Sự biến Tây An và số phận bi thảm của tướng Dương Hồ Thành

Thứ Sáu, 13/07/2007, 17:02
Ngày 4/12/1936, Tưởng Giới Thạch  đích thân tới Tây An đốc chiến, ra lệnh cho hai tướng chỉ huy quân QDĐ ở vùng này là Trương Học Lương và Dương Hổ Thành phải lập tức tiến công Diên An, nơi ĐCS đặt đại bản doanh. Đông đảo học sinh, sinh viên Tây An đã xuống đường biểu tình thị uy phản đối Tưởng.

Vào những năm 30 của thế kỷ XX, phát xít Nhật tiến hành xâm lược Trung Quốc (TQ). Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 9/1931 tới mùa hè năm 1935, quân Nhật đã chiếm được vùng Đông Bắc TQ, đồng thời buộc chính quyền Quốc dân đảng (QDĐ) do Tưởng Giới Thạch đứng đầu phải bán chủ quyền 2 tỉnh Sát Cáp Nhĩ và Hà Bắc. Tiếp đó, Nhật kích động phong trào tự trị tại 5 tỉnh vùng Hoa Bắc để đưa những tỉnh này vào vòng cương tỏa của chúng. Cho đến năm 1936 thì hàng triệu quân tinh nhuệ của Nhật đã được điều tới TQ và gây hấn ở khắp nơi.

Đứng trước tình hình đó, Đảng Cộng sản (ĐCS) TQ đã lãnh đạo nhân dân tại các vùng giải phóng, tiến hành cuộc kháng chiến, đồng thời kêu gọi QDĐ chấm dứt nội chiến, xây dựng Mặt trận thống nhất chống Nhật. Lời kêu gọi này được đông đảo tầng lớp nhân dân, trong đó có cả một bộ phận tướng lĩnh cao cấp của QDĐ nhiệt liệt hưởng ứng. Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch vẫn ngoan cố theo đuổi chính sách “hàng Nhật, chống Cộng”, tiến hành các cuộc “vây quét” ác liệt nhằm tiêu diệt ĐCS.

Ngày 4/12/1936, Tưởng đích thân tới Tây An đốc chiến, ra lệnh cho hai tướng chỉ huy quân QDĐ ở vùng này là Trương Học Lương và Dương Hổ Thành phải lập tức tiến công Diên An, nơi ĐCS đặt đại bản doanh. Đông đảo học sinh, sinh viên Tây An đã xuống đường biểu tình thị uy phản đối Tưởng.

 Do chịu ảnh hưởng của phong trào chống Nhật và chính sách đoàn kết xây dựng Mặt trận dân tộc kháng chiến của ĐCS, hai tướng Trương, Dương đã tìm cách trì hoãn việc tiến công. Trong buổi yết kiến Tưởng vào ngày 6-12 tại Hoa Thanh trì (một thắng cảnh được xây dựng từ thời nhà Đường, cách thủ phủ Tây An chừng 50 cây số), hai tướng đã “thỉnh cầu Tưởng đình chỉ nội chiến, cùng ĐCS kháng Nhật”. Nhưng lời “thỉnh cầu” này bị Tưởng cự tuyệt.

Căm ghét thái độ ngoan cố “hòa Nhật, tiễu Cộng” của Tưởng, tối 12/12/1936 hai tướng Trương, Dương đã bất ngờ cho quân tới bao vây Hoa Thanh trì. Sau khi dùng vũ lực tước khí giới và bắt sống toàn bộ đám quân cảnh bảo vệ, binh sĩ của Trương, Dương xông vào phòng của Tưởng, nhưng không thấy Tưởng đâu, sờ vào chăn còn thấy ấm, đoán chắc Tưởng chỉ lẩn trốn đâu đó nên đã truy tìm khắp nơi.

Đến rạng sáng thì người ta phát hiện Tưởng đang trốn ở một cái hang nằm trên lưng chừng núi Lệ Sơn, trong khuôn viên Hoa Thanh trì. (Ngày nay hang này được đặt tên là “Hang tóm Tưởng”, một địa điểm rất hấp dẫn đối với các khách du lịch). Tưởng bị bắt, đưa về Tây An và bị tống giam cùng với hơn 10 bộ hạ. Đây chính là cuộc binh biến nổi tiếng mà sử sách TQ gọi là “Tây An sự biến”.

