Trần Cao Vân và cuộc binh biến cuối cùng ở kinh thành Huế (kỳ cuối)

Thứ Ba, 27/11/2018, 08:06
Mùa hè năm 1916, Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, châu Phi với tội danh "Vọng thính sàm ngôn khuynh nguy xã tắc" (nghe lời xằng bậy làm nguy xã tắc) cùng chỗ với vua cha Thành Thái. Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu lên đoạn đầu đài đền nợ non sông.


Sau này, vua Duy Tân nhắc đến sự kiện lịch sử đó: "Nếu chúng tôi không có nghĩa cử cầm đầu cuộc vận động ấy thì dưới mắt của dân tộc tôi, tôi được coi như một kẻ hèn nhát, phản bội xứ sở, phản bội cha ông".

Thuyết phục vua Duy Tân

Năm 1912, Phan Bội Châu từ Thái Lan sang Trung Quốc, cùng một số đồng chí họp tại Quảng Đông, tuyên bố giải tán Hội Duy Tân và thành lập Hội Việt Nam Quang Phục với tôn chỉ đánh đuổi thực dân Pháp bằng bạo lực, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hội đã cử 3 ủy viên là Đặng Xuân Hồng, Lâm Quảng Trung và Đặng Bỉnh Thành mỗi người về mỗi miền để tuyên truyền, phổ biến chương trình hành động và tuyên ngôn của hội, kết nạp đồng chí. 

Vua Duy Tân lúc trưởng thành.

Tại Quảng Nam, người lãnh đạo chính của phong trào chống Pháp lúc này là Thái Phiên. Các sĩ phu ở đây đã quyết định đi theo con đường của Việt Nam Quang Phục hội khi Lâm Quảng Trung về vận động, chuẩn bị thế lực, sẵn sàng khởi nghĩa. 

Khi Trần Cao Vân vừa từ Côn Đảo về được mấy tháng thì Thái Phiên mời ông tham gia Việt Nam Quang Phục hội để chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 9 -1915, tại Đại hội lần thứ nhất của Việt Nam Quang Phục hội miền Nam Trung bộ gồm đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Quảng Bình đã vạch ra mấy công tác gấp rút: Xin chỉ thị Phan Bội Châu lần thứ hai; phát triển mạnh lực lượng ra các tỉnh, nhất là Bình Định, Thừa Thiên; dự thảo hịch, chương trình kiến quốc; mời vua Duy Tân nhập cuộc. Nhiệm vụ của Trần Cao Vân là làm sao thăm dò tư tưởng của vua Duy Tân để nếu có thể thì mời nhà vua tham gia cuộc khởi nghĩa để yên lòng dân.

Vua Duy Tân là người yêu nước, thông minh, khảng khái, thích tự do. Thực dân Pháp và Nam triều đã lập một lương đình (nhà nghỉ mát) ở Cửa Tùng, Quảng Trị để vua ra đó nghỉ ngơi. Tuy vậy, việc tiếp xúc được với nhà vua không đơn giản chút nào.

Trần Cao Vân và Thái Phiên lập kế, bỏ ra một số tiền vận động người lái xe của vua thôi việc để "cài" Phạm Hữu Khánh, đảng viên Hội Quang Phục, người rất tháo vát, vào thay thế. Gần gũi vua Duy Tân, Phạm Hữu Khánh dò hiểu được ý chí của vua và cũng tạo được cảm tình ở vị hoàng đế trẻ này. Một hôm, Phạm Hữu Khánh dâng cho vua Duy Tân bức thư của Trần Cao Vân viết với lời lẽ thống thiết, kể rõ tình trạng đất nước, dân tình, việc Pháp đào lăng Tự Đức, đày vua Thành Thái… Vua Duy Tân rất cảm động và bí mật hẹn nơi gặp gỡ Trần Cao Vân.

Hồ Tịnh Tâm - nơi Trần Cao Vân gặp vua Duy Tân.

Đầu năm 1916, nhờ sự giúp đỡ của viên đội thị vệ Nguyễn Quang Siêu và Phạm Hữu Khánh, hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên giả làm người câu cá lẻn vào hồ Tịnh Tâm đúng theo giờ quy ước. Gặp nhau, nhà vua tán thành việc khởi nghĩa và hứa sẽ ban mật dụ, đồng thời khuyên nên hành động gấp kẻo lỡ cơ hội vì vào tháng 5 sẽ có 3.000 lính mộ ở đồn Mang Cá bị đưa sang Pháp. Vua Duy Tân còn được giao nhiệm vụ vận động những người trong hoàng tộc, đội thị vệ và quan lại trong triều.

