Trần Quốc Hương-"Kiến trúc sư" trưởng của một mạng lưới tình báo

Thứ Sáu, 01/08/2008, 08:30
Ngồi chờ ở phòng khách của Khu biệt thự Hồ Tây, tôi mường tượng rằng ông - một huyền thoại tình báo đã đi vào lịch sử sẽ là một người quắc thước, mạnh mẽ và dĩ nhiên, có phần nghiêm nghị. Để rồi, khi đồng chí Phạm Văn Hùng - sĩ quan bảo vệ mời ông vào phòng, tôi đã ngỡ ngàng khi trước mặt là ông cụ nhỏ nhắn, đẹp lão, với nụ cười hiền hậu, phong thái nhẹ nhàng, thấm đẫm văn hóa phương Đông.

Với chiếc áo khuy ngang màu ngà và tấm khăn rằn quàng cẩn thận trên cổ, trông ông hệt một ông già phương Nam giản dị. Trong câu chuyện, mỗi lần kể về mẹ hay những người phụ nữ đã giúp đỡ ông trong cuộc đời hoạt động cách mạng và thay ông chịu bao đau khổ, ông đều không giấu nổi nghẹn ngào. Ông - “kiến trúc sư” của một mạng lưới tình báo với những chiến công đã đi vào lịch sử đây ư? Câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu tôi suốt cuộc chuyện trò.

Con đường trở thành nhà tình báo

Nhắc đến các nhà tình báo nổi tiếng như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo – những người mà tên tuổi đã vượt ra khỏi biên giới vì sự cống hiến của họ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, không thể không nhắc đến ông - người mà mỗi chiến công của các điệp viên huyền thoại ấy đều gắn bó với sự chỉ đạo mang tầm chiến lược của ông. Đó chính là nhà tình báo Trần Quốc Hương, còn gọi là Mười Hương - Ủy viên Trung ương từ khóa IV đến khóa VI, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương và đã được trao tặng  - Huân chương cao quý nhất.

Tên thật của ông là Trần Ngọc Ban, quê ở Vụ Bản, Bình Lục, Hà Nam. Là con trai út một gia đình tư sản, nhưng ông lại tham gia cách mạng từ rất sớm, lúc mới 13 tuổi, nhờ sự giác ngộ của người thầy học Nguyễn Đức Quỳ - sau là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Được thầy Quỳ giới thiệu, ông lên Hà Nội gặp các ông Trường Chinh, Lê Toàn Thư, Hoàng Đình Tuất rồi gặp Bác Hồ và càng ý thức rõ hơn về việc tham gia cách mạng của mình.

Năm 1941, ông bị Pháp bắt cùng với ông Nguyễn Thọ Chân  vì treo cờ Cộng sản và rải truyền đơn, rồi bị tống giam hơn một năm trước khi ra tòa án binh của Pháp. Nhưng do còn nhỏ tuổi, ông đã được trả tự do với lời cảnh báo của một mật thám Pháp: “Đừng thấy nó nhỏ tuổi mà coi thường, Cộng sản đã ăn vào máu của nó rồi”. Năm 1943, ông đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, ông làm thư ký riêng của Tổng Bí thư Trường Chinh và là một trong những người chuẩn bị chu đáo cho buổi ra mắt quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Ông Mười Hương trong chương trình giao lưu "Ký ức thời hoa lửa" tổ chức tại Học viện cảnh sát nhân dịp 30/4/2008.

Ông vẫn còn nhớ rõ vì sao mình bước chân vào nghề tình báo: “Khoảng tháng 7/1954, Xứ ủy Nam Kỳ cử đồng chí Lê Đức Thọ ra gặp Trung ương để bàn về chiến lược cách mạng và xin Trung ương cử tôi vào đó. Tổng Bí thư Trường Chinh xin ý kiến và được Bác Hồ đồng ý. Anh Trường Chinh gặp tôi giao nhiệm vụ và nói: “Khó khăn nhiều lắm đấy, đi không biết bao giờ trở lại. Phải suy nghĩ cho kỹ, nếu thấy đi không được thì cứ báo cáo, Trung ương không ép”. Bác Hồ cũng gặp tôi dặn dò: “Công việc thì các chú khác đã dặn chú kỹ rồi, xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng Trung ương, đi sao nhớ về vậy!”.

