Tình thương yêu của Bác Hồ dành cho 2 người con của GS-VS Nguyễn Khánh Toàn

Thứ Ba, 20/05/2008, 08:15
Khi nghe chúng tôi nhắc tới bức ảnh hai chị em chị – chị Anna và Bạch Lan – tặng hoa Bác Hồ ngày nào, mắt chị sáng bừng lên. Chị say sưa kể: Ngày ấy, Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc đã chọn hai chị em chúng tôi được thay mặt thiếu nhi Trung Quốc ra sân bay Bắc Kinh đón Bác Hồ và tặng hoa khi Bác sang thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. Thật vinh dự và bất ngờ quá.

Chiều ngày 18/4, tôi nhận được điện thoại của chị Thu Hà, con dâu trưởng của cố Giáo sư – Viện sĩ  (GS-VS) Nguyễn Khánh Toàn:

- Chị Bạch Lan mới sang Hà Nội, hiện đang ở thăm gia đình em. Nếu không bận mời anh đến gặp.

Không chần chừ, tôi vội đến ngôi nhà 42 Tăng Bạt Hổ, nơi ở của gia đình cố GS-VS Nguyễn Khánh Toàn.

Chị Bạch Lan và con trai của chị đã chờ chúng tôi. Thú thật, tôi không thể hình dung nổi một trong hai cô bé xinh xắn, cười rất tươi, tặng hoa Bác Hồ trong lần Người thăm chính thức Trung Quốc năm 1957 tại Bắc Kinh ngày nào đang ngồi trước mặt tôi. Chị khác xưa nhiều quá. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì đôi mắt và nụ cười dường như “vẫn như ngày xưa”. Quan sát nhanh, tôi thấy chị có nhiều nét giống cha chị – cố GS-VS Nguyễn Khánh Toàn.

Khi nghe chúng tôi nhắc tới bức ảnh hai chị em chị – chị Anna và Bạch Lan – tặng hoa Bác Hồ ngày nào, mắt chị sáng bừng lên. Chị say sưa kể: Ngày ấy, Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc đã chọn hai chị em chúng tôi được thay mặt thiếu nhi Trung Quốc ra sân bay Bắc Kinh đón Bác Hồ và tặng hoa khi Bác sang thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. Thật vinh dự và bất ngờ quá.

Tôi đã từng được nghe mẹ kể chuyện cha tôi là người học trò, rất gần gũi với Bác Hồ từ khi Bác còn hoạt động tại Quốc tế Cộng sản ở Moskva. Khi được tặng hoa Bác Hồ, chúng tôi vô cùng sung sướng và tự hào. Thật không ngờ hai đứa trẻ mang hai dòng máu Việt – Hoa lại có vinh dự được thay mặt thiếu nhi Trung Quốc tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chúng tôi cũng biết, Bác Hồ không thể biết hai chị em tôi là con gái của cha tôi – người học trò gần gũi của Người. Tuy nhiên, vì quá nhớ cha nên hai chị em đã đánh liều nhờ Bác Hồ chuyển bức thư của  chúng tôi viết cho cha.

Sau này, cha tôi kể lại: Khi Bác Hồ chuyển thư của chúng tôi cho ông, Bác dặn: “Khi nào hai cháu về chơi, chú nhớ mời hai cháu đến thăm Bác và ăn cơm với Bác”. Lời mời ngày nào của Bác Hồ đã trở thành hiện thực đối với hai chị em chúng tôi. Đầu năm 1959, lần đầu tiên được về Việt Nam, cha tôi đã dẫn hai chị em vào thăm Bác Hồ trong ngôi nhà sàn ở Phủ Chủ tịch và được Bác và chú Vũ Kỳ, thư ký của Bác tiếp.

Cuối tháng 9/1959, Bác Hồ sang dự kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bác lại dành cho hai chị em tôi một vinh dự nữa. Bác đã cử các cô chú ở Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh tới gia đình đón hai chị em tôi vào Điếu Ngư Đài – nơi ở của Bác trong thời gian thăm Trung Quốc. Chúng tôi vinh dự được ngồi bên Bác cùng ăn cơm với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những người bạn của cha tôi từ những ngày gian khổ ở Diên An và được biết các bác lãnh đạo Trung Quốc gọi cha tôi là “Giáo sư đỏ” -  (biệt danh của cha tôi khi ông làm việc với Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Diên An).