Giữa tháng 2-1916, đại hội lần hai của đảng bộ Hội Việt Nam Quang phục được tiến hành tại Huế thông qua chương trình kiến quốc và kế hoạch khởi nghĩa.

Về chương trình kiến quốc:

Lấy quốc hiệu là Việt Nam; Quốc kỳ có hình vuông, nền đỏ với 5 ngôi sao trắng quanh một vòng tròn (lấy ý trong kinh Dịch: 5 sao chầu về sao Bắc Đẩu thì dẹp yên thiên hạ, 5 sao tụ quanh sao Khuê thì thiên hạ thái bình). Về tổ chức nhà nước thì cơ quan lập pháp là "Nhân dân đại biểu viện". Cơ quan hành chính tối cao là "Viện hành chính trung ương", gồm có tổng thống, phó tổng thống, 7 tổng trưởng đứng đầu 7 bộ. Đúc 4 cái ấn kinh lược là Bình-Trị, Nam-Ngãi, Bình-Phú, Khánh-Thuận.

Quy Nhơn được chọn làm thủ đô; Ban bố quyền tự do dân chủ, bỏ thuế đinh, sửa các loại thuế khác.

Về kế hoạch khởi nghĩa:

Chân dung chí sĩ Thái Phiên (được gia tộc họ Thái xác định).

Tổng khởi nghĩa đúng vào giờ Tý ngày 2 tháng 4 năm Bính Thìn (tức 1 giờ sáng ngày 3-5-1916), khởi điểm tại Huế, bắn thần công báo hiệu cho 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình; tại đèo Hải Vân sẽ nổi lửa báo hiệu cho 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trần Cao Vân đã làm một bài thơ "Hỏa xa Quế Hàn" (vịnh tàu lửa chạy từ Đà Nẵng ra Huế) làm hiệu lệnh mật hẹn ngày khởi nghĩa:

Một mối xa thư đã biết chưa

Bắc Nam hai ngả gặp nhau vừa

Đường rầy đã sẵn thang mấy bước,

Ống khói càng cao ngọn gió đưa

Sấm dậy tứ bề trăm máy chuyển

Phút thâu muôn dặm một giờ trưa

Trời sai ra dọn xong từ đấy,

Một mối xa thư đã biết chưa?

Ủy ban khởi nghĩa gồm Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thanh Tài, Đỗ Trị, Nguyễn Sụy, Lê Ngung. Theo trù tính, nếu không may khởi nghĩa thất bại thì đạo quân Quảng Nam rút về phía tây chiếm vùng rừng núi Bà Nà, đạo quân Quảng Ngãi kéo lên thượng nguồn Vu Gia lập căn cứ kháng chiến lâu dài.

Khi công việc đang tiến triển thuận lợi thì Võ Cư - cai khố xanh ở đồn Quảng Ngãi, làm nội ứng trong cuộc khởi nghĩa - bị chuyển đi nơi khác. Trước khi đi, Võ Cư đã thổ lộ bí mật công việc khởi nghĩa với người em là Võ Trung - lính giản ở dinh quan án sát, và dặn đến ngày khởi nghĩa thì xin nghỉ về nhà cho yên thân. Ngày 2-5, Võ Trung đột ngột xin nghỉ việc, quan án sát Phạm Liệu vốn đã nghe phong thanh về hoạt động của cách mạng nhưng chưa tìm ra manh mối, nay thấy thái độ Võ Trung bèn sinh nghi vặn hỏi. Cuối cùng Trung khai ra, án sát Liệu liền báo cho quan tuần phủ và quan công sứ De Testes. Võ Cư liền bị bắt, không chịu nổi nhục hình nên đã khai hết mọi việc.

11giờ đêm khởi nghĩa, vua Duy Tân cải trang thường dân đi xe kéo ra bến Thương Bạc xuống thuyền do Thái Phiên và Trần Cao Vân bố trí sẵn để đón. Lúc này, Tòa khâm sứ Pháp ra lệnh thiết quân luật, cấm trại toàn bộ, thu hết súng của lính tập. Một mặt chúng bắt giam các nhân vật trọng yếu của nghĩa quân, mặt khác tầm nã Trần Cao Vân, Thái Phiên để đưa vua về. Vua Duy Tân và Thái Phiên bị bắt gần cửa Nam Giao, còn Trần Cao Vân cũng bị bắt tại Hà Trung thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Do không nhận được hiệu lệnh từ kinh đô, các đạo khởi nghĩa ở các tỉnh thành phải nằm yên, chờ đến sáng phải giải tán. Ở Tam Kỳ, dù không nhận được lệnh nhưng dân binh do uất ức đã kéo đến vây tòa đại lý và phủ lỵ, tên đại lý người Pháp và tri phủ Tạ Thúc Xuyên trốn thoát. Quân Pháp bắn chết một dân binh đang leo lên cột cờ hạ lá cờ tam tài để thay vào lá cờ khởi nghĩa.

