V.I.Lênin - Con người vĩ đại của thế kỷ XX

Thứ Hai, 03/11/2008, 15:00

Tên tuổi V.I. Lênin mãi mãi gắn liền với cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga như một vị lãnh tụ đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, nhà tư tưởng, nhà chính trị vĩ đại. Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2008), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu ý kiến của nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng người Nga Aleksandr  Zinovyev (A.Z) trả lời phỏng vấn của nhà báo Nga Viktor Kovzemyaco (V.K).

- V.K: Trước đây, trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười tên tuổi người  thành lập ra nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trên thế giới luôn luôn được nhắc đến. Hiện nay nhà nước đó không còn nữa. Xin ông cho biết ý kiến của mình?

- A.Z: Tôi sẽ nói không phải với tư cách một nhà nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, mà như một nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tuân theo nguyên tắc: Chân lý, chân lý bằng mọi giá.

Sự đánh giá của tôi về Lênin mà tôi đã phát biểu nhiều lần, như sau: đó là một trong những con người vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại của thế kỷ XX. Khi người ta đề nghị tôi nêu tên những con người vĩ đại nhất của thế kỷ đã qua, tôi đã nêu và bây giờ xin nhắc lại: Lênin và Stalin. Thế kỷ XX là thế kỷ của Lênin và Stalin. Mặc dù thời trẻ tôi là người chống Stalin, tôi từng bị bắt, bị ngồi tù, nhưng kết luận của tôi hôm nay vẫn như vậy. Và một khi tôi đã nói như vậy thì có nghĩa là tôi có những căn cứ nghiêm túc với tư cách là một nhà khoa học.

Nếu nói về sự đánh giá chung vai trò của Lênin trong lịch sử, thì tôi tin rằng khó có thể so sánh những nhà hoạt động khác với Lênin.

Thế kỷ XIX được ghi dấu bởi sự xuất hiện của tư tưởng Macxít vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đã đóng một vai trò vô cùng lớn lao ngay trong thế kỷ ấy, còn trong thế kỷ XX đã trở thành một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định sự phát triển của loài người.

Công lao lịch sử to lớn của Lênin là ở chỗ Người đã nghiên cứu hệ tư tưởng của Marx có lưu ý tới những thay đổi diễn ra trong xã hội loài người đến đầu thế kỷ XX, đã sáng lập ra một học thuyết có thể gọi là chủ nghĩa Lênin, và so với chủ nghĩa Marx đó là một bước tiến đáng kể.

Tiếp theo, sử dụng học thuyết này, Lênin đã sáng lập ra đảng Bônsêvich - một tổ chức của các nhà cách mạng hướng vào sự biến đổi cách mạng. Và khi xuất hiện thời cơ lịch sử thì nó liền được vận dụng. Trong lịch sử tôi chưa hề thấy một trường hợp khác tầm cỡ như vậy. Nếu không có Lênin, cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại và sau đó là Liên Xô, có lẽ trong lịch sử không xuất hiện cả một con đường tiến hóa trọn vẹn cùng tầm cỡ với con đường tiến hóa mà thế giới tư bản phương Tây đại diện. Con đường tiến hóa mới đó có ảnh hưởng hết sức to lớn tới toàn bộ sự phát triển tiếp theo của loài người. Nếu xét từ quan điểm đó thì tất nhiên Lênin là nhân vật số 1.

- V.K: Và trên cái nền đó nổi lên vấn đề nhân cách của Lênin. So với các lãnh tụ hiện nay Lênin là người như thế nào xét về phẩm chất con người?

- A.Z: Nhà thơ S. Esenin nói rất đúng: "Cái lớn nhìn rõ trong khoảng cách". Có thể lấy bất cứ con người vĩ đại nào, ví dụ, Napoleon, và viết: ông ta bị chứng đau thực quản, đau dạ dày, rằng ông ta thấp bé, bụng phệ. Nhưng dù sao Napoleon vẫn là Napoleon. Vẫn là người đã làm nên bao chiến thắng lẫy lừng và giáng cho chủ nghĩa phong kiến một đòn chí tử. Còn nhớ, mấy năm trước có ai đó ở Viện não phát biểu trên đài truyền hình thế này: người ta nói Lênin là thiên tài, nhưng chúng tôi đã xem não của ông và không thấy gì là thiên tài  trong đó cả. Kẻ nói điều này không chỉ là một thằng ngốc mà còn là đồ cặn bã. Vậy nếu người ta cho anh ta xem não của Kant, người mà chúng ta biết là có  cái đầu nhỏ, thì sao? Nhưng đó là một thiên tài! Có lẽ, chỉ  một kẻ thần kinh bị bệnh Down mới có cái đầu to nhất. Không, cần phải đánh giá con người qua những việc anh ta đã làm được. Và nếu ta xem xét Lênin như vậy thì Người thật xứng đáng được tôn thờ, ngưỡng mộ, kể cả về những phẩm chất cá nhân.

