Tội ác không ngủ yên của đội quân đồ tể

Thứ Tư, 05/02/2014, 16:50

Trên đất nước Campuchia, hành trình tìm hiểu tội ác tàn sát man rợ của quân diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot làm thủ lĩnh kéo dài trong 3 năm 8 tháng 20 ngày cai trị "vương quốc Chùa Tháp" đã đưa chúng tôi đi qua nhiều địa danh đẫm máu. Mà nổi bật là nhà tù diệt chủng Tuol Sleng ở Phnôm Pênh và cánh đồng xương người Choeung Ek cách Tuol Sleng khoảng 15km...

Còn đang choáng trước ngôi mộ tháp chứa hơn 8.000 đầu lâu, xương cốt người vô tội cùng các kiểu tàn sát mất hết tính người của đội quân đồ tể khi đập đầu, cắt cổ, chặt chân tay ở cánh đồng xương người, chúng tôi tiếp tục bàng hoàng khi biết được đội quân khát máu của Pol Pot còn tràn qua biên giới tàn sát hàng ngàn người Việt ở biên giới Tây Nam. Ba Chúc, một xã thuần nông giáp biên (nay là thị trấn Ba Chúc, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là nơi chịu nhiều tang thương, khủng khiếp nhất.

Từ thủ đô Phnôm Pênh, để có được cái nhìn toàn cảnh về tội ác man rợ khiến cả thế giới kinh hoàng hơn 30 năm trước của đại đồ tể Pol Pot cùng đám thủ hạ khát máu, chúng tôi đến Ba Chúc - nơi mà theo chia sẻ của Sana - cô hướng dẫn viên người Campuchia chuyên đưa khách du lịch phương Tây đến thăm các tàn tích của Khmer Đỏ, là "cánh đồng chết thứ 2, cánh đồng đớn đau, cánh đồng tội ác".

"Không chỉ sát hại nhân dân của mình, quân của Pol Pot còn tàn sát người dân Việt Nam. Tội ác của Pol Pot và đám quân của hắn ta là tội ác ngoài sức tưởng tượng của loài người, đó là tội ác xuyên biên giới mà bất kỳ ai đã từng chứng kiến hay trải qua đều không thể quên được".   

Trên chuyến xe đò rời Phnôm Pênh đến Ba Chúc, trong tôi cứ rõ mồn một từng lời chia sẻ, tâm sự của Sana. Và khi đến Ba Chúc, những gì đập vào mắt chúng tôi kinh hoàng, đẫm máu không kém gì cánh đồng chết (Killing Field) ở xã Choeung Ek.

Ở Ba Chúc, có rất nhiều cánh đồng xương người, có mộ tháp chứa hơn 1.000 đầu lâu với xương cốt người Việt bị diệt chủng, có bảo tàng chứa những công cụ sát nhân của Khơmer Đỏ, có những vết máu lương dân còn đọng lại trong những ngôi chùa bị biến thành bình địa… và có cả những chứng nhân một thời của tội ác gây khiếp đảm loài người.

1. Sau dặm đường xa, chúng tôi đã có mặt trên cánh đồng chết Ba Chúc. Đã hơn 30 năm trôi qua nhưng cánh đồng tắm máu người dân Việt Nam xấu số vẫn phảng phất những thương đau, vẫn như còn đó biết bao bóng ma những kẻ giết người và tiếng oán thán, kinh hoàng của hàng ngàn con người đáng thương trước giờ bị hành quyết.

Lúc này 7 giờ sáng, có rất nhiều du khách người Việt và phương Tây đang đứng lặng trước tấm bia căm thù có nền màu máu đỏ với nội dung: "Nhà mồ Ba Chúc - nơi gìn giữ 1.159 hài cốt của đồng bào Ba Chúc trong tổng số 3.157 người bị bọn Pol Pot thảm sát từ ngày 18/4/1978 đến ngày 30/4/1978 trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam".

Ông Ba Lê (bên trái).

