Tổng thống Barack Obama, giấc mơ có thật

Thứ Tư, 14/01/2009, 14:30
Theo dự trù sẽ có hơn 1 triệu người tham gia lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống tân cử Barack Obama vào ngày 20/1/2009, ngày mà cả thế giới chứng kiến vị Tổng thống da màu đầu tiên bước vào Nhà Trắng.

Cách đây không lâu, trong một bài diễn văn nổi tiếng đọc tại Philadelphia (3-2008), ông Obama đã có một định nghĩa mới: “Đất nước là cái gì đó lớn hơn tổng số các đảng của nó” và để có được câu nói của một thượng nghị sĩ da màu, trong cuộc tranh cử tổng thống thứ 44 Hoa Kỳ thì đã có biết bao máu và nước mắt của người da đen đổ trên đất Mỹ để thực hiện một giấc mơ: “Không có nước Mỹ da đen hay da trắng, nước Mỹ Latinh hay châu Á - chỉ có một Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.

Cách đây 232 năm, trong Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (1776) đã nhấn mạnh “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, kể từ đó 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc của Anh và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (USA) ra đời.

Hoa Kỳ là hợp chúng quốc đúng nghĩa, thu hút sắc dân của tất cả các quốc gia trên thế giới, nơi để họ tìm kiếm cơ hội, vận may, sự giàu sang, nổi tiếng, “dân chủ” và để thực hiện “giấc mơ Mỹ” như nhiều người nhập cư vẫn nhắc trước khi đặt chân vào lãnh thổ này. Sự cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực đã tạo nên một nước Mỹ cực kỳ năng động, giàu sang, thịnh vượng; một nước Mỹ đa diện, đa sắc tộc nhưng thực tế thì lợi thế, lợi tức và lợi ích vẫn nghiêng về người Mỹ da trắng. Còn người da màu mà nhất là người Mỹ da đen bị phân biệt đối xử, đa số cuộc sống của họ vẫn thiệt thòi nhất so với các sắc dân khác tại Mỹ, phải chăng di chứng nô lệ từ thời Mỹ lập quốc còn dai dẳng và đến ngày nay chưa hẳn đã chấm dứt... 

Người Mỹ da đen đã liên tục đấu tranh cho quyền lợi của sắc dân mình tại Mỹ, những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, đầy máu và nước mắt. Vậy câu hỏi, Mỹ dân chủ đến đâu và Mỹ đã đạt đến bao nhiêu phần trăm dân chủ đều khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm. Và sự thành công của Barack Obama hôm nay xét cho cùng là tổng hòa của nhiều nhân tố.

Mục sư Martin Luther King đã dành trọn cuộc đời để đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, nhất là quyền lợi của người Mỹ da đen, nhưng những kẻ “yêu thích” phân biệt chủng tộc đã ám sát ông vào ngày 4/4/1968.

Mục sư Luther King từng có câu nói nổi tiếng: “Mọi người phán xét chúng ta không phải qua màu da mà qua tính cách”, để mong xóa nhòa ranh giới – để thế giới không còn phân biệt chủng tộc và hy vọng những người cùng màu da với ông được hưởng nền dân chủ như người da trắng. Nhưng ước mơ của Luther King phải đến 40 năm sau mới thành hiện thực khi Barack Obama, một người Mỹ gốc Phi đầu tiên đắc cử Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.

Mặt khác, khi nước Mỹ bước vào cuộc tranh cử tổng thống lần này, cũng là lúc lòng tin của dân chúng đối với Tổng thống đương nhiệm suy giảm nghiêm trọng. Trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống W.Bush điều hành đất nước quá tệ, khủng hoảng kinh tế - tài chính dẫn đến Mỹ suy thoái trên toàn cục. Thêm nữa Mỹ sa lầy chiến tranh ở Trung Đông mà đặc biệt ở chiến trường Iraq và khi các khoản chi phí cho chiến tranh, binh sĩ tử nạn tăng lên từng ngày. Những thiệt hại về vật chất, sinh mạng đã làm dân Mỹ hoài nghi về cuộc chiến này. Do đó “Hội chứng Việt Nam” cách đây hơn 30 năm quay về, những người Mỹ đang hoài nghi về một cuộc chiến không đem lại kết quả như Tổng thống Bush từng tuyên bố. Do đó, dân Mỹ đã quá ngán Tổng thống Bush và phần nào là đảng Cộng hòa và đó là thời cơ rất tốt cho Đảng Dân chủ mà đại diện là Thượng nghị sĩ (TNS) Obama sẽ giành nhiều tín nhiệm dù ông có gốc từ châu Phi.

TNS Obama là tia sáng trên bầu trời chính trị Washington chưa lâu. Cách đây 2 năm, ông Obama vẫn là nhân vật vô danh trong “thế giới Washington” nhưng như người ta thường nói “Mỹ là thế...” và Obama là hiện thân của “Giấc mơ Mỹ” (Dream American). Còn John McCain của đảng Cộng hòa đã 73 tuổi, đủ “về vườn” và người Mỹ hoài nghi về một McCain có thể làm thay đổi nước Mỹ trong tương lai. Do đó, họ đã bỏ phiếu cho Obama mặc dù họ lưỡng lự. TNS Obama với hy vọng táo bạo, đại diện cho giấc mơ Mỹ sẽ thay đổi được nhiều thứ? với khẩu hiệu “Chúng ta cần thay đổi”, Obama đã đánh trúng vào tâm lý người Mỹ đang cần.

