"Trại giam tù binh Phú Quốc" - Những trang sử đẫm máu

Thứ Tư, 20/05/2009, 13:45
Có một nhà tù tàn khốc nhất trong các loại nhà tù trên thế giới lại ít được biết đến một cách có hệ thống, đầy đủ là nhà tù Phú Quốc. Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Trung ương, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Phú Quốc từ hòn đảo hoang vắng dần thay đổi trở thành “nàng tiên cá” lộng lẫy, thu hút hàng triệu khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Một trong những điều du khách ngỡ ngàng khi đến Phú Quốc là di tích “Trại giam tù binh Phú Quốc” - chứng tích tội ác của đế quốc còn lưu lại trên hòn đảo ngọc này.

Tên tuổi của Phú Quốc gắn liền với những trang sử hào hùng. Khi nhà Nguyễn bị quân Tây Sơn đánh bại, Nguyễn Ánh đã 3 lần chạy ra đảo Phú Quốc nương náu. Sau khi 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ mất, Anh hùng Nguyễn Trung Trực rút về hoạt động ở 3 tỉnh miền Tây.

Tháng 6/1868, ông cùng nghĩa quân rút về Hòn Chông rồi ra Phú Quốc. Nhân dân và núi rừng Phú Quốc đã che chở người anh hùng, giúp ông tổ chức lại lực lượng, đánh địch nhiều trận ác liệt tại Hàm Ninh, Cửa Cạn. Nhưng bị chia cắt với đất liền do đường giao thông hiểm trở, nghĩa quân ngày càng hao mòn, lương thực thiếu thốn. Cuối cùng, nhân dân Phú Quốc đau lòng chứng kiến cảnh Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bắt, đem về Rạch Giá xử chém ngày 27/10/1868. Trước lúc hy sinh, Nguyễn Trung Trực đã nói một câu đầy khí phách anh hùng: “Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam thì dân Nam mới hết người đánh Tây”.

Lời nói của Nguyễn Trung Trực như một câu sấm truyền, bởi suốt hơn một thế kỷ sau ngày máu ông đổ xuống cho quê hương, Phú Quốc là nơi ghi dấu bao trang sử hào hùng của hàng ngàn chiến sĩ yêu nước. Vượt qua mọi hình thức tra tấn tàn bạo, vượt qua mọi chế độ hà khắc, các chiến sĩ - tù binh Phú Quốc đã viết tiếp những trang sử sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng...

Chưa có một nhà tù nào đặc biệt như ở Phú Quốc, bởi bản thân hòn đảo này cũng chính là một căn cứ địa cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhân dân Phú Quốc đã đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ, lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ, xa đất liền, xa sự lãnh đạo của tỉnh, có lúc bị cô lập gần 2 năm trời do địch phong tỏa. Nhưng quân dân Phú Quốc vẫn kiên cường đương đầu với quân xâm lược, đặc biệt là đế quốc Mỹ với lực lượng quân đội hùng hậu, vũ khí và phương tiện chiến tranh thuộc loại hiện đại nhất thế giới. Hòn đảo ngọc này đã phải chịu đựng nhiều cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn của quân Mỹ, có cả hải lục không quân, thọc sâu vào căn cứ cách mạng.

Bị bao vây và bị đánh phá ác liệt, phong trào kháng chiến ở Phú Quốc không tránh  khỏi những đau thương, tổn thất nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Kiên Giang và Huyện ủy Phú Quốc, nhân dân trên hòn đảo này kiên cường đứng dậy, bền bỉ phục hồi lực lượng, liên tục đánh địch, phá lỏng thế kềm kẹp của địch, không chỉ thu vũ khí tự trang bị cho mình mà còn đưa bộ đội về tiếp sức với đất liền.

