Thái Lan: Tân nữ Thủ tướng có giữ được lời hứa với cử tri?

Thứ Hai, 15/08/2011, 11:25

Quốc hội Thái Lan ngày 5/8 đã bỏ phiếu chính thức đưa Yingluck Shinawatra vào ghế Thủ tướng vương quốc này, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của các thành phần đồng minh với anh của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là trong Chính phủ mới của Thái Lan, tư lệnh lục quân vẫn tại vị và không có nhân vật nào xuất thân từ phong trào Áo đỏ được bổ nhiệm.

Dư luận cho rằng là một người đẹp Áo đỏ giữa rừng Áo vàng như thế, liệu bà Yingluck có giữ được lời hứa với cử tri Áo đỏ?

Bà Yingluck đưa đảng đối lập Puea Thai Party (PTP) đến chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Thái Lan ngày 2/7/2011, bằng sự ủng hộ có được ở vùng thôn quê cũng như một số khu vực nghèo ở thành phố để đánh bại Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người được hỗ trợ của thành phần trung lưu và các tỉnh giàu có ở phía nam. PTP được thành lập sau khi một đảng thân Thaksin khác thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2007, nhưng lại bị tòa ra phán quyết phải giải tán một năm sau đó với lý do vi phạm luật bầu cử. Tuy liên minh cầm quyền gồm 5 đảng do bà Yingluck lãnh đạo ở thế đa số tại Quốc hội Thái, các quan sát viên chính trị Thái Lan cho rằng chính phủ bà khó mà cầm quyền cho đến hết nhiệm kỳ 4 năm.

Như vậy là, gần 5 năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào tháng 9/2006, ông Thaksin coi như đã "phục thù" qua thắng lợi của em gái. Bà Yingluck, năm nay 44 tuổi, nguyên là một nhà doanh nghiệp, chưa hề có kinh nghiệm chính trị, nên một số người cho rằng bà chỉ là con rối trong tay ông Thakisn. Nhưng theo nhận định của ông Pavin Chachavalpongpun, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, bà Yingluck đã chứng tỏ là một nhân vật có sức thu hút mạnh và sẽ là một Thủ tướng rất có năng lực. Tuy nhiên, theo nhà phân tích này, có nhiều thách thức đang chờ đón bà.

Tân Thủ tướng Thái Lan, Yingluck Shinawatra (giữa) chắp tay chào mọi người sau khi được bỏ phiếu bầu làm nữ Thủ tướng đầu tiên của Quốc gia này ngày 5/8.

Một trong các thách thức hàng đầu đối với nữ Thủ tướng Yingluck là hòa giải dân tộc vốn đang bị chia rẽ sâu sắc giữa các đảng phái, liên tục xáo động với các cuộc biểu tình trên đường phố kể từ 5 năm nay, từ khi chính phủ Thaksin bị lật đổ. Trước hết, tân Thủ tướng Thái phải làm sao hòa giải thành phần dân nông thôn và dân nghèo thành thị ở miền bắc và đông bắc, vốn ủng hộ ông Thaksin, với thành phần trung lưu và giới tinh hoa, trung thành với Hoàng gia Thái.

Trong tình hình hiện tại, nếu bổ nhiệm những người lãnh đạo phong trào Áo đỏ vào chính phủ thì có thể coi đó như một hành động khiêu khích đối với bộ phận giới tinh hoa Thái, vốn căm ghét Thaksin. Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006, xã hội Thái Lan đã bị phân hóa trầm trọng giữa hai thành phần nói trên. Đường phố Bangkok trong những năm qua đã liên tục rung chuyển vì những cuộc biểu tình rầm rộ của phe chống và ủng hộ Thaksin.

