Tiết lộ về người cứu “3 ông lớn” thoát khỏi âm mưu ám sát của Hitler

Thứ Bảy, 07/07/2018, 08:19
Từ ngày 28-11 đến ngày 1-12-1943, tại Teheran, Iran, đã diễn ra một hội nghị với sự tham dự của 3 nhà lãnh đạo phe Đồng minh chống phát xít Đức. Đó là Nguyên soái Liên Xô Vissarionovich Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchil. Trọng tâm của hội nghị là bàn về các chiến lược nhằm đánh bại Đức Quốc xã.

Trước đó, tình báo Đức Quốc xã đã nắm được thông tin này, và một nhóm công tác đặc biệt theo lệnh của Hitler, lên đường đến Teheran với mục tiêu ám sát "Big Three - 3 ông lớn"…

Bối cảnh của vụ ám sát

Chỉ huy nhóm công tác đặc biệt Đức Quốc xã để thực hiện âm mưu ám sát "3 ông lớn" là thiếu tướng Ernst Kaltenbrunner, tư lệnh lực lượng SS. Phụ tá cho Kaltenbrunner là trung tá Otto Skorzeny, nhân vật huyền thoại của Cơ quan Tình báo quân đội Đức (Abwehr), người đã từng nhảy dù xuống Italia để giải thoát nhà độc tài Benito Mussolini, khi ấy bị những người trong Hội đồng Chấp chính Italia bắt giam nhằm vô hiệu hóa việc Mussolini liên minh với Đức Quốc xã.

Các ông Vissarionovich Stalin, Franklin D. Roosevelt và Winston Churchill tại Hội nghị Teheran 1943.

Vào thời điểm nhóm công tác đặc biệt đến Teheran thì nơi này tràn ngập người tị nạn Pháp, Bỉ, Áo, Tây Ban Nha, Hungary, Rumani, Ba Lan, Tiệp Khắc…,  trong đó có khoảng 20.000 người Đức, phần lớn là giới nhà giàu, chạy trốn chế độ phát xít. Lợi dụng ưu điểm đó, điệp viên Đức Quốc xã, Anh, Mỹ, Liên Xô, Pháp… thâm nhập vào cộng đồng để hoạt động.

Lúc này, Iran đang gặp nhiều khó khăn. Cuộc đấu tranh chính trị đã trở thành một cuộc nội chiến trong những năm 1920, và kết thúc với chiến thắng của Hoàng đế Reza Khan. Tiếp theo, Đế quốc Iran tuyên bố trung lập vì cần có thời gian để ổn định tình hình đất nước.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, Iran bỗng dưng trở thành một vị trí chiến lược quan trọng. Giàu dầu mỏ, lại nằm giữa các thuộc địa của Anh như Iraq, Ấn Độ nên năm 1941, một lực lượng quân đội phối hợp giữa Liên Xô và Anh tiến vào Iran, lập ra "Hành lang Ba Tư" nhằm nắm giữ con đường vận chuyển hàng hóa viện trợ quân sự cho Liên Xô - lúc ấy đang một mình chiến đấu trên mặt trận duy nhất ở Đông Âu, chống lại Đức Quốc xã.

Đến năm 1942, cả Liên Xô lẫn Anh và Mỹ đều đồng ý rằng nên có một hội nghị thượng đỉnh ở Teheran để xác định các chiến lược nhằm đánh bại chủ nghĩa phát xít. Sau nhiều vòng đàm phán bí mật, 3 quốc gia nhất trí hội nghị sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11-1943 với sự tham dự của "3 ông lớn": Vissarionovich Stalin, Franklin D. Roosevelt và Winston Churchil.

Mặc dù phía Đồng minh đã triển khai các biện pháp để giữ bí mật về thời gian sẽ diễn ra hội nghị, nhưng Cơ quan Tình báo Quân đội Đức Abwehr vẫn đánh hơi được. Theo Hitler, vụ ám sát "3 ông lớn" nếu thành công sẽ là một chiến thắng vĩ đại, và chiến tranh sẽ kết thúc, người Đức sẽ là bá chủ một nửa thế giới chỉ bằng một đòn duy nhất.

Vào trận

Tháng 5-1943, Nikolai Kuznetsov, điệp viên thuộc Cơ quan tình báo KGB, Liên Xô, trong vai sĩ quan Đức Quốc xã với cái tên Paul Siebert, công tác tại vùng chiếm đóng Ukraine, khi đi nhậu với một sĩ quan SS Đức Quốc xã là Ulrich von Ortel thì tình cờ phát hiện rằng người Đức đã biết "3 ông lớn" sẽ gặp nhau ở Tehran, và một vụ ám sát đã được lên kế hoạch.

Vartanian, 19 tuổi, khi chỉ huy nhóm điệp viên KGB phá kế hoạch ám sát "3 ông lớn".

