Tướng John Paul Vann và cái giá phải trả của sự hiếu thắng

Thứ Năm, 17/04/2014, 08:30

Suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có 18 tướng lĩnh Mỹ chết và bị thương - trong đó 10 tướng chết vì trúng đạn của Quân Giải phóng. Người chết có cấp bậc cao nhất là trung tướng John Paul Vann, cố vấn cho tướng Ngô Dzu, Tư lệnh Quân đoàn 2 - Vùng 2 chiến thuật, Việt Nam Cộng hòa…

Vài nét về John Paul Vann

Sinh ngày 2/7/1924 tại Norfolk, bang Virginia, John Paul Vann gia nhập không quân năm 1943 và trở thành phi công năm 1945 khi Thế chiến II sắp kết thúc. Năm 1950, Vann tham dự cuộc chiến tranh Triều Tiên rồi được thăng hàm trung tá. Sau đó, ông ta giải ngũ để theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Syracuse.

Năm 1962, John Paul Vann đến Việt Nam trên cương vị cố vấn cho đại tá Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân khu 4, Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Với bản tính hiếu thắng, Vann thường xuyên liên hệ với cánh báo chí - chẳng hạn như phóng viên Davis Halberstam của tờ New York Time để nhờ viết bài đánh bóng cá nhân mình. Điều này đã khiến Paul D. Hawkin, người đứng đầu Phái bộ viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV) tức giận. Kết quả là Vann bị cách chức và phải quay về Mỹ.

Tháng 3/1965, Vann trở lại Việt Nam trong vai trò dân sự, làm việc cho Cơ quan Phát triển quốc tế (AID). Khi MACV tiến hành bố trí cố vấn Mỹ đến từng tỉnh ở miền Nam Việt Nam, Vann trở thành người phó của Cơ quan CORDS (Cơ quan hoạt động dân sự và hỗ trợ phát triển) tại Vùng 3 chiến thuật - gồm Sài Gòn và 12 tỉnh lân cận. CORDS là một tổ chức tích hợp, bao gồm Phòng thông tin Hoa Kỳ (USIS), Cơ quan Tình báo CIA, Bộ Ngoại giao, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). CORDS chính là nơi khai sinh ra "Chương trình Phượng hoàng".

Tướng Ngô Dzu, Tư lệnh Quân đoàn 2 (ảnh trái) và Tướng John Paul Vann.

Năm 1971, Vann được bổ nhiệm làm cố vấn cao cấp tại Quân đoàn 2 - Vùng 2 chiến thuật, bên cạnh trung tướng Ngô Dzu, Tư lệnh Quân đoàn. Sự bổ nhiệm này bắt nguồn từ việc Ngô Dzu rất tâm đắc với kế hoạch bình định phát triển tại Vùng 4 chiến thuật trước đây của Vann. Thế nên khi trở thành Tư lệnh Quân đoàn 2, Dzu rất muốn kéo Vann về làm cố vấn mặc dù lúc ấy Vann không còn phục vụ trong quân đội.

Theo nhận định của các tướng lĩnh Mỹ, năm 1972, Quân Giải phóng sẽ mở nhiều mặt trận lớn tại Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2. Vì vậy trong năm 1971, kế hoạch bình định và phát triển phải đặt lên hàng đầu để quân đội VNCH rảnh tay đối đầu với Quân Giải phóng.

Một may mắn bất ngờ xảy đến: Tháng 4/1971, quân số Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam giảm từ 543.500 xuống còn 270.000 người, và vị tướng đang làm cố vấn cho Ngô Dzu cũng nằm trong trong đợt giảm quân ấy. Nắm lấy cơ hội hiếm có, Ngô Dzu xin người Mỹ bổ nhiệm Vann dù Vann chỉ là trung tá về hưu. Tuy nhiên, vì được giao nhiệm vụ cố vấn cho cấp quân đoàn - mà vị trí này thường do một trung tướng đảm trách nên Vann đương nhiên được coi là trung tướng.

