Tướng quân chiến trường

Thứ Ba, 09/02/2010, 16:25
Một lần, theo hẹn, tôi đến thăm Thượng tướng Trần Văn Trà. Vượt qua tuổi “thất thập” 5 năm mà trông ông hồng hào khỏe mạnh, phong độ ung dung, cường tráng. Giọng nói vang, âm vực cao, sâu lắng khi câu chuyện hướng về những ngày tết chiến khu, tết chiến trận, tết đồng cam cộng khổ…

Còn nhớ tết Mậu Thân năm ấy ăn tết trước, được đồng bào Sài Gòn gởi ra cho hưởng hương vị thành phố mới là cảm động chứ! Hầu như đất trời cũng vào xuân sớm, mới 20 tháng Chạp mà hoa ngành ngạnh đã nở trắng xóa từng lõm rừng và mai vàng cũng khoe sắc óng ả chào đón đoàn quân Giải phóng ra chiến trường.  

"Ăn tết trước", cụm từ đã xuất hiện từ thời Vua Quang Trung khởi đại binh dẹp giặc nhà Thanh, cho mở tiệc khao quân ăn tết trước rồi Ngài quả quyết nói với tướng sĩ rằng: "... Nay ta làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước. Đến tối Ba mươi tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mùng 7 tháng Giêng thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng...".

Nguyễn Huệ thực hiện lời hứa của mình như thần. Đêm 30 tết Mậu Thân (25/1/1789) bôn tập hành quân thần tốc hạ đồn Gián Khẩu; nửa đêm mùng 3 tháng Giêng Kỷ Dậu (28/1/1789) đạo trung quân đã công phá đồn Hạ Hồi, mờ sáng ngày mùng 5  đã tiến chiếm đồn Ngọc Hồi. Thái thú Sầm Nghi Đống thắt cổ chết ở Loa Sơn (tục gọi gò Đống Đa).

Lửa tổng tấn công rực sáng trên đường phố Sài Gòn.

Giữa trưa hôm ấy Vua Quang Trung đầu đội mũ miện, mặc áo bào đỏ, buộc khăn vàng vào cổ tỏ lòng quyết chiến rồi lên mình voi chỉ huy đội tượng binh 100 voi chiến đạp đất xông lên, đại quân tiến vào thành Thăng Long... Quân Thanh giẫm đạp lên nhau chạy tán loạn. Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt không kịp mặc giáp, ngựa không kịp đóng yên vội vã qua cầu phao "tẩu" về phương Bắc. Quan quân tranh nhau đứt cầu phao, chết trôi đầy sông. 29 vạn quân Thanh tan tành. Lời hứa của Quang Trung được thực hiện sớm hơn 2 ngày. Tiệc khao quân được mở...

"Cùng với bộ đội chiến trường - Thượng tướng nói tiếp - chúng tôi trong Bộ Tư lệnh Miền cùng các anh Trung ương Cục: anh Phạm Hùng, anh Nguyễn Văn Linh... ăn tết Mậu Thân trước hơn mười ngày để kịp triển khai nhiệm vụ. Ăn tết với tinh thần tượng trưng, còn thì luôn trăn trở ý đồ chiến lược, rà soát lại các mệnh lệnh, biện pháp chiến thuật, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật... Chỉ huy Sở tiền phương của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền được thành lập hai bộ tư lệnh cho hai mặt trận:

1 - Mặt trận hướng Bắc gọi: Tiền phương Bắc, hay Tiền phương 1, chỉ đạo quân chủ lực Miền và các đơn vị mũi nhọn của các phân khu 1, 4, 5 và một phần của Phân khu 2 ở hướng Bắc và Đông thành phố; phụ trách các địa bàn: Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Lái Thiêu, Thủ Đức, Bình Tân. Mục tiêu là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các căn cứ quân sự ở Gò Vấp và Bộ tổng tham mưu ngụy; hướng này còn gọi là hướng Tổng công kích, do Trần Văn Trà làm Tư  lệnh. 

