Tướng cướp Bảy Đởm, “phó ông trời” vùng Bảy Núi (tiếp theo và hết)

Thứ Năm, 17/04/2014, 22:30

Năm 1954, Bảy Đởm vẫn còn đóng trại trên lưng chừng núi Bà Đội Om và vẫn thu tiền mãi lộ những ai đi ngang qua đoạn đường này. Một hôm Ba Cụt cho một tiểu đội lính tuyển mai phục bắt trọn ổ nhóm cướp Bảy Đởm trói gô lại chở  về "Tổng hành dinh" ở Bằng Tăng.

Vừa gặp Ba Cụt, tướng cướp Bảy Đởm quỳ sụp xuống vừa lạy như tế sao vừa ca ngợi Ba Cụt như một vị tướng trời. Bảy Đởm thề sống chết, nếu Ba Cụt tha mạng, sẽ trung thành phò tá suốt đời.

Nhận ra Bảy Đởm cũng có thành tích bất hảo như mình, Ba Cụt thu nhận và giao cho Bảy Đởm chỉ huy 1 đại đội đóng chốt tại núi Cấm. Từ một thảo khấu cướp đêm, chớp mắt Bảy Đởm trở thành thảo khấu cướp ngày công khai, núp dưới danh nghĩa "kháng chiến quân".

“Phó ông trời” vùng Bảy Núi

Từ khi mang danh nghĩa kháng chiến, Bảy Đởm thường khề khà nói với thuộc hạ: "Vùng này, anh Ba (tức Ba Cụt) là ông trời, còn tao là phó ông trời". Được trao quyền sinh sát, Bảy Đởm thỏa sức thể hiện bản chất độc ác của một tên đồ tể. Hắn dùng việc tra tấn, giết chóc, cướp bóc, ức hiếp dân lành làm thú vui.

 Để lấy uy trấn áp đám thuộc hạ - hầu hết là lưu manh, côn đồ - Bảy Đởm thường khoe mình được cha truyền thụ võ bùa gồng Trà Kha đến mức thượng thừa. Nhiều lần Bảy Đởm biểu diễn cho đám thuộc hạ chứng kiến khả năng dùng bùa chú chống đạn như sau: Ông ta đưa khẩu súng ngắn cho một thuộc hạ bảo đứng cách 2 mét rồi bắn thẳng vào mặt ông ta. Súng nổ. Bảy Đởm há mồm táp đầu đạn rồi nhe ra cho mọi người xem. Thật ra, trước khi biểu diễn, Bảy Đởm đã lắp đạn mã tử vào khẩu súng và ngậm sẵn đầu đạn trong mồm.

Lần khác, Bảy Đởm đi ngang đám thuộc hạ, bất thần quả lựu đạn đeo bên hông sút kíp an toàn rơi lông lốc dưới đất. Trong khi đám thuộc hạ hoảng vía nằm bẹp xuống đất thì Bảy Đởm đưa tay bắt ấn quyết, miệng hô lớn thần chú. Quả lựu đạn không nổ. Thật ra, quả lựu đạn đã bị Bảy Đởm cắt bỏ kíp nổ từ trước. Từ 2 chiêu "bùa" đó, đám thuộc hạ truyền tai nhau rằng: "Thân thể ông Bảy bất khả xâm phạm bởi súng đạn, dao, búa".

Để tăng thêm sự can đảm cho thuộc hạ, Bảy Đởm vẽ bùa "đạn né" phân phát khắp đại đội. Ai đã có bùa hộ mạng mà vẫn bị trúng đạn, Bảy Đởm đổ thừa nạn nhân không thành tâm với "phó ông trời” nên bị nạn.

Khi Bảy Đởm đi đến vùng nào, phụ nữ vùng đó đều dùng bùn, tro bếp hoặc nghệ bôi trát lên mặt để "phó ông trời" không thèm chú ý. Bởi, Bảy Đởm khen người phụ nữ nào đẹp thì ngay lập tức được đội cận vệ "mời" - bất kể đã có chồng hoặc chưa - về doanh trại. Cưỡng hiếp chán, hắn "thưởng" cho thuộc hạ.

