Về trận thắng lịch sử 5/8/1964 (kỳ 2)

Thứ Hai, 10/09/2007, 11:05
...Chiều tối ngày 5/8/1964, sau khi tổ chức rút kinh nghiệm xong, tôi cứ ngồi mãi ở Sở chỉ huy. Niềm vui chiến thắng đang ngấm dần vào từng tế bào trong người tôi...

Rút kinh nghiệm của cuộc chiến đấu buổi trưa, lần này Trung đoàn 280 đã chủ động đánh địch từ đầu. Tất cả các đại đội đều phát hiện được địch ở cự ly trên 10km và nổ súng kịp thời.

Mặc dù địch bố trí riêng một tốp 3 chiếc A4D bắn phá Đại đội 138 nhưng hỏa lực của đơn vị vẫn kiên cường đánh trả quyết liệt. Tại đại đội này đã xuất hiện tấm gương dũng cảm của Khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát, 3 lần bị thương vẫn kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Anh đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo và là liệt sĩ đầu tiên của bản anh hùng ca đánh thắng không quân đế quốc Mỹ.

Sau trận đánh, tôi đã được nghe kể lại câu chuyện này mà không cầm được nước mắt.

Buổi trưa ngày 5/8/1964, Phan Đăng Cát đã cầm giấy phép tạm biệt đơn vị để về nhà cưới vợ. Mới đi được nửa đường, nghe tiếng súng bắn máy bay địch, anh đã tự nguyện quay lại trận địa, nhảy lên mâm pháo, chỉ huy khẩu đội chiến đấu. Và anh đã hy sinh khi mới 21 tuổi đời, 2 tuổi quân.

Cuộc tập kích đường không đầu tiên của đế quốc Mỹ vào một số vùng ven biển miền Bắc ngày 5/8/1964 mang mật danh “Mũi tên xuyên” đã bị quân và dân ta trừng trị đích đáng.

8 chiếc phản lực bị bắn rơi trong tổng số 64 chiếc tham chiến. Ấy là tỉ lệ bắn rơi cao nhất trong lịch sử chiến tranh kể từ sau Đại chiến thế giới thứ II tới thời điểm đó. Có một điều lý thú là trong số máy bay Mỹ bị bắn rơi lần này có những chiếc lại do chính những khẩu pháo cỡ 90 ly, của Mỹ sản xuất trong Đại chiến thế giới thứ II, bắn. (Mỹ viện trợ cho Liên Xô, sau đó Liên Xô viện trợ cho ta).

IV- Nửa đêm đi tìm giặc lái

Chiều tối ngày 5/8/1964, sau khi tổ chức rút kinh nghiệm xong, tôi cứ ngồi mãi ở Sở chỉ huy. Niềm vui chiến thắng đang ngấm dần vào từng tế bào trong người tôi.

Tôi nhớ lại trận thắng oanh liệt đánh vào sân bay Bạch Mai năm 1950, khi tôi là Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, tôi cũng cảm giác sung sướng lâng lâng như thế. Tất nhiên tầm vóc của chiến thắng lần này to lớn hơn nhiều, có ý nghĩa hơn nhiều, và vì thế niềm vui của tôi cũng to lớn hơn nhiều.

Tôi còn nhớ hồi đó, sau chiến thắng, Bác Hồ ở tận Việt Bắc, đã gửi điện biểu dương và khen ngợi quân và dân Hà Nội, khen ngợi chú Hữu Tài, đến nỗi đồng chí Trần Quốc Hoàn lúc đó là Chính ủy Mặt trận cũng phải "ghen" với tôi...

Còn lần này, Bác ở ngay Hà Nội, Sở chỉ huy Quân chủng chỉ cách chỗ Bác vài cây số, nên tôi cứ ngồi lại sở chỉ huy, mắt trân trân nhìn vào chiếc máy điện thoại liên lạc với cấp trên, chờ đợi...

