Về những người dân Triều Tiên trôi dạt đến Hội An thế kỷ XVII

Thứ Tư, 06/06/2007, 12:00
Năm Đinh Mão (1687), dưới triều vua Túc Tông (Triều Tiên), một số người dân đảo Tế Châu, trong đó có Kim Thái Hoàng (Kim Tae-hwang) trên đường chuyển ngựa cống của Lý Thượng Toàn (Ly Son-zon), mục sứ của đảo, thì gặp gió bão và bị trôi dạt trên biển. Suốt 12 ngày, họ phải chống chọi với gió bão, khi trời lặng thì không còn nước uống, những người trên thuyền đành phải nhai gạo sống cầm cự...

Cứ như vậy, họ lênh đênh trên biển, 6 ngày sau đó lại gặp gió đông bắc và bị trôi dạt thêm 17 ngày nữa. Khi cho thuyền hướng vào một hòn đảo thì họ bị bao vây tứ phía, những người bao vây lăm lăm gươm giáo. Họ ở trên những thuyền tuần tra của nước sở tại. 

Những người Tế Châu trôi dạt làm tín hiệu khát nước thì những người kia hiểu. Ngay lập tức, họ cho một thuyền tấp vào, mang nước sang. Ba người ở đầu mũi thuyền vồ lấy bình nước, uống cạn một hơi, ngay lập tức cả ba bị ngất đi.

Thấy vậy, những người trên thuyền tuần tra vội lao sang, nổi lửa, đun nước nóng cho những người đã kiệt sức vì phải vật lộn nhiều ngày trên biển, uống từ từ. Nhờ những ngụm nước nóng mà họ đã hồi tỉnh lại.

Kim Thái Hoàng vừa nói vừa ra hiệu hỏi: Đây là đâu?

Những người sở tại trả lời: Tên của vùng này là Đại Việt quốc. Các người là người nước nào và tại sao lại đến đây?

Những người dân đảo Tế Châu trả lời: Chúng tôi là người Triều Tiên bị trôi dạt đến đây. Tỏ ý xin giúp đỡ.

Lúc đó, gió lớn lại nổi lên, phải khó khăn lắm những người dân địa phương mới đưa họ lên được bờ.

Tất cả được dẫn vào làng thuộc phủ Minh Đức, quận Hội An, được đưa đến trước viên quan mặc áo đen, đội mũ làm bằng lông đuôi ngựa. Người này ngồi trên ghế và viết hỏi, đáp.

Viên quan nói đại ý: "Thái tử nước chúng tôi trước đây đã bị người Triều Tiên giết, nên giờ đây phải giết các ngươi để báo thù". Những người Tế Châu khi đọc được dòng chữ đó đều khóc rống lên. Bỗng nhiên một phụ nữ mặc đồ lụa, đeo đầy trang sức xuất hiện.

Đó là người đàn bà đài các, từ bà tỏa ra hương thơm kỳ lạ. Cầm lấy bút, bà viết: “Các ngươi đừng khóc, nước ta vốn không sát hại người, các ngươi có thể ở lại, nếu không thì cứ đi”.

Sau cuộc tiếp xúc đó, những người Tế Châu được đưa trở lại hòn đảo mà họ đã đến lúc đầu, đó là đảo Cù Lao Chàm ngày nay. Về việc viên quan sở tại lấy chuyện thái tử bị giết để báo thù có thể là một thủ thuật được chính quyền áp dụng khi thẩm vấn người nước ngoài!

Ba người ốm yếu lại uống nước lạnh trên thuyền lần lượt bị bệnh mà chết. 21 người còn lại lang thang khắp nơi mà không bị ngăn cấm. Hằng ngày họ đi đến nhà dân hai bên đường xin gạo và được người dân ở đây cho một cách tử tế.

Những người Tế Châu có điều kiện để ngắm xem phong cảnh cũng như biết thêm phong tục của vùng đất lạ.

Lần đầu tiên họ biết đến cây dừa, cây chuối, quả cau... Cho đến một hôm, có 5 người được chính quyền gọi lên yết kiến nhà vua. Sau 6 ngày đi bộ, họ đến được kinh thành, được nhìn thấy cung điện nguy nga. Nhà vua nước Đại Việt cho gọi vào, sau khi hỏi han đã ban cho mỗi người một ít rượu, thức ăn, một bao gạo.

Thấy vua Đại Việt có thái độ ân cần, nhân khi vua đi thị sát huấn luyện quân sĩ ở gần trại, đám người Tế Châu xin gặp. Họ khóc rồi trình lên trang giấy viết những lời cầu xin được trở về quê hương. Vua tỏ ý thương cảm, sai quần thần tìm cách giúp đỡ.

Biết được tình cảnh của những người Triều Tiên, thương nhân Trung Quốc tên là Châu Hán Nguyên và thuyền viên Trần Kiến đến gặp và hỏi: Nếu ta dùng thuyền của ta chở các ngươi về quê thì các ngươi trả công ta bằng vật gì?

Nghe vậy, những người Tế Châu hết sức mừng rỡ, đáp rằng: Mỗi người sẽ trả 30 bao gạo để hàm ơn. Sau đó hai bên đã làm bản giao ước.

