Thầm lặng nghiệp nhà binh

Thứ Sáu, 26/12/2014, 13:15
Đó là cái nghề mà ai dấn thân vào là phải chấp nhận sự cách xa, thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh, thầm lặng đóng bất cứ "vai diễn" nào mà theo khái niệm nghề nghiệp gọi là "bình phong - chức nghiệp"; miễn là "vai diễn" đó giúp họ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà tổ chức giao phó mà vẫn giữ được an toàn cho mình, bí mật cho tổ chức, dù sống ngay trong sào huyệt của địch.

Bởi thế, họ được phép khoác cho mình nhiều thứ giả: Tên giả (bí danh, bí số), tuổi giả, quê hương bản quán cũng giả nốt. Chỉ có tâm hồn, trái tim, khối óc của họ để tạo nên con người cách mạng chân chính là thật, một trăm phần trăm là thật, ấy là nghề tình báo của giai cấp vô sản.

Tôi được biết và quen ông hơi bị lâu. Từ thời kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó ông đã là Phó Cục trưởng Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (tên ngụy trang, thực ra đó là Cục II, nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Năm 1965, tôi trở thành lính của ông. Được đưa về Hà Nội dự lớp huấn luyện nghiệp vụ để bổ sung cho một Cụm tình báo chiến lược ở chiến trường miền Nam. Thời gian ở Hà Nội, tôi chỉ được gặp ông nhõn 2 lần. Lần đầu là hôm tập trung đoàn ở Trạm 66 (số 1 Hoàng Diệu - Hà Nội).

Và lần thứ 2 là hôm ông đến để tiễn đoàn vô Nam. Cũng ở Trạm 66. Dẫu chỉ 2 lần ngắn ngủi ấy thôi, ông đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng, kể cả những băn khoăn, thắc mắc. Tỷ như tên gọi của ông. Bậc đàn anh trong đoàn đã biết ông từ trước, người thì gọi ông là anh Tư, người lại kêu là anh Văn, người khác lại gọi là anh Như… Lạ, người sao mà lắm tên thế! Với tôi, thôi thì cứ cái tên "thủ trưởng" mà gọi, mà xưng hô cho "nhất cử lưỡng tiện". Chưa hết, năm 1967, tôi đang ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, nghe mấy ông lãnh đạo cụm hội ý: "Anh Tư Hiệp được phân công phụ trách tình báo miền Nam. Vừa từ Hà Nội vào - đi đường bay Phnôm Pênh. Theo lịch cấp trên thông báo, anh Tư Hiệp sẽ về kiểm tra công tác cụm ta”. Gặp ông, tôi ớ người ra. Thì vẫn là ông thủ trưởng hôm nào. Thật không ngờ!

Còn cái chuyện quê hương bản quán của ông nó còn nhiêu khê, ly kỳ và bí hiểm hơn nhiều, người thì bảo ông "dân nhãn lồng Hưng Yên", người khác lại bảo ông đích thị xứ vải thiều Hải Dương. Mấy ông có vẻ "thâm cung bí sử" thì lại bảo ông là Việt kiều Lào. Ông khác cãi lại - ông là Việt kiều Thái. Thật trời cũng không hiểu nổi… Chưa xong, tới chuyện xác định thổ ngữ. Kể cũng lạ. ông nói đặc sệt tiếng Bắc. Nhưng lại là cán bộ miền Nam tập kết. Mấy "anh Hai" khẳng định như đinh đóng cột rằng: "Ông là dân Nam Bộ - đã từng là Tỉnh đội trưởng Long Châu Sa. Vợ ông người Long Châu Sa chánh hiệu". Ôi! Cái nghề tình báo sao mà thần bí thế! Có lúc tôi đã thốt lên như vậy.

Trung tướng Nguyễn Như Văn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng.

Mang tiếng là một nhà văn, nhà báo đã bao lần tôi định viết một cái gì đó về ông, một người thủ trưởng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhưng rồi lại thôi. Bởi kỷ niệm về ông thì nhiều trong khi hiểu biết về lịch sử cuộc đời hoạt động cách mạng của ông lại quá mỏng. Một sự may mắn bất ngờ đến với tôi, mùa thu năm nay tôi gặp lại Nguyễn Văn Cần - đồng đội cũ đã từng gắn bó với nhau nhiều năm tại địa bàn Bến Tre - (Cụm Tình báo H67). Không ngờ, Cần lại là người cùng làng với ông. Anh đã trở thành cầu nối giúp tôi liên lạc được với em ruột của ông là ông Nguyễn Như Trác. Mừng quá thế là bao huyền thoại, bao bí mật về ông mới được "bật mí". Bao băn khoăn, khúc mắc về ông mới được giải đáp.

