Kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam và 5 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ:

Tấm lá chắn thép: Chiến công nối tiếp chiến công

Thứ Tư, 25/08/2010, 20:25
Như chúng tôi đã nói trong bài 1, từ khoảng năm 2000 trở về trước, được sự giúp sức của những thế lực quốc tế, các tổ chức phản động lưu vong người Việt đều tìm cách đứng chân ở những quốc gia kế cận với ta nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển, đảm bảo nhanh chóng về thời gian, hạn chế chi phí về tài chính.

Bên cạnh đó, người của các tổ chức phản động lưu vong cũng như các đối tượng trong nước dễ dàng vào, ra qua những lối mòn biên giới mà trường hợp của Nguyễn Quốc Quân, "trung ương ủy viên" Việt Tân là một điển hình.

Tuy nhiên, từ khi Việt Nam gia nhập khối ASEAN, thì mối quan hệ giữa chúng ta với các nước trong khu vực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội...  ngày càng có nhiều tiến triển tốt đẹp.

Thái Lan chẳng hạn, nếu như trước kia là nơi đặt căn cứ  "Mặt trận quốc gia thống nhất các lực lượng giải phóng Việt Nam" của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, "chính phủ Việt Nam tự do" của Nguyễn Hữu Chánh, "mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam" của Hoàng Cơ Minh, "đảng nhân dân hành động" của Nguyễn Sĩ Bình, Nguyễn Xuân Ngãi..., thì từ năm 1995 trở đi, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã tích cực hợp tác với Bộ Công an Việt Nam, tấn công các đối tượng phản động lưu vong từ Mỹ, châu Âu về, dùng đất Thái Lan làm bàn đạp, tiến hành những âm mưu chống Nhà nước ta mà cụ thể là trong các năm 2007, 2009, Thái Lan đã trục xuất những đối tượng cầm đầu tổ chức "Việt Tân", "Đảng nhân dân hành động" khi chúng vừa đặt chân đến đất Thái. Trước đó, Thái Lan cũng đã tiến hành truy quét các "mật cứ" của "chính phủ Việt Nam tự do", do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu.

Phiên tòa xét xử một nhóm đối tượng khủng bố.

Về phía ta, Tổng cục An ninh, vẫn luôn là mũi chủ công trong việc ngăn chặn và đập tan những âm mưu nham hiểm của kẻ địch mà trong đó, mặc dù ra đời chưa được bao lâu, tuổi đời còn non trẻ nhưng CBCS Cục Chống khủng bố đã chứng minh được vai trò là tấm lá chắn bảo vệ Tổ quốc, cụ thể là một số vụ nổ mìn tự tạo xảy ra ở một vài địa phương, đã nhanh chóng được Cục Chống khủng bố làm rõ nguyên nhân, động cơ, phương thức hành động, hoặc những vụ quấy rối Tổng lãnh sự quán của một số nước đặt tại TP HCM bằng điện thoại di động.

Gần đây nhất ngày 28/4/2010, Cục Chống khủng bố cùng các đơn vị nghiệp vụ khác thuộc Tổng cục An ninh đã kịp thời ngăn chặn và bắt giam Phạm Thị Phượng, là thành viên của tổ chức phản động "Đảng vì dân" khi bà ta lén lút xâm nhập Việt Nam để tiến hành âm mưu đánh bom khủng bố phá hoại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các địa điểm công cộng như nhà ga, bến tàu, bệnh viện, trường học nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Tháng 5/2006, trong nước đã xảy ra một số vụ đình công của công nhân, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nhân cơ hội này, tổ chức khủng bố Việt Tân liền tung ra "Tập sách trắng về sự thức tỉnh công nhân Việt Nam", đồng thời xác định một trong những công việc phải làm là hình thành phong trào đình công sao cho nó lan rộng ra cả nước, tạo nên sự mất ổn định, tiến tới bạo loạn lật đổ chính quyền.