2 - Mặt trận hướng Nam, gọi: Tiền phương Nam, hay Tiền phương 2, chỉ huy các đơn vị chủ lực hướng Nam và Tây Nam, gồm quận 1 đến quận 8; với các đơn vị mũi nhọn của Phân khu 3 và một phần Phân khu 2, tỉnh Long An. Chỉ huy toàn bộ Phân khu 6 (gồm các lực lượng biệt động nội thành Sài Gòn), cùng các tổ chức võ trang của các ban ngành đoàn thể nội thành. Tấn công các mục tiêu: dinh Độc lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ tổng tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân, Tổng nha Cảnh sát; phát động quần chúng chiếm các xóm lao động đón quân chủ lực vào thành. Hướng này gọi là hướng Tổng khởi nghĩa, do đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Trần Bạch Đằng phụ trách...".

Thượng tướng nhắc qua những nhiệm vụ, mục tiêu giao cho từng đơn vị mà bấy giờ tuyệt đối bí mật. Nhận được lệnh ngày N và giờ G rất cận mà đường xuất kích thì xa, nên xuất hiện câu thành ngữ mới: vừa chạy vừa sắp hàng! Trong khi Sở Chỉ huy Tiền phương Bắc cùng các đơn vị xuống đường thì Tư lệnh Trần Văn Trà phải "lên đường" do được phái đi báo cáo thông qua Trung ương Đảng kế hoạch đặc biệt "tổng công kích, tổng khởi nghĩa" ở Sài Gòn.

Trong chuyến đi này, Tư lệnh mang theo một kế hoạch lịch sử trọng đại, nhưng bí mật tuyệt đối, nên chỉ được ghi vào óc và nói ra từ miệng mình, kể cả những gì báo cáo và những chỉ thị nhận về. Thời gian rất ngắn, trước ngày N chỉ có 15 ngày, nên phải tìm cách đi nhanh nhất, bằng con đường ngắn nhất, để sao cho còn đủ thời gian trở về đuổi theo Sở Chỉ huy tiền phương 1, kịp triển khai nhiệm vụ đến các đơn vị.

Tư lệnh đã tìm được phương cách tối ưu: 2 ngày đi, 3 ngày báo cáo toàn bộ kế hoạch, xin thông qua, nhận chỉ thị cuối cùng của Bộ Chính trị và 2 ngày về. Thượng tướng chưa nói cụ thể về chuyến đi thần tốc trong 7 ngày này là từ đâu, đi đến đâu và bằng phương tiện gì? Nói đến đây Thượng tướng dừng lại trầm ngâm, rồi rạng rỡ vẻ mặt:

- Trong đời bộ đội, đây là nhiệm vụ rất hiếm mà tôi phải thi hành một cách đơn thương độc mã. Bây giờ nhớ lại chuyến đi ấy, tôi vẫn còn cảm giác phấn khởi vì đã hoàn thành một nhiệm vụ nặng nề và quan trọng đầu tiên của Xuân Mậu Thân - 1968.

Trong niềm phấn khởi, Thượng tướng bày tỏ niềm vinh hạnh là lần thứ ba được gặp lại Bác Hồ, được Bác dặn dò những điều hết sức tâm đắc: "Trong cuộc chiến tranh này ta không phải tiêu diệt hết quân Mỹ để thắng mà là ta phải đuổi hết Mỹ để thắng. Đó là tinh thần, trí tuệ và sức lực Việt Nam. Ta kiên trì, ta nhất định thắng". --PageBreak--

Trở về, phải mất 2 ngày báo cáo các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, nên Tư lệnh chỉ còn 6 ngày để "xuống đường", đuổi theo Sở Chỉ huy Tiền phương Bắc của mình. Tư lệnh cũng phải vừa chạy vừa sắp hàng cùng đoàn tùy tùng. Bước đầu, Sở Chỉ huy đặt tại khu vực Sa Thiên - Bến Cát, Tư lệnh triệu tập thủ trưởng các đơn vị chủ lực, các phân khu 1, 4, 5 và 6, hạ đạt mệnh lệnh tấn công vào các mục tiêu được phân công...

