Trận bóng đá lịch sử trên Trường Sơn

Thứ Năm, 24/12/2009, 16:25
Có lẽ đây là một trận đấu bóng đá đặc biệt nhất mà chúng tôi được chứng kiến. Nó đặc biệt không phải vì nó là trận đấu bóng đá đầu tiên được tổ chức công khai trên đất của Khu V sau Hiệp định Pari. Cũng không phải là trận đấu bóng được bảo vệ dưới các nòng pháo cao xạ. Nó đặc biệt bởi đội hình cầu thủ ra sân của hai đội bóng...

Năm 1973, Cơ quan Sư đoàn bộ 471 Bộ đội Trường Sơn của chúng tôi đóng căn cứ tại núi Phù Trường thuộc cao nguyên Boloven, nước bạn Lào. Cũng tại địa điểm này, Sư đoàn chúng tôi là một điểm dừng chân của vợ chồng Quốc vương Sihanuc trên đường vượt Trường Sơn về thăm vùng giải phóng Campuchia tháng 4/1973.

Và sau đó cũng tại đây, Sư đoàn còn được đón đoàn công tác của nhà thơ Tố Hữu trong cuộc hành trình "Nước non ngàn dặm" sau Hiệp định Pari. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Sư đoàn chúng tôi vinh dự được dẫn đường và "tháp tùng" nhà thơ trở về thăm lại làng Rô - một cơ sở cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số phía Tây Quảng Đà năm xưa đã nuôi giấu đồng chí sau khi vượt ngục...

Sau Hiệp định Pari, cuối tháng 5/1973, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn được lệnh lật cánh sang phía đông Trường Sơn để khai thông con đường 14.

Từ nơi trú quân tạm thời tại một khu rừng cạnh sân bay Khâm Đức, Cơ quan Sư đoàn bộ chúng tôi nhanh chóng xây dựng căn cứ cách ngã ba sông Tranh và sông Thạnh Mỹ chừng 3 km và cách làng Rô khoảng 5 km. Để vào được địa điểm đặt căn cứ này, CBCS của Sư đoàn đã phải mở lại con đường 13 thực dân Pháp đã mở năm xưa. Con đường này sau nhiều năm không sử dụng, cây cối, lau lách che kín toàn bộ mặt đường. Con đường chỉ còn là một lối mòn mà đồng bào các dân tộc và lực lượng kháng chiến của ta ở đây sử dụng.

Chỉ chưa đầy 30 ngày, chúng tôi đã "đánh thức" con đường nằm ngủ suốt 20 năm và mở nó rộng hơn để ôtô có thể tránh nhau. Đồng bào các dân tộc huyện Nam Giang vô cùng ngạc nhiên khi thấy một con đường dài rộng được bộ đội Giải phóng mở ra chạy thẳng tới khu căn cứ của huyện Nam Giang, giáp với nước bạn Lào anh em. Cả một vùng rừng núi hoang vu được đánh thức bởi ôtô, xe máy và bộ đội hoạt động sôi động suốt ngày đêm.

Gần căn cứ của Sư đoàn bộ, ngay bên bờ sông Thanh trong xanh, có một bãi bồi khá rộng và bằng phẳng nhưng chi chít hố bom. Bộ Tư lệnh Sư đoàn nhanh chóng quyết định cho bạt núi, đốn cây, san lấp hố bom, mở rộng thành một sân vận động lớn.

Mặc dù lúc này Sư đoàn chúng tôi ngoài nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược phục vụ các hướng chiến trường, thì lực lượng công binh của Sư đoàn đang dồn sức tiếp tục mở rộng đường 14 cũ làm trục chính cho vận tải chiến lược Đông Trường Sơn. Một nhiệm vụ khó khăn và vô cùng nặng nề được đích thân Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên giao cho Sư đoàn nhiệm vụ mở một con đường vòng qua cứ điểm Đắc Pét nằm án ngữ trên con đường 14 dài 15 km chỉ trong 3 tháng mùa mưa. Đây là một mệnh lệnh chiến đấu vô cùng khắc nghiệt đối với lực lượng công binh của Sư đoàn.

