Tướng Phạm Phú Thái, hiện thân về một thế hệ phi công huyền thoại

“Tôi, Phạm Phú Thái, binh nhất phi công tiêm kích!” (kỳ 1)

Thứ Hai, 25/07/2016, 15:45
Cách đây bốn năm, trên đường từ quê tôi bên Nam Định rẽ sang Thái Bình kết hợp có chút việc, lúc đang ở địa phận huyện Kiến Xương, Thái Bình thì vô tình tôi được người bạn vốn rất am tường mảnh đất này giới thiệu rằng: "Ở tỉnh Thái Bình này lạ lắm, có đến 2 cựu phi công đã một thời oanh liệt, họ đều là Trung tướng, đều là AHLLVT và đều quê cùng huyện này. Đó là ông Phạm Phú Thái và ông Phạm Tuân".

Trong một buổi giao ban Bộ Quốc phòng, Trung tướng Phạm Phú Thái có nói nhỏ với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh rằng: "Cho tôi được mua lại 2 chiếc Mig-21 quá date. Vì tôi nhìn thấy họ" xẻ thịt" mà xót quá, nếu cứ bán phế liệu thế này thì chả mấy lúc mà hết!".

Ông nêu lý do xin mua là để tặng cho huyện Kiến Xương, quê ông 1 chiếc và cho riêng ông 1 chiếc bằng tiền cá nhân và vận động anh em bè bạn giúp thêm.

Lý do của tướng Phú Thái đưa ra rất giản đơn, nó xuất phát từ một chuyện có thật, nghĩ mà thấy xót xa. Ông đã đưa cho Bộ trưởng Quốc phòng xem tờ báo  An ninh Thế giới đưa chuyện ở Bắc Giang đăng hình những chiếc máy bay chiến đấu đã quá date để chất thành đống và đang" xẻ thịt" bán đồng nát .

Binh nhất Phạm Phú Thái, học viên Trường Không quân Liên Xô.

Bộ trưởng bảo ông về viết đơn để lãnh đạo bộ xem xét. Tướng Thái thảo đơn ngay tại buổi giao ban Bộ bữa đó rồi trình Bộ trưởng. Đọc xong, Bộ trưởng nói :" Những người như anh trong Không quân chẳng còn nhiều, anh để Bộ Quốc phòng tặng".

Thế là Bộ trưởng Thanh đã ký Quyết định đặc biệt trao tặng cho ông và Nhà lưu niệm truyền thống huyện Kiến Xương những chiếc Mig- 21 đã từng gắn bó với binh nghiệp, với những chiến công mà ông cùng đồng đội lập nên trong chiến tranh chống Mỹ năm xưa.

Cũng từ chuyện này, Bộ trưởng chỉ thị kể từ nay không được bán phế liệu như vậy nữa. Tất cả sẽ để dành tặng cho các đơn vị, các địa phương làm hiện vật truyền thống giáo dục thế hệ sau.

Vậy là tại Nhà lưu niệm truyền thống Cách mạng của đại gia đình, người cha, người chú ruột và bác họ của Trung tướng Phạm Phú Thái, những người đầu tiên tham gia và sáng lập phong trào Cách mạng và Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Thái Bình đã đón nhận chiếc Mig-5023 - một kỷ vật vô giá. Nó góp phần trở thành điểm tham quan mang ý nghĩa hơn, có tính nối tiếp và kế thừa giữa các thế hệ vì được lưu giữ cả một chiến tích lịch sử hào hùng  để giáo dục truyền thống quê hương cho lớp trẻ ...".

Chỉ nghe vậy thôi, với máu nghề nghiệp, tôi đã quyết định thay đổi chương trình, xin cho rẽ vào nhà Trung tướng Phạm Phú Thái, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND). Khi còn ở trong lực lượng Không quân, ông đã từng đảm trách cương vị Phó Tư lệnh thứ nhất - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và rồi gần cuối đời binh nghiệp, ông được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.

Lúc đó, tình cờ, tôi may mắn gặp ông ngay tại quê nhưng do thời gian không cho phép, tôi cũng không có điều kiện tìm hiểu kỹ vì sao mà ông lại được "ban" thứ đặc ân này của Bộ Quốc phòng. Chỉ biết qua bạn tôi, ông là một trong những phi công dũng cảm, rất thông minh, đầy bản lĩnh trận mạc và có nhiều công lao trong lĩnh vực xây dựng và phát triển lực lượng  Không quân Việt Nam Anh hùng - dù khi đang là người lính hay ở cương vị chỉ huy, từng có nhiều năm được xem là yếu nhân của "siêu Quân chủng" này .

Chiếc máy bay Mig -21 hiện đang để tại Nhà lưu niệm quê hương.

Tuy nhiên, tôi lại được biết, ông cũng là người có nhiều thiệt thòi trong con đường binh nghiệp cũng chỉ vì tính tình khí khái, bộc trực đến mức hơi lạ thường và chỉ biết đến công việc trên hết. Nhưng có thể vì thế mà ông lại được đồng đội nể  trọng, cảm phục hơn?...

Mới đây, ngày 9-7, Trung tướng Phạm Phú Thái đã được Ban liên lạc Cựu chiến binh Không quân Việt Nam và các cơ quan thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức buổi lễ ra mắt cuốn Hồi ký tập 1, dày 519  trang của ông với tên gọi: "Lính bay" (NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 6-2016 trước sự hiện diện của hàng chục vị tướng và anh hùng phi công, những người vốn là đồng đội sinh tử cùng ông trong chiến tranh chống Mỹ .

