Từ chính khách chống tham nhũng tới tội đồ rửa tiền và bạo động

Chủ Nhật, 13/01/2013, 14:45

Có người nói Aleksey Navalny là một nhân tố lạ trên chính trường xứ bạch dương. Với tuổi đời còn trẻ, Navalny hoạt động chính trị rất năng nổ, luôn thể hiện là người đấu tranh kiên cường chống nạn tham nhũng, song cũng gây ra không ít tranh cãi trong dư luận về quan điểm chính trị cá nhân. Biết cách lấy lòng người dân bằng khẩu hiệu nêu cao tinh thần xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch, bằng cách triển khai nhiều dự án chống tham nhũng và hệ thống trang web cá nhân, Navalny đã tạo nên một hiệu ứng tích cực giúp minh bạch hóa bộ máy chính quyền.

Nhiều vụ bê bối từng được chính luật sư kiêm nhà báo này phanh phui với những câu chuyện chân thực nhất, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những quan chức sa đọa hay công ty ma với đủ loại chiêu trò bòn rút ngân sách nhà nước.

BÀI I: NGƯỜI SÁNG LẬP "WIKILEAKS XỨ BẠCH DƯƠNG"

Chính trị gia gây nhiều tranh cãi

Aleksey Navalny sinh năm 1976, tốt nghiệp khoa Luật trường đại học Hữu nghị các dân tộc và khoa tài chính tín dụng ở Viện Hàn lâm Tài chính năm 2001. Navalny tham gia chính trường khi mới 24 tuổi, trở thành đảng viên đảng dân chủ "Yabloko" (Quả táo). Với năng lực lãnh đạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhân vật này dễ dàng lấy lòng ban lãnh đạo đảng để rồi thâu tóm các vị trí cao nhất của đảng.

Năm 2004, Navalny thành lập và là một trong những người lãnh đạo của "Ủy ban bảo vệ dân Moskva" nhằm chống tham nhũng và những vi phạm quyền công dân khi xây dựng thành phố. Năm 2005, Navalny cùng với vài người bạn khởi động phong trào thanh niên "DA" (tán thành), điều phối dự án "Cảnh sát với nhân dân" để chống sự lạm quyền của cảnh sát, sau đó triển khai dự án "Tranh luận chính trị" trên truyền hình được báo chí thông tin rộng rãi vào năm 2006.

Navalny đánh dấu sự khởi sắc cá nhân khi sáng lập Phong trào giải phóng dân tộc Nga (NAROD) và là 1 trong số 11 người ký tên dưới "Tuyên ngôn" của phong trào này. Năm 2008, Navalny hợp tác với "Phong trào chống nhập cư bất hợp pháp", yêu cầu mọi biện pháp ôn hòa, không cực đoan trong giải quyết triệt để các vấn đề chính trị ở Nga. Một số chính khách kịch liệt phản đối mọi hợp tác với Navalny vì cho rằng Navalny là người rất nguy hiểm, trong khi bản thân Navalny luôn nói rằng anh ta theo đuổi chủ nghĩa dân tộc - dân chủ bình thường như bao người khác. Mâu thuẫn gay gắt khiến Navalny mất uy tín và bị khai trừ ra khỏi đảng với lý do "làm trái lệnh cấp trên" năm 2007 dù từng được ưu ái đề cử chức chủ tịch đảng Yabloko.

Chính trị gia này từng được miêu tả như một chú ngựa non háu đá khi luôn buông những lời khó nghe dành cho bộ máy cầm quyền quốc gia. Anh ta từng khiến dư luận phẫn nộ khi tuyên bố: "Đảng Nước Nga thống nhất là vùng đất của những kẻ bịp bợm và trộm cắp". Đa số người dân cho rằng, Navalny đang xúc phạm đến những đảng viên trong sạch và có công lao to lớn trong công cuộc xây dựng nước Nga của đảng này.