Sát ngày N, Sở Chỉ huy dời xuống Bưng Còng. Tại đây, không khí tết vẫn bình thường. Máy bay địch hoạt động cũng ít hơn bình thường. Nhưng lòng người thì rạo rực khác thường. Đêm Ba mươi tết, bên chiếc đài bán dẫn, Tư lệnh hồi hộp canh từng giây đón chờ giao thừa để được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết. Phút giao thừa có tính chất lịch sử, Tư lệnh xúc động một cách tôn nghiêm. Thơ Bác từng câu mang ý nghĩa thiêng liêng hơn mọi năm: "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!". Tư lệnh bộc bạch ý tưởng: Phải chăng đó là mệnh lệnh của đất nước ký thác, vừa là khí phách của niềm tin toàn thắng!

Ngày N giờ G hằng mong chờ khắc khoải đã đến, Tư lệnh ra sân, từ vùng đất nam Bến Cát "tam giác sắt" nhìn về bầu trời Sài Gòn, tai nghe từng loạt pháo ĐKB của ta nổ rền, mắt nhìn theo từng ánh lửa cầu vồng mà lòng không sao tránh khỏi nao nao... Bao nhiêu sinh linh sẽ phải ngã xuống vì vận mạng sống còn của Tổ quốc!

Càng nghĩ đến đồng bào, chiến sĩ  đang trong lửa đạn, Tư lệnh càng không thể ngồi yên chờ tin báo về. Ông giao Sở Chỉ huy cho đồng chí Sáu Nam (tức Lê Đức Anh - bấy giờ là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền), tổ chức một bộ phận Sở Chỉ huy tiền phương nhẹ đi bằng ghe theo sông Sài Gòn tiến xuống chiến trường.

Chiều ngày mùng Hai tết, vì đường sông phải qua ngang thị xã Bình Dương nên Tư lệnh lên xã Bình Mỹ, ghé vào một ấp chiến lược vừa được giải phóng. Tình cờ vào một nhà dân, chưa kịp thăm hỏi thì chủ nhà đã mừng rỡ tiếp đón rất thân tình. Tư lệnh kể một cách tha thiết là thấy trên bàn thờ chưng cặp dưa hấu rất to, da xanh đen láng, to tới mức chưa bao giờ ông được trông thấy. Rồi trong nháy mắt cặp dưa trên bàn thờ được bà má bê xuống, xẻ ra ngay đến mức can cũng không kịp.

Trải qua chặng đường dài, tránh bom đạn gian nan, giờ được ăn miếng dưa của lòng dân thật mát ruột, đó là một ấn tượng gây xúc động lâu bền về mối tình quân dân, càng thấm thía câu thành ngữ: "xanh vỏ đỏ lòng". Đây là dân ấp chiến lược ven Sài Gòn, hằng ngày đối mặt với lính quốc gia, lính Mỹ, đâu được gần gũi cán bộ cách mạng như dân vùng tranh chấp. Xanh vỏ là dân quốc gia, nhà treo cờ vàng ba sọc, nhưng đỏ lòng là tinh thần yêu nước, yêu chính nghĩa.

Sở Chỉ huy tiền phương nhẹ tiếp tục tiến sâu xuống ven đô, anh em bố trí Tư lệnh ở nhà tên cai tổng đã chạy trốn. Ông bảo: "Ở nhà ngói to nhất vùng không ổn đâu".

Vệ binh tìm cho Tư lệnh ở trong cái chòi mía vô chủ. Tại đây Tư lệnh bắt liên lạc với Bí thư Khu ủy Sài Gòn, một cuộc họp bất thường diễn ra trong căn hầm cấu trúc sơ sài. Máy bay các loại liên tục quần đảo, bắn rốckét xối xả. Máy bay "cá rô" quạt tốc lá các luống mía, banh miệng hầm, thả trái khói. Đồng chí bảo vệ đề nghị mọi người tham dự cuộc họp phân tán. Tư lệnh cùng các cán bộ dự họp vừa ra khỏi thì quả rốckét phóng trúng ngay hầm, thoát chết trong chớp mắt; còn ngôi nhà ngói định ở lúc đầu bị bom dội tan tành. Tư lệnh đòi sang sông Rạch Tra cho gần các đơn vị đang chiến đấu trong Sài Gòn. Nhưng vệ binh giữ lại, cũng vừa lúc các đơn vị "mũi nhọn" nghe tin Tư lệnh xuống sâu chiến trường, điện sẽ sang sông gặp Tư lệnh. Bên hông sào huyệt của địch, Tư lệnh nắm tình hình cụ thể, chỉ đạo kịp thời cuộc tiến công và nổi dậy.