- V.K: Liệu có thể nói rằng Lênin đã cứu nhân dân Nga, nước Nga?

- A.Z: Tất nhiên. Ngoài ra, tôi xin bổ sung thêm một vấn đề nữa. Tất cả những gì đã và đang diễn ra trên hành tinh không nên chỉ quy về cuộc đấu tranh của các hệ thống xã hội. Bởi đối với phương Tây (đã và đang tiến hành cuộc chiến tranh chống lại nước Nga) chủ nghĩa cộng sản trong một ý nghĩa nhất định chỉ là cái cớ. Và nếu như cuộc Cách mạng Tháng Mười không diễn ra, chế độ Xôviết không hình thành ở nước Nga, thì phương Tây có thể đã tiêu diệt và xâm chiếm  khu vực này từ lâu rồi.

- V.K: Nghĩa là, cuộc đấu tranh của Lênin vì chế độ Xôviết cũng là cuộc đấu tranh vì nước Nga?

- A.Z: Hoàn toàn có thể nói rằng chế độ Xôviết được hình thành như một phương thức tồn tại của các dân tộc thuộc đế quốc Nga cũ và trước hết là nhân dân Nga. Nếu như ở nước ta không có sự lãnh đạo của Lênin thì nước Nga từ lâu  có thể đã trở thành thuộc địa và bị xé ra từng mảnh.

- V.K: Về thực chất, điều đó đã  bắt đầu diễn ra  từ năm 1991.

- A.Z: Và hiện nay, sau khi hệ thống Xôviết sụp đổ, xu hướng này vẫn tiếp diễn. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng những phát kiến xã hội ở nước ta đã bị phương Tây vay mượn. Tôi đã viết: có cảm giác như là phương Tây giận dữ vì nguời Nga đã vượt xa họ ít nhất là 50 năm về mặt tiến hóa. Và họ đã đánh bại người Nga  để chiếm đoạt các phát kiến xã hội được thực hiện ở nước ta. Bạn nói: cần phải đền bù xứng đáng cho Lênin? Không có chuyện ấy đâu! Tất cả những gì chúng ta đã làm hiện nay đều bị khoắng sạch. Còn chúng ta bị xóa tên khỏi lịch sử. Không phải vì Lênin nhỏ bé. Ngược lại, vì Người vĩ đại!

Lênin và Stalin bị xóa tên, còn bọn cơ hội như Gorbachov, Eltsine được thổi phồng. Còn nhớ, khi  đang là Bí  thư Tỉnh ủy Moskva, Eltsine có lần đã phát biểu tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và nói: “Tôi xin thề với Ban chấp hành trung ương Lêninit thân yêu và cá nhân đồng chí Leonid Ilich Brezhnev”...Chưa kịp ngoảnh lại đã thấy con người này chạy tót sang Mỹ và tuyên bố: “Tôi xin thề với các ngài rằng chúng tôi không để cho con quái vật chủ nghĩa cộng sản hồi sinh”.

Thế là thế nào? Đó là loại người gì vậy? Gorbachov bây giờ làm ra vẻ như ngay từ đầu đã có mục đích phá hoại chế độ Xôviết. Liệu bạn có thể hình dung nổi cái anh chàng cán bộ đoàn thanh niên Cômxômôn bất tài, hãnh tiến luôn tìm cách leo cao trên con đường danh vọng lúc bấy giờ lại nghĩ tới việc phá hoại Liên Xô? Thậm chí nếu lúc đó anh ta là điệp viên của phương Tây? "Chiến tranh lạnh" bắt đầu từ bao giờ? Mục đích của nó là gì? Hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu. Chỉ hạn chế thôi! Còn việc tiêu diệt thì  người ta bắt đầu nói tới muộn hơn, khi Gorbachov đã leo lên chót vót đỉnh cao quyền lực.

- V.K: Thật cay đắng khi nhìn thấy hậu quả của việc đất nước bị đẩy ra khỏi con đường của Lênin.