Xin nhắc lại là, Tư lệnh lục quân Thái Lan, tướng Prayut Chan-O-Cha vẫn được giữ nguyên chức vụ, đã gần như công khai chống lại bà Yingluck trong chiến dịch tranh cử Quốc hội vừa qua với lời kêu gọi dân chúng hãy bầu cho "những người tử tế". Tướng Prayut cũng chính là người lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra năm 2006, và được coi là người ra lệnh tiến hành đợt tấn công chấm dứt phong trào Áo đỏ kéo dài 2 tháng vào ngày 19/5/2010, tại trung tâm thủ đô Bangkok. Cuộc khủng hoảng được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử Thái Lan hiện đại, khiến 90 người chết và 1.900 người bị thương. Phe Áo đỏ nay đang đòi trừng trị những kẻ đã đàn áp biểu tình, tức là các lãnh đạo quân sự. Nhưng làm sao thi hành công lý mà không gây thù hằn với quân đội? Đó là thách thức rất gay go đối với bà Yingluck.

Theo lời ông Sean Boopracong, nguyên là một phát ngôn viên của phe Áo đỏ, bà Yingluck đã thấy đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, nên đã tuyên bố là sẽ giữ nguyên Ủy ban Hòa giải, do cựu Thủ tướng Abhisit bổ nhiệm trước đây, để giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng tòa có dám kết án các lãnh đạo quân đội hay không? Tương lai sẽ trả lời điều này.

Một vấn đề tế nhị khác, đó là trong thời gian tranh cử, đảng PTP, trên thực tế do ông Thaksin lãnh đạo từ nước ngoài, đã nhắc đến khả năng ban hành lệnh ân xá cho toàn bộ các chính khách bị kết án, mở đường cho cựu Thủ tướng Thái hồi hương. Nhưng ai cũng sợ rằng, sự trở về của ông Thaksin, bị kết án vắng mặt 2 năm tù, sẽ gây những rối loạn mới ở Thái Lan. Bên cạnh đó, bà Yingluck cũng chịu áp lực từ phía các lãnh đạo phe Áo đỏ, đòi chia các ghế lãnh đạo cao cấp trong chính phủ mới.

Nhận xét về chiến thắng của bà Yingluck, các nhà quan sát cho rằng chính cựu Thủ tướng Thaksin, hiện đang sống lưu vong tại Dubai hòng né tránh bản án 2 năm tù tội tham nhũng, đã điều khiển từ xa chiến dịch tranh cử của em gái mình. Còn đối với quân đội và lực lượng chống đối phe Áo vàng, chiến thắng của đảng PTP là một viên thuốc đắng khó nuốt, khi thấy lãnh đạo của phe Áo đỏ quay lại chính trường thông qua trung gian là một người phụ nữ không có kinh nghiệm chính trị.

Theo nhận xét của báo Le Monde, tương lai trước mắt của bà Yingluck vẫn còn khá mù mịt. Trong quá trình tranh cử, bà đã đưa ra quá nhiều lời hứa mà phe cánh hữu đánh giá là "không thực tế". Để thu hút cử tri các khu vực chịu nhiều thiệt thòi như các vùng nông thôn ở phía đông bắc, nhất là phía bắc quê hương xứ sở của gia đình Shinawatra, bà đã đưa ra nhiều hứa hẹn hấp dẫn như ai cũng có "cơm no áo mặc", lương tối thiểu sẽ được tăng lên là 300 bath/ ngày. Đối với nông dân, bà Yingluck cam kết sẽ thu mua lúa gạo của họ với giá cao hơn so với giá của các đối thủ cạnh tranh quốc tế. Hay về mặt xã hội, bà chủ trương mỗi học sinh được quyền mua một chiếc máy vi tính xách tay với giá ưu đãi.

Thế nhưng, những người có thái độ thù nghịch với cánh Shinawatra tin rằng phần lớn số lời hứa đó sẽ không thể nào thực hiện được. Họ nghi ngờ các lời hứa này không những sẽ làm tăng giá cả mà còn thổi phồng nợ công lên.

Vì vậy, trước vô vàn lời hứa của bà Yingluck, nhiều nhà lãnh đạo của đảng PTP đã tỏ ra cẩn trọng hơn. Họ xác nhận rằng một vài lời hứa được đưa ra là vì để tranh cử. Và không thể nào áp dụng hết ngay lập tức được

Văn Bôl (tổng hợp)
.
.