Trung Quốc: Chuyện tuẫn tình của vợ Nguyên soái Trần Nghị

Thứ Bảy, 24/11/2007, 14:50
"Tuẫn tình" thường chỉ người phụ nữ tình nguyện chết theo chồng để giữ trọn tấm lòng trung trinh của nghĩa tao khang. Vợ của Trần Nghị - bà Tiêu Cúc Anh là người như vậy.

Trần Nghị (1901-1972), nhà cách mạng xuất sắc của Trung Quốc, từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị TW Đảng, Phó chủ tịch Quân ủy TW, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Nguyên soái Quân giải phóng, Bộ trưởng Ngoại giao... nhưng đã bị bọn Giang Thanh hãm hại, chết trong Cách mạng văn hóa.

Mối tình giữa Trần Nghị và Tiêu Cúc Anh

Nhớ tới Trần Nghị, nhiều người sống và chiến đấu cùng ông, lại nhớ về mối tình giữa ông và bà Tiêu Cúc Anh... trong những năm đầu thập niên 30, thế kỷ 20. Vì tưởng lầm chồng gặp “rắc rối” trong công tác, “đi họp không về”, bà đã tuẫn tình.

Trần Nghị đi họp về thì đã muộn... Câu chuyện như sau:

Tiêu Cúc Anh người Tín Phong, tỉnh Giang Tây. Mùa hạ năm 1930, Trần Nghị đang giữ chức Quân đoàn trưởng Quân đoàn 22 Hồng quân Công nông, kiêm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hồng quân huyện thành Tín Phong.

Tiêu Cúc Anh sau khi tốt nghiệp tiểu học liền được nhận vào học tại trường này, ra trường được phân công về Quân đoàn 22 làm thư ký tại Quân đoàn bộ. Tiền Ích Dân là cán bộ chiêu sinh của Trường Cán bộ Hồng quân, nên biết khá tường tận về Tiêu Cúc Anh.

Một hôm, khi trăng vừa nhô lên khỏi rặng cây, Trần Nghị cùng Tiền Ích Dân và Tiêu Cúc Anh tản bộ trên hè phố. 3 người vừa bước tới trước một quán cơm, bỗng Tiền Ích Dân một tay túm Trần Nghị, tay kia túm Tiêu Cúc Anh, kéo vào trong quán. Tuy Quân đoàn trưởng Trần Nghị mặc thường phục, nhưng ông chủ quán nhận ra ngay, vội chạy tới đon đả chào hỏi và sốt sắng gọi tiểu nhị mang rượu ngon thịt thơm ra chiêu đãi.

Trần Nghị ngồi đối diện với Tiêu Cúc Anh. Ông nhìn Tiêu Cúc Anh một cách chăm chú, bằng sự nhạy cảm của một thiếu nữ mới lớn có giáo dục, Tiêu Cúc Anh nhận ra ngay “tín hiệu” trong ánh mắt Trần Nghị, bẽn lẽn ngoảnh nhìn đi nơi khác. Tiền Ích Dân biết ý, trong lòng vui phơi phới, liền mượn cớ lỉnh ra ngoài.

Thì ra, đó là mưu sâu “bài binh bố trận” của Chính ủy Quân đoàn Khưu Ích Tam, Trần Nghị và Tiêu Cúc Anh gặp nhau để nói chuyện riêng tư.

Thời khắc ấy, vị Quân đoàn trưởng 29 tuổi Trần Nghị dũng cảm tự tin trong chiến trận, nhưng như “thợ vụng mất kim” trước một cô gái. Ông gắng sức kìm nén cảm xúc của mình, chẳng nói nửa lời, chỉ liên tục gắp thức ăn bỏ vào bát Tiêu Cúc Anh và giục cô ăn.

Trung tuần tháng 10 năm ấy, Quân đoàn 22 tới huyện thành Thái Hòa và tại đây, Trần Nghị và Tiêu Cúc Anh tổ chức một lễ cưới đơn giản nhưng hết sức tưng bừng.

Tiêu Cúc Anh, cô gái rẻo cao, tuổi đôi mươi, dáng “người ngọc” yểu điệu đoan trang cầm kỳ thi họa chẳng thua kém ai. Nhưng qua thời gian chiến loạn, tác phẩm của bà để lại dường như chẳng còn vết tích. Tuy nhiên, qua bài thơ “Khóc vợ” của Trần Nghị, người ta biết bà có “mấy bài thơ” và chắc rằng không chỉ có vậy.

