Kỷ niệm 50 năm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN):

Vài kỷ niệm về ASEAN

Thứ Hai, 07/08/2017, 09:50
Bên lề một cuộc họp bàn về kế hoạch triển khai, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi tôi ra một góc để bàn về lộ trình tiến hành và nhất trí rằng, trước hết hãy đi các nước Đông Nam Á, rồi đoàn đại biểu cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta chính thức thăm Trung Quốc, tiếp đó mở ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp đến là Tây Âu. Tôi được cử đi tiền trạm và sau đó tháp tùng các đoàn đi thăm các nước Đông Nam Á và Trung Quốc...


Nhân ASEAN tròn 50 tuổi, tôi xin chia sẻ một số kỷ niệm riêng tư liên quan tới một tổ chức mà nay đất nước ta đã trở thành thành viên tích cực.

Số phận run rủi, tôi vào ngành ngoại giao từ rất sớm. Năm 1954 chúng tôi đang học ở Khu học xá Việt Nam đặt ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) thì được cử sang Liên Xô học tiếng Nga để làm phiên dịch và đầu năm 1956 được lấy ra làm việc tại Đại sứ quán nước ta ở Mát-xcơ-va.

Đầu những năm 60 tôi được cử vào học tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế nổi tiếng MGIMO; ngôn ngữ tôi chọn là... tiếng Tan-ga-lốc, tức thổ ngữ chủ yếu ở Philippines! Có lẽ điều đó là điềm báo hiệu sau này số phận của tôi ít nhiều sẽ gắn bó với Đông Nam Á.

Đó là chuyện sau này chứ lúc ấy tôi có biết gì về cái khu vực ngay sát nước mình nhưng rất xa xôi về quan hệ đó đâu. Đến ngay việc ASEAN ra đời ngày 8/8/1967 tôi cũng chẳng để ý vì luôn nghĩ rằng, đó chẳng qua là tổ chức thay thế cho Hiệp ước An ninh Đông Nam Á (SEATO) do Mỹ dựng lên năm 1954 như NATO ở châu Âu, CENTO ở Trung Cận Đông... mà thôi. Tâm tư ấy cũng dễ hiểu trong thời Chiến tranh lạnh, hơn thế nữa điều này cũng phản ánh đúng thực tế khi một số nước thành viên ASEAN đã từng gửi quân cùng Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

Thế rồi thế sự xoay vần, cuối những năm 80 đất nước ta đi vào công cuộc đổi mới về cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Lúc ấy tôi đã trở thành Trợ lý Bộ trưởng - một chức danh “hờ” dành cho những người “tập sự cấp Bộ”. Trên cương vị ấy, ít nhiều tôi đã được tiếp cận với quá trình hình thành và thực thi chính sách ở tầm quốc gia.

Thời điểm đó, ở Bộ Ngoại giao có cơ chế “tập sự cấp Vụ” và “cấp Bộ” bao gồm những người đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định và kinh qua quy trình bầu từ dưới cơ sở lên lãnh đạo Bộ, “tập” làm Vụ phó và Thứ trưởng 2 năm, nếu đáp ứng yêu cầu và được nhất trí bầu thì sẽ được đề bạt chính thức.

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải sang) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei. Ảnh: Chinhphu.vn.

Tôi còn nhớ, trong nghị quyết của Đại hội VI - Đại hội phát động công cuộc đổi mới đã nêu cao chính sách đối ngoại hòa bình và hữu nghị, trong đó bày tỏ lòng mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Indonesia và các nước Đông Nam Á khác. Cụ thể hóa chủ trương chiến lược đó, tuy chưa đặt hẳn vấn đề gia nhập ASEAN nhưng lãnh đạo ta đã quyết định thiết lập khuôn khổ cùng tồn tại hòa bình và không đối lập giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia với ASEAN.

Lúc ấy trong Bộ Ngoại giao chúng tôi cũng trao đổi sôi nổi lắm về câu chuyện mang tính bước ngoặt này, cuối cùng quyết định tung “quả bóng thăm dò” bằng cách thông qua một cuộc trả lời phỏng vấn của báo nước ngoài bày tỏ ý muốn tham gia Hiệp ước Bali, tức là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC). Đáp lại, tháng Giêng năm 1992, ASEAN đáp ứng và từ đó nước ta trở thành quan sát viên của ASEAN.

Trước khi kể về quá trình tham gia sinh hoạt ASEAN, tôi xin chia sẻ một số câu chuyện liên quan tới quan hệ song phương giữa nước ta với các nước Đông Nam Á. Mọi người đều biết, Hiệp định quốc tế về Campuchia ký ở Paris năm 1991 mà nước ta có những đóng góp quan trọng đã mở ra cơ hội lớn để nước ta đẩy lui chính sách bao vây, cô lập Việt Nam. Tạo dựng và nắm bắt cơ hội đó, lãnh đạo ta quyết định chủ động, tích cực trước hết bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng.