- A.Z: Điều khủng khiếp nhất là việc phá vỡ hệ thống xã hội được xây dựng ở nước ta nhờ nỗ lực của những con người như Lênin, Stalin, đã khiến cho nước Nga đánh mất khả năng tồn tại trong những điều kiện hiện nay trên hành tinh, khả năng tự vệ và bảo vệ những giá trị lịch sử của mình. Chính phương Tây thường xuyên mong muốn điều đó, đặc biệt là từ những ngày đầu tồn tại hệ thống Xôviết dưới sự lãnh đạo của Lênin.

Tội ác lớn lao chống lại những con người ưu tú nhất của đất nước ta đã được thực hiện. Nó đang tiếp diễn, hơn nữa lại được điều khiển bởi một chính quyền cao nhất, với sự ủng hộ của cái gọi là giới thượng lưu trí thức và văn hóa.

- V.K: Nghĩa là, trong một ý nghĩa nhất định nó mang tính chất hệ thống, có mục đích rõ rệt?

- A.Z: Đang diễn ra một cuộc hoan lạc của chế độ tư hữu, cuộc hoan lạc của bọn phản cách mạng. Đây thậm chí không phải là sự phản ứng chống lại thời kỳ Xôviết, mà còn là chống lại những gì trên thế giới vốn là kết quả của thời đại Phục hưng. Người ta muốn nhấn chìm thế giới vào thời Trung cổ tăm tối. Bạo lực bùng phát khắp mọi nẻo đường. Sự hình thành nên đế quốc thế giới hiện nay do Hoa Kỳ cầm đầu là một hiện tượng khủng khiếp. Liên Xô đã từng là một đối trọng của nó và được kính nể. Còn hiện nay người ta bất chấp tất cả.

Không kể xiết tất cả những gì mà đất nước của Lênin đã đánh mất trong những năm gần đây. Tôi đã đề cập tới điều đó phần nào. Tôi chỉ muốn nói thêm một điều: Trong những năm dưới chế độ Xôviết, và bắt đầu chính từ Lênin, sau đó được tiếp tục mạnh mẽ dưới thời Stalin, đời sống của đất nước ta được đặc trưng bởi sự hướng tới tương lai, tính năng động phi thường và một nỗ lực lịch sử đặc biệt.

Bất chấp những khó khăn về kinh tế, bất chấp mọi điều xảy ra, tất cả chúng ta đều cảm thấy mình là những người tham dự vào một sự nghiệp lớn.

- V.K: Một sự nghiệp lịch sử?

- A.Z: Mang tầm thời đại! Bây giờ điều đó đã bị tiêu diệt. Một sự định hướng như vậy, một cảm giác tham dự vào lịch sử như vậy đã bị thủ tiêu. Mà đó là một nhân tố mang tính khích lệ và tổ chức, nó quyết định toàn bộ đời sống của đất nước, bắt đầu từ giới lãnh đạo cao cấp tới những thành phần  nhỏ nhất của xã hội. Đất nước lúc bấy giờ, có thể nói, được thăng hoa.

Bây giờ tất cả đã biến mất, và kết quả ra sao? Một thời kỳ dài sau khi Liên Xô sụp đổ và thời Eltsin đã làm đảo lộn mọi giá trị đạo đức truyền thống...

Trình độ sức sản xuất của dân cư giảm mạnh. Cơ cấu dân cư dưới thời Xôviết ít nhất là có 80% những người hữu ích về mặt xã hội: công nhân, nông dân, kỹ sư, kỹ thuật viên, bác sĩ, giáo viên, cán bộ khoa học, sĩ quan... Vâng,  80%. Còn hiện nay thì sao? Một sự tương phản hoàn toàn. Bộ máy quan liêu tăng lên gấp đôi so với cả Liên Xô cũ! Hơn 1 triệu thanh niên trẻ và khỏe mạnh nhất đi làm vệ sĩ. Họ không cần học vấn lẫn văn hóa. Và còn biết bao nhiêu người tham gia vào các băng nhóm tội phạm. Ma túy, say rượu đã đạt tới quy mô đáng báo động.

Trong giai đoạn Putin làm Tổng thống và đến nay, kinh tế đã được phục hồi, vị trí cường quốc của nước Nga đã dần được khôi phục... nhưng phải mất thời gian nữa mới có thể được như thời Liên Xô cũ

Trần Hậu (Dịch từ www.conttv.ru)
.
.