Từ tình báo viên trở thành viện sĩ thông tấn

Thứ Sáu, 02/01/2009, 14:45

Tháng 5/2008, ngành tình báo đối ngoại Liên Bang Nga kỷ niệm 95 năm ngày sinh tình báo viên huyền thoại, nhà văn đồng thời là viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Iosif Grigulevich. Suốt gần nửa thế kỷ, tên tuổi và hoạt động của ông ở 13 quốc gia được giữ kín, còn hồ sơ cá nhân của ông được bảo vệ hết sức cẩn mật trong két sắt.

Ông Grigulevich sinh ngày 5/5/1913 tại thành phố Trakai (Litva). Vì tham gia hoạt động cách mạng ở Litva và Tây Belarusia (thời gian này chưa thuộc Liên Xô) nên ông bị bắt hai lần. Ra tù, ông sang Ba Lan hoạt động. Tại đây, ông may mắn được gặp gỡ và làm quen nhiều nhà cách mạng Xôviết. Không lâu sau, ông được cử sang Pháp để bí mật truyền bá tư tưởng cách mạng.

Khi xảy ra cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, ông đã tình nguyện đến nước này để tham gia chiến đấu bảo vệ chính quyền non trẻ của đảng Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha. Ông được cố vấn trưởng về an ninh kiêm tổ trưởng tổ điệp báo của Tình báo đối ngoại Liên Xô Alekxandr Orlov chính thức tuyển vào làm việc trong ngành tình báo. Trong một thời gian ngắn, ông đã trở thành nhân vật quan trọng của tình báo chính trị vì đã thu thập được nhiều thông tin rất có giá trị về Mỹ, Brazil, Argentina, Mexico, Italia, Vatican và nhiều nước khác.

Một số đồng nghiệp cho rằng, Grigulevich gặp nhiều may mắn cho nên suốt 17 năm hoạt động tình báo ở rất nhiều nước khác nhau ông chưa bao giờ bị đối phương mảy may nghi ngờ. Song, nếu cho rằng ông thành công chỉ nhờ may mắn và số phận thì không hoàn toàn đúng. Grigulevich rất cẩn trọng trong mọi hành động, cử chỉ của mình, luôn tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước, ông đã học được cách đưa ra những quyết định độc đáo trong các tình huống hiểm nguy. Hơn nữa, Grigulevich là một người rất thông minh và có trí nhớ lạ thường. Grigulevich rất dễ thích nghi với cuộc sống và hoạt động ở nhiều nước khác nhau, khả năng nói được nhiều ngoại ngữ và nhiều giọng nói khác nhau cho phép ông, tùy vào hoàn cảnh cụ thể mạo nhận là người Argentina, Brazil, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Mexico và nhiều nước khác mà bao giờ ông cũng thành công.

Hình dáng bên ngoài của ông không có nét gì đặc biệt làm người ngoài chú ý. Đối với ông, phương pháp hóa trang hoàn hảo nhất không phải là sử dụng tóc giả, râu giả hay thay đổi quần áo thường xuyên mà là phải có dáng điệu và cử chỉ tự nhiên. Grigulevich còn có một phẩm chất vô giá đối với mỗi tình báo viên là dám mạo hiểm.

Đại sứ Costa Rica (tức tình báo viên XôViết Grigulevich) đang nói chuyện với Tổng thống Italia Einaudi (ngoài cùng bên trái).

Khi làm việc tại châu Mỹ Latinh, Grigulevich đã kết hôn với một phụ nữ Mexico tên là Laure Arauho, người trợ thủ đáng tin cậy của ông, bà vừa là nhân viên mật mã vừa là giao thông viên. Năm 1949, Grigulevich được phái sang Italia hoạt động, vào thời gian đó các cơ quan đặc vụ Mỹ đang hoành hành tại đây, còn Vatican đang tích cực tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại Liên Xô. Lúc đó, có một số nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Costa Rica đang đi tham quan du lịch Italia đã đề nghị nhà thương gia Teodoro Kastro (bí danh của Grigulevich) ký hợp đồng cung cấp một số lượng lớn cà phê sang châu Âu, Italia và Vatican. Cuộc đời của tình báo viên có một bước ngoặt: ông trở thành người đứng đầu phái Bộ Ngoại giao của Vatican ở Roma.

Con đường công danh của Grigulevich thăng tiến đến chóng mặt, sau một thời gian ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Costa Rica tại Italia, sau đó kiêm cả Nam Tư và Vatican. Đây là một điều rất kỳ lạ! Trước đây và cho đến nay, trong lịch sử tình báo thế giới chưa từng có trường hợp nào một tình báo viên lại trở thành đại sứ, không phải là đại sứ của nước mình mà là của nước ngoài! Và không phải là của một nước mà là cùng một lúc cả ba nước. Có thể nói, Grigulevich là một tình báo viên độc nhất vô nhị, ông đã tuyển mộ được khoảng 200 điệp viên người nước ngoài và đạt được những kết quả đặc biệt trong ngành tình báo. Cuối năm 1953, ông từ Italia về nước và đầu năm 1954 thôi làm việc trong cơ quan tình báo đối ngoại.

Chuyển ngành, nhưng nhờ tài năng hiếm có ông đã trở thành một nhà khoa học tầm cỡ - Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Liên Xô-Mexico, Liên Xô-Cuba, Liên Xô-Venezuela. Grigulevich còn là tác giả của 30 đầu sách, ông cũng từng là tổng biên tập và ủy viên ban biên tập các tạp chí lịch sử, dân tộc, bộ bách khoa toàn thư, niên giám khoa học...

Rất khó nói ông là tình báo viên hay bác học, nhà văn hay biên tập viên. Có lẽ là tất cả vì ở trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ tình báo đến khoa học, sáng tác văn học hay văn chính luận thì danh tiếng của ông đều sống mãi với thời gian

Xuân Trung (theo báo Nghị viện, Nga)
.
.