Thế giới chuyển động quanh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây

Thứ Bảy, 02/06/2012, 13:00

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây, chuyện xưa như trái đất nay bắt đầu có những chuyển động mới. Đó là một báo cáo khoa học của chính người Mỹ khi nói rằng hệ thống lá chắn bảo vệ Mỹ và đồng minh chỉ là "tấm khiên giấy" sau khi NATO cho biết đã kích hoạt giai đoạn đầu của hệ thống phòng thủ "thông minh". Và Nga, nhân tố đi đầu trong việc chống lại hệ thống trên của Mỹ nay cũng đã chuyển sang hình thức đấu tranh mới.

"Tấm khiên giấy" bảo vệ được ai?

Ngày 20/5 vừa qua, NATO đã kích hoạt giai đoạn đầu của chương trình lá chắn tên lửa tại Hội nghị Thượng đỉnh ở thành phố Chicago của Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đồng minh đã tuyên bố về "năng lực tạm thời" của hệ thống phòng thủ tên lửa, đặt các tàu chiến Mỹ trang bị tên lửa đánh chặn ở Địa Trung Hải và hệ thống radar tại Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự điều khiển của NATO.

Cũng tại hội nghị này, NATO đã thông qua sáng kiến "phòng thủ thông minh" của Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen. Nói là "thông minh" cho "oai" chứ thực chất đây là nỗ lực nhằm mang lại giá trị lớn hơn từ các ngân sách quốc phòng bị cắt giảm thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa 28 thành viên của Liên minh.

Cho tới giờ đã có nhiều công trình khoa học độc lập chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây có quá nhiều sơ hở và dễ dàng bị vô hiệu hóa. Báo cáo của Ủy ban Khoa học Quốc phòng (DSB) trực thuộc Lầu Năm Góc đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ ngày 8/5 là một bằng chứng mới nhất chứng minh các kết quả nghiên cứu trên. DSB cho rằng kẻ thù có thể dễ dàng đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng cách đơn giản là sử dụng các đầu đạn giả và nhiều biện pháp đối phó khác. Do vậy, các hệ thống phòng thủ tên lửa này lại có tác dụng ngược lại là hối thúc kẻ thù và đối thủ cạnh tranh tăng thêm kho tên lửa đạn đạo.

Báo cáo của DSB chỉ rõ, biện pháp đối phó đơn giản nhất đối với hệ thống phòng thủ tên lửa là những quả khí cầu. Do các phương tiện đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa tìm cách tấn công các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong không gian vũ trụ, các quả khí cầu và đầu đạn sẽ bay cùng nhau từ đó khiến hệ thống phòng thủ không thể phân biệt đâu là mục tiêu giả và thật. Một kẻ thù có ý định đưa lượng chất nổ hạt nhân đến lãnh thổ Mỹ có thể bơm nhiều quả khí cầu như vậy gần đầu đạn và bao phủ toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách tạo nên các tín hiệu giả.

Báo cáo của DSB cho biết, Mỹ không nên quá nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được khả năng phân biệt giữa đầu đạn và các vật thể giả. Các hệ thống phòng thủ tên lửa đã tính đến khả năng phân biệt các đầu đạn thật so với các mục tiêu khác như: vỏ tên lửa, phần cứng hỗn hợp và các biện pháp đối phó chủ định. Một vấn đề xung quanh thách thức này là Mỹ có ý đồ đánh chặn tên lửa trước khi nó rời khỏi đầu đạn và các mục tiêu giả.

Nhưng theo DSB, hiện nay việc đánh chặn các tên lửa đang trong giai đoạn đẩy của chúng sẽ không khả thi. DSB dự kiến có một khoảng thời gian ngắn khoảng 100 giây giữa thời gian tên lửa ngừng đốt và khi lượng nổ hạt nhân được giải phóng. Nhưng đánh chặn tên lửa lúc đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn và thực tế không thể thực hiện, kể cả trong các điều kiện thuận lợi nhất về công nghệ tên lửa, khả năng của thiết bị cảm biến và triển khai.

