Tên lửa phòng không Việt Nam những ngày đầu (kỳ 2)

Thứ Năm, 05/04/2007, 08:30

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Tên lửa phòng không đã bắn rơi tất cả 788 máy bay địch gồm 27 loại khác nhau, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ. Bộ đội Tên lửa phòng không đã lập được chiến công đặc biệt xuất sắc: bắn rơi 29 máy bay B-52, có 16 chiếc rơi tại chỗ,  góp phần quyết định vào chiến thắng chấn động địa cầu những ngày cuối tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội.

Thực tế qua ba tháng huấn luyện chuyển binh chủng đã chứng minh quan điểm đó là đúng. Tôi chưa từng được chứng kiến ở đâu không khí sôi nổi, tinh thần say mê học tập đến mức quên mình như lớp cán bộ, chiến sĩ tên lửa đầu tiên.

Với ý chí mạnh mẽ, quyết tâm vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, suốt gần 3 tháng trời, cán bộ, chiến sĩ ở đây đã học tập trung bình từ 14 đến 16 tiếng mỗi ngày. Khẩu hiệu: “Học ngày không đủ, tranh thủ học đêm”. “Học vì miền Nam ruột thịt”. “Học để trả thù cho đồng bào, đồng chí bị máy bay giặc Mỹ giết hại...” đã trở thành động lực thúc đẩy mọi người từ đồng chí Tư lệnh đến các trắc thủ lái đạn.

Tinh thần học tập của anh em ta đã thực sự làm cho các đồng chí chuyên gia Liên Xô cảm phục và lôi kéo cả bạn vào phong trào thi đua chung. Ta học bao nhiêu giờ, bạn sẵn sàng dạy bấy nhiêu. Ta học lúc nào, bạn sẵn sàng dạy lúc đó. Lớp học chuyển binh chủng đó đã tạo nên một hình ảnh đẹp đẽ về tinh thần quốc tế vô sản, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc, hai quân đội.

Tư lệnh Phùng Thế Tài (người đội mũ, bên trái Bác) hướng dẫn Bác Hồ thăm trận địa tiểu đoàn 61, Trung đoàn tên lửa sông Đà ngày 26/8/1965.

Tôi nhớ hồi đó, trong quá trình học tập, câu nói của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại một buổi đến thăm đơn vị đã đem đến cho anh em một niềm tự hào, một niềm tin rất lớn. Đồng chí nói: “Mọi thứ vũ khí kỹ thuật hiện đại, quân đội các nước anh em học được, sử dụng được thì Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nhất định học được, sử dụng được và sử dụng tốt”.

Giữa khóa học, đồng chí Trần Nhẫn, Trung đoàn phó được gọi lên báo cáo tình hình với đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng tỏ lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đã có nhiều cố gắng học tập. Đồng chí truyền đạt tinh thần chỉ thị của Quân ủy Trung ương là bộ đội tên lửa cần nỗ lực vượt bậc để có thể sớm ra quân chiến đấu, đáp ứng kịp thời tình hình đang hết sức khẩn trương là chặn đứng bước leo thang nguy hiểm của địch, lúc này đã đánh ra Nam Định và Ninh Bình gây nên vụ thảm sát ở Hàng Than.

Thời gian huấn luyện lúc đầu dự định 8 tháng, sau rút xuống 6 tháng, cuối cùng chưa đầy 3 tháng đã ra quân chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Rõ ràng, trình độ kiến thức là quan trọng, nhưng ý chí, quyết tâm còn quan trọng hơn.

Cùng với việc tổ chức biên chế, huấn luyện chuyển binh chủng, chúng ta phải khẩn trương giải quyết vấn đề lớn thứ 2 là việc tiếp nhận vũ khí.

Thiết bị toàn bộ cho 2 trung đoàn tên lửa gồm hàng trăm xe máy, bệ phóng, hàng trăm quả đạn... từ đất nước Xôviết cách ta hàng vạn cây số, làm sao chuyển đến nước ta trong một thời gian ngắn, bảo đảm an toàn và đặc biệt là giữ được bí mật tuyệt đối?

Có hai phương án được nêu ra: Đi đường biển và đi đường bộ bằng tàu liên vận. Đi đường biển thì an toàn, nhưng khó giữ được bí mật. Mà bí mật lại là yêu cầu quan trọng bậc nhất, để bảo đảm yếu tố bất ngờ khi ra quân trận đầu. Đi đường sắt thì thuận lợi nhiều mặt, chỉ lo nhất là đoạn đường từ Lạng Sơn về Hà Nội, khó bảo đảm an toàn, vì xưa nay đoạn đường này chưa hề vận chuyển một loại “hàng” nào cồng kềnh nặng nề như thế mà đường sắt của ta lúc đó vào loại xấu nhất thế giới, lại nhiều cua, nhiều dốc.