Với địa hình đặc biệt và tính cách anh hùng, dẫu đất rộng người thưa, đường giao thông cách trở, Phú Quốc đã che chở cho hàng trăm tù nhân khi vượt thoát, vẫn tìm cách liên lạc, nuôi dưỡng cho các phong trào đấu tranh ở Trại giam tù binh Phú Quốc. Những trang sử vàng của Phú Quốc đã ghi lại những cuộc “đánh chiếm” vô tiền khoáng hậu này, ngay từ thời chống Pháp: Tháng 9/1949, “bộ đội Phú Quốc” từ hòn Sơn Rái vượt biển, đổ bộ lên đánh chiếm hãng Cây Dừa ở Nam Đảo, thu 40 súng. Năm 1948, Phú Quốc đưa một trung đội vào đất liền, bổ sung cho lực lượng khu...

Nhà tù Phú Quốc có một lịch sử vô cùng đặc biệt. Vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, quân Quốc dân đảng Trung Hoa bị Quân giải phóng Trung Quốc đánh bại, phải chạy dạt sang biên giới phía bắc Việt Nam. Đám tàn quân này có trên 3 vạn người, được Pháp đưa ra trú ngụ ở phía nam đảo Phú Quốc. Sau khi Tưởng Giới Thạch rời khỏi Đại lục, tháo chạy ra đảo Đài Loan và tuyên bố hòn đảo này thuộc sự kiểm soát của Quốc dân đảng, đám tàn quân này trở về với chủ cũ.

Lợi dụng một số nhà cửa có sẵn của trại tàn binh, quân Pháp lập một trại giam tù binh trên một diện tích gần 40 ha, gồm 4 khu giam A, B, C, D; được gọi là “Căng Cây Dừa” (Trại Cây Dừa). Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt ở các chiến trường Trung, Nam, Bắc bị chúng tập trung đưa ra trại giam này ở Phú Quốc, khoảng 14.000 người, phần đông từ “Căng” Đoạn Xá (Hải Phòng), được chở ra Phú Quốc bằng tàu thủy.

Ngay từ những ngày đầu tiên đến “Căng Cây Dừa”,  các đảng viên trong các khu nhà giam đã liên lạc với nhau, tổ chức được các chi bộ, Đảng bộ bí mật lãnh đạo anh em tù binh đấu tranh với địch, từ việc cử đại diện tù binh, tổ chức, lao động, sinh hoạt đến đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, chống dụ dỗ lôi kéo bắt lính trong tù, tổ chức vượt ngục... Chỉ hơn một năm ở trại giam đã có 99 người chết, gần 200 người vượt ngục. Một số anh em thoát ra, được tham gia chiến đấu và công tác ở đảo, góp phần làm nên những chiến thắng của quân dân Phú Quốc. Một số về chiến đấu và công tác ở đất liền.

Tháng 7/1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Pháp đã trao trả cho phía cách mạng hầu hết tù binh ở trại này.

Trao trả tù binh Phú Quốc, tháng 3/1973

Cuối năm 1955, trong lúc giao thời “thay thầy đổi chủ”, ngụy quyền Sài Gòn tranh thủ lập một trại giam cũng ở địa điểm “Căng Cây Dừa” cũ, trên một diện tích rộng 4 ha, gồm có nhà giam tù nam, nhà giam tù nữ, nhà giam phụ lão, được chúng đặt tên là “Trại huấn chính Cây Dừa”, có lúc gọi là “Nhà lao Cây Dừa”. Đầu tháng 1/1956, ngụy quyền Sài Gòn đưa 598 người tù, quê quán từ 33 tỉnh ở trại “Trung tâm huấn chính Biên Hòa” đến đề lao Gia Định, rồi đưa  xuống chiếc tàu vận tải của hải quân, mang tên Hắc Giang, rời bến Sài Gòn ngày 2/1/1956. --PageBreak--

Chiều ngày 5/1/1956, tàu  Hắc Giang đến Phú Quốc. Về sau, chúng đưa lẻ tẻ thêm một số tù nhân ra “Nhà lao Cây Dừa”. Những người bị chúng đưa đến “Trại huấn chính Cây Dừa” là tù chính trị mà chúng gọi là “Việt Cộng” hoặc “thân Cộng”.

