Sự kết nối kỳ diệu

Thứ Hai, 28/12/2009, 11:30
Bài viết "Chuyện về những bức chân dung" đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc to lớn vì sự kết nối. Liên tiếp, những nhân vật trong những bức chân dung ở Quảng Ngãi gọi điện cho tôi, cám ơn tác giả và Báo ANTG đã làm sống dậy những số phận bị quên lãng, đã giúp những người tù Quảng Ngãi năm ấy gặp lại những bác sĩ trong Hội Quaker, kết nối những tấm lòng...

Rất nhiều người tù sau chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, vật lộn với mưu sinh, bệnh tật mãn tính vì di chứng những trận đòn tra tấn. Những  bức chân dung tù nhân Quảng Ngãi  của bác sĩ Jane được in trên báo đã làm những xóm làng xa xôi xứ sở miền Trung bừng lên niềm sinh khí mới. Chị Bốn, chị Nam, anh Hiền, anh Nguyễn Chận… liên tục gọi điện cho tôi, bày tỏ niềm vui mừng, bởi bài báo đã giúp các anh chị "sống dậy" trong thời bình.

xa xôi xứ sở miền Trung bừng lên niềm sinh khí mới. Chị Bốn, chị Nam, anh Hiền, anh Nguyễn Chận… liên tục gọi điện cho tôi, bày tỏ niềm vui mừng, bởi bài báo đã giúp các anh chị "sống dậy" trong thời bình.

Hành trình tìm bạn

Ông Lê Quang Ba - Chủ tịch Hội tù yêu nước Quảng Ngãi không ngăn được xúc động: "Nhờ bài viết trên Báo ANTG  mà tôi biết thêm còn nhiều số phận cựu tù chưa được biết đến. Chúng tôi sẽ tìm lại các trường hợp bị lãng quên. Ở Quảng Ngãi, còn mấy ngàn cựu tù chưa làm được chế độ, chính sách". Vui nhất có lẽ là chị Phan Thị Xuân Viên. Chị gọi điện cho tôi, nghẹn ngào: "Chị đã tìm được Nguyễn Trần Thị Lan rồi, em nhớ không? - người nữ tù cùng bị xích chân với chị trong bức ảnh của chị Jane đó. Gặp nhau chưa hết mừng đã tủi. Hoàn cảnh chị Lan thật đáng thương...".

Nhiều năm qua, chị Viên đã lặn lội nhiều nơi tìm chị Lan nhưng người bạn tù năm xưa vẫn biền biệt. Năm ấy ở Bệnh viện Quảng Ngãi, có một cô gái xinh đẹp, tên Nguyễn Trần Thị Lan bị địch tra tấn, đánh đập đến liệt nửa người. Khi được đưa vào bệnh viện,  những người tù đã kiệt sức nhưng những tên cảnh sát vẫn xích chân các tù nhân vào thành giường, hoặc xích vào chân người khác. Chúng xích chân Phan Thị Xuân Viên và Nguyễn Trần Thị Lan vào nhau. Sinh hoạt hai người phải lệ thuộc, nương tựa nhau. Dần dần, giữa hai chị hình thành một tình bạn thắm thiết, cảm động. Họ dắt dìu, chia sẻ cùng nhau từng chén cơm trong bệnh viện, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn. Cũng có khi họ không tránh được hờn giận... Tuy nhiên, để sống sót, họ phải yêu thương, đùm bọc nhau.

Mỗi khi Lan bị ngất, Viên hốt hoảng gọi bác sĩ, vừa cuống quýt chăm sóc bạn. Những lúc khỏe, Lan an ủi, chải tóc cho Viên. Mỗi lần một trong hai bị tháo xích đưa đi thẩm vấn, người ở lại lòng quặn thắt vì lo lắng. Ròng rã mấy năm trời, tình bạn Viên - Lan ngày càng sâu sắc. Rồi Lan được đoàn bác sĩ Hội Quaker phát hiện tình trạng bị liệt, can thiệp với cảnh sát, được chú ý điều trị, chăm sóc. Sau một thời gian, Lan bịn rịn từ biệt Viên, ra tù. Cũng từ đó, đôi bạn bặt tin nhau. Viên nhiều lần về quê Lan hỏi thăm nhưng tin tức người bạn tù năm xưa biền biệt. Rồi Viên lấy chồng, bận rộn với công việc mưu sinh, cũng không có dịp tìm lại bạn cũ.