Những chặng đường binh nghiệp

Ông tên thật là Nguyễn Như Văn (tự Tư Văn, Tư Hiệp). Sinh năm 1924, quê: xã Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên. Tham gia cách mạng rồi nhập ngũ quân đội. Hoạt động trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp của ông có nhiều chi tiết khác người. Tỷ như tháng 5/1945, tham gia cách mạng nhưng lại ở Chi bộ Việt Minh tại thị xã Thakhek (Lào). Rồi tháng 8/1945, tham gia cướp chính quyền và  gia nhập Việt kiều cứu quốc quân, chiến đấu ở chiến trường Thakhek. Tới khi Pháp chiếm Thakhek (tháng 2/1946), đơn vị đã rút sang Thái Lan lập chiến khu bí mật. Tháng 12/1946, theo Chi đội Trần Phú hành quân về nước, hoạt động tại Tây Ninh. Đơn vị đổi tên là Chi đội Hải ngoại 4; tháng 5/1947, đơn vị chuyển về Sa Đéc (địa bàn Khu Tám), đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 109.

Đường "quan lộ" của ông có những đặc điểm khác nhiều người. Ông từng là Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội trưởng Lưỡng tỉnh (Sa Đéc và Long Châu Tiền). Năm 1951, sáp nhập 2 tỉnh thành Long Châu Sa, ông được cử giữ chức Phó tỉnh đội trưởng. Khi lực lượng vũ trang cấp tỉnh tổ chức thành trung đoàn, chuẩn bị tập kết ra miền Bắc, ông được chỉ định làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Long Châu Sa. Quãng thời gian hơn một phần hai con giáp từ khi ông ở Chi đội Hải ngoại 4 về hoạt động trong nước, cho đến năm 1954 tập kết ra Bắc, ông đã gắn bó trọn vẹn với chiến trường Nam Bộ, mảnh đất cực Nam hiền hòa ấy đã thắp lên ngọn lửa tình trong lòng chàng trai Việt kiều quê xứ Bắc - Nguyễn Như Văn. Anh đem lòng yêu say đắm cô gái miệt vườn có cái tên của một loài hoa sứ giả tình yêu - Hồng, Nguyễn Thanh Hồng. Mối tình đẹp như trong sách ấy đã đơm hoa, kết trái. "Cách cách" đầu lòng là cô Nguyễn Thị Dung sau này cũng nối nghiệp cha, nghe nói đã trở thành một đại tá - bác sĩ quân y. Hai người con trai là Nguyễn Như Hiệp và Nguyễn Như Hoàng đều thành đạt, đang công tác tại TP HCM.

Những năm đầu tập kết ra Bắc, ông được tổ chức điều động sang nhiều vị trí công tác mới - Chính ủy Trung đoàn 570 - Sư đoàn 330, Chủ nhiệm Pháo binh sư đoàn, tiếp theo là về Cục Tình báo (thời đó gọi là Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu). Đó là bến đỗ cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Trên 40 năm phục vụ trong lực lượng tình báo quân sự, ông đã kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng Điệp báo, Phó cục trưởng, Cục trưởng rồi Tổng cục trưởng. Trên 30 năm quen biết gắn bó và là cấp dưới của ông, tôi bỗng nhận ra một điều lý thú đặc biệt nữa trên bước đường "quan lộ" của ông, đó là: ông là vị tướng đầu tiên có quân hàm cao nhất của Cục Tình báo - Trung tướng Cục trưởng từ năm 1989. Thời đó, với đơn vị cấp cục mà được thăng quân hàm cỡ đó quả là hiếm hoi. Đó là niềm tự hào chung của toàn lực lượng tình báo quân sự anh hùng.

Với tôi, ngoài niềm tự hào, tôi còn được đem theo nhiều kỷ niệm sâu sắc về ông.

Nước mắt ngày chia tay

Đó là một buổi chiều tại Trạm 66. Hôm đó Phó cục trưởng Nguyễn Như Văn đến để chia tay, tiễn chúng tôi vào chiến trường miền Nam. Sau khi làm việc trực tiếp với trưởng đoàn (anh Trương Phụng Cơ, tức Mười Tùng), ông gặp mặt chung toàn đoàn, gọi là để giao nhiệm vụ. Trước khi lên xe, ông kéo 3 chiến sĩ trẻ là tôi, Nguyễn Văn Giai (quê ở Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh) và Nguyễn Đăng Bách (quê Tiên Du, Bắc Ninh) ra hành lang phòng họp.

