Từ chuyện quan tham đọc sách, nghĩ về cán bộ ở Trung Quốc

Thứ Tư, 02/04/2008, 15:15

"Quan tham đọc sách là gì?" Là bài của tác giả Vương Văn Hoa, dăng trên báo "Thanh Niên Trung Quốc ", được báo điện tử của hãng thông tấn Tân Hoa Trung Quốc giới thiệu.

Hồ Trường Thanh, nguyên chủ tịch tỉnh Giang Tây 

Ngoài thích viết chữ nghệ thuật (thư pháp) Hồ Trường Thanh mê đọc sách. Sách mà ông ta thường đọc là “Nhục bồ đoàn”, “Tố nữ tâm kinh”, “Kim Bình Mai”. Sau khi đọc, ông ta nghiền ngẫm nhiều lần và thực hiện như sách là nuôi tình phụ, chơi kỹ nữ. Cuối cùng, Hồ Trường Thanh đúc rút ra kinh nghiệm là “Kỹ nữ và làm quan là nghề nghiệp giống nhau nhất!”.

Mã Hướng Đông, nguyên phó chủ tịch TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh

Thích xem những loại sách hướng dẫn đánh bạc. Mã đã 17 lần ngồi máy bay sang Ma Cao đánh bạc thua mất 400 NDT. Trong thời gian học tập ở Trường Đảng trung ương, Mã mang theo bên mình những cuốn sách “Thuật đánh bạc tinh tuyển”, “Chia vui kỹ xảo trò chơi đánh bạc”, “108 chiêu chiến lệ đánh bạc”, v.v... Nhưng, Mã Hướng Đông dùng tiền đánh bạc là tiền chùa, tiền công quỹ, đọc sách có nhiều đến mấy, thì kỹ chiến thuật đánh bạc cũng vẫn chỉ bình bình.

Hồ Kiến Học, nguyên bí thư thành uỷ TP Thái An, tỉnh Sơn đông

Nghiện đọc những sách  xem tướng đoán số như “Ma Y tướng pháp”, “Liêu Trang tướng pháp”, “Tướng thuật đại toàn”, nghiên cứu kỹ lưỡng, thường tìm người đoán quẻ. Có một lần, nghe một vị “Tướng học đại sư” nói số của ông ta có thể  leo cao đến chức Phó thủ tướng Quốc vụ viện, nhưng hiềm nỗi còn thiếu một cây cầu, thế là ông ta khổ tâm suy nghĩ, buộc địa phương uốn nắn một con đường quốc lộ, gượng ép vượt qua một hồ chứa nước, để xây dựng một cây cầu... Kết cục, cầu còn chưa xây xong, thì y đã “ngã ngựa”, thật sự chết chìm trong biển cả pháp luật rồi.

* * *

Từ đó, tôi (tác giả Vương Văn Hoa) nghĩ đến vấn đề cán bộ đọc sách. Ở đây có ba tầng hàm nghĩa: Một là cán bộ có cần đọc sách hay không? Hai là cán bộ cần đọc những sách gì? Ba là sau khi đọc sách cán bộ nên làm như thế nào?

Đầu tiên là cán bộ có cần đọc sách hay không?

Có người đã tiến hành điều tra, hiện nay có một số cán bộ chỉ xem báo, không đọc sách, đọc kiểu mì ăn liền chỉ để thỏa mãn ý thích trước mắt; hoặc để ra vẻ ta đây cũng "một bồ chữ nghĩa". Điều vô cùng hài hước là, không ít quan tham rất mê tàng trữ sách.

Nguyên Bí thư thành ủy thành phố Quý Châu Lưu Phương Nhân, trong nhà tàng trữ rất nhiều sách. Sau khi bị truy tố, nhân viên công tác phải bỏ ra thời gian mấy ngày lục lọi đống sách tàng trữ của y, không tìm ra những tang vật như séc, tiền mặt, mà lại phát hiện ra có rất nhiều sách còn chưa bóc túi ni lông bọc ngoài.

Ngày nay, trong thời đại bùng nổ kinh tế tri thức, cán bộ không học tập, thì sẽ không am hiểu chính sách nhà nước, xu thế phát triển của tình hình, thì sẽ quyết sách một cách mù quáng, thậm chí vi phạm pháp luật.

Cho nên, bất luận chức quan cao hay thấp, công tác bận rộn thế nào, đều phải dành ra thời gian tĩnh tâm lại, nghiêm túc học tập trong sách báo, có như vậy mới có thể mở rộng tầm nhìn, mở mang kiến thức, giải quyết “khủng hoảng tri thức” và “nguy cơ bản lĩnh”.

Thứ hai là cán bộ cần đọc những sách gì?

Đây không phải là vấn đề thị hiếu cá nhân, mà là vấn đề thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan nghiêm túc. Những sách mà các quan tham đọc kể trên, đã tỏ rõ nhân sinh quan lệch lạc, đã dự báo kết cục bi thảm của họ.

Nếu muốn là quan vừa nhậm chức là tạo phúc cho dân chúng trong vùng, thì phải thông hiểu nghiệp vụ, nhà cao thì nền phải chắc, dám làm biết làm. Thủ tướng Chu Ân Lai suốt đời đọc sâu hiểu rộng nhiều loại sách, nắm vững ngôn ngữ của nhiều quốc gia, học vấn và tài năng phong phú.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng là một tấm gương sáng về đọc sách, viết báo cáo, phát biểu tại hội nghị trích dẫn kinh điển rất chuẩn xác, đọc nhiều nhớ sâu, khí chất nho nhã, khiến mọi người tâm phục, khẩu phục.

Ngạn ngữ cổ Trung Quốc có câu: “Tố nhân nhất bối tử, tố quan nhất trận tử” (Làm người suốt đời, làm quan một trận – tương đồng với thành ngữ Việt Nam: Quan nhất thời, dân vạn đại – ND). Nếu muốn làm một viên quan thanh liêm, một viên quan phẩm đức cao thượng thoát ly những thị hiếu thấp hèn, thì cần phải không ngừng đọc những cuốn sách về tu dưỡng nhân sinh.

Ba là sau khi đọc sách, cán bộ lại phải làm gì?

Có một số cán bộ sau khi đọc sách làm theo một cách máy móc khuôn sáo, đại biểu điển hình là Vương Minh (một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ đầu – ND). Ông ta chẳng những đọc thuộc lòng tác phẩm Mác - Lênin, nhưng lãnh đạo cách mạng thì tư tưởng cứng nhắc, phạm phải sai lầm giáo điều chủ nghĩa.

Cán bộ cần đọc sách nhiều, suy nghĩ nhiều, tiêu hóa những điều tinh túy trong sách, đồng thời vận dụng linh hoạt vào công tác thực tế, để thiết thực giải quyết những vấn đề dân sinh, làm một người cán bộ đầy mình học vấn, làm việc đầy khí phách.

Khi thăm nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tặng Trường đại học Yale 1.346 quyển sách Trung Quốc thuộc 567 loại được chọn lọc kỹ càng.

Đồng chí nói: “Đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường”.

Đọc sách nhiều, đọc sách tốt, cái tâm và cái chí của cán bộ mới rộng mở, bước đi mới càng ổn định vững chắc lành mạnh

Vũ phong Tạo (Dịch và giới thiệu, theo Xinhuanet)
.
.