Navalny bị kiện ra tòa, tuy nhiên anh ta hoàn toàn không có chút hoảng sợ nào bởi lẽ anh ta viện vào cái cớ rất "khó chịu". Navalny từng mở một cuộc điều tra dư luận trên blog cá nhân, với đề nghị trả lời câu hỏi "Đảng cầm quyền hiện tại có phải là đảng của riêng những kẻ bịp bợm và trộm cắp không?". Cuộc khảo sát thu hút gần 40.000 lượt xem và bình luận, và tới 96,6% tỏ ra đồng ý với câu hỏi vu vơ này. Một số học giả nhận định trong vai trò thành viên đảng đối lập, Navalny đã thành công khi lôi kéo những người không ưa ông Putin và chính phủ đương nhiệm về phe mình, để rồi tạo dựng nên "cuộc khảo sát của những người cùng phe" nhằm cứu anh ta thoát khỏi phiên tòa đầy phiền phức.

Biểu tượng trang blog RosPil.info.

Một cuộc tranh luận nảy lửa giữa Navalny và nghị sĩ Evgeni Fiodorov, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế đảng Nước Nga thống nhất, đã diễn ra ít ngày sau thông báo đầy kiêu ngạo của Navalny. Anh chàng càng tỏ ra đắc chí khi nhận được sự khích lệ và phản hồi rất tốt từ những độc giả vô danh trên mạng sau khi họ đọc những lời lẽ rất hoa mỹ, đầy tính thuyết phục do Navalny viết ra. Hội những người ủng hộ đảng đối lập bày tỏ quan điểm muốn Navalny đưa đảng ra tranh cử để lãnh đạo đất nước. Có một thực tế là trước đây, Navalny vài lần tự tuyên bố sẽ ra ứng cử tổng thống, luôn tích cực góp mặt tại các cuộc biểu tình đường phố kêu gọi người dân phản đối gian lận bầu cử.

Nhận định về con người này trở thành đề tài nóng trong dư luận. Người ta bài trừ Navalny vì cho rằng những phát biểu của anh ta thường "mị dân", khiến dư luận mê muội trong một ma trận thông tin sai lệch. Một số người coi Navalny chẳng khác nào một tên phản động chính quyền thái quá, và điều này được khẳng định khi Navalny liên tục bị cảnh sát bắt giam. Tuy nhiên, đảng đối lập lại bảo vệ "con tốt" Navalny rất nghiêm ngặt, bảo lãnh cho anh ta thoát khỏi nhà tù và tiếp tục để Navalny phát ngôn "chọc tức" đảng cầm quyền.

Ngày 22/10/2012, Navalny trở thành ủy viên thường trực hội đồng điều phối hoạt động của đảng đối lập sau khi nhận được số phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử trực tuyến. Đảng đối lập đề cao "nhân tố mới Navalny" trong nhiều phong trào phản đối các chính sách của ông Putin, nêu cao tinh thần thay đổi nền chính trị Nga dựa trên tiêu chí ôn hòa - dân chủ làm ưu tiên hàng đầu.

Những hoạt động tích cực chống nạn tham nhũng

Dù Navalny và Putin ở hai mặt trận chính trị đối lập nhau nhưng Tổng thống Nga vẫn phải cảm ơn "kẻ đối lập" vì những đóng góp của Navalny trong công cuộc chống tham nhũng. Thông qua trang web cá nhân Navalny.ru,  Aleksey Navalny đã thu hút được một số lượng lớn độc giả liên tục theo dõi các bài viết khi tập trung vạch trần những vụ lại quả, hối lộ và gian lận của các công ty năng lượng lớn thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Navalny cũng là tác giả của một trong những blog rất nổi tiếng trên mạng xã hội Live Journal và tiến hành một dự án cùng tên nhằm tố cáo sự tham nhũng của các quan chức trong các công ty mà nhà nước đóng vai chính, sau đó đưa họ ra tòa. Mỗi vụ đấu tranh, Navalny phải mất rất nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu, đối chiếu hồ sơ, và nhất là phải đương đầu với biết bao áp lực, hăm dọa, quấy nhiễu, đánh phá... của các quan chức trong chính quyền. Là một luật sư giỏi, dày dạn kinh nghiệm và thông thạo về kinh tế, Navalny không hề tỏ ra run sợ và luôn chiến thắng trong các vụ kiện tụng liên quan tới quan tham.