Ngay những ngày đầu tiên ấy, chính quyền Sài Gòn đã vấp phải sự đấu tranh quyết liệt của tù chính trị, đặc biệt là những người nữ tù. Chỉ trong 7 tháng, từ tháng 2 đến tháng 9/1956, có khoảng 100 “Việt Cộng” lẻ tẻ hoặc tập thể vượt ngục. Một số người tù bị chúng bắn chết khi vượt rào. Trong số tù chính trị vượt ngục năm 1956 có đồng chí Phạm Văn Khỏe (em ruột của cố Thủ tướng Phạm Hùng), quê ở Vĩnh Long; đồng chí Mai Thanh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Rạch Giá. (Năm 1957, đồng chí Mai Thanh đã cùng với đồng chí Lâm Kiên Trì lúc ấy là Bí thư Huyện ủy, sau là Bí thư Tỉnh ủy về đất liền, bắt liên lạc với Tỉnh ủy, khu căn cứ kháng chiến Phú Quốc mất liên lạc với tỉnh.

Thấy tình hình bất ổn, năm 1957, chính quyền Sài Gòn đưa số tù chính trị ở “Trại huấn chính Cây Dừa” về đất liền, một số bị đày ra Côn Đảo. Trong số tù chính trị bị đày ra Côn Đảo có 41 nữ tù liên kết nhau thành một tập thể “chặt không đứt, bứt không rời” chống ly khai Đảng, kiên cường vượt qua mọi hình thức hà khắc của địch, cả việc bị bắt giam vào hầm đá.

Cùng với việc leo thang chiến tranh, tăng cường các phương tiện chiến tranh và đổ quân ào ạt vào miền Nam Việt Nam, Mỹ-ngụy chủ trương, bắt tất cả những người chúng có thể bắt được ở vùng giải phóng hoặc vùng tranh chấp, gắn bừa cho hai chữ “Việt Cộng” rồi tống vào nhà giam để làm cạn nguồn nhân lực của quân cách mạng. Từ đó, chúng chủ trương xây dựng hàng loạt trại giam tù binh Cộng sản ở Biên Hòa, Pleiku, Đà Nẵng,  Cần Thơ, có cả Trại giam tù binh nữ ở Quy Nhơn... Riêng ở Phú Quốc, năm 1966, Mỹ - ngụy lại lập một trại giam ở thung lũng An Thới, cách “Căng Cây Dừa” cũ 2km, rộng hơn 400 ha.

Trại giam gồm 12 khu, mỗi khu có 4 phân khu A, B, C, D, với trên 400 nhà giam, được gọi là “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam / Phú Quốc”, thường được gọi là “Trại giam tù binh Phú Quốc”. Mỗi phân khu, ngoài 9 phòng dành cho tù binh ở, còn có 2 phòng nằm ngang, song song phía trước, trong đó một phòng nằm gần dãy tù binh để khi cần, gọi tù binh đến thẩm vấn, phạt vạ hoặc biệt giam trong phân khu...

Tất cả 11 phòng  kể trên đều bằng vì kèo sắt, nóc tôn, vách tôn, mỗi phòng bề ngang 5 mét, dài 20 mét, hai đầu chừa hai lối ra vào, bề ngang khoảng 8 tấc và mỗi bên vách tôn có 4 cửa  sổ, dưới vách tôn có khoảng trống chừng 3 tấc, có rào dây kẽm gai. Địch bố trí một pháo đài chung quanh mỗi khu giam.