Phía sau bia căm thù là nhà mồ hình lục giác chứa hơn 1.000 đầu lâu, xương cốt của người dân vô tội. Tại nơi này, chúng tôi gặp bà Hà Thị Nga (SN 1939), ngụ ấp An Định, người bao năm qua vẫn lặng lẽ quét dọn, lo hương khói cho nhà mồ mà từ trong sâu thẳm, bà Nga tin trong số những cốt người kia, có những người thân yêu của bà.

Bà Nga là người khá nổi tiếng ở Ba Chúc. Hầu như ai quan tâm đến thảm họa diệt chủng mà đội quân tàn bạo của Pol Pot gây ra cho các địa phương tại biên giới Tây Nam, đặc biệt tại An Giang khi đến Ba Chúc đều tìm gặp bà, để nghe bà kể lại chuyện may mắn thoát khỏi nanh vuốt của đội quân ác thú khi bị chúng lùa cùng nhiều người khác ra đồng rồi xả súng giết tập thể.

Trong đớn đau đến tận cùng, bà Nga nhớ lại ngày tháng kinh hoàng trong hờn căm và nước mắt. Bà cho biết khi quân diệt chủng tràn vào Ba Chúc, dòng họ của bà hơn 100 người đã chết thảm dưới bàn tay đẫm máu của chúng, và có 37 người là cha mẹ, các anh chị em ruột, chồng và 6 đứa con của họ cũng bị tàn sát thê lương: "Tôi đã chứng kiến chúng giết hại các con của mình vào một đêm năm 1978. Đứa con út của tôi bị chúng đập đầu đến 3 lần, khi ấy cháu khóc lóc kêu cứu nhưng tôi cũng bị bọn ác đập đầu nên…".

Bà Nga lặng người với đôi mắt đỏ hoe. Rồi bà cho biết trong tổng số 1.159 bộ hài cốt ở nhà mồ, có 29 trẻ dưới 2 tuổi, có 264 hài cốt của trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, 155 hài cốt nữ từ 16 đến 20 tuổi, 190 hài cốt của nam từ 41 đến trên 60 tuổi...

Nhà mồ chứa 1.159 hài cốt người dân bị sát hại.

Đây không phải lần đầu tôi đến Ba Chúc nhưng những lần trước, vì nhiều lý do, tôi đã không gặp được bà Nga. Ở lần ghé Ba Chúc cách đây không lâu, khi cùng bà Lê Thị Đến (Khu di tích Nhà Lớn - tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đến trao học bổng cho con em nghèo hiếu học ở Ba Chúc, tôi được ông Phan Văn Giới là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Ba Chúc, kể nhiều về nỗi tang thương, mất mát của người dân Ba Chúc, mà điển hình là bà Hà Thị Nga.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ ánh mắt đỏ hoe của ông Giới khi chìm về quãng thời gian đau thương ấy. Tôi nhớ ông Giới kể với giọng căm phẫn rằng khi làm chủ được Ba Chúc, qua 11 ngày đêm chiếm đóng (18 đến 30/4/1978) quân diệt chủng với dao, kiếm, gậy, cuốc đã giết 3.157 người dân dưới các hình thức man rợ chẳng khác gì thời Trung cổ như chặt đầu, bổ cuốc, mổ bụng…--PageBreak--

2. Có tiếng thở dài, có nước mắt, và có cả nỗi kinh hoàng của nhiều du khách khi đứng trước tháp mộ của hơn 1.000 đầu lâu mà chẳng chiếc nào còn nguyên vẹn. Nhiều người không kìm được cảm xúc, nhiều người đã vỡ òa khi bước chân vào bảo tàng diệt chủng cách mộ tháp chỉ mấy chục bước chân. Tại nơi này, có hàng trăm tấm hình ghi lại những tư thế chết chóc tang thương của người dân vô tội khi quân diệt chủng bị đẩy lùi. Còn đó những dụng cụ giết người thời Trung cổ của đội quân đồ tể như gậy, xẻng, lưỡi lê, dao, búa… được để trong tủ kính như nhắc nhở với người đời về một tội ác không ngủ yên!

