"Thiên nga" trong dông bão

Thứ Tư, 29/04/2020, 11:05
Người cựu nữ tình báo Thu Nga có bí danh Út Huyền, Cúc, bí số 4B, J12 có một cuộc đời đẫm nước mắt, trĩu nặng nỗi niềm. Bà đã sống một cuộc đời sôi nổi, hào hùng, đầy những đau thương mất mát và cả những giọt nước mắt hạnh phúc…

Cô Thư ký Quốc hội chế độ cũ

Tiệm thuốc Đông y ở 142 Ngô Quyền, Quận 10, Sài Gòn do cha cô là Trịnh Văn Mai đứng tên là một cơ sở cách mạng. Năm 1954, làn sóng người công giáo từ miền Bắc di cư vào Nam ồ ạt. Ba Bá, Ba Đen tìm đến nhà cô, thông báo tình hình, móc hai anh thứ 11, 12 của cô hoạt động cách mạng. Một buổi đi học về, Thu Nga được mẹ thông báo: "Tao đã nhận hai thằng Bắc Kỳ làm con nuôi". Thu Nga lờ mờ hiểu ra, hai người "con nuôi Bắc Kỳ" của mẹ có sứ mạng đặc biệt...

Trịnh Thu Nga (Út Huyền) thời thiếu nữ.

Sinh năm 1938, năm 16 tuổi Thu Nga đã thi tú tài 1. Cô xin vào làm kế toán trong một hãng tư nhân Pháp. Ông Jacquo - chủ hãng thuốc diệt côn trùng Determitage say mê sắc đẹp của Thu Nga, ngỏ lời cưới cô. Thu Nga đoán người Pháp rồi sẽ rời Đông Dương, Jacquo cũng sẽ phải về Pháp, nếu chấp nhận lời cầu hôn, cô sẽ phải theo chồng rời khỏi đất nước. Cô khéo léo từ chối lời cầu hôn này.

Được các "anh nuôi" gợi ý, không bao lâu, Thu Nga cùng một số bạn gái đã hoàn thành khóa học, viết tốc ký rất nhanh. Đó cũng là lúc chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Quốc hội. "Làm thế nào để Thu Nga được vào Quốc hội làm việc?". Cô nghe anh Ba Đen thì thầm bàn tán với các anh, vẻ rất đăm chiêu. Người anh rể thứ năm của cô reo lên: "Tôi có quen Cao Hớn Cơ - Tham tán văn phòng Quốc hội, cả Lê Công Thành - Tổng quản trị Văn phòng Quốc hội". 

Gương mặt anh Ba Đen giãn ra: "Em nộp đơn thi tuyển vào Quốc hội ngay". Nộp đơn chỉ là thủ tục, Thu Nga biết các anh đã tranh thủ những nhân vật quan trọng, để cô được nhận vào. Lúc thử việc, nhìn bàn tay tháp bút của cô như múa trên giấy, Trưởng phòng tốc ký Nguyễn Trọng Phú được Tổng nha cảnh sát đưa qua, tỏ vẻ hài lòng. Ngay ngày hôm sau, Thu Nga đã chính thức nhận việc.

Từ đó, Thu Nga trong tổ "Tốc ký nghị trường", đã ghi lại nguyên văn các cuộc họp, thảo luận ở quốc hội, về kế hoạch, ngân sách dành cho chiến tranh, các đối sách, kế hoạch hành quân, đàn áp cách mạng… Lương cao, Thu Nga dành tiền mua sắm xe cộ, quần áo cho các anh hoạt động. Cô học thêm trường Quốc gia Hành chánh, được vào ngạch "Chánh sự vụ" ở văn phòng. Cô Thu Nga kể: "Tôi cố gắng học giỏi vì sự học và địa vị của mình gắn liền với tổ chức tình báo cách mạng".

