Tổng thống LB Xô Viết Mikhail Gorbachev: Thất bại vì phản bội

Thứ Sáu, 18/03/2011, 07:35
Một phần tư thế kỷ trước, từ ngày 25/2 tới ngày 6/3/1986 tại Moskva đã diễn ra Đại hội lần thứ 27 của Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX). Đại hội Đảng đầu tiên sau khi các Tổng Bí thư Leonid Brezhnev, Yuri Andropov và Konstantin Chernenko qua đời. Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội này là vị Tổng Bí thư trẻ Mikhail Gorbachev.

Các đại biểu đã thông qua Cương lĩnh ĐCSLX đã được sửa đổi và Nghị quyết về "Những định hướng phát triển kinh tế xã hội chủ yếu của Liên bang Xôviết  trong giai đoạn 1986 - 1990 và triển vọng tới năm 2000". Thế nhưng, chỉ 5 năm sau đó, cường quốc vào loại hàng đầu thế giới đã không những không trở nên phồn vinh hơn mà ngược lại, đã bị tan rã. Nguyên do ở đâu?

Cơ hội bị bỏ lỡ

Để góp phần tìm hiểu vấn đề này, phóng viên tờ báo Nga Komsomolskaya Pravda đã tìm tới Sergey Kurgonian. Ông  sinh năm 1949, vốn là một nhà địa chất học nhưng nổi tiếng hơn cả trong vai trò một nhà chính trị học. Ông rất am hiểu tình hình nội bộ của thượng tầng chính trị Liên bang Xôviết trong những thập niên cuối cùng của nó. Tại Đại hội 27 của ĐCSLX, Sergey Kurgonian là một trong những đại biểu nổi bật với những lập luận khác lạ của mình.

Theo nhà chính trị học Sergey Kurgonian, định hướng tăng tốc phát triển từng được đề cập tới trước và trong Đại hội 27 không phải là một giai đoạn của cải tổ (perestroika) mà lại là một cơ hội đã bị chính những người tiến hành cải tổ bác bỏ. Đó chính là cơ hội sửa đổi thể chế chứ không phải là phá vỡ thể chế. Sửa đổi để làm gì? Để thoát khỏi tình trạng trì trệ và đẩy nhanh tốc độ phát triển bằng cách huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực của chế độ hiện hữu và tạo nên một "điều kỳ diệu Nga". Thời điểm diễn ra Đại hội 27 của ĐCSLX là một thời điểm bước ngoặt cực kỳ quan trọng. Khi ấy, chưa ai nói tới việc bãi bỏ điều 6 Hiến pháp (về vai trò lãnh đạo của ĐCSLX). Và sự tụt hậu so với phương Tây cũng không là xa quá như bây giờ một số kẻ rêu rao.

Tại thời điểm đó, theo Sergey Kurgonian, chế độ Xôviết vẫn có rất nhiều triển vọng. Để phát huy mọi thế mạnh chỉ cần làm một việc không quá khó - Đảng phải dựa vào đội ngũ những cán bộ đáp ứng được yêu cầu của quá trình tăng tốc. Đặc biệt, cần huy động đúng và đủ đội ngũ trí thức khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn. ĐCSLX  đã nhận thức rõ ràng rằng, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Và vì thế, trí thức không chỉ là một tầng lớp mà cũng là một giai cấp, động lực của lịch sử. Và giai cấp này cần được huy động thích đáng và đúng hướng cùng với giai cấp công nhân và nông dân tập thể.

Tuy nhiên, một bộ phận trí thức Xôviết lúc đó đã bị kích động đi sai đường, không theo hướng chung tay xây dựng xã hội và chế độ mà lại góp phần vào việc phá hủy nó. Và bộ phận trí thức đó cộng với những tác động từ bên ngoài đã là một trong những lực lượng làm tan rã Liên bang Xôviết. Và tự làm hại mình. Hiện tại ở nước Nga, các giáo sư nhận lương còn thấp hơn cả các tài xế. Đó là điều không thể diễn ra được trong chế độ Xôviết, nơi trí thức đích thực rất được trọng dụng và đãi ngộ thỏa đáng...

Là một đại biểu tham dự Đại hội 27, Sergey Kurgonian ngay từ lúc đó đã lo lắng khi cảm nhận được rằng, thể chế Xôviết lúc ấy không có được  những sửa đổi theo hướng ổn định xã hội. Không những thế, tại Đại hội 27 lại vang lên quá nhiều phát biểu về tham nhũng, tẩy rửa, ân hận...  Tức là những hiện tượng tiêu cực và có vẻ như tiêu cực đã bị thổi phồng và làm cho gay cấn thêm. Chính vì thế mà tiến trình tăng tốc đã bị trục trặc. Sự trục trặc này là tự nhiên hay do ai đó kích động? - Sergey Kurgonian đã tự đặt câu hỏi. Thế nhưng, khi ông chia sẻ ý nghĩ này với các đồng nghiệp thì nhiều người lại nói với ông rằng, đường gập ghềnh nên bánh xe đi khó nhọc thế thôi! Trong khi đó thì "lái chính" Gorbachev thì lại toàn tung ra những lời có cánh, nghe rất bùi tai nhưng chỉ thế thôi.