Ông nắm chặt tay 3 chúng tôi, lâu lắm mới cất thành lời: "Anh em kia họ về quê chiến đấu, dẫu sao họ cũng có thuận lợi đã quen thung thổ… Chỉ thương cho mấy chú em còn trẻ quá, lại lạ nước lạ cái… Đường đi dài lắm, nhanh thì cũng 4 tháng mới tới nơi, mỗi đứa sẽ về một cụm. Hầu hết là anh em quê trong đó. Hãy cố gắng để sớm thích nghi với môi trường, xứng đáng là cán bộ miền Bắc tăng cường…". Ông nói trong tâm trạng xúc động nghẹn ngào. Tôi ngước nhìn ông, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt phong trần của ông, người thủ trưởng, bậc cha chú, huynh trưởng của lớp cán bộ trẻ chúng tôi.

Bữa "tiệc" ở trạm giao liên

Hầu hết các đoàn "Nam tiến" thời đó khi vào tới rừng Khu Sáu đều cạn kiệt thực phẩm, ăn uống không có gì ngoài cơm và muối rang. Thành thử anh nào cũng hốc hác, xanh như dọc. Một miếng thịt lúc đó còn quý hơn một củ sâm bây giờ. Đoàn chúng tôi dừng nghỉ ở một trạm giao liên khoảng giữa Khu Sáu. Phải dừng ở đó mất mấy ngày vì trạm phía trước vừa bị bom tàn phá. Đoàn tới sau nên phải trú quân ở xa trung tâm trạm và xa nguồn nước. Phải đi cả cây số mới lấy được nước về dùng.

Sáng hôm sau họp đoàn. Buổi chiều, tôi và Giai rủ nhau đi kiếm rau rừng để cải thiện bữa ăn. Đi mãi mà chẳng kiếm được gì, dù là một cọng rau tầu bay. Nhưng lại gặp một khu bếp của trạm. Một mùi vị vô cùng hấp dẫn tỏa ra từ trong đó - mùi mắm tôm. Vì mới đầu giờ chiều nên bếp vắng tanh. Chúng tôi đánh bạo đi vào. Chiếc bếp Hoàng Cầm còn âm ỷ than. Bên trên là chiếc nồi quân dụng. Giai mở nắp nồi.

Cả hai đều thốt reo lên: "A... nước chấm nấu bằng mắm tôm!". Tần ngần mãi, cuối cùng đành lặng lẽ đi ra. Dẫu rằng cả hai đều có bi đông bên người. Đi được một quãng, bỗng nghe tiếng gọi phía sau: "Hai đồng chí ơi! Dừng lại cho tôi hỏi thăm một chút". Đó là một trung niên, tự giới thiệu là Trạm trưởng. Với giọng nói vui vẻ, đầy thiện cảm: "Hai đồng chí ở đoàn anh Mười Tùng phải không? Tiếc quá, nhờ 2 đồng chí về nói giúp với anh Mười thông cảm cho tụi tôi, vì tối qua đoàn về muộn quá. Vả lại, không biết... nên bố trí ở ngoài đó xa quá. Sáng nay, chúng tôi đã sắp xếp lại. Chiều, sau khi ăn cơm, sẽ có giao liên ra đón các anh vào trong này...". Tôi thầm nghĩ: "May quá. Chắc ông này là người quen của anh Mười". Bởi thế, tôi liền đánh bạo, hỏi luôn: "Anh ơi! Em mới đi qua bếp của các anh. Trong đó có một nồi nước mắm tôm ngon quá. Chúng em muốn...". "Ô! Tưởng gì chứ... Sao vừa rồi không lấy luôn một ít... Xin mời 2 chú em quay lại". Thật là "niềm vui sao đến bất ngờ". Anh trạm trưởng còn dúi vào tay tôi 2 con cá khô. Tôi thực lòng đáp lễ: "Rất cám ơn anh. Thế là hạnh phúc lắm rồi. Gần tháng nay anh em chỉ mỗi một món muối tiêu".