Có thể nói cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Navalny đã có tiếng vang lớn trong công luận. Chỉ trong hai năm 2008-2009, Navalny từng vạch mặt các công ty dầu lửa lớn như "Rosneft", "Gasprom neft" và "Surgutneftegaz", hay cán bộ tham ô thuộc Ngân hàng VTB. Chiến tích đáng ngưỡng mộ nhất là đưa hàng loạt quan chức chóp bu cấp cao nhà nước ra tòa khi phát hiện họ "ăn" toàn bộ tiền của dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương năm 2010.

Navalny đã có thể thu hút hàng triệu khách truy cập vào trang web chỉ trong một ngày. Kỷ lục này xảy ra vào mùa thu năm 2011 khi chính trị gia này vạch trần vụ bê bối tham ô tại Transneft - một công ty đường ống của nhà nước. Loạt bài điều tra về vụ việc này được đưa ra như một câu chuyện cảnh tỉnh dành cho những người đang có ý định đầu tư vào các cổ phiếu năng lượng ở Nga. Trong các bài viết, Navalny kể rằng, những người điều hành Transneft đã tự lập ra các công ty giả mạo đóng vai trò là nhà thầu cho một dự án nhằm xây dựng đường ống dài 5.000km đến Trung Quốc. Một trong số các công ty giả mạo này được đăng ký dưới cái tên của một người Siberi đã bị mất hộ chiếu.

Navalny còn đưa ra kết quả kiểm toán cho thấy Transneft thất thoát đến 4 tỉ USD trong vụ lừa đảo nhà thầu này. Cả Transneft và Văn phòng Kế toán của chính phủ đều phủ nhận cáo buộc tham nhũng của Navalny. Trong khi đó, Tổng thống Putin thì lại cho rằng các bài viết của Navalny đủ nghiêm túc để có thể yêu cầu một cuộc điều tra cho dù hiện tại vụ án vẫn đang bị tạm dừng.

Navalny có ngoại hình ưa nhìn với đôi mắt màu xanh và khiếu hài hước pha lẫn châm biếm sâu cay. Những tố chất này rõ ràng giúp ích rất nhiều cho danh tiếng và tham vọng chính trị của anh ta. Thông qua các bài viết của mình, Navalny đã thực sự chạm đến được tâm tư của người dân Nga khi hướng về nền công nghiệp dầu mỏ màu mỡ của đất nước với câu hỏi: "Tiền thực sự đã đổ về đâu?"

Bên trong nước Nga, danh tiếng của Navalny đã nổi lên như cồn và được so sánh "chẳng kém gì người sáng lập WikiLeaks" - Julian Assange. Navalny được coi là một trong số nhiều đại diện của thế hệ các nhà hoạt động chính trị mới, những người nhìn thấu các lỗ hổng trong hệ thống chính trị và hướng mũi tấn công vào đó vì một bộ máy trong sạch, không tham nhũng.

Navalny tự nhân danh đại diện cho quyền lợi của tầng lớp trung lưu Nga - những người đã đầu tư vào thị trường cổ phiếu và theo đó, đang chịu mất tiền do nạn tham nhũng và quản lý kém hiệu quả. "Những người thuộc tầng lớp trung lưu căm ghét tham nhũng. Nếu bạn nói với bà ngoại ở quê rằng công ty dầu mỏ của nhà nước đã biển thủ 1 tỉ USD, bà sẽ chẳng hiểu gì cả. Song những người sở hữu cổ phiếu trong công ty đó chắc chắn sẽ rất quan tâm".