Bảy Đởm có tổng cộng 7 người vợ thì có 5 bà đều bị hắn cưỡng hôn bằng một kịch bản gần giống nhau: Cho thuộc hạ vu oan cha cô gái tội làm gián điệp cho Tây rồi bắt trói.  Chúng dàn cảnh như sắp tử hình nạn nhân rồi khuyên cô gái: "Đi gặp ông Bảy xin tội cho cha". Khi cô gái đến xin "tội", Bảy Đởm nói thẳng: "Muốn cứu mạng cha thì phải chịu làm vợ của qua".

Duy người vợ cả ở Cái Dầu và người vợ thứ 6 (hiện bà và các con vẫn cư ngụ ở rạch Bà Chiêu, quận Thốt Nốt, Cần Thơ) Bảy Đởm không dùng chiêu "Thúy Kiều chuộc cha" mà xách súng vào thẳng nhà xin cưới dù không quen biết. Không rào trước đón sau, ông ta nói gọn với cha mẹ cô gái: "Ngày mai tôi cưới con gái ông".

Không cần biết cha cô gái đồng ý hay không, ngày hôm sau, Bảy Đởm lệnh cho cả đại đội đem bò, heo đến nhà cô gái làm thịt bày cỗ ăn nhậu. Đến giờ hợp cẩn, Bảy Đởm vận quân phục khệnh khạng xuất hiện bắn một tràng tiểu liên lên trời "báo tin vui". Đám thuộc hạ cũng bồng súng bắn ăn mừng vang động một góc trời. "Đốt pháo mừng" xong, Bảy Đởm đến trước bàn thờ gia tiên xá chiếu lệ vài cái, ném cho cha mẹ vợ đang ngồi chết khiếp một bao tiền rồi bế thốc cô dâu xuống chiếc phà kết hoa. Vậy là xong lễ cưới.

Mộ Bảy Đởm.

Suốt nửa thế kỷ qua, dù Bảy Đởm đã chết, hai người phụ nữ ấy không bao giờ hé răng một lời về cuộc hôn nhân khủng khiếp đó. Con cái của họ chưa từng có dịp nghe mẹ kể về cha mình.

Dù có 7 vợ, 18 đứa con, nhưng ngày Bảy Đởm đền tội với dương trần, chỉ duy nhất  bà vợ ở Cái Dầu dự đám tang. Dự đám tang nhưng bà không đội khăn tang.

Về món tra tấn, Bảy Đởm vượt mặt chủ tướng Ba Cụt nhiều bậc. Ông Tám (cương quyết giấu tên) hơn 90 tuổi, cư ngụ tại rạch Bà Chiêu kể: "Ổng (tức Bảy Đởm) có chiếc chày vồ bằng gỗ. Hễ bắt được ai, dù có tội hay không có tội, ổng cũng trói giật cánh khuỷu vào gốc cây gáo rồi lấy chày vồ dộng vô ngực nạn nhân nghe ình ình như đánh trống. Người nào khỏe mạnh, bị dộng 3 cái là hộc máu mồm. Nếu không nhận tội thì ổng đánh cho đến khi nhận tội. Nếu nhận tội, ổng dộng 1 phát chày vồ vô màng tang là giãy đành đạch, chết tươi.

Có lần, tôi đi câu vô tình ngang qua chỗ ổng đang ngồi uống rượu đế. Ổng uống rượu bằng chén ăn cơm. Ổng biểu tôi vô uống với ổng một chén. Tôi từ chối, ổng liền sai lính trói tôi vô gốc cây gáo. Tôi tưởng phen này mình chết dưới tay chày vồ của ổng. Ai dè ổng chỉ giỡn. Chỗ cây gáo đó, ổng dùng chày vồ đập chết nhiều người lắm. Khi ổng kéo quân đi, những đêm trăng người ta thường nghe có tiếng khóc than trên ngọn gáo. Người dân sợ quá, lập miếu thờ. Đúng ngày ổng chết, cây gáo và ngôi miếu đổ ụp xuống sông".

