Sư đoàn vận tải 471 - “Thần tốc, thần tốc hơn nữa…”

Thứ Tư, 05/05/2010, 15:40
LTS: Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn là 1 trong trong 2 sư đoàn ôtô vận tải chiến đấu của quân đội ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ra đời và hoạt động trên chiến trường Trường Sơn, Sư đoàn tham gia chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột, giải phóng Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1976, Sư đoàn đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVTND.

Cuối tháng 2/1975, Sư đoàn 471 ôtô vận tải chiến đấu của Trường Sơn được lệnh cơ động toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 968 - 1 trong 9 sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đang làm nhiệm vụ tại Chămpasắc (nước bạn Lào) về Pleiku làm nhiệm vụ nghi binh, thu hút sự chú ý của địch về ý định của ta mở chiến dịch đánh vào bắc Tây Nguyên. Hàng trăm xe ôtô của sư đoàn rầm rập ngày đêm đưa Sư đoàn 968 vào địa điểm tập kết bí mật.

Cùng lúc này, lực lượng của sư đoàn vẫn khẩn trương làm nhiệm vụ đưa 10.300 tấn vật chất, chủ yếu là đạn hỏa lực và các loại khí tài thông tin, khí tài phục vụ cho tăng thiết giáp chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên.

Trước ngày mở màn chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột, 9/3/1975, sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển, vượt 30% kế hoạch được giao. Tiểu đoàn 51 (Trung đoàn 533) của sư đoàn được cử tham gia trực tiếp chiến đấu cùng với lực lượng bộ binh chiến dịch. Địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên, sư đoàn liền phái Trung đoàn 32 cơ động lực lượng Sư đoàn 10 truy kích địch rút chạy trên đường số 7. Trong khi đó thì một bộ phận của Trung đoàn 536 và Trung đoàn 32 của Sư đoàn 471 được lệnh cơ động cùng Sư đoàn 320 đuổi đánh địch trên đường 14, giải phóng thị xã Buôn Hồ.

Ngày 12/3/1975, chỉ huy sở Sư đoàn được lệnh vào đóng tại thị xã Buôn Mê Thuột cùng với Bộ Tư lệnh Trường Sơn Tiền phương. Lúc này một đơn vị của Sư đoàn 471 được lệnh vận chuyển gấp gạo cứu đói cho đồng bào ta ở thị xã Buôn Mê Thuột và vùng lân cận.

Cục diện chiến trường chuyển biến nhanh chóng. Nhiệm vụ đột xuất dồn dập được giao bổ sung. Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn của Sư đoàn hầu như ôm vô lăng nhiều ngày đêm liền không ngủ.

Sau Hội nghị của Bộ Chính trị ngày 25/3/1975, quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975, thì đường Trường Sơn trở nên nhộn nhịp và khẩn trương lạ lùng.

Lúc này toàn bộ lực lượng gồm 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đều dốc toàn lực cho 2 nhiệm vụ được Bộ Tổng tư lệnh giao: Vừa bảo đảm vật chất, kỹ thuật cho các chiến dịch, vừa phải cơ động lực lượng chiến đấu thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị.

Đầu tháng 4, con đường Trường Sơn chật căng các lực lượng, các quân binh chủng hành quân thần tốc tiến vào các hướng chiến trường. Đúng lúc này, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn nhận được tin: xe ôtô của Sư đoàn 471 làm nhiệm vụ từ Lộc Ninh trở về đã bị Phái viên của Bộ Tổng tư lệnh bắt dừng lại để phục vụ quân chủ lực. Sư đoàn trưởng lập tức quay trở lại đèo Anpum (nằm trên đường 14 thuộc địa bàn tỉnh Kontum).

Đèo Anpum dài hơn 5km, mặt đường hẹp. Nhiều chỗ hai xe đi ngược chiều không thể tránh nhau. Đại tá Phan Hàm, Phó cục trưởng Cục Tác chiến - Phái viên đặc biệt của Bộ Tổng tư lệnh đang ra sức chặn xe ôtô của Sư đoàn 471.

- Tôi được lệnh của Bộ phải huy động gấp xe để cơ động lực lượng vào B2 chuẩn bị chiến dịch - Đại tá Phan Hàm nói với Sư trưởng Nguyễn Lạn.

- Vậy anh cần bao nhiêu xe?

- Khoảng 300 xe là đủ.

- Anh cho tôi 2 ngày, sẽ có đủ xe cho anh.

- Anh có chắc 2 ngày không? Hai ngày rồi mà tôi mới chỉ "bắt" được có 2 chiếc thôi - Đồng chí Phái viên phân vân hỏi lại.

- Cách "bắt" xe của anh không kết quả là phải. Xe là binh chủng kỹ thuật. Vì thế có những yêu cầu riêng của nó. Không thể điều động lực lượng như điều động bộ binh được đâu. Xe phải được bảo dưỡng kỹ thuật, lái xe phải được ngủ nghỉ mới đủ sức hành quân được. Vả lại chúng tôi phải tổ chức theo đội hình và đi cùng là hậu cần, kỹ thuật thì mới bảo đảm để ôtô tham gia chiến đấu được.