Không ngẫu nhiên mà chính tại Đại hội 27, đội hình của Gorbachev đã bắt đầu bị rạn nứt từ bên trong. Thứ nhất là nhóm của những người muốn duy trì mọi sự chặt chẽ theo truyền thống, mà đại diện là Egor Likhachev. Ông này đã lôi kéo sự ủng hộ của cả những đảng viên theo khuynh hướng bảo thủ lẫn những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga Latư. Nhóm thứ hai bao gồm các nhà kinh tế thị trường như Nikolai Ryzhkov, Valentin Pavlov... Những người này ủng hộ cách đi là xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Nhóm thứ ba là những người theo chủ trương rằng, ĐCSLX không chỉ là một chính đảng cộng sản về hình thức mà cả nội dung và tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo đất nước theo hướng tăng tốc tiến tới xã hội hậu công nghiệp. Sergey Kurgonian là thuộc nhóm này. Nhóm thứ ba gồm những kẻ muốn phá bỏ ĐCSLX mà đại diện là Aleksandr Yakovlev, lúc đó là Bí thư TW phụ trách công tác lý luận tư tưởng. Chính nhóm thứ tư này với sự a dua và đồng lõa của Gorbachev đã dồn ĐCSLX và Liên bang Xôviết tới chỗ tan rã.

Tuy nhiên, ở thời điểm 25 năm trước, những lực lượng trên mới bắt đầu hình thành, chưa rõ nét, chưa tách biệt hẳn với nhau và chưa va đập mâu thuẫn với nhau. Tất cả các lực lượng này khi đó vẫn còn thỏa mãn với những lời có cánh mù mờ nhiều chữ mà ít nghĩa về chủ nghĩa xã hội với gương mặt nhân văn. Trong khi đó, ông ta (Gorbachev) lại lo lắng quan sát cảnh Ligachev ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong thế đối đầu. Gorbachev cũng nhìn thấy ở ông Ryzhkov một đối thủ nặng ký. Và ông ta không hiểu cách tư duy của lực lượng thứ ba, những người theo chủ trương hậu công nghiệp. Và càng ngày Gorbachev càng nghiêng theo những người như Yakovlev.

Với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Nói hay, không có nghĩa là làm hay.

Tham quyền nên mất quyền

Càng ngày càng bị dồn vào nhóm thiểu số trong Đảng, Gorbachev  trong một thời gian nào đó vẫn biết cách lũng đoạn đội ngũ tinh hoa cao cấp trong nội bộ và tước bỏ dần các khả năng hành động đúng đắn của họ. Và sức chiến đấu của những đảng viên này đã bị suy giảm đến mức là họ đã không thể cùng nhau hợp lực để hạ bệ Gorbachev trong Đại hội 28 và những hội nghị tiếp theo, khi đã thấy ngày một rõ là Gorbachev đang phản bội lại lợi ích của Đảng và của đất nước. Nói một cách công bằng, Gorbachev rất thành thạo trong các cuộc chiến đấu nội bộ, biết cách khéo léo hạ lần lượt các đối thủ và đó chính là thảm họa đối với Đảng và Liên bang...

Sergey Kurgonian kể rằng, tháng 2/1991, ông đã tới gặp Gorbachev để đề nghị cộng tác:

"Tôi trình cho Tổng Bí thư (TBT)  một số cặp tài liệu có các chương trình cải tổ đất nước  và ĐCSLX. Tôi nói: "Vẫn còn chưa muộn, thưa đồng chí, để cứu Liên bang Xôviết. Đồng chí hãy quyết định đi! Nếu đồng chí chấp nhận các chương trình này, tôi sẵn sàng làm bất cứ vai trò gì ở đây, dù là cố vấn hay thư ký, dù là người gác cổng hay lao công. Nhưng nếu đồng chí tiếp tục đẩy đất nước tới chỗ tan rã, đồng chí trong Đại hội sắp tới sẽ không thể là TBT nữa. Chúng tôi sẽ không chạm tới chức Tổng thống của đồng chí, đó sẽ là giai đoạn tiếp theo. Việc chính yếu là phải làm trong sạch Đảng, khác đi, đồng chí sẽ làm hại Đảng đấy...".