Thế là ông nhận nhiệm vụ. Rồi ghé về thăm mẹ, bởi ông hiểu rằng, với việc ra đi của ông, không ai khổ hơn mẹ. Thấy con đột ngột trở về, linh cảm của người mẹ cho bà cụ biết sẽ là khởi đầu một cuộc chia tay dằng dặc, nên cụ lặng lẽ nấu một nồi cháo thịt cho con ăn, rồi giục ông đi ngủ. Ông nghẹn ngào nhớ lại: “Tôi nằm nghỉ trên tấm phản, mẹ ngồi bên cạnh âu yếm rờ nắn khắp mặt mũi, chân tay tôi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn cảm thấy hơi ấm nóng từ những giọt nước mắt của bà rơi trên mặt tôi đêm đó”. Không ai ngờ chuyến đi ban đầu dự định chỉ 6 tháng, đã kéo dài tới 10 năm.

Vào Nam, lạ nước lạ cái, nhưng ông may mắn được các đồng đội thân thiết, nhất là ông Phan Trọng Tuệ - từng là bạn tù và ông Lê Toàn Thư giúp nắm bắt tình hình để cùng ông Mai Chí Thọ và Cao Đăng Chiếm nhanh chóng mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo.

Năm 1958, ông sa vào tay giặc. Biết ông là cán bộ cao cấp, anh em họ Ngô tìm cách “chuyển hướng” tư tưởng để sử dụng. Đích thân Ngô Đình Nhu bố trí gặp ông tại nhà nghỉ mát của Ngô Đình Cẩn ở cửa Thuận An (Huế) để hòng lung lạc. Không khuất phục được, chúng đã đưa ông vào danh sách 200 tù nhân cần thủ tiêu, nhưng chưa kịp thực hiện thì cuộc đảo chính Diệm xảy ra.

Ông nhớ lại những ngày tháng ấy: Chúng liên tiếp hỏi cung cả ngày lẫn đêm, không cho ngủ, nếu ngủ gật là chúng đánh, nhằm làm cho ông căng thẳng tinh thần đến không chịu nổi. Ông bảo, nó muốn thế thì mình phải trụ vững. Cơm tù chỉ có một đĩa nhỏ, chúng còn trộn muối sống vào, thì ông lựa từng hạt cơm để ăn có sức mà tranh đấu. Hơn nữa, “đôi mắt trong veo của cậu con trai đầu lòng nhìn tôi lúc chia tay thường hiện về, góp phần động viên tôi đủ nghị lực không sa ngã trước quân thù. Chỉ vì một lẽ đơn giản đến khó tin là, tôi sợ mình không dám nhìn vào đôi mắt đó khi gặp lại, nếu không giữ được khí tiết cách mạng”.

Người thầy của những nhà tình báo anh hùng

Với vai trò một “kiến trúc sư” của một mạng lưới tình báo, ông Mười Hương là người có tầm nhìn sâu sắc, toàn diện và tinh tế về thế mạnh, khả năng làm tình báo và phẩm chất của từng người. Trước khi vào Nam, qua sự giới thiệu của ông Nghĩa, Bí thư tỉnh Thái Bình, ông Mười Hương đã xây dựng ông Vũ Ngọc Nhạ làm cơ sở. Đây là nước cờ quan trọng cho một kế hoạch dài hơi mà ông tính đến, xứng danh một nhà tình báo chiến lược.

Nhận nhiệm vụ trong Ban Địch tình Xứ ủy, với vỏ bọc là giáo viên dạy tư tại Sài Gòn, ông Mười Hương đã móc nối thành công với điệp viên Vũ Ngọc Nhạ để triển khai tiếp kế hoạch đã vạch. Thực hiện chỉ đạo của ông Mười Hương, ông Vũ Ngọc Nhạ đã chiếm được lòng tin của Giám mục Lê Hữu Từ - Giám mục giáo xứ Phát Diệm, trở thành người đại diện trong quan hệ với chính quyền họ Ngô rồi gây được ảnh hưởng trong gia đình Diệm, tạo nên những chiến công lừng lẫy trước khi bước vào tiểu thuyết “Ông cố vấn” nổi tiếng của nhà văn Hữu Mai.

Với điệp viên xuất sắc Lê Hữu Thúy (Đại tá, Anh hùng LLVTND, nguyên mẫu của nhân vật Lê Nguyên Vũ trong “Điệp viên giữa sa mạc lửa” của Nhị Hồ), ông Mười Hương khai thác triệt để sự thông minh lanh lợi, sự hiểu biết cũng như các mối quan hệ của Lê Hữu Thúy với các nhân vật chóp bu trong chính quyền Diệm, tạo nên vỏ bọc vững chãi cho điệp viên này chui sâu vào hàng ngũ của địch, phục vụ các yêu cầu của cách mạng.

Khi đã chiếm trọn lòng tin của Tổng trưởng Nội vụ Huỳnh Văn Nhiệm, rồi chinh phục cả Bảy Viễn - thủ lĩnh Bình Xuyên lẫn Năm Lửa - tướng của Hòa Hảo, Lê Hữu Thúy đã thành công trong việc khơi sâu mâu thuẫn giữa các tổ chức giáo phái với chính quyền họ Ngô, buộc Diệm phải mất rất nhiều thời gian cùng binh lực để ổn định tình hình, tạo thời cơ cho cách mạng miền Nam có thêm thời gian và điều kiện xây dựng, củng cố lực lượng.