Trong báo cáo gửi về Bộ Chỉ huy KGB, Kuznetsov cho biết Ulrich von Ortel nói ra điều này trong lúc say xỉn, và kế hoạch ám sát được đặt tên là "Long Jump - Bước nhảy dài". Chưa hết, Ulrich von Ortel còn tiết lộ thêm rằng chỉ huy kế hoạch Long Jump là tướng Ernst Kaltenbrunner, tư lệnh lực lượng SS, phó cho ông ta là trung tá "huyền thoại" Otto Skorzeny.

Tháng 6-1943, KGB tung điệp viên Gevork Vartanian vào trận. Sinh ngày 17-2-1924 tại Nor Nakhichevan - nay là Rostov trên sông Đông, Vartanian là con trai của một chủ nhà máy người Iran gốc Armenia đồng thời cũng là điệp viên của Liên Xô. Vartanian nói: "Đó chính là lý do cha tôi đưa gia đình trở lại Iran năm 1930 dưới lớp vỏ bọc một thương gia giàu có".

16 tuổi, thông qua cha mình, Vartanian bước chân vào nghề gián điệp. Chỉ trong gần 2 năm - từ tháng 2-1940 đến tháng 8-1941 - Vartanian cùng 7 điệp viên khác của KGB đã thành công trong việc phát hiện hơn 400 điệp viên Đức Quốc xã hoạt động ở Iran, trong đó có vụ bắt giữ chỉ huy lực lượng tình báo Đức Quốc xã tại Iran là Franz Meyer.

Theo Vartanian, ông và các điệp viên của mình đã mất một thời gian dài để truy tìm Franz Meyer. Cuối cùng Vartanian bắt được Meyer trong vỏ bọc phu đào huyệt tại một nghĩa trang dành cho người Armenia. Ông nói: "Chi tiết để chúng tôi phát hiện ra hắn là bộ râu dài của hắn đã được nhuộm sang một màu khác".

Được cử đi học tiếng Iran, sau khi tốt nghiệp với bí danh Amir, theo chỉ đạo của KGB, Vartanian viết đơn tình nguyện gia nhập khóa đào tạo điệp viên do Anh Quốc tổ chức, dành riêng cho những người nói tiếng Nga ở Tehran rồi lúc tốt nghiệp, Cơ quan Tình báo MI-6 sẽ cử họ sang Liên Xô hoạt động. Theo Cục tình báo KGB, Vartanian đã giúp Liên Xô phát hiện mạng lưới tình báo Anh ở Liên Xô mặc dù lúc đó Anh là đồng minh với Liên Xô trên mặt trận chống phát xít.

Nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho "3 ông lớn" trong Hội nghị Teheran, Vartanian mới chỉ 19 tuổi. Ngày 20-11-1943 - nghĩa là 8 ngày trước khi diễn ra hội nghị - Vartanian cùng các đồng nghiệp KGB nắm được thông tin một nhóm điệp viên Đức Quốc xã sẽ nhảy dù xuống thị trấn Oom, cách Teheran 40km với điện đài vô tuyến để chuẩn bị những bước đầu tiên cho vụ ám sát.

Vartanian kể: "Chúng tôi để họ nhảy dù an toàn rồi theo họ đến Teheran, nơi các gián điệp Đức Quốc xã nằm vùng đã chuẩn bị cho họ một biệt thự làm chỗ ở. Hôm sau, họ đi du lịch bằng lạc đà rồi bí mật nhận vũ khí tại một cơ sở khác. Tiến hành thu và giải mã những bản tin của họ gửi về Berlin qua hệ thống điện đàm vô tuyến, chúng tôi biết rằng người Đức đang chuẩn bị gửi đến một nhóm thứ hai - và nhóm này chính là nhóm sẽ thực hiện vụ ám sát - do trung tá Skorzeny cầm đầu.

Sau khi cân nhắc, KGB quyết định bắt nhóm điệp viên thứ nhất bởi họ không thể mạo hiểm để nhóm thứ 2 do trung tá Skorzeny chỉ huy, nhảy vào Iran khi mà thời điểm diễn ra hội nghị đã gần kề.

Việc bắt giữ đã chứng minh quyết định của KGB là đúng vì khi hỏi cung, KGB mới biết Abwehr, Cơ quan Tình báo quân đội Đức đã xây dựng thành công một mạng lưới tình báo ở Iran. Các tình báo viên của Abwehr gặp nhau trong một biệt thự, được xem như tổng hành dinh của Abwehr ở Teheran để nhận chỉ thị công tác. Theo KGB, nếu không bắt sớm, có thể có những nhóm sát thủ dự bị đề phòng trường hợp nhóm của trung tá Skorzeny thất bại, và việc tìm ra những nhóm dự bị ấy không phải là chuyện dễ dàng.

