Ucraina: Những nấm mộ tập thể

Thứ Hai, 13/08/2007, 10:15
Trong thời gian vừa qua, đất nước Ucraina đã trở thành tâm điểm của những phát hiện muộn màng nhất về thế chiến thứ II, nơi các nhà nghiên cứu vừa tìm ra một nấm mộ tập thể của những người Do Thái, nạn nhân của kế hoạch diệt chủng do Đức Quốc xã phát động.

Một lần nữa, phát hiện này lại nhắc đến những kỷ niệm buồn của một thời quá khứ đã hơn 60 năm qua.

Sau Thế chiến thứ II(1939 – 1945), người ta nhắc nhiều đến những trại tập trung của Đức Quốc xã (ĐQX) tại Balan, Hungary, Tiệp Khắc  (Cộng hòa Czech)..., không mấy người biết rằng vùng đất nay thuộc về hai nước Ucraina và Moldova cũng đã chứng kiến thảm họa diệt chủng mà nạn nhân là hàng trăm ngàn người Do Thái  đang cư trú ở đó.

Tháng 6 vừa qua, trong lúc đào đất chuẩn bị lắp đặt đường ống dẫn khí đốt gần ngôi làng Gvozdavka-1 thuộc thành phố Odessa, các công nhân Ucraina phát hiện một nấm mộ tập thể của những người Do Thái bị sát hại trong thời gian ĐQX chiếm đóng khu vực này.

Theo các nhà nghiên cứu sử và các nhân chứng còn sống đến ngày nay, vào những năm tháng đầu Thế chiến thứ II, ĐQX đã thiết lập 2 ghetto (khu định cư dành riêng cho người Do Thái) gần ngôi làng Gvozdavka-1 và đưa người Do Thái từ những nơi mà nay là Moldova và Ucraina về cư trú.

Tháng 11/1941, họ thiết lập một trại tập trung tại vùng này, nhốt 28.000 cư dân Do Thái vào trong đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 10.000 người bị sát hại, với mật độ 500 người mỗi ngày.

Đến khi Thế chiến II kết thúc, tính ra đã có khoảng 240.000 người Do Thái bị sát hại trên toàn vùng Odessa.

Ông Ilia Levita, Chủ tịch Hội đồng Do Thái Ucraina, xác định hiện có trên 700 nấm mộ tập thể của nạn nhân ĐQX đang nằm rải rác trên đất Ucraina và Moldova ngày nay. Từ năm 1991, khi khối Liên Xô không còn nữa, người ta đã tìm thấy một số nấm mồ, nhưng còn nhiều nơi chưa phát hiện được.

Nấm mộ vừa được khai quật vào tháng 6/2007 là một trong số những chứng tích tội ác mà ĐQX đã để lại trong vùng này, và đến nay, vẫn còn nhiều chứng tích khác nữa đang cần sự soi sáng của ngọn đuốc lịch sử, công bằng và không khoan nhượng

Minh Chiêm (Theo Time, Le Monde)
.
.