Trên pháo đài có đặt súng đại liên, có 2 vọng gác cổng chính của khu giam. Hai xe tuần tra liên tục quanh khu giam. Một vọng tổng kiểm soát đốc canh, cứ 2 giờ địch thay phiên gác, liên tục canh gác 24/24 giờ. Ban đêm, địch còn tăng cường các toán vào vòng rào giới hạn để kiểm soát lưu động tại các phân khu và đặt thêm 10 vọng gác di động.

Đó là một trại giam tù binh trung tâm toàn miền Nam của địch, giam giữ hơn 32.000 tù binh (nếu kể cả tù chính trị nhiều thời kỳ, con số lên khoảng 40.000 người). Đứng đầu ban chỉ huy trại giam là một tên trung tá hoặc đại úy ngụy, có lúc là một chuẩn tướng, đứng đằng sau là một cố vấn Mỹ, do một tên trung tá cầm đầu. Lực lượng canh giữ trực tiếp trại giam có 4 tiểu đoàn quân cảnh ác ôn, một liên đội địa phương quân lành nghề, một đại đội công binh, một đơn vị hải thuyền và một đội quân khuyển.

Bọn chỉ huy ở  nhà tù Phú Quốc có những tên ác ôn khét tiếng như thiếu tá Đoàn Đức Hải, trung tá Nguyễn Hữu Phước, trung tá Phan Ngọc Thủy, trung tá Bùi Bằng Dực, có cả tên chúa ngục từ thời Pháp, như đại tá Trần Vĩnh Đắc, từng là thiếu tá giám đốc “Căng Cây Dừa” thời 1953-1954, giám đốc trại giam Phú Lợi năm 1956 và bọn quản ngục tàn bạo như trung úy Hiển, trung úy Ngũ, thượng sĩ Nhu...

Theo tài liệu của Phòng 1 - Bộ Tổng tham mưu ngụy, từ ngày 10/12/1965 về trước, những chiến sĩ vũ trang của cách mạng bị bắt bị chúng coi là những phần tử phiến loạn, chưa được công nhận là tù binh chiến tranh. Từ ngày 10/12/1965, “những phần tử phiến loạn” ấy được hưởng theo chế độ tù binh nhưng về danh nghĩa, chúng vẫn xem những tù binh này là “phiến loạn Cộng sản”.

Sau Mậu Thân 1968, Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào Hội nghị Paris để giải quyết cuộc chiến tranh ở Việt Nam, từ ngày 24/8/1968 trở đi, theo Huấn thị số 6524 của Bộ Quốc phòng chế độ Sài Gòn, chúng buộc phải chính thức công nhận những phần tử vũ trang của đối phương bị bắt là tù binh Cộng sản Việt Nam, được hưởng những quy chế về tù binh.

Việc được công nhận tên gọi “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam / Phú Quốc” cũng là cả quá trình đấu tranh đẫm máu của những chiến sĩ cách mạng. Khi trại giam tù binh Phú Quốc hoạt động, những chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang trước kia bị giam ở Côn Đảo và các nhà tù khác, lần lượt được đưa về trại giam Phú Quốc.

Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh - nơi tập trung giam giữ số lượng lớn nhất những người yêu nước  cầm súng chiến đấu chống lại chúng, bị chúng bắt được là vì Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, xa nhân dân, xa cách mạng. Đặt trại giam tù binh trung tâm ở Phú Quốc, do chúng nghĩ rằng có thể hạn chế  được những cuộc đấu tranh của tù binh, dễ canh giữ, dễ đàn áp hơn ở đất liền, dễ bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục.

Với cách nghĩ ấy, chúng đã gây ra muôn vàn tội ác “trời không dung, đất không tha” ở Trại giam tù binh Phú Quốc. Nhiều hình phạt, cách tra tấn tù nhân khốc liệt hơn cả thời Trung cổ: đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, liệng vào chảo nước sôi, đốt thiêu sống, chôn sống...

Hơn 4.000 tù binh Cộng sản đã vĩnh viễn nằm lại ở Phú Quốc.

(Còn nữa)

Trầm Hương
.
.