Tổ "Tốc ký nghị trường" có nhiều bộ phận. Cô cùng Tuyết, Chinh, Tâm và mấy người nữa nằm trong tiểu ban quốc phòng, an ninh và ngân sách. Nhờ vậy, các anh có biên bản từ rất sớm, thậm chí sớm hơn cả Quốc hội chính quyền Sài Gòn, bởi sau khi ghi tốc ký, các cô được quyền đem về nhà, chép lại thành văn bản chính thức. Tốc ký có chung quy ước nhưng khi thực hiện, mỗi người có cách mã hóa riêng, không ai giống ai, miễn sao ghi được nhanh nhất. Và khi chép lại thành văn bản, không ai làm được ngoài chính chủ nhân của nó. Cô trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây điệp báo…

Trịnh Thu Nga (bìa trái) hoạt động trong lòng địch.

Với vai trò thư ký Quốc hội, Thu Nga còn được đi thị sát các điểm nóng ở  tỉnh. Nhưng không phải lúc nào cuộc chiến đấu của bà trong lòng địch cũng thuận buồm xuôi gió. Khi Trịnh Ngọc Châu, anh trai của Thu Nga bị bắt vì bị nghi là tình báo Việt cộng, Thu Nga bị đình chỉ công việc. 

Bị bắt, bị tra tấn nhưng anh trai cô giữ vững khí tiết, không khai báo, thêm nữa những người bạn trong tổ "Tốc ký nghị trường" đã hết lòng bênh vực, bảo vệ nên Thu Nga vẫn được giữ lại và được chuyển sang tổ "Tố cộng". Đây cũng là nơi cô đang rất cần tiếp cận, chuyên sâu để khai thác những tin tức nóng hổi…

Dang dở mối tình đầu

Người con trai là Trần Bá Lộc, quê Vĩnh Long lên nhà cô trọ học đã đem lòng yêu thương cô con gái út chủ nhà. Trước khi thi vào Trường Lục quân Đà Lạt, anh ngỏ lời được cưới Thu Nga và cô cũng đáp lại…

Trần Bá Lộc ra trường, rồi lên dần, tới cấp bậc Đại úy, gia đình anh từ Vĩnh Long lên Sài Gòn náo nức được xem mặt cô dâu tương lai. Nhưng đột nhiên Trần Bá Lộc không quay trở lại, biệt vô âm tín. Thu Nga hoang mang, đau khổ. Cô quyết đi tìm anh để hỏi rõ mọi việc. Cô ra tận Bà Rén, Vũng Tàu, nơi Trần Bá Lộc đóng quân nhưng cũng không gặp được anh. "Đại úy đã đi vắng". Lòng cô càng tuyệt vọng, hoang mang, cô nuốt lại nước mắt, lao vào công tác…

Trịnh Thu Nga (thứ hai từ phải - hàng ghế thứ hai) đang tác nghiệp trong vai trò thư ký Quốc hội.

Trái tim cô một lần nữa lại quặn đau bởi người chồng "sắp đặt". Chồng cô từng là Bí thư liên chi bộ công nhân xe đò - Tây Ninh, muốn cưới vợ con một gia đình danh giá ở Sài Gòn để hợp pháp hoạt động. Trái tim băng giá của Thu Nga sắp bị "tan chảy" thì không may chồng cô bị bắt. Một thời gian sau anh trở về. Không ngờ chồng cô đã thay đổi, có cái nhìn lệch lạc về những người từng cùng chung chí hướng.