Bên sơ đồ ghi lại bước hành quân chết chóc của quân Pol Pot khi tràn vào Ba Chúc, tôi đọc những dòng thông tin quay quắt lòng người: "...Xã Ba Chúc bị dìm trong biển máu. Những cảnh tượng giết người hàng loạt rất dã man diễn ra khắp nơi trong xã không bút mực, hình ảnh nào ghi lại hết tội ác của chúng: bắn người tập thể, dùng dao búa đập đầu, cắt cổ, trẻ em thì xé hoặc nắm hai chân đập đầu vào gốc cây, vách tường, bờ đất hay quăng lên không rơi xuống giương lưỡi lê đâm lòi ruột...".

"Khi quân Pol Pot tràn qua biên giới và tổ chức tàn sát, cuộc đời của tôi và rất nhiều người dân ở Ba Chúc đã rẽ sang bước ngoặt khác, một bước ngoặt với quá nhiều mất mát, đau thương. Tràn vào Ba Chúc, quân Pol Pot tranh thủ từng thời khắc truy cùng đuổi tận, chúng mặc sức giết hại, tàn sát bất kỳ ai mà chúng bắt được. Vợ, và 5 đứa con của tôi….", ông Bùi Văn Lê (thường gọi Ba Lê), Trưởng ban Quản tự chùa Tam Bửu (được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1989) bắt đầu câu chuyện tang thương của mình và biết bao người dân Ba Chúc bằng những hồi ức dở dang đẫm lệ như thế.

Ngày đội quân diệt chủng tiến vào Ba Chúc, ông Lê khi ấy 37 tuổi cùng vợ con và nhiều người chạy lên núi Tượng ẩn trốn trong các hang đá. Đến ngày thứ 8, nơi ẩn nấp của gia đình cùng họ hàng ông Lê hơn 50 người bị chó săn của lính Pol Pot phát hiện. Không bỏ lỡ cơ hội tàn sát, 2 tên lính đồ tể quạt 2 băng đạn AK rồi thả lựu đạn vào hang. Lúc quân diệt chủng vừa ngưng tiếng súng, theo bản năng, ông Lê liều mình lao ra ngoài để chúng đuổi theo tạo cơ hội thoát thân cho tất cả. Nhờ cú quăng mình vào hẻm đá hẹp, ông Lê may mắn thoát chết nhưng những người thân yêu của ông thì chết thảm sau âm thanh chát chúa của mấy trái lựu đạn.

"Khi ấy tôi nghe rõ âm thanh thét gào, chết trong đau đớn của người thân. Lúc bọn diệt chủng rút đi, tôi tìm vào miệng hang, đổ sụp khi thấy mẹ cha, vợ và 5 đứa con của tôi xác chồng xác, thịt xương vung vãi…", ông Lê cho biết.

Khó có thể lột tả được nỗi đau lẫn sự uất hận của ông Ba Lê trước những mất mát tang thương ngoài sức tưởng tượng. Sau cái bận diệt chủng ấy, hang đá nơi vợ con và nhiều người thân của ông bị thảm sát được đặt tên hang Ba Lê. Và cũng từ ông Ba Lê, tôi biết được rằng ở phạm vi Ba Chúc, trên núi Tượng, có nhiều hang đá khác mà mỗi hang đá gắn với những biệt danh đớn đau đến xé lòng như hang Cây Da (có 15 người bị sát hại), hang Dồ Đá Dựng (nơi trú ẩn của 72 người, vì sợ trẻ khóc vì đói bị quân Pol Pot phát hiện sẽ giết tất cả nên anh Trần Văn Tỏ phải nén đau thương bóp mũi đứa con trai 5 tuổi và hai ông Khế - Đức cũng quặn lòng lần lượt giết 3 đứa cháu nội của mình), hang Tám Ắt....