Để thực hiện ý đồ này, đầu năm 2009, Nguyễn Trọng Việt, "Vụ trưởng vụ quốc nội" của Việt Tân cùng những kẻ cầm đầu "ban đặc nhiệm số 2" đã tiến hành móc nối, lôi kéo một số công nhân trong các khu công nghiệp tại TP HCM rồi chỉ đạo họ thành lập "Trung tâm trợ giúp, đào tạo cho công nhân thất nghiệp". Các đối tượng này được chúng trả lương từ 50 đến 100USD/tháng, đồng thời tuyên truyền rỉ tai, rằng nếu bị bắt thì gia đình họ sẽ được trợ cấp mỗi tháng từ 100 đến 150USD!

Mục đích của bọn Việt Tân khi thành lập trung tâm này là để tập hợp lực lượng, kích động giới công nhân tại các khu công nghiệp đình công, biểu tình, hình thành các "điểm nóng" chính trị. Những cuộc đình công ấy được chúng quay phim, chụp hình rồi phát tán trên mạng Internet nhằm chứng minh thực lực, đồng thời tạo sự nghi ngờ, gây tâm lý hoang mang, nản chí của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, âm mưu thâm độc của bọn Việt Tân đã bị Cục Chống khủng bố nói riêng và Tổng cục An ninh 1 nói chung, đập tan.

Nhắc đến những tổ chức khủng bố của những nhóm người Việt phản động, lưu vong thì không thể không nhắc đến cái gọi là "Chính phủ Việt Nam tự do" của Nguyễn Hữu Chánh. Sau sự kiện Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, các nhóm phản động lưu vong hí hửng cho rằng cuộc "cách mạng đường phố" ở Việt Nam đã xuất hiện. Vì vậy, chúng ráo riết tìm kiếm sự ủng hộ của các thế lực nước ngoài, đồng thời liên kết, mua chuộc một số đối tượng trong nước nhằm tập hợp lực lượng, tiến hành các hoạt động phá hoại, khủng bố.

"Chính phủ Việt Nam tự do" của Nguyễn Hữu  Chánh cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Bằng hình thức phong cho những kẻ háo danh các chức vụ như quốc trưởng, bộ trưởng, thứ trưởng, tham mưu trưởng, tư lệnh... Chánh đã tập hợp được một số sĩ quan, tướng tá quân đội Sài Gòn lưu vong để lập ra bộ máy từ trung ương đến cơ sở.

Song song với những việc này, Nguyễn Hữu Chánh soạn thảo "tuyên ngôn", "cương lĩnh", "tâm thư", "hiệu triệu", ra lời kêu gọi "tổng khởi nghĩa", lập đài phát thanh "Việt Nam tự do", ra báo "Đông dương", "Tiếng dân", "Lập trường", "Dân tộc" cùng 9 trang web trên mạng Internet mà nội dung ngoài việc tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước ta, nó còn là nơi kêu gọi vũ trang bạo loạn.--PageBreak--

Tháng 9/1997, Chánh đưa lực lượng từ Mỹ về Thái Lan, thuê đất xây dựng 3 căn cứ KC701, 702, 703 rồi tổ chức 7 khóa huấn luyện mang tên "hòa bình" cho 176 đối tượng, chủ yếu là các bài học về kỹ thuật tác chiến, chế tạo bom mìn, cách tiếp cận mục tiêu, cách gây nổ. Tiếp theo, Nguyễn Hữu Chánh thành lập một bộ phận đặc biệt với danh xưng "đội đặc nhiệm", xâm nhập Việt Nam.

Trong suốt thời gian từ năm 1997 đến 2005, vào các dịp lễ lớn, Nguyễn Hữu Chánh đều tung những nhóm đặc nhiệm, mang theo chất nổ, lựu đạn, kíp nổ, dây cháy chậm, truyền đơn về nước, mà mục tiêu là Tượng đài Bác Hồ, Bưu điện TP HCM, trụ sở UBND TP HCM, cầu Tân An - Long An cùng một số trạm hạ thế của đường dây 500KV.