T.Đ.H. - một võ sư thuộc môn phái Trương Gia, hiện đang định cư ở California (Mỹ) - nguyên là sĩ quan phụ tá của Bảy Đởm kể rằng, Bảy Đởm rất mê đá gà. Tuy là sĩ quan phụ tá nhưng TĐH chỉ làm mỗi việc duy nhất là nuôi và luyện gà đá cho Bảy Đởm.

Nghe ở đâu có trường gà là Bảy Đởm sai ông đánh xe jeep chở đến. Chủ trường gà gặp Bảy Đởm kể như xui tận mạng. Bởi Bảy Đởm luôn tuyên bố "gà của phó ông trời không bao giờ thua". Nếu gà nhà có vẻ yếu thế, Bảy Đởm rút súng ngắn bắn chết tươi con gà đối thủ. Sau một năm phục vụ dưới trướng Bảy Đởm, viên sĩ quan phụ tá T.Đ.H. nhận ra mình là một trong số những kẻ cướp mang danh quân đội đã đào ngũ về quê.

Ngày đền tội

Năm 1955, khi được Mỹ đưa lên ghế Thủ tướng cho chính quyền Bảo Đại, Ngô Đình Diệm mở 2 chiến dịch lớn tấn công lực lượng quân sự Hòa Hảo. Ba Cụt tự xưng là thiếu tướng lực lượng quân sự ly khai cát cứ vùng Thốt Nốt (nay là Cần Thơ). Ba Cụt phong cho Bảy Đởm cấp bậc thiếu tá, chỉ huy Tiểu đoàn 206 - Lê Lợi.

Dù mở chiến dịch rầm rộ nhưng không giải tán được lực lượng quân sự của Ba Cụt, Ngô Đình Diệm dùng Nguyễn Ngọc Thơ dụ hàng. Tin lời chiêu dụ của Nguyễn Ngọc Thơ, Ba Cụt bị bắt tại Chắc Cà Đao (Châu Thành, An Giang) rồi đưa ra tòa án binh tuyên án tử. Chủ tướng bị bắt, Bảy Đởm kéo hết tàn quân về vùng núi Cấm và núi Bà Đội Om lập căn cứ quấy nhiễu trả thù chính quyền Diệm ở khu vực Châu Đốc, Long Xuyên. Thời điểm này, bất kỳ viên chức nào làm việc cho chính quyền Diệm đều là mục tiêu bắt cóc, ám sát của Bảy Đởm.

Sáng sớm ngày 13/7/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm xử tử Ba Cụt bằng hình thức chém đầu. Đề phòng Bảy Đởm cho người cướp xác, Ngô Đình Diệm ngầm ra lệnh cho thiếu úy Nguyễn Văn Nhung (sau này là kẻ trực tiếp bắn Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu trong cuộc đảo chính 1/11/1963) dùng dao lê xẻ tử thi Ba Cụt thành nhiều mảnh nhỏ rồi bí mật rải nhiều nơi.

 Nghe tin này, Bảy Đởm lập đàn cầu siêu cho Ba Cụt trên núi Cấm. Trong lễ cầu siêu, Bảy Đởm thề moi tim Nguyễn Ngọc Thơ ăn sống để trả thù cho Ba Cụt. Từ đó đến ngày cuối đời, Nguyễn Ngọc Thơ không dám mò về nơi chôn nhau cắt rốn ở Long Xuyên.

Mặc dù Ngô Đình Diệm nhiều lần đưa quân lên vùng Thất Sơn truy lùng Bảy Đởm nhưng không thành công.

Miếu "quỷ ông Bảy".