Tin tức về việc nhóm điệp viên tiền trạm Đức Quốc xã bị phía Liên Xô bắt gọn đến tai Abwehr. Chỉ huy cơ quan này sau khi xin ý kiến Hitler, đã ra lệnh hủy bỏ kế hoạch Long Jump. Về sau, lúc bị lính Mỹ bắt, trung tá Skorzeny khai ra chuyện ám sát "3 ông lớn": "Sự thật thì tôi không tham gia vụ này. Abwehr đưa tên tôi vào là nhằm khích lệ tinh thần của các nhóm công tác đặc biệt. Và đúng là ngoài nhóm thứ nhất, nhóm thứ 2, Abwehr còn có 3 nhóm dự bị khác…".

2 tháng sau ngày Đức Quốc xã đầu hàng, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, qua hồ sơ thu được từ Cơ quan Tình báo quân đội Đức Abwehr, phía Đồng minh mới biết trong 3 nhóm dự bị cho kế hoạch ám sát "3 ông lớn", thì có một nhóm đã tạo vỏ bọc rất tinh vi, không ai ngờ được.

Vẫn theo lời khai của Skorzeny, sau khi thất bại trong việc ám sát "3 ông lớn", ngày 21-10-1944, Hitler, giao cho Skorzeny chỉ huy một lữ đoàn gồm 200 lính Đức. Tất cả đều mặc quân phục Mỹ, vũ trang bằng súng trường Garand M1 và tiểu liên Thompson - là những loại vũ khí lính Mỹ sử dụng trong Thế chiến 2,  đi trên những chiếc xe Jeep và xe tăng Sherman do Mỹ sản xuất, thực hiện một chiến dịch mang tên "Greif".

Vượt qua phòng tuyến của lính Mỹ an toàn, Lữ đoàn Skorzeny đã gieo rắc sự hỗn loạn và nghi kỵ lẫn nhau trong hàng ngũ quân Đồng minh. Mục tiêu của chiến dịch "Greif" là Lữ đoàn Skorzeny sẽ  tiến về Paris để bắt sống hoặc giết chết tướng Eisenhower - tư lệnh các lực lượng Đồng minh ở châu Âu (sau này là tổng thống Mỹ).

Mặc dù kế hoạch không thành công vì lính Mỹ thay đổi mật khẩu liên lạc, dẫn đến nhiều lính Đức trong Lữ đoàn Skorzeny bị bắt, và đã khai ra âm mưu nhưng nó cũng khiến tướng Eisenhower phải ở trong tổng hành dinh của mình suốt 3 tuần, còn Skorzeny thì được phía Đồng minh gọi là: "Kẻ thù nguy hiểm nhất châu Âu"

Con tằm đến chết vẫn còn vương tơ

Phá tan âm mưu ám sát "3 ông lớn", KGB thông báo vụ việc cho Cơ quan Tình báo chiến lược OSS, Mỹ (tiền thân của CIA sau này), và Cơ quan Tình báo MI-6, Anh Quốc nhưng KGB vẫn giữ kín danh tính của những điệp viên tham gia vì sau đó, Vartanian lại tiếp tục được KGB cử đi hoạt động tại một số quốc gia trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Vartanian và vợ ông - bà Goar lúc đã nghỉ hưu.

Năm 1992, Vartanian chính thức nghỉ hưu và được Cộng hòa Liên bang Nga phong tặng danh hiệu Anh hùng vệ quốc. Năm 2000, Moscow cho công bố những chi tiết về cuộc đời hoạt động của Vartanian. Theo đó, Vartanian gặp vợ ông là bà Goar lúc bà mới 13 tuổi. Khi bà trưởng thành, Vartanian đưa bà vào hoạt động tình báo cùng với ông. Họ kết hôn năm 1946 rồi sau đó, cả hai vợ chồng cùng nhau hoạt động tình báo tại một số quốc gia trên thế giới cho đến năm 1986, họ mới trở lại Moscow.

Tổng kết về mình, Vartanian nói: "Chúng tôi may mắn vì chưa bao giờ gặp phải bất kỳ kẻ phản bội nào. Đối với những điệp viên hoạt động trong lòng địch, sự phản bội là tội ác tồi tệ nhất. Nếu một cán bộ tình báo biết tuân thủ mọi quy tắc an toàn và xử sự đúng mực trong giao tiếp thì rất khó bị phát hiện. Bên cạnh đó, điệp viên cũng không được phép sai lầm, dù chỉ một lần…".

Vartanian mất năm 2012 ở tuổi 97. Cái chết của ông để lại rất nhiều thương tiếc với người dân Nga và ở Armenia, quê hương ông. Cả hai nhà lãnh đạo nước Nga lúc ấy là Tổng thống Dmitri Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin đều gửi lời chia buồn đến vợ ông là bà Goar. Theo Tổng thống Medvedev: "Vartanian là một một người yêu nước chân chính, một điệp viên huyền thoại và phi thường. Ông đã tham gia vào các hoạt động mang tính then chốt, đi vào lịch sử của ngành tình báo đối ngoại Nga. Cái chết của ông là một mất mát lớn cho gia đình ông và cho tất cả tất cả những ai biết về ông…".

Vũ Cao (theo Armenian Weekly)
.
.