Từ đó, tôi hỏi chuyện mẹ và cha tôi, và được biết: Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cha tôi được Quốc tế Cộng sản phân công làm Phó ban Đông Dương, Viện Nghiên cứu khoa học về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Quốc tế Cộng sản.

Có lẽ cha tôi là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Liên Xô.

Năm 1934, sau vụ án Hồng Công nổi tiếng, Bác Hồ trở lại Liên Xô thì cha tôi vinh dự được ở cùng một nhà với Người. Năm 1938, Bác Hồ trở về Việt Nam bằng đường Trung Quốc.

Năm 1939, sau một chuyến trở về Việt Nam giữa đường gặp trục trặc, bác Chu Ân Lai bạn của cha tôi đã đề nghị cha tôi về Diên An giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc đào tạo cán bộ. Cha tôi nhận lời. Tại Diên An, cha tôi trở thành giáo sư của Trường Trung Quốc nữ tú đại học. Đây là trường Đảng đào tạo cán bộ nữ do ông Vương Minh, bạn thân của cha tôi từ thời ở Moskva làm hiệu trưởng (ông Vương Minh nguyên là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ đầu thành lập. Sau Hội nghị Diên An, Mao Trạch Đông được bầu làm Chủ tịch Đảng thay ông Vương Minh - TG).

Cha tôi giảng dạy tiếng Nga và Lịch sử cách mạng thế giới. Ông đã giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Hoa. Ở Diên An, những nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc như: Diệp Kiếm Anh, Dương Thượng Côn, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức... là những người bạn thân thiết của cha tôi.

Năm 1941, cha tôi đã yêu mến cô học trò Trường Nữ tú đại học Ngũ Chân và kết hôn với cô. Năm 1942, mẹ tôi sinh chị Anna và năm 1943 thì sinh ra tôi. Chúng tôi lớn lên tại khu căn cứ cách mạng Diên An. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đã điện sang Diên An đề nghị các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép cha tôi trở về Việt Nam vì lúc này cách mạng đang rất thiếu cán bộ.

Cuối năm 1945, một chiếc máy bay của lực lượng không quân đồng minh Mỹ bay từ Trùng Khánh lên Diên An đón Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai về Trùng Khánh đàm phán về kế hoạch liên minh “Quốc Cộng hợp tác chống Nhật”. Trên chuyến bay ấy, các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo điều kiện cho cha tôi và tướng Nguyễn Sơn về Trùng Khánh. Cha tôi và tướng Nguyễn Sơn được Đảng Cộng sản Trung Quốc cử người hộ tống về Vân Nam để hoạt động cách mạng.

Cũng từ ngày đó cho tới năm 1959, chúng tôi mới được gặp lại cha tôi tại Hà Nội. Năm 1961, cha tôi dẫn đầu một đoàn đại biểu sang thăm hữu nghị Trung Quốc. Trong thời gian ở Bắc Kinh, cha tôi đã dẫn hai chị em vào thăm Mao Chủ tịch và được chụp ảnh với Người...

GS-VS Nguyễn khánh Toàn và hai con gái Anna và Bạch Lan tại Bắc Kinh năm 1961

- Thế sau khi cha chị trở về Việt Nam, cuộc sống của các chị ở Diên An như thế nào? - Tôi hỏi.

- Mẹ tôi sau khi ra trường được điều về làm giáo viên tại Bảo dục viện (Trường giáo dục dành cho con em của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập ở Diên An). Chúng tôi lớn lên và học tập tại đây cùng với rất nhiều con của các vị lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ ở Diên An. Cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949, chúng tôi theo mẹ trở về Bắc Kinh.

Ngày ấy, Cách mạng Trung Quốc và Việt Nam còn khó khăn, cha tôi trở về Việt Nam, mẹ tôi không hy vọng gặp lại. Thông cảm với hoàn cảnh của mẹ tôi, tổ chức đã cho phép mẹ tôi đi bước nữa. Cha dượng chúng tôi cũng là một cán bộ công tác tại Diên An.

Tôi được mẹ kể cho nghe rằng: Sau một thời gian cha tôi trở về Việt Nam, Bác Hồ có điện sang hỏi các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc về tình hình mẹ con tôi. Sau khi biết tin về mẹ tôi, Bác Hồ đã cho phép cha tôi kết hôn với mẹ Đào Ngọc Bích ở Việt Bắc (phu nhân GS-VS Nguyễn Khánh Toàn sau này - TG).

- Thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, chị và gia đình sống như thế nào?