Obama sinh ra trong gia đình mà bố mẹ là những người thông minh, tài giỏi và rất nhạy cảm, họ đều tốt nghiệp ở Đại học Hawaii. Mơ mộng, phiêu lưu, sôi nổi và quyết đoán là tính cách ông thừa hưởng từ mẹ, là một nhà Nhân học, một phụ nữ không bao giờ thích những con đường vạch sẵn và đã nhiều lần tự quyết định đường đi cho cuộc đời mình; bà đã hai lần kết hôn với hai người đàn ông đến từ hai nền văn minh khác nhau, nhưng là con người có trái tim đa cảm và sống hết mình vì đồng loại.

Tài hùng biện và thu phục đám đông, Obama được thừa hưởng từ bố, một nhà diễn thuyết kỳ tài và cũng nhờ tài diễn thuyết mà Obama cha đã chinh phục được trái tim của cô hoa khôi da trắng Trường đại học Hawaii... Tuy mẹ Obama mất ở tuổi 53 vì bệnh ung thư nhưng lịch sử nước Mỹ và lịch sử thế giới sẽ còn nhắc đến tên bà. Stanley Ann là một cô gái da trắng, thông minh và xinh đẹp, đầy mơ mộng và đã dám vượt qua rào cản của nạn phân biệt chủng tộc hà khắc từ thập niên 60 của thế kỷ trước để đến với một chàng trai da đen Kenya - để tạo ra một Obama “hoàn hảo”.

Nước Mỹ và thế giới hôm nay đã có một Obama đúng nghĩa là một công dân toàn cầu, và nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu Obama có thể tạo nên “nền chính trị hậu phân biệt chủng tộc” hay không?

Ngoài ra, trong chiến thắng mang tính lịch sử của Obama không thể không nhắc đến vợ ông, Michelle Obama, là một phụ nữ da đen thông minh, bản lĩnh và luôn sống hết mình vì sự thật, vì tình yêu đối với chồng con, với gia đình và hạnh phúc... Khi Obama bước vào cuộc vận động tranh cử tổng thống, Michelle đã bỏ công việc hiện tại với mức lương 212.000 USD/năm và luôn sát cánh bên chồng trong suốt thời gian tranh cử.

Xuất thân từ tầng lớp bình dân và sống trong những căn nhà ổ chuột ở khu da đen South Side tại Chicago, Michelle luôn được cha mẹ dạy rằng chỉ có chiến đấu, nỗ lực không ngừng thì mới tồn tại, cha bà từng nói: “Đừng nói là con không thể làm việc này hay việc kia và cũng đừng quan tâm việc con làm có thể không tốt...”.

Đối với người Mỹ da màu thì học vấn – tri thức là con đường gần như duy nhất đưa họ đến thành công và được đổi đời, mới mong nhận được cái nhìn nể trọng từ người Mỹ da trắng. Mặt khác Michelle Obama luôn muốn khẳng định mình đồng thời bà không ngừng phấn đấu để phụ nữ da trắng thay đổi cái nhìn với phụ nữ da đen.

Gia đình tổng thống Barack Obama.

Bên cạnh các nhân tố khác thì trong chiến thắng của Obama còn có sự hỗ trợ rất lớn của xã hội. Obama đã biết vận dụng tối đa những phương tiện hỗ trợ này để hậu thuẫn cho chiến dịch tranh cử của mình. Trong mùa bầu cử trước, năm 2004, nhiều mạng xã hội còn chưa ra đời thì đến mùa bầu cử 2008, người sử dụng web đã thực sự đóng vai trò quan trọng. Theo thống kê thì ông Obama đã chiếm ưu thế rất cao so với ông McCain trên mạng xã hội: Gần 500 triệu bài blog liên quan đến Obama trong khi McCain chỉ có 150 bài; trong mạng xã hội MySpace, Obama cũng dẫn đầu với 844.927 người ủng hộ so với 219.404 của McCain còn trong mạng xã hội Twitter, Obama được 118.107 người ủng hộ, còn McCain: 4.942 người.

Như vậy, thành công của Obama hôm nay là sự tổng hòa của nhiều nhân tố trong đó nhân tố cá nhân vẫn là quan trọng nhất, nếu Obama không thông minh, tài giỏi, không có những “hy vọng táo bạo”, không có ước mơ cháy bỏng, không vượt qua chính mình thì nước Mỹ sẽ không có vị tổng thống thứ 44 có gốc từ châu Phi. Mặc dù, trong cuộc đời có những lúc Obama suy sụp, khủng hoảng tinh thần và đã nhiều lần ông đặt ra câu hỏi “Ta là ai?”. Nhưng Obama đã vượt qua tất cả để vươn đến thành công, điều đó đã làm thay đổi quan niệm của người Mỹ da trắng đối với người Mỹ da đen.