Với từng đường đi nước bước của chiến lược gia Mười Hương, điệp viên Phạm Ngọc Thảo đã tiếp cận Ngô Đình Diệm và bằng tài năng cá nhân, nhanh chóng được Diệm đặc biệt tin cẩn và trọng dụng, rồi leo cao trong chính quyền ngụy. Năm 1965, Phạm Ngọc Thảo đã tiến hành đảo chính định lật đổ Nguyễn Khánh nhưng việc không thành nên bị địch sát hại.

Nhìn thấy khả năng thiên phú của ông Phạm Xuân Ẩn, từ rất sớm, Mười Hương cùng ông Mai Chí Thọ quyết định đưa Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học nghề báo để về nước phục vụ cách mạng. Kế hoạch được thực hiện trọn vẹn khi với vỏ bọc này, nhà tình báo tài ba Phạm Xuân Ẩn đã có cơ hội diện kiến nhiều nhân vật quan trọng của cả Mỹ lẫn ngụy, để khai thác và chuyển về hậu cứ những thông tin có giá trị về các chiến lược đặc biệt của kẻ thù, giúp quân ta có kế hoạch đối phó và đập tan mọi âm mưu của địch và vững bước đến thắng lợi trọn vẹn.

Chiến công rất lớn của người thầy tình báo Mười Hương còn là, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã chỉ huy mạng lưới tình báo góp phần giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn, đỡ tốn xương máu.

Ông kể: “Lúc còn sống, đồng chí Lê Đức Thọ và một cán bộ tình báo đã gặp Dương Văn Minh để hỏi thẳng rằng, điều gì làm cho ông tuyên bố án binh bất động trong ngày 30/4/1975, thì Dương Văn Minh nêu nhiều lý do, trong đó cùng với lực lượng quân đội còn có sự tác động của một số nhóm thuộc lực lượng an ninh của ta”. 

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phòng vào ngày 30/4/1975.

Thế nhưng, nhắc về những chiến công lẫy lừng ấy, “kiến trúc sư” Mười Hương giản dị: “Thành tích mà các anh ấy có được, là do sự lãnh đạo của Trung ương và các lực lượng cách mạng, do tài năng và lòng quả cảm của chính các anh đó, còn tôi chỉ là người được giao chắp nối các đầu mối. Hoạt động tình báo như diễn kịch và các nhà tình báo trên đã thực hiện xuất sắc vai diễn của mình”.

Phía sau hào quang

Không thể nói hết sự lớn lao trong những chiến công mà ông Mười Hương và đồng đội đã lập lên cho nền độc lập của dân tộc. Nhưng mấy ai biết rằng, phía sau vầng hào quang chói lòa ấy, là bao mất mát, hy sinh, thầm lặng nhưng dai dẳng, để đến hôm nay, nhắc lại thôi cũng đủ làm ông đau lòng.

Ngày ông vào Nam hoạt động, cả 2 đứa con còn nhỏ xíu. Vì yêu cầu bí mật, cuộc chia tay không hẹn ngày về của ông chỉ có vòng tay bịn rịn và cặp mắt trong veo, nhòe ướt của cậu con trai nhỏ. 10 năm không tin tức, vì nguyên tắc hoạt động và mất tới 6 năm ông ở trong tù. Trở ra Bắc, đứa con gái nhỏ lẫm chẫm bò lúc ông đi, chạy vuột khỏi tay cha: “Bà ngoại ơi, có ông nào đến nhận là bố con!”. Nhưng đau đớn nhất là ông phải đối diện với sự tan vỡ của cuộc sống tình cảm vợ chồng.

Lại thêm gần 10 năm nữa vào Nam hoạt động. Dằng dặc gần 2 thập niên ấy, các con ông tiếng là có cha nhưng rất ít khi được gặp chứ nói gì được ông chăm sóc. Nhưng cùng với các con, ông cũng chịu nhiều mất mát. Ngày đất nước thống nhất, mọi người hân hoan đoàn tụ, còn ông, nỗi cô đơn thấm tận đáy lòng. Ông không dám trách ai, bởi biết rằng, vì nhiệm vụ cao cả, ông đã không thể làm tròn vai trò của người chồng, người cha trong gia đình.

Cả cuộc đời ông cứ lặng lẽ hy sinh cho đất nước. Mãi gần 10 năm sau ngày giải phóng, đã ở tuổi 60, ông mới lại có được hạnh phúc muộn mằn

Thanh Hằng
.
.