Điều khó xử cho đại tướng Creighton Abrams - lúc ấy là Tư lệnh Quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam - là làm thế nào để một nhân vật không phải là quân nhân, chỉ huy số lính Mỹ còn lại tại Quân đoàn 2 mà không bị dư luận chỉ trích.

Trong lịch sử quân đội Mỹ, chưa bao giờ có một viên chức dân sự nào mang hàm cấp tướng nên trường hợp của Vann là một biệt lệ. Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng Quân báo Quân đoàn 2 VNCH nhận xét về Vann: "Tháng 5/1971, John Paul Vann đã được tướng Abrams bổ nhiệm làm cố vấn cho Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2. Đó là một người thông minh, can đảm nhưng hiếu thắng, kiêu căng và tự phụ, chỉ thích làm anh hùng".

Uy quyền của “ông cố vấn”

Một ngày đầu tháng 12/1971, sau 7 tháng ở chức vụ cố vấn, John Paul Vann cho mời đại tá Trịnh Tiếu - Trưởng phòng Quân báo Quân đoàn 2 và đại tá Cahn, cố vấn tình báo của Quân đoàn sang văn phòng gặp Vann. Sau vài câu chào hỏi xã giao, Van hỏi Tiếu: "Đại tá có biết Sư đoàn 320 Bắc Việt không?".

Trịnh Tiếu gật đầu vì ông ta đã từng nghe danh Sư 320, nổi tiếng trong trận Điện Biên Phủ. Vann hỏi tiếp: "Đại tá có biết sư đoàn này hiện đang ở đâu không?".

Tiếu lúng túng. Mặc dù là trưởng phòng quân báo quân đoàn nhưng ông ta mù tịt về vị trí đóng quân của đối phương nên ông ta ấp úng: "Phòng 2 của Bộ Tổng tham mưu nắm rất vững, tôi sẽ hỏi và báo lại cho ông".

John Paul Vann nheo mắt nhìn Trịnh Tiếu: "Tôi có nguồn tin chính xác là sư đoàn này đang dưỡng quân tại Thanh Hóa. Trong tháng 2/1972, họ sẽ di chuyển vào vùng ba biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, và sẽ đánh ta. Tuần sau tôi về Mỹ nghỉ Giáng sinh 15 ngày. Vì vậy ông phải dùng tất cả mọi phương tiện mà ông có để xác nhận chính xác vị trí của Sư 320 khi họ xuất hiện ở vùng ba biên giới. Tôi đã có kế hoạch tiêu diệt họ".

Sau này, khi nói chuyện với một phóng viên của tờ tạp chí Life, Vann đã miệt thị Trịnh Tiếu và một số sĩ quan dưới quyền Tiếu: "Đó là một lũ bất tài, chết nhát. Tôi không hiểu vì sao hắn ta lại leo lên được tới chức đại tá, mà lại là trưởng phòng quân báo quân đoàn…".

Đầu tháng 1/1972, theo lệnh Vann, Trịnh Tiếu cho máy bay thả hàng loạt "cây nhiệt đới" xuống vùng Attopeu, miền Nam nước Lào mà Tiếu nghi ngờ là nơi đặt Bộ chỉ huy Mặt trận B3 Quân Giải phóng. Đó là những thiết bị trinh sát điện tử được ngụy trang như một thân cây nhỏ, đo chấn động rồi báo tín hiệu về trung tâm chỉ huy nếu có người hoặc xe cộ di chuyển.

Chưa hết, hàng ngày còn có máy bay trinh sát của Quân đoàn 2 và máy bay chụp ảnh mặt đất của Bộ Tổng tham mưu, chụp các khu vực rộng lớn nơi đường mòn Hồ Chí Minh đi qua.