Bữa cơm chiều hôm đó quả là bữa ăn nhớ đời. Ngon hơn cả yến tiệc ngày nay. Với thực đơn: Cá khô chia thành 15 suất, mỗi suất một miếng nhỏ hơn cái bao diêm; nước mắm mỗi người nửa bát; rau sống là một thứ lá Kim Cang. Nó chua chua, chát chát, lại bùi bùi, chấm với nước tự tạo bằng mắm tôm sao mà ngon thế. Bữa ăn thật rôm rả. Bao nhiêu lời ngợi khen dành cho chúng tôi: "Giỏi! Giữa rừng xanh núi đỏ mà kiếm được mấy thứ "đặc sản" này thì các cậu thuộc loại siêu đẳng về ngoại giao! Mà kiếm ở đâu ra vậy?". "Của trạm trưởng giao liên cho đấy. Ông ấy tự cho chứ có xin xỏ gì đâu". "Xạo! Cả rừng quân như vậy. Của đâu mà tự dưng đem cho". Tôi thuật lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ bất ngờ trạm trưởng giao liên. Tất cả đều lặng yên. Bỗng dưng anh Tám Bàng, người con của miệt vườn Sa Đéc, thốt lên: "Chết cha rồi! Chắc ông nội này nghĩ ta là đoàn cán bộ của anh Văn Tổng tư lệnh nên mới đối xử vậy. Mấy anh nghĩ lại coi, hồi sáng có đoàn của trạm đi kiểm tra an toàn khói lửa. Vì ta đang họp nên họ không vào. Có thể họ nghe được khi anh Mười nhắc phải ghé về "R" để chuyển thư của anh Văn. Đem thư của Đại tướng Tổng Tư lệnh phải là đoàn đặc biệt chứ còn gì...". Tiếng cười rộ lên: "Có lý! Rất có lý... Cứ cho hôm nay là bữa tiệc anh Tư Văn chiêu đãi chúng ta sau hai phần ba chặng đường mà vẫn đảm bảo an toàn lực lượng...".

Vị chủ hôn bất đắc dĩ

Tôi được điều từ địa bàn Bến Tre về Ban A44 thuộc J22. Tới căn cứ Lộc Ninh vào giữa quý III năm 1974. Cuối năm, ở A44 tổ chức một đám cưới tập thể gồm 4 đôi. Ngày vui của tứ đôi uyên ương hôm đó được tổ chức tại hội trường của Ban A44. Đó là một cái lán rộng, mái lợp lá trung quân. Theo phân công của Ban tổ chức, anh Võ Hoàng Vân (Ba Vân), Trưởng ban sẽ làm chủ hôn. Sắp tới giờ "khai mạc", một chiếc xe Honda 67 phóng thẳng vào sân hội trường. Ngồi đằng sau là một người tướng vóc đạo mạo, vầng trán mênh mông, chỉ còn một nửa cái khăn xếp bằng tóc phía sau. Tất cả anh em reo lên: "Anh Tư! Anh Tư Hiệp...".

Ông xuống xe, bắt tay mọi người, cười pha vui: "Tớ là khách không được mời nhưng cứ đến. Không cho dự thì tớ về". Tiếng cười rộ lên. Anh Ba Vân đỡ lời: "Xin anh thông cảm. Anh em nó ngại không dám mời thủ trưởng. Đây là một đám cưới đông nhất của Ban. Cám ơn anh đã đến và xin anh làm chủ hôn giúp cho...". Ông lại ha hả cười với câu vui đùa thật hóm - "Không được mời vẫn cứ tới. Huống hồ được mời làm cái chân chứng kiến cho họ về ăn ở với nhau thì việc gì mà không nhận". Tiếng cười lại rộ lên, vang động cả cánh rừng. Thủ trưởng Nguyễn Như Văn, anh Tư của chúng tôi là thế đấy.

Kết thúc chiến tranh, tôi chuyển ngành sang cơ quan An ninh, công tác tại Hà Nội nên thi thoảng vẫn được gặp ông. Cảm động nhất là lần ông đến thăm tôi ở khu cư xá Hoàng Cầu và ở lại ăn cơm với gia đình. Vợ con tôi cũng không ngờ được rằng cái căn hộ tập thể tuềnh toàng của mình lại được đón tiếp một vị tướng tình báo tài danh, một pho tiểu thuyết về cái nghề bí mật với bao chuyện ly kỳ. Trên 40 năm trực tiếp chỉ đạo và tham gia chỉ đạo công tác tình báo quân sự, đặc biệt là giai đoạn trước 30/4/1975 ở miền Nam. Trong ông ứ đắp những tư liệu từ lưới tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy… tới lưới tình báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung), Đặng Trần Đức (Ba Quốc), H3 (Nguyễn Văn Lễ thuộc H67 - Nghị sĩ quốc hội Sài Gòn)…

Với tôi, Trung tướng, Tổng cục trưởng Nguyễn Như Văn mãi mãi là người thầy, người anh cả, tôi vô cùng biết ơn và kính trọng. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho lực lượng tình báo Anh hùng của QĐND Việt Nam Anh hùng.

Khổng Minh Dụ
.
.