Ngay sau khi tống giam Tưởng, hai tướng Trương, Dương đã ra tuyên bố giải tán Tổng bộ chỉ huy tiễu phỉ Tây Bắc, thành lập Ủy ban Quân sự lâm thời Liên quân Tây Bắc kháng Nhật do Trương Học Lương làm Chủ tịch, Dương Hổ Thành làm Phó chủ tịch. Đồng thời hai người đã gửi điện thông báo cho Trung ương ĐCS Trung Quốc và gửi kiến nghị tới Chính phủ Trung ương QDĐ (đóng đô ở Nam Kinh) đòi “cải tổ chính phủ, đình chỉ nội chiến, cùng nhau kháng Nhật, thực hiện dân chủ”.

Cuộc khủng hoảng lên tới đỉnh điểm. Ngày 16/12, Chính phủ QDĐ ở Nam Kinh hạ lệnh “thảo phạt Trương, Dương giải cứu Tưởng Ủy viên trưởng” và thành lập lực lượng thực thi lệnh do Hà Ứng Khâm làm Tư lệnh. Lợi dụng thời cơ này, phái thân Nhật trong Chính phủ Nam Kinh do Uông Tinh Vệ đứng đầu cũng ngấm ngầm tìm cách đoạt quyền của Tưởng, nhằm tiến sâu hơn nữa trong việc thực hiện âm mưu “liên Nhật, chống Cộng”.

Sau khi nhận được điện của Trương, Dương báo tin về cuộc chính biến, lấy lợi ích của toàn dân tộc làm trọng, Trung ương ĐCS TQ đã cử một đoàn đại biểu do Chu Ân Lai dẫn đầu tới Tây An để đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Trương, Dương với chính quyền Nam Kinh, nhằm đoàn kết cùng nhau chống Nhật.

Trong các cuộc gặp gỡ, Chu Ân Lai đã chỉ rõ thời cuộc hiện tại và thuyết phục Trương, Dương “phóng thích Tưởng, nếu Tưởng đồng ý cùng kháng Nhật cứu nước”. Đồng thời, ngày 19/12, Trung ương ĐCS cũng gửi tới Chính phủ Nam Kinh tuyên bố về lập trường của mình là “thống nhất với chủ trương của hai tướng Trương, Dương, giải quyết hòa bình sự biến Tây An”.

Ngày 22/12, Tống Mỹ Linh (vợ của Tưởng) cùng em trai Tống Tử Văn (Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Nam Kinh) và Duana (người Australia, Cố vấn cao cấp của Tưởng), bay tới Tây An, tiến hành các cuộc đàm phán với Trương, Dương do Chu Ân Lai làm trung gian.

Do những cố gắng của Chu Ân Lai, cộng với phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, đến ngày 24/12 Tưởng buộc phải chấp nhận điều kiện “đình chiến nghị hòa, liên Cộng kháng Nhật, phóng thích chính trị phạm” và một số điều kiện khác. Ngày 25/12, Tưởng được trả tự do và đích thân Trương Học Lương tháp tùng đưa Tưởng bay về Nam Kinh. “Sự biến Tây An” coi như kết thúc.

Nhưng ngay sau khi về tới Nam Kinh, Tưởng trở mặt, cho bắt giam Trương Học Lương (Trương mất năm 2001 tại Đài Loan, thọ 101 tuổi). Sau đó, Tưởng ra mật lệnh bắt tướng Dương Hổ Thành, còn đang ở Tây An, để trả thù.

Thấy tình thế nguy hiểm, được sự giúp đỡ của những người thân tín, Dương Hổ Thành đã bí mật trốn ra nước ngoài và sau đó sống lưu vong tại Pháp.

Ngày 7/7/1937, quân Nhật tạo cớ gây hấn ở Lư Cầu kiều (sử sách TQ gọi là Song thất sự biến), chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn cõi TQ. Từ Pháp, Dương gửi thư cho Tưởng “xin được trở về để góp phần kháng Nhật”, nhưng bị Tưởng thẳng thừng cự tuyệt. Bất chấp nguy hiểm, tháng 11/1937, Dương đã từ Pháp trở về TQ qua đường Hồng Công.

Dương Hổ Thành cùng vợ và con trai.