Cho đến 19 giờ mới có tiếng chuông réo, tôi vội chồm đến, hồi hộp nhấc ống nghe. Nhưng bên kia đầu dây nói không phải là tiếng Bác Hồ mà là điện của Bộ Tổng tham mưu: “Sáng mai Tư lệnh Quân chủng lên báo cáo với Bác. Chuẩn bị mọi mặt để sáng 7/8 tổ chức lễ tuyên dương công trạng - Nhớ nắm chắc tình hình giặc lái”.

Bỏ máy xuống, tôi bảo trực ban tác chiến chuẩn bị xe cho tôi đi Hòn Gai ngay. Có một việc rất quan trọng mà vì say sưa với chiến thắng tôi quên khuấy mất. Đó là giặc lái. Ý nghĩa chiến thắng này sẽ được nhân lên gấp nhiều lần vì có tên giặc lái Mỹ bị bắt...

Lần đầu tiên một tên giặc lái Mỹ kiêu binh bị bắt sống ở Việt Nam. Đây sẽ là một sự kiện làm chấn động thế giới. Và chính Bác Hồ với tầm nhìn xa, rộng và sâu sắc đã nhìn thấy trước tầm quan trọng này, trong lúc tôi chỉ nhăm nhăm ngồi chờ để được Bác khen. Lẽ ra tôi phải đi Quảng Ninh ngay sau khi trận đánh kết thúc.

Chiều tối hôm đó, mặc dầu bữa cơm đã dọn ra với những món xào thơm nức do bà Yến vợ tôi chuẩn bị để bồi dưỡng cho tôi sau một ngày chiến đấu căng thẳng, tôi vẫn nhịn đói, lên xe đi ngay xuống Quảng Ninh. Vấn đề quan trọng nhất của tôi lúc này là tên giặc lái Mỹ, ngày mai đã phải lên báo cáo với Bác rồi mà đến lúc này tôi vẫn chưa trông thấy mặt mũi nó ra sao cả.

Biết tính tôi, bà Yến lặng lẽ tiễn tôi ra tận cổng, móc túi đưa cho tôi ít tiền để tiêu pha dọc đường. Cậu Bốc lái xe nhìn thấy nói với tôi nửa đùa nửa thật:

- Chỉ có chừng ấy làm sao đủ một bữa RTC (rượu thịt chó), thủ trưởng?

- Cái thằng này! Lúc nào cũng RTC cái gì! Nội đêm nay đưa tôi xuống tới Hòn Gai rồi đưa tôi về Hà Nội an toàn, nếu không đừng có trách!

Xe đến Phả Lại trời bỗng đổ mưa như trút, nước sông cuồn cuộn chảy, phà không sang được. Lúc này đã hơn 10 giờ đêm. Biết làm sao bây giờ?

Mưa càng to, gió thổi càng mạnh. Đứng bên bờ sông nhìn sang bờ bên kia mù mịt mà lòng tôi như lửa đốt. Bác hẹn 8 giờ sáng mai lên báo cáo mà đã gần nửa đêm tôi vẫn còn ngồi đây. Chưa nhìn thấy xác máy bay, chưa nhìn thấy giặc lái thì sẽ báo cáo với Bác ra sao?

- Đi tìm đò, bỏ ôtô lại!

Tôi bỗng thét to lên với cậu Định, thư ký riêng của mình.

Cậu Định bỗng trố mắt lên nhìn tôi:

- Báo cáo anh! Đêm hôm khuya khoắt thế này, lại đang mưa to gió lớn tìm đâu ra đò.

Tôi rút trong túi số tiền bà Yến đưa cho lúc chiều, nói với cậu Định:

- Tiền đây, bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cách đưa tôi sang sông đêm nay.

Là một trợ lý thông minh, tháo vát, chưa đầy một tiếng sau, Định đã lo cho tôi sang được bờ bên kia. Biết tôi là Tư lệnh Phùng Thế Tài, đang trên đường đi công tác gấp nên ông chủ đò không lấy tiền, còn đi liên hệ mượn cho chúng tôi một chiếc xe tải GAZ-51 để đi ngay xuống Bãi Cháy.

Bến phà Bãi Cháy vắng ngắt. Có lẽ anh em công nhân cho rằng mưa to, đêm khuya không có khách nên đã về nhà hết. Chúng tôi lại phải thuê đò sang sông.