Có nhiều người đang đặt hy vọng rất lớn về một “triều đại Obama” – như cách họ từng gọi và phong tặng cho vợ chồng Tổng thống Bill Clinton cách đây 10 năm. Đúng là có sự trùng hợp gần như ngẫu nhiên, vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton tốt nghiệp đại học luật ở Yale và vợ chồng Tổng thống Obama đều tốt nghiệp đại học luật ở Havard. Yale và Havard là những trường đại học nổi tiếng ở Mỹ và trên toàn thế giới; cả Bill Clinton và Obama đều xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội. Và Obama có tạo nên một “triều đại” như Bill Clinton trong thời gian đương nhiệm hay không? chuyện ấy khoan hãy bàn.

Chúng ta đều thấy, tư tưởng phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào tâm thức của người Mỹ da trắng (nhất là người Mỹ gốc Anh) nên không hẳn tất cả người Mỹ, nội bộ Chính phủ Mỹ đều ủng hộ Obama. Khi vận động tranh cử, TNS Obama có nhiều lời hứa dành cho người da đen, người bình dân và người nghèo, quan tâm nhiều đến an sinh và phúc lợi xã hội. Điều này làm cho đa số người Mỹ hứng khởi và đặt niềm tin vào Obama nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, nhưng liệu ông Obama có thể dễ dàng “móc túi” từ giới thượng lưu và giới tài phiệt Mỹ để phân bổ nhiều cho tầng lớp dưới không hay ông Obama vẫn bị họ điều khiển?

Mặt khác, Obama buộc phải gây chiến với một số quốc gia nào đó trong thời gian nắm quyền như các tổng thống tiền nhiệm đã làm. Do đó, Obama hứa rút quân khỏi Iraq từ nay đến năm 2011 nhưng chiến trường Afghanistan vẫn còn hỗn loạn và Iran có phải là điểm nhấn tiếp theo trên bản đồ chiến sự của Mỹ ở Trung Đông. Gây chiến và tạo ra sự bất ổn là cách để nước Mỹ bán vũ khí và thu được lợi nhuận từ các cuộc chiến đồng thời chiến tranh là cách thể hiện sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế. Do đó, Tổng thống Obama với khẩu hiệu: “Chúng ta cần thay đổi” nhưng liệu ông thay đổi được bao nhiêu trong nhiệm kỳ 4 năm của mình hay Obama chỉ đủ sức ngăn chặn tình trạng tiếp tục suy thoái và cố gắng giữ sự bình ổn của kinh tế Mỹ và thế giới trong thời gian đương nhiệm.

Thế giới đang đặt nhiều hy vọng vào khẩu hiệu của ông Obama nhưng hơn 6 tỉ người không thể quá đặt niềm tin vào một người mà bản thân mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia phải nỗ lực và phấn đấu không ngừng vì thế giới này còn quá nhiều bất ổn và bất công.

Người ta đã và đang ngưỡng mộ Obama đại diện cho giấc mơ - khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ, là hình ảnh mà giới trẻ học hỏi trên bước đường chinh phục tri thức, nuôi dưỡng ước mơ và hướng đến thành công. Trước khi đắc cử Tổng thống 44 Hoa Kỳ thì Obama là một công dân nước Mỹ quốc trong mình nửa dòng máu Kenya nhưng với nỗ lực và trí tuệ của mình, Obama đã có một gia đình hạnh phúc với một vợ, hai con, một căn nhà, một chiếc xe hơi và sự nghiệp mà nhiều người cùng tuổi Obama đang mơ ước. Đó là giá trị mà đa số thế hệ trẻ đang vươn tới. Nhưng ông Obama sẽ làm được gì cho nước Mỹ và thế giới trong nhiệm kỳ của mình thì chúng ta hãy chờ xem?!

Ông chủ Nhà Trắng thứ 44 Hoa Kỳ đã từng tâm sự: “Tôi nghĩ đến nước Mỹ và những người đã sáng lập nên đất nước. Họ đã vượt lên trên những khát vọng tầm thường, những tính toán nhỏ nhen, tưởng tượng ra một quốc gia trải rộng khắp lục địa. Và những người như Lincoln và Luther King đã nằm xuống vì sự nghiệp làm cho đất nước chưa hoàn hảo này ngày càng tốt đẹp hơn. Và tất cả những người vô danh khác, những nô lệ và binh lính, thợ may và người bán thịt, họ đã xây dựng cuộc sống cho chính mình, cho con cháu họ, với từng viên gạch, từng thanh đường ray, với đôi tay chai sần để xây dựng nên thế giới của giấc mơ chung. Tôi muốn trở thành một phần của công trình ấy. Trái tim tôi tràn đầy tình yêu với đất nước này”.

Barack Obama đã biến giấc mơ không của riêng mình mà còn của hàng triệu người da đen từ thời Mỹ lập quốc đến nay thành hiện thực

Thiên Thanh (tổng hợp)
.
.