Bất ngờ, một ngày tháng 8/2008, các anh chị cựu tù Quảng Ngãi tìm đến, trao cho chị bức ảnh của Jane - một nữ bác sĩ Hội Quaker sang Việt Nam, đã từng đến Quảng Ngãi làm việc. Viên sửng sốt, lặng đi, nhận ra chính mình trong bức ảnh, bị xích cùng một bàn chân khác. Bàn chân ấy được lưu giữ trong bức ảnh, còn chị ấy bây giờ ở đâu? Lòng nhói đau, Viên thầm hỏi, không biết Lan giờ ra sao, còn sống hay đã chết?!  Rồi  một ngày những người bạn tù của chị reo lên, khi nhận ra chân dung của chị trên tờ báo ANTG.

Chị Bốn và chị Nam - cựu tù Quảng Ngãi xem lại những bức ảnh của nữ bác sĩ Jane gửi tặng vào tháng 8/2008.

Nhờ bài báo, Viên gặp  nhiều cựu tù biết chị Lan. Lần theo địa chỉ, chị về huyện Tư Nghĩa tìm bạn. Nhưng khi đến nơi thì chị Lan đã không còn ở quê xưa. Chỉ với một chân, chị lặn lội đến nhiều nơi tìm bạn. Đôi lúc mệt mỏi, rã rời, chị thầm nghĩ: "Hay là quay về. Cuộc sống gia đình mình cũng đầy khó khăn".

Nhưng một tiếng nói khác vang lên trong lòng chị: "Mình phải đi, không được bỏ cuộc. Chị Lan còn sống trên đời, chắc chị ở đâu đây, chẳng qua mình chưa có địa chỉ chính xác. À, bà bác sĩ người Mỹ kia chẳng quen biết gì mình mà còn xót xa cho hai cô gái bị xiềng chân, còn giữ bức ảnh hai chị em suốt mấy mươi năm. Cô nhà báo kia ở Sài Gòn chỉ nghe, cũng đã lặn lội ra Quảng Ngãi tìm mình. Vậy mình không được nản lòng".

Chị tự nhủ phải kiên trì, tiếp tục cuộc tìm kiếm. Rồi chị được đền đáp. Phải, chị Lan không ở đâu xa, ngay ở phường Lê Hồng Phong, đang bán rau tại thị xã Quảng Ngãi. Chị Lan cũng sững sờ nhìn Viên. Rồi họ ôm chầm lấy nhau, cùng nghẹn ngào, không nói được nên lời...

Cuộc đời truân chuyên của người  cựu nữ tù xinh đẹp

Gặp lại bạn cũ, chị Viên vừa mừng, vừa đau xót trước hoàn cảnh quá bi đát của bạn. Chị Viên không tin nổi vào mắt mình, bởi người bạn xinh đẹp năm xưa giờ ốm yếu, tiều tụy, già đi trước tuổi, đến nỗi thoáng nhìn, chị không nhận ra. Khi đến thăm nhà, chị Viên càng thương bạn. Làm sao không kiệt sức, già cỗi khi chị  đã vắt kiệt sức mình sinh 10 đứa con, vừa lao vào  cuộc chiến chống đói nghèo để mưu sinh, tần tảo nuôi con ăn học, khôn lớn. Nhưng hủy hoại chị chính là cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