- Thời kỳ ấy, mẹ tôi làm Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu giáo dục Học viện Sư phạm Bắc Kinh. Ba dượng tôi là Phó bí thư Văn phòng Thành ủy Bắc Kinh. Năm 1965, tôi tốt nghiệp thanh nhạc Học viện Nghệ thuật Quân giải phóng. Sau đó, tôi công tác tại Đoàn văn công giải phóng tỉnh Sơn Đông.

Năm 1969, Đoàn văn công Sơn Đông giải thể, tôi trở lại Bắc Kinh, rồi bị đưa xuống một xưởng sửa chữa ôtô để “cải tạo”. Ba dượng và mẹ tôi cũng đều bị bắt và bị quy là phần tử “tạo phản”. Năm 1970, do hậu quả bị giam giữ, ba dượng tôi đã mất sau một thời gian bị ốm nặng.

Lúc này, tôi vô cùng hoang mang, không biết tương lai cuộc sống của mình như thế nào. Một người chỉ biết hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật mà bây giờ phải làm việc quần quật trong xưởng sửa chữa ôtô, quả là vô cùng khó khăn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã mạnh dạn viết một bức thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai – người mà theo lời kể của cha tôi – là một người bạn thân từ hồi cha tôi công tác ở Trung Quốc. Trong thư, tôi kể hết cho Thủ tướng nghe về tình cảnh của hai chị em tôi lúc đó và nguyện vọng được sang Hà Nội thăm cha tôi.

Sau một tuần kể từ ngày gửi thư, tôi được mời lên gặp ông Ngô Đức, và rồi tôi được đích thân chỉ huy trưởng dàn nhạc nghệ thuật Bắc Kinh kiểm tra 2 lần về chuyên môn. Với một giọng nữ cao khá hiếm lúc bấy giờ, tôi đã được gọi về phục vụ trong Đoàn nghệ thuật Trung ương Bắc Kinh. Tôi công tác liên tục ở đây cho tới năm 1982.

Một may mắn nữa lại đến, Thủ tướng Chu Ân Lai đã có ý kiến để Bộ Ngoại giao cấp hộ chiếu cho tôi sang Hà Nội.

Cha con tôi gặp nhau tại Hà Nội thật cảm động. Cha tôi đã dẫn tôi tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thăm chú Đỗ Mười... những người bạn, người đồng chí thân thiết của cha tôi.

- Từ khi chia tay với mẹ chị, cha có lần nào gặp lại không? Tôi tò mò hỏi tiếp.

- Vì mẹ tôi đã đi bước nữa nên mẹ không muốn vương vấn chuyện riêng ngày xưa, nhưng tôi biết hai người không bao giờ gặp lại nhau kể từ cuối năm 1945 cho tới khi cha tôi qua đời năm 1993. Mẹ tôi cũng đã mất năm 2004 tại Bắc Kinh. Tôi còn nhớ,  khi gặp lại hai chúng tôi đầu năm 1959 tại Hà Nội, cha tôi đã hỏi:

- Bây giờ hai con muốn ở với ai, ba hay mẹ?

Chúng tôi đều trả lời là đã quen sống ở Trung Quốc nên xin được tiếp tục sống với mẹ ở Bắc Kinh. Vì thế mà chúng tôi có quốc tịch Trung Quốc và mang họ mẹ: Ngũ Bạch Lan và Ngũ Anna. Cha tôi gửi tiền sang nuôi dưỡng chúng tôi nhưng mẹ Ngũ Chân từ chối. Cha tôi đã không chấp nhận điều ấy. Ông đã đều đặn gửi tiền sang nhờ Sứ quán ta ở Bắc Kinh để chu cấp cho hai chị em chúng tôi. Điều  này khiến chúng tôi rất cảm động và càng thêm yêu mến, tự hào về người cha của mình.

Chia tay chị Bạch Lan tôi miên man nghĩ: Tướng Nguyễn Sơn cũng từng có vợ và con ở Trung Quốc. “Giáo sư đỏ” Nguyễn Khánh Toàn có hai người con gái yêu ở Trung Quốc – đất nước mà hai ông đã có những năm tháng cống hiến hết lòng cho sự nghiệp cách mạng như cống hiến cho chính Tổ quốc thân yêu của mình. Vì sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc, hạnh phúc của họ không trọn vẹn. Nhưng chắc chắn hình ảnh của hai ông trong biết bao đồng chí và bạn bè Trung Quốc là hình ảnh trọn vẹn của một nhân cách cao đẹp

Phạm Thành Long
.
.