Đắc Pét là căn cứ đóng quân của một tiểu đoàn ngụy quân khét tiếng ác ôn. Lực lượng giải phóng Khu V đã mấy lần đánh chiếm   nhưng không tiêu diệt dứt điểm được căn cứ này. Địch càng tăng cường hỏa lực và xây dựng cứ điểm này thành một "com nhím thép". Chúng rêu rao thách thức bộ đội giải phóng. Nó là một cái gai lớn nằm lọt giữa vùng giải phóng của ta. Cứ điểm này có hệ thống hầm hào đầy chông mìn, hệ thống lô cốt chìm, nổi vô cùng kiên cố và bí mật. Nó trở thành một hệ thống phòng thủ vô cùng lợi hại của địch. Đắc Pét chỉ được tiếp tế bằng máy bay trực thăng.

Ở nhiều cao điểm xung quanh căn cứ chính, địch bố trí nhiều điểm chốt với hỏa lực mạnh. Con đường tránh Đắc Pét mà Sư đoàn chúng tôi mở chạy dưới chân đồi 2 điểm chốt của địch. Chốt Beng Riêng sát vị trí thi công của ta gần tới nỗi có thể nhìn thấy địch bằng mắt thường. Đối diện với những điểm chốt này, bộ binh của Sư đoàn đã bố trí hỏa lực mạnh sẵn sàng khống chế hỏa lực của địch. Vì thế tuy bộ đội công binh mở đường ngang chân đồi nhưng bọn ngụy không dám có một hành động gây hấn nào...

Đang phải dồn sức cho nhiệm vụ quan trọng và gấp rút như vậy nhưng Phó tư lệnh phụ trách công binh của Sư đoàn vẫn điều động một chiếc máy ủi T100 về để san lấp làm sân vận động. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của 6 phòng thuộc Cơ quan Sư đoàn bộ đã được huy động để gấp rút xây dựng sân. Đồng chí Chính ủy Võ Sở (sau này là Thiếu tướng, Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) xuống động viên chúng tôi. Ông nói:

- Hôm nay chúng ta đã và đang ở một tư thế của một thời kỳ mới. Chúng ta phải xây dựng khu giải phóng cho thật đàng hoàng. Sân vận động này là một điểm nhấn đầu tiên đánh thức căn cứ kháng chiến xưa. Nó sẽ mở ra cho bộ đội chúng ta có điều kiện nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần. Và cũng là để cho bọn ngụy quân, ngụy quyền biết sức mạnh của bộ đội giải phóng chúng ta. Vì vậy các đồng chí phải dồn sức để khánh thành sân vận động trước ngày Quốc khánh.

4 hố bom lớn được san lấp. Hàng trăm cây lớn nhỏ được bứng gốc. Cả một vạt đồi được khoét đi để mở rộng làm sân. Một sân khấu lớn cũng được tạo ra tựa lưng vào vách đồi. Sân khấu nhìn ra "quảng trường" rộng lớn đồng thời là sân bóng đá. Con đường 13 chạy ngang qua sân bóng. Sau hơn 10 ngày lao động cật lực, chúng tôi đã tạo ra được một sân vận động lớn. Hàng ngày, đồng bào dân tộc đi qua đều trầm trồ khen ngợi bộ đội giải phóng. Nhiều đồng chí cán bộ của ta từ vùng địch lên căn cứ, đi ngang qua sân vận động mà mát lòng hả dạ. Nhiều đồng chí thú nhận không thể tưởng tượng được trên vùng căn cứ lại có một sân vận động to, rộng như thế này.

Máy bay của quân ngụy nhiều lần lượn lờ quan sát khu vực sân vận động. Nhưng chúng không dám có hành động gì, bởi vì chúng biết, tại nhiều cao điểm chung quanh căn cứ của Sư đoàn và khu vực ngã ba Bến Giằng, có rất nhiều đơn vị cao xạ thiện chiến của sư đoàn chúng tôi sẵn sàng nhả đạn bắn hạ chúng.

Trước ngày Quốc khánh, Phòng Tham mưu tác chiến của Sư đoàn nhận được một bức mật điện gửi thẳng từ Bộ Tổng Tham mưu vào thông báo: Có một đài phát tin của địch nằm trên điểm cao 505, gần căn cứ của Sư đoàn.

Lập tức các đơn vị tác chiến của Sư đoàn được phái đi tìm diệt. Một đơn vị tác chiến của Sư đoàn đã tìm thấy dấu tro bếp còn ấm ở trên điểm cao 505. Bọn thám báo đã rút chạy về phía Đà Nẵng.

Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn vẫn quyết định khánh thành sân vận động bằng một cuộc mít tinh lớn. Để bảo vệ an toàn cho lễ mít tinh, Sư đoàn đã cho tăng cường các lực lượng phòng không và mặt đất để bảo vệ.--PageBreak--

Trước lễ mừng Quốc khánh, Sư đoàn đã nhận được tin vui: Công binh của Sư đoàn đã thông xe con đường tránh căn cứ Đắc Pét hoàn thành trước thời gian quy định. Công binh của Sư đoàn lại tiếp tục bắt tay vào việc mở con đường kéo pháo 130 ly lên điểm cao tạo điều kiện đặt pháo bắn thẳng xuống cứ điểm Đắc Pét. Đắc Pét đang nhích dần đến ngày tận số khi con đường kéo pháo của công binh Sư đoàn chúng tôi ngày một bí mật "chạy nhanh” lên đỉnh núi...

Buổi sáng 2/9/1973, dưới hỏa lực bảo vệ của bộ binh và pháo cao xạ Sư đoàn, Lễ míttinh kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 28 đã diễn ra vô cùng trọng thể. Lần đầu tiên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Đà và huyện Nam Giang cùng đông đảo bà con đồng bào các dân tộc đã tham dự một lễ míttinh lớn dưới bầu trời tự do của khu giải phóng.

Một hoạt động được trông đợi nhất là trận đấu bóng đá khai mạc sân được tổ chức ngay sau lễ míttinh.

Có lẽ đây là một trận đấu bóng đá đặc biệt nhất mà chúng tôi được chứng kiến. Nó đặc biệt không phải vì nó là trận đấu bóng đá đầu tiên được tổ chức công khai trên đất của Khu V sau Hiệp định Pari. Cũng không phải là trận đấu bóng được bảo vệ dưới các nòng pháo cao xạ. Nó đặc biệt bởi đội hình cầu thủ ra sân của hai đội bóng.

Khi loa phóng thanh lần lượt giới thiệu danh sách cầu thủ của hai đội bóng thì tiếng vỗ tay vang dậy không ngớt. Đội liên quân giữa Phòng Tham mưu Tác chiến, Phòng Tham mưu Vận tải, Phòng Kỹ thuật tranh tài với Liên quân Phòng Tham mưu Công binh, Phòng Hậu cần và Phòng Chính trị. Bộ Tư lệnh có 6 đồng chí thì cả 6 đồng chí đều "khoác áo" cầu thủ ra sân. Các thủ trưởng quân sự thì thi đấu cho liên quân Tham mưu Tác chiến, Tham mưu vận tải và Kỹ thuật. Chính ủy và các Phó Chính ủy thi đấu cho liên quân Công binh, Hậu cần, Chính trị.

Tư lệnh Hồ Quang Trung ra sân lúc ấy đã ở tuổi 55. Ông đã chiến đấu trên Trường Sơn 20 năm, từng 3 lần bị thương. Năm 1939, khi ông hơn 20 tuổi đã là tiền đạo của đội bóng Thanh niên Thành Đà Nẵng đoạt giải Vô địch Thanh niên Trung Kỳ. Chính ủy Võ Sở người thấp bé nhưng vô cùng nhanh nhẹn. Những năm cuối 50 đầu 60, ông là cầu thủ bóng đá của đội Tổng cục Chính trị. Phó tư lệnh Nguyễn Lạn (sau này là Tư lệnh Binh đoàn 11) cũng là một chân sút đầy kỹ thuật của Cục Tổ chức đầu những năm 60. Phó tư lệnh Phạm Hoàng to cao, ông chơi bóng vẫn rất phong độ của Quân chủng Phòng không.

Mặc dù đã 45 - 46 tuổi, lăn lộn gian khổ nhiều năm trên Trường Sơn nhưng các ông vẫn hăng hái tham gia trận đấu. Họ đều ý thức được rằng, việc họ có mặt trong trận đấu lịch sử này có tác động động viên tinh thần luyện tập thể thao rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn. Trong điều kiện mới của đất nước, việc rèn luyện để có sức khỏe tiếp tục sự nghiệp giải phóng đất nước đối với CBCS Sư đoàn vô cùng quan trọng...