DSB phát hiện khó khăn chủ yếu là: các phương tiện đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa không thể nhanh chóng tiếp cận mục tiêu. Trong hầu hết các trường hợp, 100 giây sẽ quá muộn để ngăn chặn đối phương thả các mục tiêu giả. Và nếu hệ thống phòng thủ tên lửa nhận thấy đang trong tình trạng bắn các mục tiêu giả, tác động đối với các phương tiện đánh chặn khu vực sẽ rất lớn và nghiêm trọng. Nói cách khác, các phương tiện đánh chặn sẽ rất khó khăn trong việc theo đuổi các đầu đạn giả.

Các cuộc thử nghiệm mới nhất các hệ thống phòng thủ tên lửa đặt căn cứ trên biển và mặt đất đều thất bại. Đó là các vụ thử các thiết bị đánh chặn đã biết thời gian và đường đi của tên lửa đang trên đường bay đến và tên lửa không có các mục tiêu giả. Thực tế, không thể có những điều kiện lý tưởng đó, mà trái lại kẻ thù sẽ phát động các cuộc tấn công bất ngờ và sử dụng nhiều biện pháp đối phó cũng như mục tiêu giả. Tất cả các báo cáo đều cho biết chương trình phòng thủ tên lửa đã tiêu tốn nhiều tiền mà không tạo ra bất cứ khả năng tác chiến tin cậy nào để chống lại các tên lửa đạn đạo của đối phương và các biện pháp đối phó đơn giản.

Liệu lá chắn tên lửa Mỹ đang cố thiết lập có bảo vệ được mình và đồng minh?

Hình thức đấu tranh mới của Nga thời Putin trở lại

Nếu hệ thống phòng thủ tên lửa không hoạt động hiệu quả như vậy, tại sao các đối thủ của Mỹ vẫn lo ngại? Theo DSB thì có lẽ là do các nhà hoạch định kế hoạch quân sự ở những nước cạnh tranh quá thận trọng. DSB cho rằng những người này phải đặt ra tình huống xấu nhất: hệ thống phòng thủ tên lửa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, các tình huống không thể biết trước trong tương lai và sức ép từ các cá nhân và tổ chức diều hâu trong nội bộ sẽ thúc ép các nước tăng cường các kho dự trữ hạt nhân đã triển khai và chi phí quân sự.

Từ khi Mỹ manh nha triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu, Nga đã lập tức lên tiếng phản bác và cho rằng nó thực chất là nhắm vào Nga chứ chả có nguy cơ nào từ một nước "ma quỷ" nào đó ở Đông Âu hay Trung Đông hoặc châu Á. Chuyện đôi co như vậy đã kéo dài vài thập niên và đến nay vẫn chưa ngã ngũ: việc ai nấy làm. Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện một chiều hướng mới khi ông Putin trở lại Điện Kremlin.

Đầu tháng 5/2012, tướng Nikolai Makarov của quân đội Nga cho biết, Nga có thể phát động đòn tiến công phủ đầu phá hủy các trận địa phòng thủ tên lửa của NATO tại Trung Âu, nếu Nga nhận thấy khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của mình bị đe dọa.

Mặc dù lấy làm tiếc trước những tuyên bố của Nga về các biện pháp trực tiếp chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, song phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 20/5, Tổng Thư ký Rasmussen khẳng định NATO hoan nghênh sự sẵn sàng của Nga để tiếp tục đối thoại, tìm kiếm sự đồng thuận về hợp tác phòng thủ tên lửa trong tương lai. Nga cho rằng, mặc dù tuyên bố của NATO thể hiện tiến bộ nhưng chưa đáp ứng cam kết bằng văn bản pháp lý theo yêu cầu của Nga.

Fyodor Lukyanov, chuyên viên chính sách đối ngoại của tạp chí Các vấn đề toàn cầu, cho biết Nga đã từng nghe những điều như vậy. Vấn đề là khi nào Mỹ tuyên bố các kế hoạch phòng thủ tên lửa của họ không nhằm vào Nga. Kể từ khi Tổng thống Ronald Reagan lần đầu tiên đưa ra ý tưởng, phòng thủ tên lửa được xem như một biện pháp nhằm bảo vệ Mỹ chống lại bất cứ mối đe dọa tên lửa nào trên thế giới. Nga là mục tiêu chủ yếu vì an ninh quốc gia của Nga dựa trên cơ sở răn đe hạt nhân chiến lược để cân bằng với lực lượng Mỹ.