Bên cạnh đó, Trịnh Tiếu còn ra lệnh thả các toán viễn thám, biệt kích xuống vùng ba biên giới nhằm phát hiện tung tích Sư 320. Đến cuối tháng 1, Phòng Quân báo Quân đoàn 2 thu thập được những dấu vết chứng tỏ Sư 320 Quân Giải phóng đã có mặt ở vùng này. Những tin tức ấy được Trịnh Tiếu trình lên cho tướng Ngô Dzu và John Paul Vann.

Biết là Quân Giải phóng sẽ đánh lớn, Vann biểu thị uy quyền "cố vấn" bằng cách yêu cầu Ngô Dzu thay thế thiếu tướng Lê Ngọc Triển, Tư lệnh Sư đoàn 22 và chuẩn tướng Võ Văn Cảnh, Tư lệnh Sư đoàn 23. Cũng nói thêm rằng vào thời điểm ấy, Quân đoàn 2 có hai sư đoàn chính quy là Sư 22 bộ binh và Sư 23 bộ binh. Theo phối trí, Sư 22 chịu trách nhiệm bảo vệ 5 tỉnh gồm Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn, Pleiku và Kontum. Sư 23 chịu trách nhiệm bảo vệ 7 tỉnh còn lại là Ban Mê Thuột, Tuyên Đức, Quảng Đức, Khánh Hòa, Cam Ranh, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Ngoài ra còn có 1 liên đoàn biệt động quân tiếp ứng, 12 tiểu đoàn biệt động quân biên phòng, 1 lữ đoàn thiết giáp, một số tiểu đoàn pháo binh và 1 liên đoàn công binh chiến đấu. Lý do của John Paul Vann khi đề nghị tướng Ngô Dzu thay thế hai nhân vật này là "chiến sự sắp tới sẽ rất căng thẳng nên cần phải có các tư lệnh sư đoàn năng động, trẻ tuổi".

Pháo binh Quân Giải phóng tiến đánh căn cứ Charlie.

Bất ngờ và khó chịu trước ý kiến của Vann vì đã can thiệp thô bạo vào chuyện nhân sự của quân đoàn, Ngô Dzu trình bày, rằng việc bổ nhiệm tư lệnh sư đoàn là do Tổng thống Thiệu quyết định, Dzu không có quyền. Hơn nữa, 2 tư lệnh nói trên không sai phạm nên không thể đề nghị thay đổi được. Tuy nhiên, khi "ông cố vấn" đã quyết thì phải chấp hành nên tướng Triển và tướng Cảnh đành làm đơn gửi Tổng thống Thiệu, xin "từ nhiệm vì lý do sức khỏe".

Đại tá Trịnh Tiếu cho biết thêm: "Sau khi đơn từ nhiệm được tổng thống chấp thuận, Vann yêu cầu giao chức Tư lệnh Sư 23 cho đại tá Lý Tòng Bá, Tư lệnh Sư 22 cho đại tá Lê Minh Đảo vì theo Vann, đó là "hai sĩ quan trẻ, năng động và có nhiều kinh nghiệm chiến trường mà tôi biết hồi tôi còn ở Quân đoàn 3".

Ngô Dzu hỏi lại Vann: "Quân đoàn 2 còn nhiều đại tá trẻ và giỏi như đại tá Lê Đức Đạt, đại tá Tôn Thất Hùng, sao ông không đề nghị?". John Paul Vann trả lời: "Đại tá Đạt đã mang tiếng tham nhũng tại Quân đoàn 3 nên tôi không xài, còn đại tá Hùng thì tôi chưa biết khả năng của ông ta".

Không muốn xảy ra mâu thuẫn với Vann vì dẫu sao, các yểm trợ về không quân, pháo binh, lương thực, đạn dược vẫn phải phụ thuộc vào người Mỹ, đồng thời cũng không muốn mất mặt với thuộc cấp, Ngô Dzu chấp nhận thỏa mãn yêu cầu của John Paul Vann nhưng chỉ thỏa mãn một nửa bằng cách đề nghị Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Lý Tòng Bá làm Tư lệnh Sư 23, bổ nhiệm Lê Đức Đạt làm Tư lệnh Sư 22.