Rất may, mọi chuyện đều suôn sẻ. Tôi vào cơ quan Tỉnh đội thấy anh em đang ngồi kháo chuyện rất rôm rả bên ấm nước chè và mấy gói kẹo. Họ đang vui mừng vì chiến thắng hôm nay. Lần đầu tiên quân và dân Quảng Ninh bắn rơi máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái ngay trên đất mỏ anh hùng.

Vừa vào, tôi hỏi đồng chí Tỉnh đội trưởng Quảng Ninh:

- Giặc lái đâu?

- Báo cáo anh, chúng tôi đang nhốt ở phía sau.

Tôi lao ngay ra phía sau nhà. Tỉnh đội trưởng dẫn chúng tôi đến một nhà kho. Tên Anvơrét đang nằm trên một tấm phản, nét mặt lo lắng, có vẻ sợ hãi. Người nó nhỏ bé, có lẽ thấp hơn tôi.

Đồng chí trợ lý quân báo Tỉnh đội báo cáo với tôi một số thông tin đầu tiên về tên giặc lái: Tên đầy đủ: ALVAREZ EVERETT; Cấp bậc: Trung úy hải quân; Ngày sinh: 23-12-1937; Số quân: 644124; Quê quán: Salinas, bang California, Mỹ.

Tôi nói với Tỉnh đội trưởng:

- Chuẩn bị cho nó lên Hà Nội ngay!

Tôi cũng không quên dặn lấy cho tôi một mảnh xác máy bay có ký hiệu để đưa về Hà Nội, báo cáo với Bác.

Cơ quan Tỉnh đội chuẩn bị cho chúng tôi một bữa cơm khá thịnh soạn. Tỉnh đội trưởng nói:

- Báo cáo Tư lệnh, bia rượu là do nhân dân địa phương khao mừng chiến thắng đấy ạ! Các trận địa phòng không của Tư lệnh chia phần cho chúng tôi nhiều lắm.

Tôi nói:

- Công là công của chung cả, các cậu không giúp đỡ phối hợp thì Phòng không làm sao hoàn thành được nhiệm vụ...

Tỉnh đội trưởng nói:

- Nhờ chiến thắng của Phòng không mà quân và dân  địa phương chúng tôi cũng được thơm lây. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thọ Chân và cả Đại sứ Cuba cũng đến thăm, nhiệt liệt khen ngợi và tặng nhiều quà lắm.

Đang ăn thì đoàn cán bộ cơ quan quân báo cũng đội mưa từ Hà Nội xuống đến nơi. Tôi giao tên giặc lái cho các cậu quân báo và dặn: “Đúng 7 giờ sáng mai phải giao nó cho Hỏa Lò. Tôi vừa gọi điện cho anh Trần Quốc Hoàn chuẩn bị "đón" nó ở Hà Nội. Khi bàn giao phải cụ thể tỉ mỉ, kể cả cân nặng, chiều cao của nó. Vẫn chưa yên tâm, khi tên giặc lái đã ngồi lọt thỏm trong chiếc Com-măng-ca, tôi còn dặn thêm hai cán bộ quân báo:

- Đi đường phải hết sức cẩn thận, cảnh giác, không để xảy ra chuyện gì  đấy.

Khoảng 4 giờ sáng, tôi rời Quảng Ninh về thẳng Hà Nội. Tôi bảo Tỉnh đội trưởng  tìm cách điện cho lái xe của tôi  đang ở Phả Lại quay về Hải Dương đón tôi.

V- Suy nghĩ trên sàn nhà của Bác

Đúng 7 giờ 30 phút sáng ngày 6/8/1964, tôi đã có mặt ở cổng đỏ lối vào Phủ Chủ tịch. Phải gần nửa tiếng nữa mới được gặp Bác theo hẹn. Sau suốt một đêm thức trắng, vất vả, lẽ ra tôi phải về nhà tắm giặt, nghỉ ngơi chốc lát, nhưng tôi không thể làm thế được vì trong người tôi đang nôn nao, đang sung sướng, hồi hộp được gặp Bác để báo công.