Khi chồng quay lưng, gánh nặng nuôi đàn con lại chất nặng trên đôi vai gầy guộc. Gánh rau mỗi ngày chị gánh ra chợ bán trĩu nặng thêm. Ngay hôm tìm được chị Lan, chị Viên mừng rỡ gọi điện cho tôi. Rồi chị đưa điện thoại cho chị Lan. Đầu dây bên kia, tôi nghe giọng chị Lan khóc nghẹn.  Mãi một lúc sau, chị Lan mới lên tiếng: "Chị không biết nói gì, bởi chị quá xúc động. Chị cảm ơn tất cả, cảm ơn em từ xa xôi mà tìm đến với đồng đội cũ của chị, cảm ơn mấy bác sĩ và những người ở Hội Quaker kịp có mặt ở Quảng Ngãi để cứu sống chị, cám ơn Báo ANTG đã truyền đi những bức chân dung của  tụi chị. Nhờ vậy mà  đồng đội đã tìm đến, để chị không còn cô đơn, buồn tủi nữa...". Rồi chị lại khóc. Đợi đến mấy ngày sau, đợi cho niềm xúc động của chị lắng xuống, tôi gọi điện ra Quảng Ngãi, mới hiểu thêm uẩn khúc của chị.

Chị còn nhớ rất rõ, vào một buổi trưa năm 1971, tại phòng săn sóc đặc biệt  ở Bệnh viện Quảng Ngãi, một người Mỹ tìm bắt thằn lằn cho con chim khướu của ông ta ăn. Con thằn lằn rơi xuống người chị. Người Mỹ ào đến, chụp lấy. Tình cờ, ông ta nắm bàn tay cứng đờ của chị, nhận ra tình trạng bị liệt nửa người của bệnh nhân. Ông ta sững sờ nhìn gương mặt xinh đẹp, còn rất trẻ của cô gái rồi vội vã bỏ đi. Một lúc sau, ông ta quay trở lại cùng các y, bác sĩ của Hội Quaker. Một trong số ấy có nữ bác sĩ Jane. Chị Jane ngỡ ngàng nhìn hai cô gái trẻ bị xích chân rồi giơ máy ảnh. Đôi chân bị xiềng của chị được ghi lại trong hoàn cảnh ấy.

Mấy mươi năm đã trôi qua nhưng chị Lan còn nhớ rất rõ: "Các y bác sĩ Hội Quaker nắm bàn tay co quắp của tôi. Tôi nhìn thấy mắt của họ rưng rưng. Ngay sau đó, họ đến phòng thẩm vấn can thiệp. Tôi được tháo xiềng, đưa đi chụp não. Họ phát hiện đầu tôi có máu bầm và giải thích cho tôi biết đó là nguyên nhân làm tôi bị liệt, tay chân tôi co quắp. Họ dùng kim rút máu bầm cho tôi. Họ nói nếu dùng cách ấy không khỏi, tôi sẽ được mổ. May mắn là bệnh của tôi khá hơn. Tôi được tập đi, được tặng xe lăn. Rồi tôi được trả tự do, về quê ở huyện Tư Nghĩa. Hàng tuần, những người Mỹ ấy đến thăm, theo dõi tình hình sức khỏe của tôi, cho đến khi họ cảm thấy phần nào yên tâm...".

Tôi không dừng được câu hỏi: "Tình hình sức khỏe như vậy, sao chị lại sinh đến 10 đứa con?". Giọng chị ngậm ngùi trong điện thoại: "Đó là một câu chuyện dài. Cha tôi vốn là một cơ sở cách mạng, làm nghề hốt thuốc bắc nên bốc thuốc, chữa chạy cho tôi. Có lẽ những thang thuốc gia truyền của cha đã cứu sống, cải thiện được tình trạng bại liệt của tôi. Dần dần, tôi hồi phục, có thể đi lại bình thường, dù một chân còn yếu. Hồi ấy, tôi mới ngoài 20, trẻ trung, xinh đẹp. Có người dạm hỏi, cha tôi gả. Vậy là...".

Chị nghẹn ngào, đường dây lại bị nước mắt làm đứt quãng. Cuộc hôn nhân ấy cũng là uẩn khúc đời chị, khiến chị đứt quãng liên lạc với bạn bè. Mặc cảm một cán bộ cách mạng lại lấy một ngụy quân - dù đã được cải tạo trở về khiến chị giấu đi quãng đời tham gia cách mạng của mình. Năm ấy, chị là một trong những cô gái trẻ xinh đẹp được chọn làm công tác binh vận. Cơ sở bị lộ, chị bị bắt vào tù, bị đánh đập, tra tấn tàn nhẫn, đến mức não bị tụ máu, bị liệt nửa người, tay chân co quắp, bị xiềng chân... Sau chiến tranh, chị làm vợ, làm mẹ, lao vào cuộc mưu sinh vất vả.