3. Cách chùa Tam Bửu  khoảng 100 bước chân là chùa Phi Lai. Trong ngôi chùa này, bóng ma thần chết vẫn còn đó, thể hiện qua những vết máu loang lổ của gần 300 thường dân bị tàn sát qua các màn vãi đạn súng, tung lựu đạn, đập đầu của đội quân diệt chủng.

Du khách tìm hiểu tội ác của đội quân đồ tể tại bảo tàng diệt chủng.

Lặng người trước những vết bàn tay máu trẻ em vẫn còn rõ nét trên bờ tường, tôi hỏi chuyện ông Lê Văn Đức, nguyên Trưởng ban tổ chức chùa Tam Bửu - Phi Lai, về tội ác ngày nào. Ông Đức  trĩu giọng cho biết , hậu quả do quân diệt chủng Pol Pot gây ra cho nhân dân rất đỗi kinh hoàng, đâu chỉ dừng lại ở hơn 3.000 người chết, trong hai năm liền (1978-1979)  nhân dân Ba Chúc rơi vào nạn đói nghiêm trọng: "Qua thống kê cho thấy có hơn 100 hộ bị giết sạch không người sống sót, trên 200 người chết và bị thương, người bị cụt tay chân do đạp phải mìn và lựu đạn mà quân Pol Pot gài lại, trẻ em 2 năm liền không được đến trường học, 2.840 căn nhà bị đốt cháy hoặc phá hủy...".

Theo tài liệu chứng tích tội ác Pol Pot tại nhà mồ Ba Chúc, Ba Chúc cách biên giới Việt Nam - Campuchia 7km đường chim bay với đại bộ phận dân cư là người Kinh, số ít là người Hoa và Khmer.

Ngày 30/4/1977, vào ngày kỷ niệm lần thứ 2 ngày miền Nam được giải phóng cũng là ngày Pol Pot xua quân tấn công vào 8 tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam, trong đó có An Giang mà Ba Chúc là nơi bị đánh phá nặng nề, ác liệt nhất.

Từ đó đến cuối tháng 2/1978, quân Pol Pot đã đánh phá vào Ba Chúc trên 30 lần và đỉnh cao là vụ thảm sát 3.157 người dân sau 11 ngày đêm chiếm đóng.

Ông Đức cho biết lẽ ra, tội ác này của quân Pol Pot càng khiếp đảm hơn, kinh hoàng hơn và danh sách các nạn nhân bị chúng sát hại sẽ không dừng lại, tội ác sẽ còn tiếp diễn nếu không có các mũi tấn công của bộ đội: "Ngày 30/4/1978, lực lượng ta đã đánh bật quân Pol Pot ra khỏi địa bàn xã Ba Chúc. Sau đó công tác thu dọn tử thi được tiến hành".

Ba Chúc bây giờ khác xa với Ba Chúc ngày trước. Ba Chúc bây giờ thanh bình, ấm êm, rộn vang tiếng cười của những thế hệ lớn lên sau chiến tranh nhưng trong sâu thẳm, những người như bà Nga, ông Lê, ông Đức... còn đó cảm giác u sầu. Rất nhiều người dân Ba Chúc có người thân bị quân diệt chủng Pol Pot sát hại tâm sự, hằng năm vào ngày 16-3 âm lịch, nhân dân xã Ba Chúc làm giỗ tập thể cho những người dân bị sát hại, gọi là ngày giỗ căm thù. Ngày giỗ ấy để an ủi vong linh người xấu số, nhắc nhở mọi người luôn cảnh giác trước tội ác, đồng thời cũng là thông điệp phản đối chiến tranh, bài trừ tội ác và thức tỉnh lương tri loài người.

Rời Ba Chúc với câu chuyện ngày giỗ căm thù ấy, tôi biết rằng nơi đây, trên mảnh đất tang thương này, bình yên đã trở lại nhưng  tội ác vô hình vẫn còn hiện hữu đâu đó, tội ác vẫn chưa ngủ yên!

Nguyễn Thành Dũng
.
.