Nhảy giếng tuẫn tình

Năm 1931, bởi đường lối sai lầm quá “tả” của TW, phong trào “thanh trừng” nội bộ diễn ra liên lụy tới cả Trần Nghị. Trần Nghị rất kiên cường và giữ vững lập trường chính trị, nhưng Tiêu Cúc Anh suy cho cùng còn trẻ nên không thể hiểu hết được “sự đời”. Khi đó, Đặc ủy Tây-Nam Giang Tây đóng ở huyện thành Hưng Quốc, trong ngôi từ đường lớn nhà họ Lưu.

Một hôm, Trần Nghị đột ngột nhận được thông báo, gọi ông tới Cát An để họp. Thời ấy, cán bộ đột ngột được “mời” đi họp và “một đi không trở lại” là chuyện không hiếm, nên Trần Nghị dự đoán lần đi này lành ít, dữ nhiều. Tiêu Cúc Anh ngày đêm lo lắng, cảm thấy như giờ vĩnh biệt chồng sắp điểm, liền lặng lẽ đem chiếc bút máy Parker mà Trần Nghị tặng cho trước kia, nhờ người đem về trao cho anh trai mình ở quê.

Sáng sớm, trời nặng trĩu mây đen rồi lất phất mưa bay. Trần Nghị khoác chiếc áo bông cũ sờn vai, chậm rãi đi đi lại lại dưới sân rộng trước từ đường. Mé sân có một chiếc giếng khơi lớn khá sâu, ông bước tới cạnh giếng, một chân đặt lên thành miệng giếng, đứng lặng nhìn đăm đăm về phương Bắc xa xôi.

Tinh ý, từ mấy hôm trước, Tiêu Cúc Anh đã phát hiện Trần Nghị có điều gì lo nghĩ bồn chồn, tựa như sắp xảy ra một việc hệ trọng. Bởi vậy, hôm ấy, Tiêu Cúc Anh dậy rất sớm. Bà bước xuống sân, tới cạnh Trần Nghị, nói nhỏ: “Ẩm hết cả áo bông rồi, vào nhà đi anh!”.

Trần Nghị quay sang nhìn vợ, khẽ thở dài, nói: “Cúc Anh à, lần này anh đi Cát An, nếu xảy ra bất trắc, em còn trẻ, xin em hãy tự tin lựa chọn đường đi của mình, nhưng tuyệt đối không được xa rời hàng ngũ cách mạng nhé!”. Tiêu Cúc Anh đau đớn gục đầu vào ngực Trần Nghị, nghẹn ngào: “Em sẽ đợi anh bình an trở về!”.

Khi chia tay, Trần Nghị lại dặn Tiêu Cúc Anh: “Sau 3 ngày anh chưa về, sẽ có thư tay, nếu không có thư thì đó là điềm gở, khó tránh xảy ra chuyện không hay!”. Buông tay vợ, ông nhảy lên lưng ngựa, cùng 2 lính cảnh vệ, ra roi phóng về phương bắc.

3 ngày 3 đêm dằng dặc nặng nề trôi qua, Tiêu Cúc Anh mất ăn mất ngủ, thấp thỏm chờ Trần Nghị.

Buổi chiều tà vàng vọt, bà đứng tựa bên cửa sổ, nhìn hút con đường, bỗng nghe thấy văng vẳng tiếng vó ngựa nơi xa và dường như mỗi lúc tiến lại gần, bà vội lao ra cổng lớn, nhưng đó chỉ là tưởng tượng huyễn hoặc của mình. Bà thất vọng vô hạn, nặng nề lê bước quay vào... và trong khoảnh khắc ấy, bất giác Tiêu Cúc Anh nghĩ tới chuyện Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài...

Thực ra, Trần Nghị được quay về đúng hạn, nhưng thật không may là dọc đường bị bọn Bạch phỉ phục kích, ngựa bị bắn chết, đành cùng lính cảnh vệ chạy bộ về huyện thành Hưng Quốc. Khi ông quay về tới ngôi Từ đường, thì ôi thôi, Tiêu Cúc Anh đã nhảy xuống giếng khơi trước sân tuẫn tình.

Sau khi cùng đồng đội lo xong đám tang cho Tiêu Cúc Anh đêm khuya ngồi một mình trong phòng vắng dưới ánh đèn dầu chập chờn, lòng trăm mối tơ vò, Trần Nghị cầm bút viết bài thơ "Khóc vợ", trong đó có đoạn “Suối vàng âm u, em đang nơi nào/ Lục tìm thấy mấy bài thơ để lại/ Ai bảo người nay đang ở đâu mà vẫn như thấy người ngọc đứng tựa cửa ngóng trông”

Bùi Hữu Cường (theo tạp chí “Nhà văn Quan Đông”)
.
.