Thất vọng, cô báo tin cho Ba Đen. Ông nói: "Vậy là nó đã chiêu hồi". Ông nhìn  cô, vẻ nghiêm trọng: "Em phải trốn thôi". Thu Nga sửng sốt. "Nhà em ở đây. Mẹ em đang bệnh, em biết trốn đi đâu?!". Câu hỏi ấy làm Ba Đen lúng túng. Ông trấn an: "Anh sẽ tìm cách tốt nhất cho em. Từ hôm nay em đừng về nhà nữa!". Sự cảnh báo của Ba Đen khiến Thu Nga hiểu, cuộc đời cô sắp bước vào một khúc quanh…

Trong vòng vây quân thù

Tháng 11/1960, vẫn trưng diện như mọi ngày, nhưng Thu Nga không đến văn phòng Quốc hội mà theo người nữ giao liên ra chiến khu, dự hội nghị ra mắt Khu Sài Gòn - Gia Định. Mẹ cô đang ốm nặng… Cả gia đình đều không ai biết Thu Nga thoát ly.

Ra chiến khu, Thu Nga mới biết Chinh - cô thư ký nghị trường cùng làm việc ở Văn phòng Quốc hội cũng đã ra chiến khu, tham dự thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định. 

Trong một trận càn của địch, Chinh đã hy sinh. Thu Nga vô cùng đau đớn. Chinh hy sinh, Khu ủy cần một thư ký thay thế, Thu Nga được thuyết phục ở lại. Xếp lại những gì thuộc về tiểu thư đài các, cô khoác lên người bộ bà ba, khăn rằn, hòa mình vào cuộc sống gian khó ở căn cứ, công tác ở Mặt trận Trí vận. Cô được đồng chí Huỳnh Tấn Phát đặt tên "Út Huyền".

Cô kể: "Anh Chín Dũng (bí danh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) thấy tôi viết tốc ký nhanh nên xin tôi về Tuyên huấn Khu ủy, ở bộ phận cơ yếu. Cuộc sống ở căn cứ tuy gian khổ nhưng tràn ngập niềm vui. Tôi nhớ có lần thấy chúng tôi lạnh, anh Huỳnh Tấn Phát lấy ni lông bọc võng chúng tôi lại. Sự chân tình, gần gũi của các anh khiến chúng tôi được động viên, an ủi rất nhiều". Năm 1961, Thu Nga được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Đào Huỳnh Long (Ba Trực) người làm lễ kết nạp Đảng cho cô cũng chính là chồng cô sau này.

Sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính tháng 11/1963, Khu ủy quyết định đưa Thu Nga về Thành. Gặp lại cô, bạn bè ở Quốc hội mừng rỡ, tíu tít: "Trời, Thu Nga, mấy năm bồ đi đâu?". Thu Nga làm ra vẻ ngậm ngùi: "Mình yêu anh Long, hai đứa lỡ với nhau…". 

Lúc ấy, Thu Nga đã mang thai sáu tháng. Mọi người tin cha của đứa bé là một sĩ quan Hải quân tên Long. Biết rõ ngóc ngách Sài Gòn, Thu Nga lao vào hoạt động công tác binh vận. Với khả năng hợp pháp, công khai, Thu Nga đảm nhận vai trò Chánh văn phòng Hội Bảo vệ nhân phẩm phụ nữ.

Năm 2010, bà Trịnh Thu Nga viết một trang tốc ký.

Một lần, cô được đồng chí Võ Văn Kiệt nhắn vào chiến khu. Ông hỏi: "Trong số sĩ quan Thủ Đức, em có quen người bạn nào không?". "Có, anh Trần Bá Lộc, giờ ảnh là Trung tá Liên quân Thủ Đức". Đồng chí Võ Văn Kiệt giao cho cô một nhiệm vụ quan trọng, tìm cách bố trí cho 3 "sĩ quan" vào hàng ngũ địch, trong đó bằng mọi giá phải bố trí được một người vào Bộ Tham mưu Bộ binh, hai người kia ở cơ quan nào cũng được.

Thu Nga tìm đến nhà Lộc. Mối tình đầu của cô sững sờ. Thu Nga hiểu Lộc đã biết tất cả - biết cô là một người Cộng sản. Cô nhờ Lộc giúp việc cài người. "Đó là việc khó nhưng anh làm được", Lộc trả lời cô. Thu Nga để những giọt nước mắt lăn dài trên má. Cô hiểu sự hy sinh mối tình đầu của mình không vô ích. Nếu Lộc không ở lại chính quyền Sài Gòn, cô đã không thể nhờ anh một công tác đặc biệt quan trọng đến vậy.