Tổng cục Đường sắt nhận được chỉ thị bí mật kiểm tra lại toàn bộ tuyến đường này và gấp rút sửa chữa những đoạn đường còn yếu để chuẩn bị tiếp nhận những chuyến hàng đặc biệt. Phương án đường sắt được Bộ Chính trị và Bác Hồ chấp nhận thì lại nảy ra một điều khó khăn mới.

Hôm ấy, trong giờ làm việc đầu tiên đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô nói với tôi:

- Có lẽ chúng tôi phải chuyển giao vũ khí cho các đồng chí bằng đường biển. Vì chúng tôi không thể để vũ khí của chúng tôi đi một chặng đường dài qua đất Trung Quốc mà không có người của chúng tôi áp tải.

Còn phía Trung Quốc thì khăng khăng khi tàu đi qua địa phận của họ thì do người của họ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Chúng tôi phải báo cáo việc này lên Bác Hồ để xin ý kiến. Rất may mắn là từ sau ngày giặc Mỹ ném bom miền Bắc ngày 5/8/1964, Bác Hồ cho chúng tôi có một đường dây điện thoại đến thẳng chỗ Người. Vì vậy, hễ có vấn đề gì khó khăn là tôi tranh thủ xin ý kiến của Bác ngay.

Tất nhiên là mọi việc sau đó đều được giải quyết trót lọt. Nhắc lại chi tiết này để chúng ta thấy được Đảng ta, nhân dân ta đã phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong một bối cảnh tình hình quốc tế khó khăn phức tạp thế nào. Nhưng nhờ đường lối đúng đắn, sáng tạo, mềm dẻo của Đảng và Bác Hồ mà chúng ta có thể vượt qua được tất cả để đi đến đích thắng lợi cuối cùng.

Như vậy là công việc vận chuyển vũ khí từ Liên Xô qua Trung Quốc đến ga Bằng Tường đã được tiến hành chu đáo. Trên quãng đường hàng vạn kilômét, thực tế chỉ có đoạn đường 150km từ Bằng Tường về Hà Nội là khó khăn nhất, làm chúng tôi phải suy nghĩ nhiều. Ở đây, vấn đề an toàn bí mật được đặc biệt chú ý. Mọi kế hoạch cho đến phút cuối cùng mới được phổ biến, và cũng chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp, việc ai người nấy biết.

Không thể nào quên chuyến tàu đầu tiên chở tên lửa từ ga Bằng Tường về Hà Nội. Đêm hôm đó, tất cả các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng đều thức. Đồng chí Đặng Tính và tôi ngồi ở sở chỉ huy nắm tình hình từng giờ. Đoàn tàu về đến ga nào đều được đánh dấu trên bản đồ tác chiến.

Hầu như tất cả cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan Bộ Tư lệnh đóng ở sân bay Bạch Mai cũng đều không ngủ. Mỗi người được phát một nửa chiếc bánh mỳ bồi dưỡng để chuẩn bị tham gia bốc dỡ hàng. Để bảo đảm bí mật, chuyến tàu đặc biệt không dừng ở ga Hàng Cỏ mà sẽ chạy thẳng về sân bay Bạch Mai và theo kế hoạch thì trước khi trời sáng, toàn bộ khí tài phải tập kết đúng nơi quy định cách Hà Nội 20km.

Đêm hôm trước, Tổng cục Đường sắt đã được lệnh nối dài đường ray từ ga Vọng vào sân bay Bạch Mai để phục vụ công việc khẩn cấp và tuyệt đối bí mật này.

Nhờ sự quan tâm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Chính phủ mà chuyến tàu chở tên lửa đầu tiên đã về đích an toàn đúng như dự kiến. Các cơ quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường sắt, Bộ Công an, tỉnh ủy các địa phương đoàn tàu đi qua, với tình cảm và trách nhiệm cao nhất đối với sự ra đời của Bộ đội Tên lửa phòng không, đã đem hết sức mình hoàn thành tốt nhất phần việc được giao. Lần đầu tiên chúng ta đã thực hiện “con đường xanh” trong ngành đường sắt.--PageBreak--

Sau này chúng tôi mới được nghe kể lại, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ về nhiệm vụ đặc biệt này. Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Đường sắt đã có một phiên họp đặc biệt để thông qua danh sách từng người được chọn phục vụ trên tất cả các ga của tuyến đường Đồng Đăng - Hà Nội đêm hôm ấy.

Đồng chí Lý Văn Du, Anh hùng Lao động ngành đường sắt được chỉ định lái chuyến tàu đặc biệt này. Để bảo đảm an toàn và bí mật tuyệt đối, đoàn tàu mang mật hiệu “210” không dừng lại bất cứ một ga nào trên suốt tuyến đường. Tất cả các đoàn tàu đi ngược chiều với nó đều phải dừng lại một bên để nhường đường. Cứ thế, những toa tàu phủ kín bạt, băng mình trong đêm sương lạnh buốt.

