cho anh, nóng lòng chờ lúc anh khỏe lại để trả thù và lấy lại công lý cho họ.

Rồi cũng đến lúc Cortez chọn Carlotta làm con mồi của hắn. Cô gái, dưới áp lực của họng súng đang chĩa vào mình và ánh mắt điên dại của tay hạ sĩ, đã phải vâng lời, nằm lên giường và để mặc hắn trói chân tay cô vào bốn góc gường. Như một con thú dữ, hắn lao vào cô gái.

Từ chỗ nấp, Peter lặng lẽ bò tới vươn tay với lấy khẩu súng, đúng lúc viên hạ sĩ quay mặt lại, hắn đá anh văng ra rồi lấy báng súng dội liên tiếp vào đầu. Người trả thù trở thành người bị khống chế. Những ngày sau đó, mỗi khi mặt trời lên, hắn lại lôi Peter ra buộc chân tay anh vào 4 cái cọc đóng giữa bãi đất trống để bêu nắng anh cả ngày.

Hắn nhúng một miếng da vào trong nước biển rồi quấn quanh cổ anh, nước biển bay hơi chậm chạm dưới ánh nắng, miếng da từ từ co lại thít chặt vào cổ người lính Mỹ; những lúc Peter sắp ngất vì ngạt thở, hắn lại tháo miếng da ra để nhúng nước biển rồi quấn tiếp vào cổ anh. Những lúc nổi cơn điên, hắn còn chạy đi lấy các mảnh san hô rạch nát gan bàn chân anh.

Một buổi tối, như thường lệ, Cortez kéo lê Peter trên đất đi về phía cái nhà kho cũ, nơi hắn giam giữ anh vào ban đêm. Peter bỗng cảm thấy đau ở vùng thắt lưng, anh phát hiện ra mình đang đè lên một miếng san hô. Rất nhanh chóng và kín đáo, anh dùng hai bàn chân kẹp lấy miếng san hô. Trong bóng tối của nhà kho nơi anh bị giam giữ, Peter đã dùng miếng san hô đó để cắt hết dây trói. Anh đi lục lọi khắp nơi và tìm được hai miếng sắt cũ đã han gỉ.

Sáng hôm sau khi Cortez mở cửa nhà kho, hắn thấy Peter vẫn đang nằm thiêm thiếp ở tư thế như mọi ngày, nhưng khi hắn vừa đặt súng xuống, Peter đã đứng vụt dậy, giáng hai miếng sắt vào đầu hắn với tất cả sức mạnh anh có thể có được. Viên hạ sĩ bị trói chặt và giam trong chính nhà kho cũ đó. Những người phụ nữ, sôi sục căm hận, đòi phải giết hắn ngay để tránh hậu họa, nhưng Peter đã cực lực phản đối: "Chúng ta phải đưa hắn ra tòa án để xử, nếu tự tay giết hắn, chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về tội ác này". Không thuyết phục nổi Peter, những người phụ nữ đành chấp nhận và ai về nhà nấy.

Vào một đêm, Peter bỗng choàng thức dậy. Có những tiếng rú kinh hoàng phát ra từ cái nhà kho nơi giam giữ viên hạ sĩ. Vẫn còn đang khập khiễng, anh vội vã lết đến đó. Cánh cửa nhà kho đóng chặt, chỉ có những tiếng rú kinh hoàng liên tục phát ra. Anh quyết định phá cửa. Một cảnh tượng khiến anh bàng hoàng: Tất cả các phụ nữ trên đảo, ngoại trừ Senora Aquabo, đều đang có mặt ở đây. Trong ánh đèn lờ mờ, anh nhìn thấy 7 người đàn bà đầu tóc bù xù, gương mặt giận dữ, ánh mắt căm thù cầm dao, cầm vồ vây xung quanh; còn Cortez nằm trên đất, cặp mắt lồi ra.  Peter ngăn họ lại nhưng đã muộn...

Một năm sau đó, trong một chuyến đi tuần tra ngang qua đảo Clipperton, chiến hạm Yorktow của Hải quân Mỹ của thuyền trưởng Perril nhận thấy có những tín hiệu cầu cứu phát ra từ trên đảo. Họ ghé lại và tìm thấy trên đảo 5 người phụ nữ Mexico, 8 đứa trẻ và một thủy thủ Mỹ có tên là Peter Baggett, người bị tuyên bố là đào ngũ trước đó 3 năm.

Ngày 21 tháng 7 năm 1917, sau hơn ba năm bị bỏ rơi trên một hòn đảo nhỏ giữa đại dương, Peter Baggett và những người còn sống sót trên đảo Clipperton cuối cùng cũng đã đặt được chân lên đất liền và sau đó, kể lại câu chuyện của chính mình.

Dương Quốc Tuệ (tổng hợp)
.
.