Thật không ngờ, đó lại là dịp để những anh hùng phi công đầy kiêu hãnh năm xưa hồi tưởng lại một thời trận mạc oanh liệt của họ. Cho dù ngày ấy chúng ta thua rất xa Mỹ về tương quan lực lượng nhưng rồi chính những người phi công ấy đã làm cho Không quân Mỹ khiếp đảm trước Không quân Việt Nam anh hùng và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm tháng 12-1972.

Hôm ấy, tất cả những cựu phi công là đồng đội của ông đã được sống lại những ký ức một thời. Khi nhận xét về cuốn hồi ký "Lính bay" của đồng đội mình, họ cho rằng cuốn hồi ký đã nói thay họ nhiều điều trong niềm tự hào và kiêu hãnh của chính họ và cũng không của riêng ai...

Phạm Phú Thái sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha anh là cụ Phạm Thuần, tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội năm 1927, Đảng viên năm 1930. Cụ từng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Phú Thọ. Cụ đã từng bị Thực dân Pháp bắt giam và bị tù đày ở nhiều nhà lao lớn như Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo từ những năm đầu của cuộc cách mạng.

Về nước năm 1968, anh được làm phi công tiêm kích số 2 cho Đại đội trưởng Phạm Thanh Ngân, bay số1, (là AHLLVT, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị  QĐNDVN); còn vị trí số 3 trong phi đội chính là Đặng Ngọc Ngự (sau này cũng là AHLLVT).

Bìa cuốn hồi ký “Lính bay” của Trung tướng, cựu phi công Phạm Phú Thái.

Cuộc đời sự nghiệp của ông, nhiều người cứ ngỡ rằng chàng phi công đẹp trai, tài cao như Phạm Phú Thái sẽ tiến như diều do có "bệ phóng" của một gia đình truyền thống cách mạng từ những năm 1930. Nào ngờ về nước gần một năm, dù được bay ở vị trí phi công tiêm kích nhưng anh vẫn chỉ đeo lon binh nhất, rất khác mọi người bởi chí ít, lúc đó anh cũng đã có 3 tuổi quân kể từ ngày vào quân đội. Và có lẽ vì anh ra trường quá sớm so với bạn đồng khoá nên thủ tục thăng hàm lại cũng chưa làm luôn cho anh? Sau vài trận không kích, anh đã bị tên lửa  địch bắn trúng và buộc anh phải nhảy dù. 

Vị Huyện đội trưởng Thanh Chương ở Nghệ An khi làm biên bản đã hỏi tên, tuổi, cấp bậc, đơn vị... của anh sau khi anh nhảy dù xuống địa phận này, họ đã sững người vì thấy anh mở mắt ngồi dậy rồi báo cáo: "Tôi, Phạm Phú Thái, binh nhất, phi công tiêm kích!". Họ lại cứ tưởng anh giấu, không muốn  lộ bí mật nên cứ "năn nỉ" thuyết phục anh trình báo thật về cấp bậc của mình để còn báo cáo về Hà Nội khiến anh bực mình và cũng không biết nói sao. Thế rồi anh Huyện đội trưởng nọ vẫn không tin, phải ghé tại hỏi thầm "Vậy là anh nói thật đấy à ?".

Và, sau khi một lần nữa khẳng định phi công Phạm Phú Thái đã nói đúng sự thực thì anh ta thốt lên: "Lạ thật, cầm cả cái tàu bay đắt tiền là thế, sao lại chỉ binh nhất được cơ chứ? Không thể tin được!". Cuối cùng thì viên Huyện đội trưởng cũng gật gù đỡ anh nằm xuống giường rồi nói: "Nếu đúng là như vậy thì Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng quá !"...

Sau trận đánh khiến anh bị thương và buộc phải nhảy dù. Khi nằm Viện Quân y 108, anh đã khẩn thiết "van vỉ "đề nghị bác sĩ đừng làm thủ tục thương binh cho anh để anh còn có cơ hội được trở về đơn vị tham gia chiến đấu ...

Thật là thú vị với những trang viết chân thật nhưng lại đầy chất văn học từ một vị tướng đánh trận, rất đáng đọc!

Trung tướng Phạm Phú Thái sinh năm 1949, phi công, AHLLVTND, ông từng kinh qua các vị trí chỉ huy trong không quân với đầy đủ các chức vụ từ đội trưởng đến sư đoàn trưởng. Ông từng là Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (sau nhập lại thành PK-KQ) cả thảy là 12 năm, trong đó có 4 năm làm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng PK-KQ. Năm 2008, ông là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng rồi nghỉ hưu năm 2010.

Ông Phạm Phú Thái cũng là người vinh dự   được gặp Bác Hồ đến 3 lần trong cuộc đời, trong đó có 1 lần với tư cách sỹ quan phi công tiêu biểu cùng với AHLLVT Nguyễn Văn Cốc đại diện cho Trung đoàn lên Quân chủng gặp Bác. Ông cũng đã có vinh dự được bay trong đội hình tham gia diễu hành vĩnh biệt Bác Hồ trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh và 3 lần khác ở cương vị chỉ huy đội bay khi đất nước tổ chức duyệt binh năm 1973, 1975 và 1985.

Quốc Phong (còn tiếp)
.
.