Chị giải thích sự đông con của mình: "Sinh được hai đứa, tôi đã yếu sức. Tôi muốn đi triệt sản nhưng vì thần kinh có vấn đề nên bác sĩ từ chối. Vậy là...". Cuối cùng, chỉ mình chị chèo chống, nuôi mười đứa con ăn học. Các con chị nay có đứa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp... Chị ngày ngày bán rau, nuôi đứa út đang học trung học. Hôm tôi gọi, chị nghỉ bán rau ở nhà vì cơn đau tái phát. Chị nói: "Gặp lại Viên, chị mừng lắm. Giờ đây chị không đơn độc nữa". Trước gia cảnh khó khăn của đồng đội, chị Viên báo với Hội Tù yêu nước, xem xét làm hồ sơ, giải quyết chính sách cho chị.

Ông Lê Quang Ba -   Chủ tịch Hội Tù yêu nước nói: "Chị Lan là một trong rất nhiều trường hợp mà chúng ta còn mắc nợ. Rất dễ hiểu vì sao Quảng Ngãi có hàng ngàn cựu tù, bởi đây là vùng đất có truyền thống cách mạng dâng cao mọi thời kỳ, là trọng điểm bình định của địch. Sau chiến tranh, thủ tục xác nhận làm hồ sơ giải quyết chính sách quá cứng nhắc, trong khi những người cùng ở tù lớp hy sinh, lớp về địa phương khác sinh sống. Cũng có người vì mặc cảm, tự ái bỏ mặc. Trước mấy ngàn đối tượng chính sách chưa làm được hồ sơ, trách nhiệm của chúng tôi rất nặng nề. Chúng tôi kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ cụ thể như trường hợp chị Lan...".

Sẽ có một bộ phim tuyệt vời

Khi ANTG khởi đăng "Chuyện về những bức chân dung", tôi gửi e-mail báo tin cho chị Sophie Quinn-Judge và Jane Griffith. Các chị rất cảm động, hồi âm: "Tôi rất vui khi những bức ảnh mà tôi đã chụp trong suốt những năm chiến tranh Mỹ - Việt Nam từ năm 1970 đến 1973 khi tôi làm việc ở Quảng Ngãi cho một tổ chức người Mỹ phản đối chiến tranh được in trên Báo ANTG. Và trong suốt những năm ở Quảng Ngãi, chúng tôi đã được phép vào các nhà tù ở Quảng Ngãi để cấp thuốc men cho những người tù. Đó là những người được đưa đến các khu bệnh trên mặt đất của các bệnh viện.

Người tù được đưa đến đây chủ yếu là từ những trại "Trung tâm thẩm vấn". Một trong những nhiệm vụ của tổ chức chúng tôi là đưa ra các ý kiến chuyên môn đặc biệt mà có thể không có sẵn ở Việt Nam trong suốt thời gian đó, nhưng cũng để chứng kiến tình hình và báo cáo sự thật cho người Mỹ khi chúng tôi từ Việt Nam về. Chẳng hạn như là tôi đã đi khắp nơi khoảng một  năm ở Mỹ và những quốc gia khác để chia sẻ những hình ảnh về người tù chính trị và nói lên sự thật với nhà cầm quyền, với cộng đồng và phương tiện thông tin. Tôi rất vui khi cô có thể tìm vài người tù và lên kế hoạch làm một bộ phim. Quả là một ý tưởng tuyệt vời. Đó cũng chính là món quà cho những người phụ nữ đã rất mạnh mẽ nhưng họ không hề nhận ra sự hy sinh của họ.

Tôi rất ủng hộ nỗ lực thực hiện một bộ phim về sự kết nối ấy. Tôi mong rằng có thể đến Việt Nam để gặp Báo ANTG, cô và các cựu tù". Chị Jane cho biết thêm, chị Sophie Quinn-Judge - Giáo sư Trường đại học Temple dự định trở lại Việt Nam vào mùa xuân năm 2010 cho dự án huấn luyện các giáo viên tiếng Anh ở những khu làng bên ngoài Quảng Ngãi

Trầm Hương
.
.