Các chiến sĩ áp tải xúc động giơ tay vẫy chào những đồng chí công an, những đồng chí dân quân gái, trai có mặt trên suốt chặng đường đoàn tàu đi qua. Họ đứng đó  như những pho tượng trong đêm im lặng nhìn theo đoàn tàu, nhưng tuyệt nhiên không hề biết rõ đoàn tàu chở gì, đi đâu, về đâu!

Sáng hôm sau, khi người Hà Nội thức dậy sớm, thì toàn bộ hoạt động sôi nổi, khẩn trương đêm hôm qua ở ga Hàng Cỏ không còn một vết tích gì nữa. Toàn bộ trở lại hoạt động bình thường. Những bệ phóng, những khí tài to lớn, cồng kềnh của một Trung đoàn Tên lửa mới đã về ẩn náu an toàn ở một vùng ngoại thành.

Trong lúc đó, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, máy bay, tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ hối hả, lùng sục tìm kiếm... Bất chấp cả luật lệ quốc tế, chúng cho máy bay rà soát các tàu ra vào cảng Hải Phòng. Chúng đã đánh hơi thấy Bắc Việt Nam sắp có một loại vũ khí mới.

Toàn bộ mạng lưới CIA ở Việt Nam cùng với những phương tiện trinh sát hiện đại nhất của Không quân Mỹ được huy động nhằm trả lời cho được 3 câu hỏi: Đó là loại vũ khí gì? Nó được đưa vào bằng con đường nào? Và bao giờ thì được triển khai?

Chúng không thể ngờ rằng và không tin rằng, trong lúc chúng đang cất công tìm cho ra con đường vào Bắc Việt Nam của loại vũ khí mới, thì những bệ phóng của SAM-2 đã yên vị tại khu vườn vải um tùm Mai Lĩnh, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Đông, cách Hà Nội chưa đầy 30km. Thế là trong cuộc chạy đua với ta, kẻ địch đã thua keo thứ nhất.

Vài tháng sau, khi biết ta đã có SAM-2 và đã chụp ảnh được 5 trận địa vừa xây dựng xong xung quanh Hà Nội, bọn địch lại mắc phải sai lầm chủ quan khác. Các chuyên viên quân sự của Lầu Năm Góc phán đoán rằng: “Căn cứ vào tính năng kỹ thuật của SAM-2, Bắc Việt Nam giỏi lắm cũng phải đến giữa năm 1966 mới huấn luyện xong và có thể đưa ra hoạt động được”.

Giữa lúc đó thì Quân chủng nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu: Kiên quyết cơ động những bệ phóng ra xa thủ đô, hiệp đồng với các lực lượng phòng không khác, tổ chức một trận đánh lớn, giáng cho địch một đòn bất ngờ choáng váng.

Và thế là ngày 24/7/1965, hồi 15 giờ 53 phút, những quả đạn đầu tiên của hai tiểu đoàn 63, 64, Trung đoàn 236 do đồng chí Trần Nhẫn, quyền Trung đoàn trưởng chỉ huy, được phóng lên bầu trời Trung Hà (thuộc huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây cũ), bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4 của địch, là chiếc máy bay thứ 400 bị bắn rơi trên miền Bắc, báo hiệu một binh chủng mới của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời: Binh chủng Tên lửa phòng không Anh hùng.

 Từ hai trung đoàn tên lửa đầu tiên được thành lập năm 1965 mang phiên hiệu 236, 238, chưa đầy hai năm sau phát triển thành 10 trung đoàn, có mặt khắp các vùng chiến lược xung yếu, từ Hà Nội, Hải Phòng đến tuyến lửa Vĩnh Linh.

Để đáp ứng với nhiệm vụ mới càng nặng nề trước âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại trên toàn miền Bắc của Không quân Mỹ, ngày 24/3/1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đã ký Quyết định 015/QĐ-QP chính thức thành lập Binh chủng Tên lửa, cho đến hôm nay vừa tròn 40 năm.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Tên lửa phòng không đã bắn rơi tất cả 788 máy bay địch gồm 27 loại khác nhau, trong đó có 366 chiếc rơi tại chỗ.

Bộ đội Tên lửa phòng không đã lập được chiến công đặc biệt xuất sắc: bắn rơi 29 máy bay B-52, có 16 chiếc rơi tại chỗ,  góp phần quyết định vào chiến thắng chấn động địa cầu những ngày cuối tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội.

Và chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 11/1/1973,  Đảng và Nhà nước đã quyết định phong tặng Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội ta cả một binh chủng được tặng danh hiệu cao quý này

.
.