Sinh con xong, lao vào công tác binh vận, cô đành gởi con cho người chị ruột nuôi dưỡng. Tháng 12-1968, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, trong một lần đi làm nhiệm vụ gửi tài liệu về Khu ủy, Thu Nga bị mật vụ theo dõi và bị bắt. Chúng đưa cô về Cục An ninh Quân đội tra tấn dã man bằng roi điện cặp vào hai đầu vú, mười đầu ngón tay… rồi nhốt vào thùng phi đen phơi nắng giữa trưa. Dưới cái nắng như thiêu như đốt, chiếc thùng thiếc nóng khủng khiếp, người bị bỏng rộp, cô ngất xỉu, chúng dội nước cho tỉnh dậy rồi tiếp tục những đòn tra tấn mới.

Những ngón đòn tra tấn của kẻ thù không sợ bằng sự phản bội. Địch đưa cô gặp Ba Trà - một Khu ủy viên đã phản bội. Hắn làm ra vẻ mừng rỡ: "Út Huyền khỏe hôn?". Thu Nga cắt ngang: "Không, tôi là Trịnh Thu Nga!". Hắn khẳng định: "Cô đừng làm bộ nữa. Chính tôi làm chủ hôn cho cô với Ba Trực chớ ai!". Cô ném về phía hắn ánh mắt khinh bỉ: "Làm cộng sản thì lựa người cộng sản mà khai. Nếu nhát gan, không chịu đòn nổi thì đừng đi làm cộng sản. Tôi là người Sài Gòn, ngọn cỏ, gốc cây tôi còn không biết đến thì làm sao mà làm cộng sản!".

Tháng 4/1969, cô bị đưa về Tổng nha cảnh sát để điều tra thẩm vấn, mỗi ngày hai lần sáng - chiều chúng bắt cô làm bản khai, mỗi cái lắc đầu của cô là những đòn dùi cui từ trên đầu, trên lưng bổ xuống. Thu Nga nhất quyết giữ khí tiết. Trong vòng 7 năm, cô bị đày đi khắp các nhà tù Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo… Trong tù, Thu Nga đã thêu tấm khăn lưu lại những địa điểm, ngày tháng bị đày đi các nhà tù.

Cô Thu Nga rưng rưng kể: "Đã có lúc tôi thực sự không còn chịu đựng nổi. Tôi nhắn tin cho anh Chín Dũng cho tôi được tự tử. Ông nhắn vào: "Đồng chí không được quyền chết". Ít lâu sau cô bị đày ra Côn Đảo…

Hạnh phúc muộn

Sau chiến tranh, di chứng những ngón đòn tra tấn trong tù âm thầm hủy hoại sức khỏe, hạnh phúc gia đình của Thu Nga. Kẻ thù đã từng chích điện vào những chỗ kín, tử cung bị vỡ, làm chảy máu triền miên. Cô mạnh mẽ vượt lên, kiên trì tập luyện... Và hạnh phúc đã mỉm cười với Thu Nga, khi mầm sống đã hoài thai trong cô. Các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên: "Đó thực sự là một điều kỳ diệu". 

Cô đã sinh được một đứa con trai lành lặn, nguyên vẹn. Người con trai ấy nay là một kỹ sư công nghệ quản lý mạng, cao lớn, khôi ngô. Và cho dù cuộc sống chồng vợ không viên mãn, Thu Nga vẫn là một người vợ bao dung, tận tụy. Cô đã chăm sóc chồng rất chu đáo cho đến những năm cuối đời.

Trước khi về vui vầy cùng con cháu năm 1995, cựu nữ tình báo mang thương tật 2/4 là Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh.

Bùi Hương
.
.