Bất đồng đó gần như khó có thể giải quyết, một phần do hai bên đang nói đến những mục đích khác nhau và các mối đe dọa mà các bên lo ngại vẫn chỉ là các khả năng mang tính lý thuyết trong tương lai chứ không phải các thực tiễn trước mắt. NATO cho biết, họ cần một lá chắn để chống lại các cuộc tiến công tên lửa từ Iran hoặc Triều Tiên - một mối đe dọa không hiện hữu.

Trong khi đó Moskva khẳng định lá chắn tên lửa đang được xây dựng ở châu Âu có thể làm giảm ưu thế chiến lược của Nga trong tương lai. Lukyanov cho rằng, bất đồng của cuộc tranh luận hiện nay về lá chắn phòng thủ tên lửa là, nó hoàn toàn tách khỏi những vấn đề thực tiễn của hai bên. Các vấn đề quân sự thực sự mà hai bên đang đề cập đến là chống lại các mối đe dọa ảo, không có thật.

Cuộc tranh cãi về phòng thủ tên lửa giữa các bên đã làm cho tình hình ngày càng xấu đi. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã không giải quyết lo ngại có cơ sở của giới lãnh đạo quân sự Nga với thái độ thẳng thắn. Giải thích của NATO là sử dụng lá chắn tên lửa để chống lại mối đe dọa từ Iran, tuy nhiên vấn đề có thể được giải quyết bằng cách khác trong những ngày tới đây. Vì vậy, đó chỉ là những lời nói dối hoặc cái cớ để che đậy các mục tiêu khác của NATO.

Về phía Nga, cuộc tranh cãi này sẽ giúp tân Tổng thống Putin thu hút sự ủng hộ trong nước đối với các kế hoạch tái vũ trang toàn diện của chính phủ. Một số nhà quan sát nhận định, lá chắn tên lửa của NATO có thể khiến Nga theo đuổi chính sách đối ngoại trở lại với Trung Quốc và hướng về phía đông. Dự đoán này được thể hiện rõ khi Tổng thống Putin loan báo không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Mỹ và thay vào đó sẽ tiến hành chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống đến Belarus và Trung Quốc trong hai tuần nữa.

Trước đó, tại hội nghị của Tổ chức Hiệp ước Hợp tác An ninh Tập thể (CSTO-gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan) mới đây ở Moskva, Tổng thống Putin đã đánh giá cao những thành tựu và hoạt động của CSTO trong những năm gần đây, ảnh hưởng ngày càng tăng của CSTO trên trường quốc tế và vai trò của CSTO trong việc bảo đảm an ninh tập thể của khu vực hậu Xôviết, đồng thời yêu cầu các nước thành viên tăng cường hợp tác hơn nữa. CSTO được xem là NATO của phương Đông và đang tăng dần ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Sau hội nghị, CSTO ra tuyên bố chung bày tỏ sự bất bình về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Nước đóng vai trò quan trọng biến NATO của phương Đông trở thành thế lực hùng mạnh, ngăn chặn ảnh hưởng của NATO là Kazakhstan. Tổng thống Kazakhstan chỉ trích phương Tây vì cố gắng gây ảnh hưởng lên các nước khác bằng truyền thông. Sau 2 thập niên theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia bằng cách cân bằng quan hệ với phương Tây, Nga và Trung Quốc, Tổng thống Nazarbayev mới đây công khai cho rằng tương lai của nước này gắn chặt với Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, trục Kazakhstan-Nga chắc chắn trở thành "xương sống" của cấu trúc an ninh mới ở lục địa Á - Âu. Bản thân CSTO cũng đánh giá đây là công cụ thích hợp nhất để khẳng định vai trò của tổ chức này. Thách thức đặt ra với NATO và CSTO là tránh khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ. Thay vào đó, họ nên cùng nhau theo đuổi các mục tiêu chung ở Âu - Á và toàn thế giới

Mộc Thạch - Đan Kô (tổng hợp)
.
.