Trong mấy ngày Tư lệnh đóng Sở Chỉ huy tại Bình Mỹ, có các đồng chí Gấm - Huyện đội trưởng Hóc Môn, Chín Nhỏ - Bí thư Phân liên khu 1 và nữ đồng chí Tuyết, Bí thư chi bộ xã Bình Mỹ, dù bận rộn đủ thứ việc trong phong trào nổi dậy, vẫn lo lắng bảo vệ Tư lệnh. Họ gọi Tư lệnh bằng anh Tư Chi rất thân tình. Chị Tuyết vận động bà con lo cơm nước, đem đến tận các điểm ăn tập thể và săn sóc, chuyển đưa thương binh. Tư lệnh cùng hòa nhập chiến sĩ, mặc sơ mi, quần cụt thích nghi chiến trường, tới bữa đến ăn cơm chung. Không khí tết chiến đấu thật náo nức và đậm đà hương vị: dưa cải, thịt kho rệu, bánh tét, bánh phồng, dưa hấu... của bà con từng nhà góp lại.

- Tết Bình Mỹ Xuân Mậu Thân trở thành kỷ niệm - hồi tưởng xúc động, Thượng tướng tâm sự - Được gặp dân, cùng cán bộ cấp huyện, xã. Họ lo cho mình đến cảm động, ngược lại mình đóng góp ý kiến chỉ đạo sát diễn biến tình hình, làm họ phấn khởi mà mình cũng hài lòng. Còn trong số các cán bộ chủ lực và phân khu vượt sông Rạch Tra về báo cáo tình hình, để lại hình ảnh xúc động hơn hết là Năm Truyện, biệt danh “Năm Sài Gòn”. Anh bơi sang sông Rạch Tra với quần đùi, mình trần khoác vải dù hoa và mắt mang kính cận, trông như anh lính đặc công nước.

Giọng ưu ái, Thượng tướng ca ngợi Năm Truyện: một tài năng quân sự lẫn tài hoa đời thường. Anh đã cải trang vào nghiên cứu tận mắt sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu quan trọng khác, nhờ đó đơn vị phối hợp tấn công sân bay và các căn cứ Cổ Loa, Phù Đổng thắng lợi. Theo dõi diễn biến tình hình, Tư lệnh chỉ đạo bám trụ vùng ven, giải phóng đồn bót, giữ vững bàn đạp tấn công cho đợt sau. Năm Truyện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, linh hoạt tổ chức trận phục kích tại Cầu Đụng, diệt 2 đại đội Mỹ thuộc Sư đoàn 25 - Tia chớp nhiệt đới về cứu nguy cho Sài Gòn...

Những ngày Tư lệnh ở Bình Mỹ thoát chết mấy lần. Làm việc xong với đơn vị nào, là ông bảo họ về ngay. Bởi vừa ở điểm này, dời qua điểm khác, chỗ cũ liền bị bom dội tan tành. Bộ binh chúng không dám vô, đồn bót cố thủ, chỉ còn hỏa lực chi tối đa. Trên bầu trời lúc nào cũng có hàng chục máy bay các loại. Bom miểng, bom xăng, hỏa tiễn, pháo bầy... dội xuống liên tục. Tư lệnh phải làm việc trong vườn mía, trong hầm hố và luôn phải di chuyển...

* * *    

Bản lĩnh chiến trường, sáng tạo nghệ thuật quân sự, Tư lệnh với tác phong sâu sát, từng có mặt ở những nơi nóng bỏng, ác liệt, lãnh đạo và chỉ huy những chiến dịch lớn: Bình Giã, Bàu Bàng, Dầu Tiếng... liên tiếp giành thắng lợi các chiến dịch giải phóng Lộc Ninh, giải phóng Phước Long, mở ra một khả năng cực kỳ thuận lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lần đầu tiên ngụy quyền bị mất trọn vẹn một tỉnh, Thiệu ra lệnh Sài Gòn cùng thị xã các tỉnh treo cờ tang.

Sau Mậu Thân, Mỹ thực thi chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh - "thay màu da xác chết" có nghĩa "dùng người Việt đánh người Việt", đành cay đắng đón nhận thất bại...

Thanh Giang
.
.