Tôi đã nói thẳng thắn như vậy. Lúc đó, tôi đã hiểu ra rằng, Gorbachev sẽ không chấp nhận các chương trình mà tôi đưa ra, ông ấy không còn cần Đảng nữa, ông ấy muốn rời bỏ Đảng. Dù lúc ấy tôi cũng không thể ngờ được là Gorbachev sẽ hành xử kỳ quái đến như vậy, trong thực tế đã tự mình đạo diễn cuộc chính biến tháng 8-1991 khiến Liên bang tan rã và chính ông ta cũng bị gặp nạn. Lúc đó, tôi vẫn còn có cảm giác là Gorbachev đang phân vân và không muốn để mất quyền lực...".

Theo Sergey Kurgonian, chế độ Xôviết nếu được thay đổi đúng hướng trong những năm đó thì hẳn vẫn tiếp tục tồn tại được. Ông nhấn mạnh: "Thể chế này hiện nay  vẫn được duy trì ở một nước Việt Nam đang phát triển mạnh. Và điều khẳng định không thể bác bỏ được nữa là Trung Quốc, đất nước đang trở thành hàng đầu trên thế giới và theo mọi dự đoán, tới năm 2020 sẽ vượt cả Mỹ trên mọi phương diện. Một khi thể chế này có sức sống ở các nước như thế thì tại sao nó lại không thể giúp cho Liên bang Xôviết thay đổi  tốt hơn?".

Cũng theo Sergey Kurgonian, lý do khiến Liên Xô lúc đó không được cải cách đúng hướng là do một bộ phận lãnh đạo, như Gorbachev chẳng hạn, vì sợ mất quyền lực cá nhân nên đã làm rối tung mọi sự và dần dà, quá mù ra mưa, làm hại chính cả bản thân mình. Rốt cuộc là trên bàn cờ chính trị quốc tế, như chính ông ta thú nhận trong dịp kỷ niệm tuổi 80 của mình vừa qua (Gorbachev sinh ngày 2/3/1931), ông ta đã là một chính trị gia bại trận.

Sau này, Gorbachev khi gặp lại Sergey Kurgonian, đã nói: "Anh Sergey, tôi đã không chấp nhận các chương trình của anh vì tôi không muốn đổ máu đất nước". Và Sergey Kurgonian đã trả lời: "Thế tại sao ông lại cho rằng một chủ nghĩa cộng sản hậu công nghiệp dựa trên vai trò lãnh đạo của Đảng lại làm đổ máu đất nước? Thế chẳng lẽ ông đã không làm đổ máu ư? Nội chiến ở Tadjikistan, ở Trung Á nói chung chẳng lẽ không là đổ máu?!". "Thôi, đừng nói thế, anh Sergey, tôi muốn nói về điều khác cơ"...

Điều khác mà Gorbachev muốn nói là điều gì? Theo Sergey Kurgonian, nói chung, Gorbachev đã không mấy quan tâm tới số phận của nhân dân. Và ông ta đã chủ tâm phản bội ĐCSLX cũng như Liên bang Xôviết với hy vọng vẫn có được quyền lực nào đó sau khi mọi sự tan vỡ.

Gieo gì gặt nấy

Thực tế cho thấy, Gorbachev đã không toại nguyện, nhưng cho tới hôm nay, so với nhiều công dân Xôviết cũ, ông ta vẫn có được một cuộc sống khá giả. Có điều, đại đa số những người dân ở vùng lãnh thổ từng được gọi là Liên bang Xôviết vẫn coi ông ta như một  kẻ tội đồ. Nếu phương Tây đang còn những thế lực ve vuốt ông ta vì những gì ông ta đã làm giúp họ trong cuộc chiến tiến tới xóa bỏ Liên Xô thì ngay tại quê hương, ông ta luôn gặp phải những sự phê phán, khinh rẻ.

Theo tờ báo Pháp Le Temps, tại nước Nga, những gì mà Gorbachev đã làm chỉ gợi lên những ký ức về khủng hoảng thiếu lương thực thực phẩm, những dãy xếp hàng dài dằng dặc, những cải cách kinh tế thảm họa và sự suy sụp mức sống. 20 năm sau khi Liên Xô tan rã, các cuộc thăm dò dư luận vào cuối tháng 2/2011 cho thấy, 47% số người Nga được hỏi ý kiến dửng dưng về Gorbachev; 20% khinh rẻ ông ta và chỉ có 10% là còn tôn trọng ông ta. Ba phần tư số người được hỏi ý kiến không thể nhớ được chuyện gì tích cực trong thời gian Gorbachev cầm quyền. Khá đông người Nga hiện đang nuối tiếc về sự tan rã Liên bang Xôviết mà theo họ, chính Gorbachev đã là thủ phạm

Minh Huyền
.
.