Tạo tiền đề đánh cho Mỹ cút...

Thứ Ba, 22/01/2008, 15:30
Cuộc chiến đã lùi dần về quá khứ, nhưng mỗi khi nhắc tới cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân 1968 là ta lại nhớ đến "trận đòn sét đánh" đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới, làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, tạo nên một bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Tiến công vào Sài Gòn

Từ giữa tháng 1/1968, các nguồn tin tình báo đã phát hiện và báo với Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn rằng, có những dấu hiệu khuấy động kỳ lạ, nhưng các tướng tá Mỹ và tướng tá quân đội Sài Gòn đều cho rằng ít khả năng có cuộc tấn công lớn trong dịp tết!...

Đêm 30/1/1968 (mồng 1 rạng ngày 2 tết), từ các căn cứ cách xa Sài Gòn, các đội biệt động đã đột nhập vào thành phố, lấy vũ khí ở các hầm cất giấu từ trước, dùng xe du lịch tiến vào đánh các mục tiêu quy định như: Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh Hải quân và Sứ quán Mỹ. Viết về cuộc tấn công vào Tòa đại sứ Mỹ, Wolfer, một tác giả người Mỹ cho đây là trận đầu tiên làm Nhà Trắng choáng váng!

Theo nhà báo kỳ cựu của Washington, Don Oberdorfer thì vào 2 giờ sáng ngày 31/1/1968, sau khi nổ súng diệt 2 tên quân cảnh Mỹ gác cổng, Việt Cộng dùng thuốc nổ phá thủng tường, lọt vào trong rồi tràn vào khu Sứ quán. Don Oberdorfer cho biết: Tướng Westmoreland đã ra lệnh phải quét sạch đối phương ở khu Sứ quán,  coi đó như là một cố gắng “ưu tiên số 1”.

Tướng Weyand thì thấy không cần phải liều lĩnh thả quân dù ban đêm, đã chỉ thị cho lực lượng này chờ tới sáng rồi mới điều thêm xe bọc thép và quân cảnh đến tăng viện, dùng trực thăng đổ thêm lính đặc nhiệm đánh từ trên sân thượng xuống.

Trận phản công của địch kết thúc vào khoảng 6 giờ sáng, nhưng vì hoảng sợ, mãi đến 9 giờ 15 phút, Đại sứ Mỹ mới tuyên bố an toàn!

Sau cơn bàng hoàng, tướng Westmoreland và Đại sứ Mỹ Bunker đã đến Tòa đại sứ. Báo chí phương Tây cho rằng: Đối với nhiều người, hình như để Việt Cộng chiếm Đại sứ quán hơn 6 giờ đồng hồ là một thất bại đau đầu nhất mà Mỹ phải chịu thua ở Việt Nam. “Thái độ, cử chỉ run rẩy của tướng Westmoreland lúng túng không biết trả lời thế nào với các nhà báo là bằng chứng không thể nào che giấu được về sự thất bại của Mỹ!”. Một tờ báo Mỹ đã viết như vậy khi phỏng vấn tướng Westmoreland.

Trong luồng tin tức ngày 31/1 của Hãng CBS ở New York và trên mạng lưới vô tuyến truyền hình của Hãng NBC lần đầu tiên đã giới thiệu những trận đánh diễn ra ở Sài Gòn quay đúng sự thật trước hàng triệu khán giả của nước Mỹ. Làn sóng kinh ngạc, bất ngờ và giận dữ của công chúng Mỹ trước sự thật “choáng váng” này, trước tài năng, quyết tâm và sức mạnh của Cộng sản đã nhanh chóng lan ra khắp nước Mỹ!

Jakson Mac-Manus, biên tập của báo Time thì chắc chắn rằng: "Tổng thống Johnson và tướng Westmoreland  sẽ không bao giờ lấy lại được uy tín nữa!".

Tiến công vào thành phố Huế

Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Chỉ huy mặt trận Trị Thiên-Huế, cho biết, quân và dân Trị Thiên-Huế đã hoàn thành nhiệm vụ có thể nói là khá xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công tết Mậu Thân, đã tiêu diệt và làm tan rã các bộ phận quân địch, giải phóng và làm chủ thành phố Huế trong 25 ngày đêm liền.