Trong khi những tiết lộ của Navalny đem lại lợi ích cho người dân thì chúng lại khiến nhân vật này bị giới quan chức trong các công ty năng lượng lớn căm ghét. Tổng giám đốc Transneft, Nikolai Tokarev, đã cáo buộc rằng Navalny có thể là một tay cò mồi của Cơ quan tình báo trung ương và được ra lệnh để bôi nhọ danh tiếng của các công ty lớn của Nga. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có chuyện gì xảy ra sau những cáo buộc như vậy, song Navalny cho biết anh ta có thể bị bắt bất cứ lúc nào và đã đưa cho vợ một danh sách số điện thoại của các luật sư, nhà báo và chính trị gia đối lập để gọi đến phòng khi "đột ngột biến mất".

Khởi động trang web Navalny.ru từ năm 2011, mới đây, Navalny vừa mở thêm trang blog RosPil.info tập trung vào vấn đề tham nhũng trong những thương vụ mua bán của chính phủ. RosPil có nghĩa là "lưỡi cưa" với biểu tượng là con đại bàng hung dữ hai đầu đang quắp hai lưỡi cưa trong móng vuốt. Navalny muốn ám chỉ việc lại quả là "cưa lại" một phần của hợp đồng, dẫn tới hành vi tham nhũng, rửa tiền và phá hoại lòng tin. Trang web này đăng hồ sơ dự thầu của các dự án nhà nước và yêu cầu người đọc cung cấp thông tin để phán xét tính công bằng và công minh về mặt giá cả cũng như thời hạn của các hồ sơ này.

Đây là một thử nghiệm tiên phong trong việc thu hút sự tham gia của công chúng vào công việc trước đây chỉ dành cho các nhà báo điều tra. Người sử dụng đăng tải bất kỳ nội dung nào liên quan đến tham nhũng tại Nga cũng như thảo luận về các nội dung này. Trang web hoạt động dựa vào sự tài trợ trực tuyến của người đọc, được các chuyên gia nhận định là một biện pháp chống tham nhũng hiệu quả, đặc biệt khi Navalny cũng là một nhà báo nổi tiếng.

Navalny không chỉ nêu tên các quan chức tham nhũng mà còn đưa ra các giải pháp hợp lý. Do đó, Navalny nhận được sự hâm mộ đặc biệt từ giới điều tra, các nhà phân tích tài chính và thậm chí, cả chuyên viên ngân hàng. Giải thích tại sao người Nga nên ủng hộ thời gian để đọc các hồ sơ thầu trên trang web, Navalny cho biết: "Bởi vì trong khi những người nghỉ hưu, bác sĩ và các giáo viên đang phải vất vả từng ngày để đủ sống, thì những tay tham nhũng lại có thể hưởng thụ cuộc sống xa hoa trong các biệt thự, trên du thuyền và làm những trò ma quỉ của họ"…

Những cử chỉ "nghĩa hiệp" như vậy được người dân tán dương, và thậm chí thay đổi cái nhìn không mấy thiện cảm của dư luận dành cho một chính trị gia đảng đối lập như Navalny. Tuy nhiên, thực tế phía sau lại là bản chất của một chính khách tham lam và bị đồng tiền làm mờ mắt. Luôn dõng dạc hô to khẩu hiệu "chống tham nhũng", ít ai ngờ Aleksey Navalny lại liên tiếp sa lầy vào không ít cáo buộc về tội danh biển thủ công quỹ, rửa tiền và phá hoại lòng tin người dân. Dư luận đang tiếp tục chứng kiến cảnh Aleksey Navalny ngã ngựa phía sau ánh hào quang của danh vọng và tiền bạc trên chính trường…

(Còn tiếp)

Lâm Anh - Thùy Dương (tổng hợp)
.
.