Theo đại tá Trịnh Tiếu, sở dĩ Ngô Dzu dám cãi lời "ông cố vấn" là vì lúc đó, Lê Đức Đạt đang là Tư lệnh phó Sư 22, nay lên tư lệnh là hợp lý. Hơn nữa, Đạt rất thân với đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH nên để Đạt làm tư lệnh thì Quân đoàn 2 sẽ được Viên ủng hộ tối đa.

Biết được sự việc này, "ông cố vấn" giận Ngô Dzu đến tím mặt. Theo lời Dzu thì cả tuần lễ Vann không thèm gặp Dzu. Trong các buổi họp, Vann cũng chẳng buồn nói với Dzu một lời nào mà chỉ trao đổi ý kiến với cấp thấp hơn. Đặc biệt với đại tá Lê Đức Đạt, Vann coi như không hề biết Đạt là ai.

Ngô Dzu nói: "Ông ta là một người Mỹ có lòng với Việt Nam nhưng hoàn toàn không hiểu được chút nào về tình cảm của người Việt".

Bẫy B-52

Những ngày đầu tháng 3/1972, tình hình chiến sự ở Đắk Tô, Tân Cảnh rất im ắng nhưng là cái im ắng trước một trận bão lớn. Do đã học qua các trường lớp quân sự nên Ngô Dzu và John Paul Vann đều hiểu rằng nếu muốn chặn đứng những đòn tiến công của Quân Giải phóng thì Quân đoàn 2 phải ra tay trước.

Nhưng cả Dzu lẫn Vann đều không dám mạo hiểm đưa các đơn vị bộ binh VNCH hành quân vào những mật khu kiên cố, hiểm trở như tướng Westmoreland đã làm trước đây trong chiến dịch "Tìm và diệt", mà Vann vạch ra kế hoạch nhằm dụ Sư 320 tiến sâu vào Tân Cảnh - Đắk Tô thuộc tỉnh Kontum để hủy diệt toàn bộ bằng pháo đài bay B-52 như tướng Walton Walker đã làm trước đây trong chiến tranh Triều Tiên với quân tình nguyện Trung Quốc bằng pháo đài bay B-29. Vann hứa với Ngô Dzu, rằng ông ta có thể yêu cầu đại tướng Abrams cho 25 phi vụ B-52 - bằng tất cả số phi vụ mà không quân Mỹ ném bom trên toàn miền Nam Việt Nam mỗi ngày.

Căn cứ vào kế hoạch "dụ địch" của John Paul Vann, Ngô Dzu ra lệnh cho hai trung đoàn và bộ tham mưu nhẹ của Sư 22 lúc ấy đang đóng quân tại Bình Định, di chuyển lên Tân Cảnh, đồng thời Dzu cũng cho lập thêm 2 căn cứ pháo binh là Căn cứ 5 và 6 trên các sườn đồi phía nam Tân Cảnh để yểm trợ hỏa lực cho hai trung đoàn này. Ngoài ra, Dzu còn tăng cường thêm 1 tiểu đoàn biệt động quân để phòng thủ  đồn biên phòng Ben Het - là cửa ngõ đi vào lãnh thổ Quân đoàn 2, Quân khu 2.

Sau khi dàn binh bố trận xong, cuối tháng 2/1972, Ngô Dzu mời đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH lên thị sát. Qua một ngày đi thăm tất cả các đồn bót, các công sự phòng thủ, trước khi ra về, Viên bắt tay Ngô Dzu và John Paul Vann: "Tôi chưa thấy một cuộc phối trí quân sự nào chu đáo và đầy đủ như thế này. Tôi tin tưởng hai ông sẽ đập nát Sư đoàn 320 bằng hỏa lực không quân và pháo binh. Tôi chờ được nghe tin chiến thắng…".

(Còn tiếp)

Vũ Cao
.
.