Tôi ngồi trong xe, tay cứ mân mê mảnh xác máy bay A4D vừa lấy ở Hòn Gai về. Đang ngồi đợi thì anh Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ đến cùng Mạc Lâm, một cán bộ Cục 2 tài năng, rất giỏi tiếng Anh đến. Các anh giao cho tôi biên bản bàn giao tên giặc lái đầu tiên với Hỏa Lò và toàn bộ hồ sơ về tên giặc lái mà các anh vừa tranh thủ hỏi cung. Tôi cầm lấy, mừng hơn cả vớ được vàng.

Tôi nghĩ, Bác mà nhìn thấy hồ sơ này chắc Bác vui lắm.

Rất nhiều đoạn bằng tiếng Anh loằng ngoằng, nói về quê quán của tên giặc lái. Những năm sau này, nhất là khi tôi trở thành Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách chống chiến tranh phá hoại, tôi càng biết rõ quan điểm của Bác đối với tù binh Mỹ chứa đầy chất nhân văn.

Bác không nhất trí việc đưa giặc lái Mỹ đến gần các mục tiêu quan trọng dự kiến Không quân Mỹ sẽ đánh phá, như biến khu nhà của điện ảnh Quân đội ở 17 Lý Nam Đế thành trại giam giặc lái vì nơi này gần cầu Long Biên. Bác bảo: “Thiếu gì cách mà phải làm thế”.

Hồi năm 1966,  khi tôi vẫn đang còn là Tư lệnh Quân chủng, có một chuyện làm dư luận cả thế giới xôn xao. Đó là việc ta tổ chức dong mấy tên giặc lái Mỹ đi khắp đường phố Hà Nội để nhân dân hô đả đảo.

Lúc này, Bác đang nghỉ dưỡng bệnh ở nước ngoài. Bác điện về bắt phải dừng lại ngay và hỏi cơ quan nào chủ trương việc  này, vừa vi phạm chính sách tù binh, vừa vi phạm nhân phẩm con người. Bác bảo: “Họ là tù binh, nhưng trước hết họ là con người. Bác còn gọi điện riêng cho đồng chí Hoàng Tùng lúc bấy giờ là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân nhắc cần phải viết một bài báo như thế nào đó để chữa cháy việc này.

Vào thời điểm đó ít ai nghĩ được xa như Bác. Đến cuộc đàm phán Paris sau này mà mấy trăm tên giặc lái là lợi thế lớn cho phái đoàn ta. Có thể nói nếu không có mấy trăm tên giặc lái đó, là biểu hiện của thất bại nặng nề, chưa chắc đã có cuộc hội đàm Paris và chưa chắc Mỹ đã chịu ký.

Thằng Mỹ, nó khá coi trọng phi công. Toàn là bọn con ông cháu cha. Có lẽ không ai tin chuyện này. Một bà mẹ tỉ phú Mỹ từng gửi thư riêng cho tôi, người phụ trách cao nhất về giặc lái, hứa chuyển tới tôi 1 triệu USD nếu con bà được thả ra...

Đồng chí Vũ Kỳ ra tận cổng đón tôi, ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Hôm nay Bác sẽ tiếp cậu ngay trên nhà sàn”.

Tôi hồi hộp bước nhẹ chân lên cầu thang, rồi im lặng đi đến phòng Bác.

Khác với lần trước, lần Bác “cạo tôi” đã vung vít đạn lên trời để “bắn chim”. Bác bắt tôi đứng ngoài cửa gần nửa tiếng đồng hồ mới cho vào. Lần này vừa thấy tôi xuất hiện ở cửa, Bác đã ra tận nơi cầm tay kéo vào, trên bàn đã thấy một bát phở thơm nức:

- Bác biết đêm qua chú thức cả đêm, nhịn đói, đưa được cả xác máy bay, cả giặc lái về, thế là rất tốt, Bác biểu dương. Việc làm của chú đúng là Hữu Tài. Bác đã gọi điện cho chú Văn, chú Tô, cả chú Thận, ngày mai tổ chức thật trọng thể lễ tuyên dương công trạng.