Bên lề một cuộc họp bàn về kế hoạch triển khai, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi tôi ra một góc để bàn về lộ trình tiến hành và nhất trí rằng, trước hết hãy đi các nước Đông Nam Á, rồi đoàn đại biểu cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta chính thức thăm Trung Quốc, tiếp đó mở ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp đến là Tây Âu. Tôi được cử đi tiền trạm và sau đó tháp tùng các đoàn đi thăm các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Chuyến đi lịch sử, mang tính mở đường ấy để lại trong tôi biết bao kỷ niệm không sao kể xiết được. Cảm tưởng đầu tiên là thái độ “tay bắt mặt mừng” giữa những người láng giềng sau bao nhiêu năm xung khắc, nhiều khúc mắc được giải tỏa nhanh chóng. Các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo ta với lãnh đạo các nước hết sức thân tình như những người bạn.

Ví dụ, suốt 10 năm trước đó, Singapore thường tỏ ra gay gắt nhất với ta trên các diễn đàn quốc tế. Khi nghe tin đoàn ta sẽ đi thăm các nước Đông Nam Á thì Phó Thủ tướng Lý Hiển Long, nay là Thủ tướng, chủ động gặp anh Tư Triết (tức đồng chí Lê Văn Triết, Bộ trưởng Thương mại nước ta) dừng chân ở Singapore trên đường từ Australia về nước và ngỏ ý muốn đón Thủ tướng ta.

Nhận được điện thoại của anh Tư Triết, tôi báo cáo ngay anh Sáu Dân (tức Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và được chấp thuận. Hay khi đi tiền trạm sang Brunei, tôi chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ đã thỏa thuận xong mọi việc, kể cả việc soạn thảo và thông qua thông cáo về việc kiến lập quanh hệ ngoại giao!

Thế mới biết, trong quan hệ quốc tế, không thể “há miệng chờ sung” để đón thời cơ mà phải chủ động tạo dựng thời cơ; khi thời cơ xuất hiện cần phải nắm lấy ngay nhưng muốn tận dụng tốt thời cơ thì phải biết cách hành động mới có hiệu quả. Một điều nữa tôi thu hoạch được là “ngoại giao song phương” và “ngoại giao đa phương” là hai mặt của tấm huân chương, cái nọ bổ sung, hỗ trợ cho cái kia. Những bài học ấy giúp tôi nhiều trong công việc sau này.

Xin trở lại câu chuyện tham gia ASEAN. Năm 1992, nước ta trở thành quan sát viên ASEAN và anh Nguyễn Mạnh Cầm, lúc đó là Ngoại trưởng đã sang Manila họp với các Ngoại trưởng Hiệp hội. Tôi nhớ vào buổi trưa anh gọi điện về cho tôi thông báo và đọc cho tôi nội dung Tuyên bố về Biển Đông mà ASEAN sẽ thông qua và đề nghị xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo và báo ngay cho biết.

Tức tốc đi xin ý kiến và được chấp thuận, tôi vội điện sang cho anh Cầm. Như vậy là, ngay từ đầu nước ta và các thành viên khác của ASEAN đã gặp nhau trong lòng mong muốn duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và lòng mong muốn chính đáng, thiết thân này được duy trì trong mấy chục năm qua.

Thế rồi điều gì phải đến đã đến. Năm 1995, ASEAN quyết định kết nạp nước ta vào Hiệp hội. Việc này diễn ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) ở Băng Cốc. Anh Cầm sang trước; tôi ở lại xin quyết định của cấp cao và sang đúng vào lúc Hội nghị bàn về vấn đề kết nạp Việt Nam.

Sau khi các Ngoại trưởng thống nhất, tôi được mời họp với các SOM (tức là các quan chức ở hàm Thứ trưởng) để bàn về thủ tục. Vào họp tôi mở đầu bằng câu: “Yours Excellensies!” (Thưa các quý ngài) liền bị các bạn ASEAN ngắt lời: “Giữa chúng ta không có “các ngài” mà chỉ là bạn bè thôi!”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Đối với việc ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) thì không có vấn đề gì nhưng khi bạn yêu cầu ta phải ký Hiệp định khung về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT) tôi bèn hỏi: “CEPT là gì?”. Các bạn ASEAN ngớ ra và hỏi lại: “Các bạn vào ASEAN mà không biết CEPT là gì à?”.