Nghiêm trọng hơn nữa, Nguyễn Hữu Chánh còn chỉ đạo Lê Hưng, nguyên thiếu tá phi công quân đội Sài Gòn, tìm mua máy bay thể thao kiểu Cessna rồi đưa vào Campuchia để từ đó, xâm nhập Việt Nam ném bom khủng bố nhưng âm mưu này bất thành vì Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã bắt giữ Lê Hưng với tội danh mua bán trái phép linh kiện động cơ máy bay.

Ở trong nước, bằng nhiều thủ đoạn như tạo ra các danh xưng trá hình, lập các diễn đàn trên mạng Internet, gặp gỡ, tiếp xúc với người lao động, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài rồi tiến hành tuyên truyền, móc nối, dùng tiền bạc, vật chất để dụ dỗ, Nguyễn Hữu Chánh đã lôi kéo được gần 200 người gia nhập "chính phủ".

Để xây dựng cơ sở trong nước, Nguyễn Hữu Chánh còn liên kết với các tổ chức phản động lưu vong khác, như "liên đảng cách mạng Việt Nam" của Hoàng Việt Cương, nhóm Phật giáo Hòa Hảo hải ngoại của Lê Phước Sang, liên kết với "đảng quân chủ lập hiến đa nguyên" của "chính phủ Hoàng gia Lào lưu vong" của bọn phản động Lào, liên kết với "đảng tự do dân chủ" của Trần Tỉnh Lê tại Đức, "ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia" của Hồ Anh Tuấn, "phong trào chống Cộng sản" của Lê Văn Tư để xin tiền ủng hộ...

Tiếp theo, Chánh chỉ đạo 4 toán, từ Mỹ về Campuchia, mang theo cờ, quân hàm, quân hiệu, tài liệu của "chính phủ", lén lút xâm nhập Việt Nam, móc nối với một số đối tượng cơ hội, bất mãn trong Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang, thành lập tổ chức trá hình "hội doanh nhân" để phát triển lực lượng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, đồng bọn của Nguyễn Hữu Chánh ở Campuchia cũng móc nối được với nhóm Sáu Nhì, Trần Đạt Phương, Hồ Văn Giàu rồi từ nhóm này, lôi kéo thêm 40 người tham gia.

Để khuếch trương thanh thế, Nguyễn Hữu Chánh đã 3 lần tổ chức cái gọi là "đại hội chính nghĩa", 4 lần đổi tên tổ chức và thành lập thêm nhiều nhóm ngoại vi, như "hội đồng dân quân cứu quốc", "tổng đoàn thanh niên cứu quốc", "biệt đoàn sao trắng", "liên minh dân tộc", "hội đồng tham vấn", "mặt trận dân tộc tự quyết", "liên đảng cách mạng", kể cả cái gọi là "ủy ban chống khủng bố". Chánh và đồng bọn đã thực hiện 17 vụ rải truyền đơn phản động tại TP HCM, Kiên Giang, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định.

Nguy hiểm hơn, sử dụng danh nghĩa "giúp đỡ công nhân người Việt ở Saipan", Nguyễn Hữu Chánh đã lôi kéo được 24 cô gái trẻ. Sau khi lừa tình, lừa tiền, Chánh chỉ đạo họ về nước tuyên truyền, rủ rê thêm người khác để Chánh đưa ra nước ngoài huấn luyện. Về sau, 4 trong số 24 cô gái này, đã đến văn phòng Chuyên đề ANTG phía Nam, tố cáo thủ đoạn thâm độc của Nguyễn Hữu Chánh, và Chuyên đề ANTG đã có bài tường thuật.

Tháng 3/2001 cho đến 6/2002, "chính phủ Việt Nam tự do" của Nguyễn Hữu Chánh phát động "chiến dịch hòa bình" mà mục tiêu vẫn không ngoài việc tiến hành đánh bom, đặt mìn khủng bố. Ngay sau khi phát động chiến dịch, tháng 4/2001, Nguyễn Hữu Chánh đã chỉ đạo tay chân đặt bom khủng bố Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Hai tháng sau đó, Võ Văn Đức, Phan Nguyễn Thanh Hiền Sỹ, Trần Anh Tuấn theo lệnh Nguyễn Hữu Chánh, mua thuốc nổ, điện thoại rồi chế tạo thành bom kích nổ từ xa, tiến hành khủng bố Đại sứ quán Việt Nam ở Băng Cốc, Thái Lan. Sau đó, nhóm này đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ, rồi lĩnh án tù từ 8 đến 12 năm.