Thế là chỉ sau 2 ngày, 340 xe ôtô của Sư đoàn 471 được tổ chức dồn ghép theo đội hình các đơn vị, có đầy đủ lực lượng bảo đảm hậu cần và kỹ thuật đi cùng. Khi nhận được đầy đủ lực lượng, đồng chí Phái viên đã hoàn toàn bất ngờ. Ông hết lời khen ngợi bộ đội Trường Sơn vừa có trình độ kỹ thuật vừa có tổ chức kỷ luật chặt chẽ đến thế.

Vừa huy động xe cho Bộ Tổng tư lệnh, ngay lập tức Sư đoàn nhận được mệnh lệnh điều động lực lượng để cơ động Sư đoàn 968 và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 tiến xuống ven biển giải phóng Bình Định và Ninh Thuận.

Trên đường Hồ Chí Minh lúc này thật sôi động và náo nức. Đội hình xe của Quân đoàn 1 bị ứ lại trên đèo Anpum.

Trung tướng Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn; Thiếu tướng Hoàng Minh Thi, Chính ủy Quân đoàn 1 vô cùng sốt ruột. Các ông đã thống nhất quyết định: ưu tiên số 1 cho lực lượng hành quân. Các xe ôtô làm nhiệm vụ vận chuyển của bộ đội Trường Sơn tạm ngừng hành quân nhường đường cho xe của bộ binh. Nếu làm ùn tắc đường ôtô có thể bị hất xuống suối lấy đường cho xe hành quân.

Nhận được tin, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn và Tham mưu trưởng Sư đoàn Nguyễn Thuận Quảng nhanh chóng có mặt. Đồng chí Sư đoàn trưởng đề nghị Phó tổng Tham mưu trưởng giao cho Sư đoàn 471 chỉ huy các lực lượng vượt đèo. Bởi vì nếu xe của Sư đoàn bị dừng lại thì làm sao bảo đảm hậu cần, kỹ thuật để các quân đoàn chủ lực chiến đấu.

Sau khi nghe phương án tác chiến của Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn, đồng chí Phùng Thế Tài đồng ý ngay. Sư đoàn trưởng từng là Chính ủy, là Binh trạm trưởng của nhiều binh trạm nổi tiếng với những trọng điểm ác liệt trên Trường Sơn nên việc điều hành xe vượt "trọng điểm" Anpum chẳng mấy khó khăn với ông. Ông cho thiết lập khẩn cấp 3 trạm chỉ huy với đầy đủ điện thoại và máy bộ đàm liên lạc để điều tiết xe lên xuống hai chiều con đèo.

Mặt khác, Sư đoàn trưởng còn điện trực tiếp xin Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên điều lực lượng công binh của Sư đoàn 473 tới mở rộng gấp một số đoạn đường hẹp trên đèo để đủ chỗ cho hai xe tránh nhau. Cán bộ của Sư đoàn 471 trực tiếp chỉ huy các lực lượng trên đỉnh đèo lần lượt hành quân. Sư đoàn còn bố trí một tổ kỹ thuật ứng cứu nhanh trên đèo để kịp thời sửa chữa xe hỏng của bất cứ đơn vị nào nhằm thông đèo nhanh nhất. Chỉ trong vài giờ, trật tự đã được lập lại. Đèo lại thông suốt. Đồng chí Chính ủy và Tư lệnh Quân đoàn 1 đã vào tận chỉ huy sở Sư đoàn 471 để cảm ơn về sự chỉ huy khéo léo, hợp lý nhằm giải phóng trọng điểm để Quân đoàn thực hiện thần tốc vào Nam tham gia chiến dịch.--PageBreak--

Vừa hoàn thành việc tổ chức lực lượng của Quân đoàn 1 vượt đèo Anpum thì Sư đoàn 471 nhận được mệnh lệnh: Trong thời gian nhanh nhất phải có 1.600 xe tốt để cơ động Quân đoàn 3 vào B2. Việc thu gom lực lượng xe của 4 trung đoàn đang làm nhiệm vụ ở nhiều hướng chiến trường khác nhau về trong một thời gian ngắn nhất không hề đơn giản. Công tác hậu cần, kỹ thuật được các đơn vị chuẩn bị với tốc độ thần tốc. 1.620 xe của Sư đoàn 471 đã sẵn sàng chờ lệnh. Lực lượng của Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B và cơ quan Quân đoàn 3 được đưa vào Lộc Ninh với tốc độ nhanh nhất. Tiếp theo là các Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A, Sư đoàn 316 cũng được ôtô của Sư đoàn cơ động vào Đồng Xoài, Lộc Ninh.