Tôi thành thật trả lời là thực sự chưa biết. Tuy nhiên, lợi ích lớn là tranh thủ Việt Nam tham gia ASEAN nên bạn đồng ý ta sẽ ký sau và nhận đón đoàn liên ngành của ta sang tìm hiểu, học tập. Sau đó tôi dẫn đầu một đoàn cán bộ cấp Vụ của các Bộ Ngoại giao, Tài chính, Thương mại, Kế hoạch... sang Ban Thư ký và một số nước để nghiên cứu; ở mọi nơi, chúng tôi đều được bạn giới thiệu nhiệt tình, cặn kẽ. Thế đủ biết bước đầu hội nhập khu vực, ta khó khăn thế nào.

Tôi không thể nào quên ngày 28-7-1995 khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Nghi lễ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia trên đồi cao ở Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei. Lúc đó là buổi chiều, sau khi anh Đỗ Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ ASEAN mới được thành lập trao cho ông Tổng thư ký A-dít Sinh lá quốc kỳ để chuyển cho đội danh dự kéo lên đỉnh cột cờ, bài “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên. Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió trên nền trời xanh ngắt, tất cả anh em Việt Nam chúng tôi có mặt ở đó đều vô cùng xúc động.

Trong óc tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ: biết bao người con Việt Nam đã anh dũng hy sinh, lấy máu đào tô thắm ngọn cờ này mới có ngày hôm nay; những năm tháng chiến tranh, thù nghịch với láng giềng đã chấm dứt, từ nay dân ta có điều kiện sống trong hòa bình và tình thân hữu với các nước lân bang mà dân ta đánh giá là quan trọng hơn cả họ hàng xa!

Thế rồi những năm tháng cùng sinh hoạt trong đại gia đình ASEAN bắt đầu. Khuôn khổ bài báo không cho phép chia sẻ những câu chuyện lý thú về những năm tháng đó. Tôi chỉ xin lẩy ra đôi ba câu chuyện để minh họa cho những lợi ích mà nước ta đã thu lượm được.

Thứ nhất là chuyển từ mối quan hệ thù nghịch, nghi kỵ sang quan hệ thân tình, tin cậy. Do nghề nghiệp, tôi có điều kiện gặp gỡ rất nhiều người từ hàng mấy chục quốc gia với các tính cách rất khác nhau, song quan hệ với các bạn ASEAN vẫn có cái gì đó khang khác, thân tình hơn, tin cậy hơn. Sở dĩ vậy có lẽ vì ta và bạn cùng chia sẻ những cảnh ngộ tương đồng, có bản sắc văn hóa gần giống nhau, những lợi ích song trùng.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và thời kỳ nước ta bị bao vây, cô lập, quả thật ta và các bạn ASEAN không nhìn mặt nhau nhưng khi đã cùng hội cùng thuyền thì khác hẳn. Tôi không bao giờ quên mối quan hệ rất thân thiết với các Tổng thư ký ASEAN như A-dít Sinh, người Malaysia; Xê-vê-ri-nô, người Philippines; Xu-rin người Thái Lan...; các Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Malaysia Ca-min, Singapore Ki-so Ma-ru-ba-ni, Brunei Lim Chốc Sen...

Ngày nay tôi biết chơi golf là do các ông này đã rủ rê, thậm chí cung cấp cho tôi cả gậy golf trong buổi ban đầu. Tình thân ấy đã giúp giải quyết biết bao vấn đề quốc gia đại sự, trong đó có những vấn đề rất nhạy cảm như phân định vùng biển với Malaysia, Thái Lan, Indonesia;  giải quyết vấn đề ngư dân với Thái Lan, Indonesia, Malaysia; phòng chống cướp biển, đối thoại an ninh trong ARF, tranh chấp trên Biển Đông...

Qua điều này, tôi nghiệm thấy rằng, bên cạnh lợi ích quốc gia dân tộc, mối quan hệ giữa người với người đóng vai trò khá quan trọng. Mối quan hệ riêng tư có thể đóng góp hữu hiệu vào việc hài hòa hóa các lợi ích quốc gia.

Thứ hai là, các nước Đông Nam Á là những đối tác cực kỳ quan trọng về thương mại, đầu tư. Khi bồi đồng anh Sáu Dân thăm các nước trong khu vực, chủ đề “làm ăn” luôn chiếm vị trí hàng đầu. Thủ tướng Malaysia trao đổi rất tâm đắc và thỏa thuận với ta trong việc cùng nhau khai thác dầu khí, mở khu công nghiệp.

Ồng Lí Quang Diệu và Thủ tướng Gô Chốc Tông rất tâm đắc với ý tưởng lập các khu công nghiệp ở Việt Nam mà nay rải ở nhiều nơi, từ Bình Dương ra Hải Phòng, Bắc Ninh, Dung Quất, Nghệ An... Tôi rất tâm tư thấy không phải doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nào cũng hiểu thấu tầm quan trọng trong việc làm ăn với các nước láng giềng với cái cớ là cơ cấu kinh tế ít tính bổ sung cho nhau.