Tháng 9/2001, Nguyễn Hữu Chánh chỉ đạo Nguyễn Tấn Vinh mua 25kg hóa chất, 1 cuộn dây cháy chậm cùng 2 bình ắc quy để chế tạo bom. Mục tiêu đánh bom khủng bố là Đại sứ quán Việt Nam tại Manila, Philippines. Tuy nhiên, Vinh chưa kịp thực hiện thì đã bị Cảnh sát Philippines bắt giữ.

"Chiến dịch hòa bình" thất bại. Chỉ tính riêng ở Thái Lan, Cảnh sát Thái Lan đã bắt, xử tù 97 tên, tiêu diệt 4 tên, trục xuất 70 tên quốc tịch nước ngoài, phá tan 3 căn cứ của Nguyễn Hữu Chánh. Campuchia bắt 21 tên, trục xuất 17 tên quốc tịch nước ngoài, ngăn chặn 265 tên mượn đất Campuchia để sang Thái Lan dự "đại hội chính nghĩa". Malaysia trục xuất 7 tên.

Vẫn không chịu nhận ra thất bại cay đắng, "chính phủ Việt Nam tự do" của Nguyễn Hữu Chánh đề ra kế hoạch "tổng nổi dậy" mà mục tiêu là trong năm 2005, phải lật đổ cho được Nhà nước Việt Nam. Để "tổng nổi dậy", Nguyễn Hữu Chánh cho ra đời cái gọi là "tổng vụ đặc nhiệm", rồi chi hơn 60 nghìn USD cho 10 thành viên từ Mỹ, Đức, Italia về Campuchia, thành lập tổ chức từ thiện phi chính phủ USIM làm vỏ bọc, tiến hành mua chất nổ dẻo, máy chèn phá sóng đài phát thanh, máy phát điện, ăngten... để thực hiện kế hoạch cướp sóng một số đài phát thanh trong nước, rồi phát đi lời "hiệu triệu" kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, lật đổ chính quyền. Kết quả, tất cả lũ lượt dắt nhau ra tòa.

Qua gần 15 năm đấu tranh với tổ chức khủng bố "chính phủ Việt Nam tự do" của Nguyễn Hữu Chánh, Cơ quan An ninh Việt Nam đã bắt 177 tên, đưa ra truy tố, xét xử 46 tên, vô hiệu hóa 197 tên khác, thu 16,5kg thuốc nổ, 50 kíp nổ, 60 lá cờ Sài Gòn cũ, 1.800 cuốn băng cát sét, 17 máy chèn, cướp sóng, 4 máy phát điện, 12 đầu đọc đĩa CD, 11 ăngten, hàng chục máy vi tính cùng hàng nghìn tờ truyền đơn mà theo kế hoạch, chúng sẽ đặt trên xe lửa, ôtô, nóc nhà cao tầng để truyền đơn tự bay xuống, đóng gói truyền đơn rồi thả trôi sông từ Campuchia về Việt Nam, dán vào bong bóng bay thả lên trời để tán phát trên diện rộng...

Có thể nói, trong suốt những năm qua, Cơ quan An ninh Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh chống các tổ chức phản động lưu vong người Việt cùng các thế lực quốc tế thù nghịch khác, xứng đáng là tấm lá chắn vững vàng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và nhất là với tinh thần đề cao cảnh giác của quần chúng nhân dân, ta đã chủ động ngăn chặn các vụ xâm nhập qua biên giới, các hoạt động khủng bố, phá hoại. Chính nhờ vậy, Việt Nam đến nay vẫn được thế giới xem là điểm đến của sự bình yên.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lơ là, cảnh giác, nhất là trong bối cảnh quốc tế, khu vực vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, và bọn phản động lưu vong vẫn không ngừng bày ra trăm nghìn mưu ma chước quỷ, nhằm lật đổ chính quyền

Hòa Xuân
.
.