Sự việc thương nhân Trung Quốc tìm gặp những người Tế Châu phiêu bạt được chính quyền Hội An ghi lại tỉ mỉ, báo lên nhà Nguyễn. Triều đình đã ban cho những người Tế Châu 600 lạng bạc và sai quan Minh Đức hầu Ngô Vi lo cho những người Tế Châu hồi hương và yêu cầu soạn quốc thư gửi cho triều đình Triều Tiên thông báo về việc nhờ tàu buôn chở những người bị trôi dạt trở về nước. Quốc thư viết:

Minh Đức hầu, Ngô Vi nước Đại Việt phụng mệnh lòng tốt của vua để đưa những người gặp nạn trên biển trở về quê quán. Lý do của việc này như sau: Tháng 10 năm Đinh Mão (1687) một chiếc thuyền nhỏ gặp bão bị trôi dạt vào Đại Việt. Bản quốc hỏi 24 người trên thuyền và họ trả lời rằng họ là người Triều Tiên, đi buôn bán bất ngờ gặp bão lớn, thuyền bị vỡ và hàng hóa mất...

Sau khi kiểm tra biết họ là người của quý quốc. Bản quốc lấy làm thương cảm vì họ là người của một nước thân cận. Đức vua bản quốc có lòng nhân đức, muốn cứu người nên đã dành sự tiếp đãi đặc biệt, cung cấp tiền, lương thực cho ở lại bình an ở xứ Hội An.

Không may 3 người do bị bệnh mà chết, 21 người còn lại, bản quốc có ý định chờ gió Nam đưa họ lên thuyền trở về quê hương. Nhưng toàn là thuyền thuộc Quảng Đông, Phúc Kiến hoặc là thuyền đi về phía biển Nhật Bản.

Bản quốc định gửi những người này đi theo thuyền đi Nhật Bản, nhưng biển xa và rộng, mà những thuyền đi Nhật này không vững chãi, e rằng ước mong trở về quê của người bị nạn sẽ không trở thành hiện thực.

Vì chưa được chắc chắn, bản quốc còn phải đắn đo, thì lúc đó thuyền buôn phủ Ninh Ba, nước Thanh đã cập bến Đại Việt hồi tháng ba. Thuyền ấy là một thuyền buôn chuyên chở hàng cho khách, nhưng thật may mắn, chủ thuyền Trần Hữu Ly và thương nhân Châu Hán Nguyên khi thấy 21 người bị nạn này mong muốn trở về quê hương, thì đã thương cảm trước những nỗi cô đơn của những người bị lưu lạc nơi đất khách quê người nên đã quyết tâm làm việc nghĩa.

Bản quốc được biết 2 người này đã chuyển hàng của khách sang thuyền khác, sử dụng thuyền của mình để chở những người phiêu dạt này trở về quê quán tại Triều Tiên, giúp họ thực hiện được ước vọng của mình.

Trên nguyên tắc, bản quốc tất phải gửi thông điệp, nên xin gửi thư này.

Vâng lệnh của vua nước Đại Việt và căn cứ vào quy định của nơi quản lý thuyền buôn thuộc phủ Ninh Ba, bản quốc quyết định cho chủ thuyền và thuyền viên đó chở những người bị nạn trở về quê quán. Đồng thời để chủ thuyền Trần Hữu Ly xuất tiền tu sửa thuyền, thuê người thông thạo dẫn đường và lái thuyền... Ngoài việc tu sửa ra, bản quốc còn cung cấp lương thực, rau và kinh phí dùng hàng ngày cho họ.

Sau đó ngày 22 cùng tháng, chủ thuyền cùng thuyền viên đã nhổ neo và khởi hành rồi. Chỉ vì lo luật lệ cửa khẩu nghiêm ngặt, bản quốc viết thư gửi đến quý quốc. Mong quý quốc điều tra và làm sáng tỏ.

Bản quốc xin quý quốc trực tiếp trao thư trả lời cho chủ thuyền đã mang thư này trở về bản quốc để giải tỏa lòng mong đợi. Và mong quý quốc sẽ sửa chữa thuyền, thật là may mắn nếu thuyền này quay lại trong thời gian sớm nhất. Ngày 22 tháng 7 năm Chính Hòa thứ 9 (1688).

Hành trình trở về bản quán của những người Tế Châu kéo dài gần nửa năm.

Sau năm tháng lênh đênh trên biển, họ đến được phủ Ninh Ba (Trung Quốc). Tiếp đó, ngày 13 tháng chạp, khi gặp gió Tây Nam thuyền mới nhổ neo tiến về đảo Tế Châu. Sau ba ngày vượt biển, họ đã đến được huyện Đại Tĩnh, vùng đất của đảo quê hương, nơi mà họ đã xa gần hai năm.

Về sự kiện những người dân đảo Tế Châu phiêu dạt đến Hội An hồi thế kỷ XVII được ghi lại trong cuốn Trú Vĩnh Biên, một cuốn sử của triều đình phong kiến Triều Tiên và được xác nhận lại trong phần Thực lục vương triều Triều Tiên năm Tân Hợi (ngày 13/9/1699) trong đó có ghi việc Kim Thái Hoàng khi về đến Triều Tiên đã trình lên hai viên quan Mục Lai Thiện (Mok Ne-son) và Kim Đức Viễn (Kim Duk-won) xin triều đình trợ giúp trả 600 bao gạo như đã giao ước.

Việc người dân đảo Tế Châu bị phiêu dạt đến Hội An và nhận được sự đón tiếp nồng hậu rồi được tạo điều kiện để quay về nước đã thể hiện tính nhân đạo, chính sách đối ngoại mềm mỏng linh hoạt của Đàng Trong lúc bấy giờ.

Cũng cần hiểu thêm rằng, đây là giai đoạn nhà Hậu Lê trung hưng, con cháu vẫn làm vua nhưng ở phía Bắc quyền chính trị do họ Trịnh nắm giữ, còn ở phía Nam là cơ nghiệp của họ Nguyễn nên người mà những người dân đảo Tế Châu coi là vua mà họ được gặp chính là Chúa Nguyễn Phúc Trăn (Chúa Nghĩa) (1687-1691)

Thanh Lê
.
.