Đội hình xe của Sư đoàn quay trở ra đã bắt tay ngay vào việc vận chuyển gấp 6.100 tấn đạn hỏa lực từ ngã ba Đông Dương vào Đông Nam Bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Có lẽ trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của chúng ta chưa bao giờ vũ khí, đạn dược lại được đáp ứng đầy đủ như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Hồ Chí Minh thì lập tức nhận được mệnh lệnh: Lực lượng ôtô chiến đấu của Sư đoàn 471 tiếp tục sát cánh, cơ động lực lượng của cánh quân từ Đông Nam Bộ đánh vào Sài Gòn. Tiểu đoàn 51 và Tiểu đoàn 235 cơ động Sư đoàn 320 sát cánh cùng với đội hình xe tăng, xe bọc thép qua Tân Uyên tiến thẳng vào thành phố.

Thế là trên những chú "tuấn mã Trường Sơn" phủ kín lá ngụy trang, các chiến sĩ bộ binh sẵn sàng tay súng hành tiến cùng với đội hình xe tăng, xe bọc thép. Xe tăng và xe bộ binh vừa thần tốc tiến quân vừa đánh địch trên đường hành quân. Địch chặn đánh quyết liệt ở Tân Uyên. 8 xe ôtô chở bộ binh chiến đấu của sư đoàn bị cháy. Một chiến sĩ lái xe hy sinh. Các chiến sĩ lái xe ôm súng nhảy xuống sát cánh cùng bộ binh chiến đấu rất dũng cảm.

Các tiểu đoàn 53 và 734 tham gia cơ động Quân đoàn 1 đánh chiếm Bến Cát rồi vượt qua Sông Bé thẳng đường 13, đạp qua Lái Thiêu tiến vào Sài Gòn. Lực lượng xe của các trung đoàn 17, 32, 536 của Sư đoàn cơ động Quân đoàn 3 đánh chiếm Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn. Một lực lượng xe chiến đấu khác của Sư đoàn đã cơ động bộ đội đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất.

Đại tá Nguyễn Lạn hôm nay.

Cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 471 tự hào đã cùng với lực lượng bộ binh của các quân đoàn là những người chiến thắng và làm chủ đầu tiên sân bay Biên Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất và căn cứ Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào thời khắc 11 giờ 30 phút  ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi vĩ đại. 

Một vinh dự là hơn 100 xe ôtô của Sư đoàn được điều động về phục vụ đội hình diễu binh, diễu hành mừng Chiến thắng lịch sử của dân tộc ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại, tại Sài Gòn ngày 15/5/1975.

Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn của Sư đoàn 471 vô cùng tự hào. Ngày nào còn cầm vô lăng băng qua các trọng điểm, vượt đèo cao suối sâu trên Trường Sơn. Hôm nay họ đã được cầm vô lăng đi trong cờ hoa giữa Sài Gòn giải phóng...

Nhớ lại những phút giây của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại tá Nguyễn Lạn bồi hồi xúc động như ngày nào cách đây 35 năm ông và các chiến sĩ Sư đoàn 471 của ông đại diện cho Bộ đội Trường Sơn Anh hùng hân hoan trong ngày vui đại thắng trên đường phố Sài Gòn.

Nhìn ông, tôi đột ngột hỏi:

- Niềm hạnh phúc, tự hào nhất đối với chú khi đặt chân lên đường phố Sài Gòn năm 1975 là gì?

Ông cười:

- Tự hào và hạnh phúc lớn nhất của mình cũng giống như hàng triệu người lính và cả dân tộc ta lúc ấy là non sông đã thu về một mối, đất nước đã sạch bóng quân thù, Tổ quốc từ nay thống nhất, độc lập, tự do. Nhưng mình vẫn có một niềm tự hào, hạnh phúc riêng. Đấy là mình có vinh dự được chỉ huy một trong hai sư đoàn ôtô vận tải chiến đấu của quân đội ta. Việc chúng ta tổ chức hai sư đoàn ôtô là một sáng tạo độc đáo, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đòi hỏi của cuộc chiến tranh.

Người đề xuất tổ chức đội hình các sư đoàn binh chủng của Bộ đội Trường Sơn với Bộ Tổng Tư lệnh là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Đây có thể nói là một sáng tạo tạo nên bước ngoặt về sức mạnh quân sự của Bộ đội Trường Sơn. Nếu không có đội hình sư đoàn ôtô vận tải thì Bộ đội Trường Sơn không thể đáp ứng đầy đủ hậu cần, kỹ thuật cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Và quân đội ta khó có thể thực hiện được sự tiến công thần tốc theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nếu không có lực lượng ôtô chiến đấu của Sư đoàn 471 và Sư đoàn  571 cơ động lực lượng chiến đấu của các đơn vị bộ binh chủ lực. Mình tự hào và hạnh phúc được chiến đấu trên Trường Sơn Anh hùng. Càng hạnh phúc và tự hào hơn khi được chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn ôtô vận tải 471 Anh hùng

Phạm Thành Long
.
.