Nhưng khi vừa tới Quảng Châu, Dương đã bị đặc vụ của Tưởng bắt và tống giam. Mùa xuân năm 1938, Tưởng ra lệnh cho Đới Lạp, (một tay chân thân tín nhất của Tưởng, cầm đầu cơ quan đặc vụ của QDĐ), dẫn giải Dương về Trường Sa. Sau nhiều lần chuyển đi chuyển lại qua rất nhiều nhà tù khác nhau, cuối cùng Dương bị đưa về biệt giam tại Huyền Thiên động (Quý Châu) trong suốt 8 năm liền. Đến năm 1946, Dương lại bị Tưởng bí mật đưa về giam tại nhà tù Dương Gia sơn trực thuộc Sở Hợp tác Trung - Mỹ tại Trà Tử động (Quý Dương), rồi sau đó lại bí mật đưa tới nhà tù Từ Khí khẩu.

Trung ương ĐCS TQ bằng con đường riêng của mình vẫn theo dõi sát sao số phận của hai tướng Trương, Dương. Tháng 1/1946, tại Hội nghị Hiệp thương chính trị khai mạc tại Trùng Khánh, Mao Trạch Đông, Trưởng đoàn đại biểu ĐCS TQ đã đề xuất với Tưởng “trả tự do cho hai tướng Trương, Dương”, nhưng bị Tưởng từ chối.

Cuối tháng 6/1946, Tưởng một lần nữa xóa bỏ hiệp định đình chiến cũng như nghị quyết của Hội nghị hiệp thương chính trị, ra lệnh cho quân đội QDĐ mở cuộc đại tấn công quy mô vào những vùng lãnh thổ do ĐCS kiểm soát.

Tới tháng 1/1949, đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn do bị thua to trên các mặt trận, Tưởng đã giả vờ từ chức và cho Lý Tông Nhân lên thay Tưởng làm quyền tổng thống. Bên ngoài Tưởng cho Lý mở cuộc hòa đàm với ĐCS, nhưng bên trong Tưởng lợi dụng thời gian đàm phán để củng cố lực lượng nhằm chuẩn bị cho những hành động quân sự lớn hơn.

Để “trình làng” và xoa dịu cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ trong các vùng QDĐ kiểm soát, quyền Tổng thống Lý Tông Nhân đã vờ ra “chỉ dụ” phóng thích cho hai tướng Trương, Dương.

Để thực hiện “chỉ dụ” giả vờ của Lý, tháng 2/1949, Mao Nhân Phượng, Cục trưởng Cục Bảo mật Sở Đặc vụ QDĐ sai Từ Nguyên Cự, Trưởng phòng Quản lý công thự kiêm Trưởng phòng Đặc vụ đặc khu Tây Nam của QDĐ, dùng máy bay quân sự bí mật đưa Dương từ nhà tù Từ Khí khẩu về giam tại nhà tù Kiềm Linh sơn (Quý Dương), còn Trương thì bị đưa đi biệt giam tại Đài Loan.

Tới đầu tháng 9/1949, trước khi tháo chạy ra Đài Loan, Tưởng đã hạ lệnh cho Mao Nhân Phượng “không được để Dương rơi vào tay Cộng sản”.

Nhận mật lệnh, Nhân Phượng bèn cho Châu Dưỡng Hạo, một người có quen biết trước đây của Dương, đến Quý Dương gặp Dương Hổ Thành và nói dối rằng “Tưởng muốn mời Dương tới gặp mặt ở Trùng Khánh để hai người cùng ra Đài Loan”.

Dương tưởng thật nên ngày 17/9 đã cùng Hạo đi ôtô từ Quý Dương để tới Sở Hợp tác Trung - Mỹ tại Trùng Khánh. Khi ôtô bắt đầu xuất phát, Hạo đã bí mật gọi điện báo cho Mao Nhân Phượng biết thời gian và địa điểm mà xe của Dương Hổ Thành sẽ qua. Mao Nhân Phượng đã lựa chọn 6 tên đao phủ lành nghề, chuyên thực hiện các vụ ám sát bí mật do Dương Tiến Hưng cầm đầu ém sẵn tại một địa điểm có tên là Bạch Công quán.

11 giờ tối hôm đó, gia đình Dương Hổ Thành (gồm con trai là Dương Chưởng Trung và một cháu gái 9 tuổi), gia đình viên bí thư riêng Tống Kỳ Vân cùng vợ con và một vài gia nhân khác đi tới Bạch Công quán thì Hạo mời Dương và mọi người xuống xe để nghỉ tạm qua đêm.