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ phù phép lên ghế Tổng thống, Bảy Đởm được Nguyễn Văn Huệ  - Trung tá Tỉnh trưởng Châu Đốc mời ra hợp tác với chính quyền. Bảy Đởm đồng ý kéo quân phỉ gia nhập với quân đội Việt Nam Cộng hòa với  điều kiện thăng cho ông ta hàm trung tá và tổ chức lễ "quy thuận" long trọng chứ không chấp nhận lễ… đầu hàng.

Đầu năm 1967, Nguyễn Văn Huệ đứng ra tổ chức lễ "quy thuận quốc gia" cho lực lượng phỉ và đeo hàm trung tá cho Bảy Đởm. Đó là trường hợp duy nhất của quân đội Việt Nam Cộng hòa: trung tá đeo hàm cho trung tá.

Lực lượng phỉ Bảy Đởm được đồng hóa thành Tiểu đoàn địa phương quân tỉnh Châu Đốc chịu sự chỉ huy của Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Huệ và được tiếp tục đóng quân dưới chân núi Cấm.

Trở thành Tiểu đoàn trưởng địa phương quân Châu Đốc, suốt ngày Bảy Đởm ngồi xe jeep đi săn lùng gái để bắt cóc. "Chiến công" đầu tiên của trung tá Bảy Đởm là cho pháo cối nã cấp tập vào… hang Ông Thẻ trên núi Cấm. Nơi đó, trước khi ra hàng Việt Nam Cộng hòa, Bảy Đởm đã sai đàn em chôn giấu một số súng ống thời Pháp. Sau khi nã hàng trăm quả cối, Bảy Đởm cho đàn em lên "bãi chiến trường" thu nhặt vũ khí đem ra Châu Đốc triển lãm thành tích "đánh bật một tiểu đoàn Việt Cộng ra khỏi núi Cấm".

Dù hùm báo với dân chúng nhưng suốt thời gian chỉ huy tiểu đoàn thổ phỉ mang danh "Quân đội quốc gia", mỗi lần đụng trận với du kích Tri Tôn là mỗi lần đám phỉ chạy thục mạng.

Ngày 12/11/1969, Bảy Đởm ngồi trên xe jeep chỉ huy đám thuộc hạ càn quét, cướp bóc khu vực núi Bà Đội Om. Bảy Đởm không hề biết Tòa án chính quyền cách mạng đã tuyên án tử cho hắn. Một xạ thủ ẩn trên núi Ba Đội Om kết thúc cuộc đời tướng cướp của Bảy Đởm bằng một phát đạn duy nhất xuyên vào hốc mắt, thủng sọ.

Trong giây phút cuối cùng cuộc đời, Bảy Đởm rống lên thảm thiết. Có lẽ những oan hồn nạn nhân của ông ta đã bao vây đòi nợ trần thế.

Đám tang Bảy Đởm diễn ra lặng lẽ. Ngoài thân tộc và tổ mai táng của quân đội Việt Nam Cộng hòa không ai muốn đưa tiễn lần cuối cùng kẻ đã gieo rắc tang thương cho hàng trăm gia đình lương thiện. Bảy Đởm chết trong lặng lẽ, cô độc. Để an ủi Bảy Đởm, chính quyền Việt Nam Cộng hòa "đôn" cho ông ta hàm đại tá. Một người cháu của ông ta cho biết, kể từ ngày Bảy Đởm chết đến nay, chưa từng có bất kỳ một người bạn, một thuộc hạ hay bất cứ ai đến viếng mộ, ngoài thân tộc.

Cho đến tận bây giờ, những đứa con của ông ta- kết quả của những vụ cưỡng hôn - cũng không muốn nhận mình là dòng máu của đồ tể Bảy Đởm.

Dù bị ông ta gieo rắc nhiều nỗi tang thương, cư dân địa phương vẫn cất một ngôi miếu nơi Bảy Đởm trút hơi thở cuối cùng dưới chân núi Bà Đội Om để làm nơi trú ngụ linh hồn không siêu thoát của ông ta

Nông Huyền Sơn
.
.