Rồi Bác chỉ tay vào bát phở: Bây giờ thì ăn đi  cho khỏi đói. Chỉ một loáng tôi đã giải quyết xong bát phở. Sau đó Bác pha cho tôi một cốc cà phê rất giống hương vị cà phê của chị Việt Hoa cách đây 20 năm ở Côn Minh vẫn pha cho Bác và tôi uống mỗi sáng. Rồi Bác rút cho tôi một điếu thuốc lá thơm, âu yếm nói:

- Uống cà phê đi, hút thuốc đi, rồi chuẩn bị báo cáo tình hình với Bác. Càng tỉ mỉ càng tốt. Nhưng chủ yếu là khuyết điểm. Ưu điểm, Bác biết rồi. Bác nghe nói kho dầu ở Vinh bốc cháy rồi các chú mới nổ súng. Hóa ra ta chậm hơn nó à?

Nói rồi, Bác ung dung trở lại bàn làm việc.

Tôi vừa nhấm nháp ly cà phê, vừa thong thả thả từng hơi dài khói thuốc, và ngắm căn phòng của Bác mà lòng xốn xang biết bao suy nghĩ.

Căn phòng của Bác giữa lòng thủ đô Hà Nội hôm nay chẳng khác căn phòng mà gia đình anh Tống Minh Phương và chị Nguyễn Việt Hoa dành cho Bác hồi cuối năm 1944 đầu năm 1945 ở Côn Minh là mấy. Cũng khoảng 10m2 thế này thôi, cũng chiếc bàn gỗ cũ kỹ và chiếc giường gỗ cá nhân giản dị đơn sơ. Nhưng hồi đó Bác là cụ Hoàng, gầy gò ốm yếu đang phải hoạt động bí mật. Còn bây giờ là vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, có tên tuổi trên toàn thế giới mà Bác vẫn ở như thế này sao?

Còn tôi, người lính cận vệ của Bác cách đây 20 năm, nay mới là Đại tá Tư lệnh một Quân chủng nhưng nhà tôi ở hiện nay là biệt thự của một thằng Tây, tuy xây từ đầu thế kỷ cùng với việc xây dựng sân bay Bạch Mai nhưng vẫn rất hiện đại và  tiện nghi, gồm 6 phòng chưa kể các công trình phụ, liên kết với nhau bằng một hệ thống cửa, cầu thang, ban công... rất hợp lý. Mùa hè thì rất mát còn mùa đông lại ấm.

Tôi được nghe kể, từ Việt Bắc trở về Hà Nội, các anh đề nghị Bác vào ở Dinh toàn quyền để phù hợp với cương vị  của một Chủ tịch nước, để bù đắp những ngày gian khổ Bác ở nhà sàn Việt Bắc, nhưng Bác không đồng ý.

Bác chọn gian nhà cấp 4 của người thợ điện ở phía sau nhà Phủ Toàn quyền, mùa hè thì nóng nực, mùa đông thì rét buốt và Bác đã ở đây suốt 4 năm. Cho đến năm 1958, Bác mới chuyển sang ở ngôi nhà sàn hiện nay. Bác đã cho cải tạo cái ao trước đây làm nơi uống nước của ngựa và hươu của tên Toàn quyền thành ao cá ngay trước cửa nhà sàn, Bác cho trồng cây xung quanh ao, những cây bụt mọc, những hàng liễu rủ và đặc biệt là dâm bụt thì ở đâu cũng có, đứng sát bên nhau thành một hàng rào bằng cây tự nhiên rất đẹp mắt...

Và cũng từ đây xuất hiện một hình ảnh đẹp của đất nước, của dân tộc, mà các nhà văn, nhà thơ, các nhà điện ảnh trong nước và nước ngoài có dịp ghi lại, một cụ già tóc trắng như tiên, sớm chiều vác cuốc tăng gia ngoài vườn, cho cá ăn trong ao... góp phần làm nên một huyền thoại Hồ Chí Minh trong thời đại chúng ta...

.
.