Sau khi cho vợ chồng con cái Tống Kỳ Vân (trong đó có cả cháu gái Dương Hổ Thành) cùng đám gia nhân vào nghỉ ở dãy nhà ngang, Hạo đưa bố con Dương lên ngôi nhà ở phía trên. Dương Hổ Thành đi trước, Dương Chưởng Trung đi sau, hai tay ôm chiếc bình đựng tro di hài của mẹ (mất năm 1947). Hạo đưa hai bố con Dương Hổ Thành vào hai phòng cạnh nhau, rồi đóng cửa lại và bỏ đi. Ngay lập tức bọn đặc vụ đã bố trí sẵn trong phòng liền ra tay.

Sau này, vào năm 1968, Tòa án nhân dân TQ đã mở phiên tòa tại Bắc Kinh xét xử “Vụ án giết hại tướng Dương Hổ Thành”. Trong phiên tòa này Dương Tiến Hưng, kẻ cầm đầu nhóm sát thủ và đồng bọn đã khai như sau:

Đầu tiên bọn chúng dùng khăn tay bịt miệng Dương Hổ Thành, rồi dùng dao găm đâm xuyên lưng tới tim, khiến Dương chết ngay. Sau đó chúng kéo sang phòng Dương Chưởng Trung và giết Trung bằng thủ đoạn tương tự.

Được hỏi về những biểu hiện của nạn nhân khi bị giết, Hưng khai: “Con trai Dương Hổ Thành đã vùng vẫy dữ dội và giằng được chiếc khăn bịt miệng ra, rồi hét: “Đả đảo bọn phát xít”.

Bạch Công quán, nơi Dương Hổ Thành bị giết..

Xong xuôi, cả bọn kéo xuống dãy nhà ngang và ra tay giết hại vợ chồng con cái viên Bí thư Tống Kỳ Vân cùng đám gia nhân. Ngay cả đứa cháu mới 9 tuổi của Dương Hổ Thành chúng cũng không tha. Dương Ẩm Điển, một trong những tên sát thủ đã khai: “Chúng tôi ập vào phòng vợ chồng Vân và con trai. Đầu tiên chúng tôi bịt mồm cả ba người. Tôi bóp cổ đứa con trai của Vân đến ngất đi. Sau khi giết xong hai vợ chồng Vân, Hưng đã dùng dao găm đâm cho con của Vân chết hẳn. Hai ngày sau vụ này, Hưng đã thưởng cho mỗi người chúng tôi từ 5 đến 8 đồng và dặn phải câm miệng lại”.

Giết xong cha con tướng Dương Hổ Thành, bọn đặc vụ đã dùng dung dịch axit nitơric phun lên mặt hai người để không ai có thể nhận dạng được họ. Sau đó, chúng đã bí mật vùi xác hai người dưới một bồn hoa trong khu vườn của Bạch Công quán. Còn các gia nhân bị chúng vứt xác xuống khe núi.

Ngày 30/11/1949, Trùng Khánh được giải phóng. Ban chỉ huy Đệ nhị dã chiến quân của Quân giải phóng do Đặng Tiểu Bình và Lưu Bá Thừa chỉ huy đã phái người đi điều tra nhằm truy tìm tung tích tướng Dương Hổ Thành và gia đình. Sang ngày hôm sau (1/12) thì phát hiện ra địa điểm mà bọn đặc vụ chôn vùi thi thể của Dương.

Ngày 16/12, BCH Trung ương ĐCS TQ, Chính phủ nhân dân trung ương đã gửi điện chia buồn tới gia quyến tướng Dương. Ngày 15/1/1950, Đặng Tiểu Bình, Lưu Bá Thừa cùng Ban lãnh đạo và nhân dân thành phố Trùng Khánh đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu tướng Dương Hổ Thành. Cũng trong năm đó, hài cốt tướng Dương đã được đưa về an táng tại quê hương thuộc trấn Vĩ Khúc, huyện Nam Trường An, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Trên cổng vào khu mộ chí có ghi dòng chữ “Dương Hổ Thành tướng quân liệt sĩ lăng viên”

Nguyễn Tiến Cử (Theo tài liệu nước ngoài)
.
.