Khoác áo cầu thủ trong trận đấu này còn có 4 trung tá lãnh đạo các phòng và 3 thiếu tá, đại úy phụ trách các ban. Còn lại là những trợ lý và nhân viên. 9 trong số 22 cầu thủ trên sân đều đã ở cái tuổi trên 45. Cầu thủ trẻ nhất trên sân là cậu Hồng Quang, nhân viên bản đồ Phòng Tham mưu Tác chiến Công binh, 24 tuổi, một chàng trai của thị xã Phủ Lý.

Hôm trước Quốc khánh, trời đổ mưa nên trên sân khá nhiều bùn nước. Tất nhiên là không một cầu thủ nào có quần áo thi đấu. Để dễ nhận biết cầu thủ trên sân nên một đội mặc áo lót, còn đội kia thì cởi trần. Các cầu thủ trên sân đã phải dồn áo cho nhau mới đủ áo lót cho đội Liên quân Tham mưu. Còn Liên quân Công binh - Hậu cần - Chính trị thì cởi trần.

Không có bóng đá, một quả bóng chuyền được chọn làm bóng thi đấu. Cũng may, hôm đó bóng ướt nhưng là bóng chuyền nên quả bóng không nặng lắm đối với các cầu thủ chân đất và lớn tuổi của bộ đội giải phóng. Nhìn các cầu thủ vào cuộc ai cũng xúc động. 6 vị trong Bộ Tư lệnh đều có kỹ thuật rê dắt bóng khá tốt nên vào cuộc họ dễ dàng vượt qua nhiều cầu thủ trẻ.

Phút thứ 10, Phó Tư lệnh Nguyễn Lạn bằng một động tác ngả bàn đèn điệu nghệ, ông đã ghi bàn rất đẹp cho đội Liên quân Tham mưu Tác chiến, Vận tải và Kỹ thuật. Như bị kích thích bởi bàn thua sớm, đội Liên quân Công binh, Hậu cần, Chính trị ào lên tấn công. Các cầu thủ trẻ hơn nên có độ rướn tốt, họ đã dễ dàng vượt qua các hậu vệ lớn tuổi của Liên quân Tham mưu để đưa bóng vào vòng cấm và ghi bàn thắng. Tỉ số một đều. Tất cả các cầu thủ trên sân đều bê bết bùn đất. Nhìn họ lấm lem ai cũng xúc động và vui. 

Trận đấu kết thúc với tỉ số thật đẹp: Hai đều.

Hôm ấy đồng bào và cán bộ các cơ quan của địa phương đã được xem một ngày hội thể thao thật đã mắt. Kết thúc trận bóng đá là các màn thi đấu nhảy cao, nhảy xa và chạy 100 mét nam, nữ. Ở một góc sân vận động, các trận thi đấu bóng chuyền diễn ra sôi động không kém trận đấu bóng đá.

Một ngày hội thể thao đầy sôi động và háo hức của Sư đoàn đã khép lại. Buổi tối, Văn công Sư đoàn đã phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào địa phương một chương trình ca múa nhạc tổng hợp khá đặc sắc.

Từ sau trận đấu khai sân vận động ấy, phong trào luyện tập thể thao của các đơn vị trong toàn Sư đoàn được đẩy mạnh. Hầu như đại đội nào cũng có sân bóng chuyền. Ở Trung đoàn công binh 10, đơn vị công binh mở đường, giờ nghỉ giải lao, các chiến sĩ đã chơi bóng đá gôn tôm và bóng chuyền ngay trên mặt đường vừa mở.

Nhờ tích cực chơi bóng đá và các môn thể thao mà sức khỏe CBCS của Sư đoàn được cải thiện rõ rệt. Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc các chiến dịch năm 1974 và Chiến dịch Đại thắng mùa xuân, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Kết thúc chiến tranh, Sư đoàn 471 của chúng tôi chưa tròn 6 tuổi đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong chiến công đặc biệt xuất sắc của Sư đoàn trong sự nghiệp giải phóng đất nước ấy thì trận bóng đá ngày 2/9/1973 trên Trường Sơn Đông ngày ấy là một dấu ấn không bao giờ quên trong lịch sử chiến đấu của Sư đoàn 471 Anh hùng Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh

Phạm Thành Long (nguyên TBT Báo Thiếu niên tiền phong)
.
.