Không thành công cũng thành nhân

Khâm sứ tại Huế và Toàn quyền thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng, nhưng ông không đồng ý và nói: "Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp".

Chiếu lệnh của vua Duy Tân cấp cho thị vệ Tôn Thất Đề và Lê Đình Thưởng để phục vụ khởi nghĩa - Ảnh: Tư liệu Nguyễn Trương Đàn.

Pháp yêu cầu triều đình Huế phải xử nghiêm vụ này. Mùa hè năm 1916, Vua Duy Tân bị đày sang đảo Réunion, châu Phi với tội danh "Vọng thính sàm ngôn khuynh nguy xã tắc" (nghe lời xằng bậy làm nguy xã tắc) cùng chỗ với vua cha Thành Thái. Quan Thượng thư Hồ Đắc Trung được giao trách nhiệm thảo bản án. Trần Cao Vân và Thái Phiên nhận hết trách nhiệm về mình và xin tha cho vua. Hồ Đắc Trung đổ hết tội cho Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu với mức án tử hình.

Chỉ hơn 10 ngày sau khi bị bắt, ngày 17-5-1916, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu bị xử tại An Hòa (gần Thành nội Huế). Trong lúc bị giam tại nhà lao Huế, trước ngày ra pháp trường đền nợ non sông, Trần Cao Vân có làm bài thơ tuyệt mệnh:

Đứng giữa càn khôn thế chẳng dời

Việt Nam văn vật tự bao đời.

Vua dân chung dạ, tinh sao hội,

Tôi tớ bền lòng, nhật nguyệt soi.

Đất Việt dẫu không còn Bạch Sĩ,

Khí trung kia vẫn ngập bầu trời.

Anh hùng sá kể cơn thành bại

Sử sách nghìn thu chép rạch ròi.

(Nguyễn Văn Bính dịch)

Trần Cao Vân và Thái Phiên là hai chí sĩ gắn bó với nhau đến mức ngũ đồng: đồng ái quốc, đồng ý chí, đồng hương, đồng tử, đồng huyệt. Tương truyền, khi vừa hành quyết hai ông, có hai tia máu vọt lên trời đỏ thắm và lập tức có đám mây từ đâu kéo về che phủ khiến pháp trường im vắng. 

Tờ Trung Bắc tân văn đưa tin "Việc loạn Trung kỳ".

Khi Thái Phiên vừa bị xử trảm xong, thân thể còn máu, một thiếu phụ mặc đồ tang trắng lao ngay vào, ôm chặt lấy. Bị quân lính lôi kéo, người thiếu phụ xõa ngay mái tóc dài của mình thấm đẫm dòng máu Thái Phiên anh hùng. Từ đó bà suốt mấy tháng liền không chịu tắm gội, máu đông từng mảng trong tóc. Bà chính là Nguyễn Thị Băng, vợ của chí sĩ Thái Phiên. Về sau bệnh nặng, bà không chịu uống thuốc chữa trị để thủ tiết theo chồng.

Tờ báo Trung Bắc tân văn số 136 ra ngày 27-5-1916 có đăng một tin ngắn nhan đề "Việc loạn Trung kỳ": "Hồi 4 giờ rưỡi chiều 16 Mai (tức tháng Năm), bốn người mưu việc khởi loạn Trung Kỳ đã phải xử tử tại đường Quảng Trị, cách ga An Hòa 100 thước. Một người tên là Trần Cao Vân  và một người là Thái Phiên, cùng ở Quảng Nam cả. Còn hai người nữa là thị vệ hầu vua".

Cuối năm 1922, hài cốt của Trần Cao Vân và Thái Phiên được bà Trương Thị Dương-người được vua Duy Tân phái vào Quảng Nam bắt liên lạc với Trần Cao Vân lúc trước - thuê người bốc trộm về chôn chung một mộ trong cụm rừng bên ngôi chùa ở Nam Giao (Huế).

Thượng Văn
.
.