Tuy có thực tế ấy song còn biết bao kẽ hở, những cái ngách, những lợi thế có thể tận dụng được, chỉ có điều chưa chịu khó tìm kiếm, tận dụng mà thôi. Ta cứ than thở “thua trên sân nhà”, kêu ca rằng họ chiếm lĩnh thị trường của mình; điều đó cho thấy cách tiếp cận của họ chủ động hơn, tích cực hơn mình.

Một cái lợi vô hình nhưng cực kỳ quan trong là dựa vào “thế” là thành viên ASEAN, nước ta có điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, hội nhập với thế giới bên ngoài và nâng cao uy tín, vai trò của mình. Khi gia nhập ASEAN cũng là lúc nước ta từng bước đẩy lùi chính sách bao vây, cô lập, bình thường hóa quan hệ với các nước khác, nhất là các nước lớn.

Thông qua sinh hoạt trong ASEAN, nhất là trong ARF và PMC (tức là Hội nghị với các nước đối thoại sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN) ta có điều kiện ngồi ngang vai bằng vế với các ông lớn. Cùng ASEAN, nước ta là tác giả của ASEM, Diễn đàn Đông Á (EAF)...; khi ta đàm phán về việc gia nhập WTO, ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc..., ASEAN đã ủng hộ ta mạnh mẽ nhất...

Liên quan tới việc này, trong ASEAN còn nhắc mãi câu chuyện Việt Nam đã có “sáng kiến” đặt tên cho Diễn đàn Á - Âu. Khi ý tưởng liên kết ASEAN với châu Âu nảy sinh thì có câu chuyên đặt tên cho cơ chế này. Lúc đầu có nước đề nghị đặt là EAM (tức Cuộc họp Âu - Á); ta kiến nghị nêu châu Á lên trước vì đây là sáng kiến của ASEAN, nhưng nên gọi tắt thế nào? Nếu là AEM thì trùng tên với Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN cho nên ta đề nghị gọi là “ASEM”. Các bạn ASEAN đều nhất trí, coi đó là “đóng góp đầu tiên của Việt Nam cho ASEAN”!

Vào ASEAN chưa được bao lâu đã nảy sinh vấn đề đăng cai Hội nghị cấp cao. Khi các bạn ASEAN gợi ý, tôi có phần lo ngại vì chưa có kinh nghiệm và điều kiện vật chất còn hạn hẹp. Trước tình hình đó, tôi vội gọi điện về xin ý kiến và may mắn được chấp thuận. Chắc mọi người còn nhớ, Cấp cao Hà Nội đã để lại dấu ấn rất tốt đẹp cả về tổ chức lẫn nội dung như thế nào. Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện Tầm nhìn 2020 đã vạch ra cả một kế hoạch hành động cho Hiệp hội trong hơn một thập kỷ qua.

Tại hội nghị này đã nảy sinh một rắc rối. Số là nước ta chủ trương góp phần thúc đẩy ASEAN kết nạp Lào và Campuchia. Đối với Lào thì không có vấn đề gì, nhưng với Campuchia thì có vướng mắc vì năm 1997 ở Campuchia đã xảy ra sự cố chính trị phức tạp, các thành viên khác trong ASEAN tỏ ra nghi ngại trong việc kết nạp nước này.

Tại Cấp cao Hà nội, vấn đề kết nạp Campuchia được bàn thảo rất cam go, tới tận giữa đêm. Cuối cùng Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị ASEAN cứ quyết định về nguyên tắc, còn lễ kết nạp sẽ tiến hành sau. Gợi ý ấy đã được chấp thuận, thể hiện rõ nét “trường phái ngoại giao Việt Nam” luôn cơ động, linh hoạt và “kiểu cách ASEAN” (ASEAN way), tức là bảo đảm sự đồng thuận, chờ đợi, thông cảm nhau, tiến lên từng bước.

Có người tỏ ý sốt ruột, thấy ASEAN “tiến chậm”, chỉ nói là nói (talk and talk), họp hành liên miên. Một mặt tình hình đòi hỏi phải tiến nhanh hơn nhưng mặt khác, thực tế cho thấy phương châm “chậm nhưng mà chắc” hay “muốn đi xa nên đi chậm” là một chọn lựa thích hợp. Trong một tổ chức đa phương, chọn lựa phương cách nào để dung hòa cả hai yêu cầu là nhiệm vụ thường trực ASEAN.

Thế hệ chúng tôi chỉ hy vọng ASEAN, nay đã trở thành Cộng đồng, tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường đã chọn, làm cho khu vực yên bình, nhân dân các nước có cuộc sống ấm no hạnh phúc, giữ gìn bản sắc văn hóa, sống hòa thuận với nhau và không để bên ngoài chi phối, chỉ huy.

Vũ Khoan (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)
.
.