Có thể nói trong đợt tấn công Tết Mậu Thân, trước yêu cầu chiến lược rất cao, lực lượng vũ trang Trị Thiên-Huế đã kiên cường chiến đấu làm đòn bẩy cho quần chúng nổi dậy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau này, chính quyền Johnson đã thừa nhận: "Cuộc tấn công vào Huế được coi như là cuộc tấn công nặng nề nhất và ngoài sự tưởng tượng nên đã gây nhiều tác động làm cho các cấp chính quyền địa phương càng dao động mãnh liệt!”.

Bị bất ngờ và thua đau ở Huế, giặc Mỹ đã huy động tới 8 tiểu đoàn bộ binh và hỏa lực yểm trợ phản kích, nhằm chiếm lại những mục tiêu trong thành phố. Viết về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân thành phố Huế, nữ nhà báo Italia, bà Phalasi cho rằng: "Đây không còn là một trận đánh nữa mà là một thiên anh hùng ca như những thiên anh hùng ca trong sách giáo khoa vậy!”.

Robert Thompson, sĩ quan chỉ huy thuộc Trung đoàn 5 thủy quân lục chiến Mỹ sau này thú nhận: Quân của ông ta bị thương vong nhiều, mặc dù hỏa lực đạn pháo các cỡ, bom napal đã dội vào tòa thành kiểu cổ, nhưng những người bắn tỉa vẫn cố thủ ở đó và khu thành vẫn đứng vững.  

Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đã thu hút trên 600 phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim người Mỹ và các nước đến Sài Gòn. Công chúng ở Mỹ đã tỏ ra nghi ngờ về những thông báo với những con số “đếm xác” từ Sài Gòn điện về. Và bây giờ, họ thấy đúng hơn bao giờ hết là những hình ảnh giá trị hơn ngàn lời nói về chiến sự từ Sài Gòn đến Khe Sanh, nơi mà hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ đang bị bao vây.

Trung tướng Davidson, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã thú nhận: “Cuộc tổng tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân đã cho Mỹ một bài học cay đắng!”. Bất ngờ lớn nhất là cuộc tấn công vào nhiều thành phố, thị trấn mà lại đánh đồng loạt cùng một lúc. Hậu quả của nó đã tác động đến nước Mỹ, đến sự ủng hộ chiến tranh của người dân Mỹ.

Tại nước Mỹ, phóng viên truyền hình được công chúng Mỹ tin cậy là Walter Conkrite, sau khi ở Việt Nam về đã nói rằng: “Ai thắng trong cuộc tổng tấn công tết, tôi không biết chắc! Việt Cộng đã không hạ đối phương đo ván, nhưng phía Mỹ chúng ta cũng vậy! Có một điều ngày càng sáng tỏ và hợp lý nhất là bây giờ chúng ta hãy thương lượng với Hà Nội”.

Cuộc tấn công chiến lược này đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Tổng thống Johnson phải xuống thang và chấp nhận đàm phán với ta ở Paris.

Sau năm 1968, ở Mỹ, cuộc tranh luận về cuộc tấn công tết Mậu Thân 1968 vẫn kéo dài và tướng Westmoreland cũng phải công nhận: “Đây là khúc ngoặt của cuộc chiến tranh nhưng lại là khúc ngoặt đi đến thất bại!”.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 năm 1973 đã đi đến kết luận: “Mặc dù có những khuyết điểm, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn giữ vững một vị trí to lớn và oanh liệt, đã tạo được “bước ngoặt quyết định” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ!”.

Sau ngày Tổng tấn công xuân 1975, Thượng tướng Trần Văn Trà trong Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền- B2, nguyên chỉ huy trận đánh vào Sài Gòn đã nói: “Ngay từ năm 1965, khi mà quân đội Mỹ tiến vào miền Nam đất nước ta gây ra cuộc chiến tranh cục bộ vô cùng ác liệt, đẫm máu, Bác Hồ chúng ta đã chỉ thị “Phải đánh tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”, Bác không bảo chúng ta phải tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược Mỹ mà lại bảo phải đánh tan ý chí xâm lược của đế quốc.

Về sau Bác lại bảo “Đối với đế quốc Mỹ phải có cách chủ động làm cho nó rút ra”. Bác khẳng định là “Đánh cho Mỹ cút thì ta mới có điều kiện đánh cho ngụy nhào”.

Tết Mậu Thân mục đích chủ yếu là để đánh cho Mỹ cút, tạo ra một bước ngoặt chiến lược quan trọng trong cuộc chiến tranh để dẫn đến toàn thắng ngày 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”

Phạm Quốc Vinh
.
.