Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020)

Về tư cách của Đảng chân chính Cách mạng

Thứ Hai, 03/02/2020, 11:11
Tháng 10-1947, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó có một chương bàn về Tư cách và đạo đức cách mạng. Mở đầu chương này, Người nêu cụ thể 12 điều thể hiện tư cách của một đảng chân chính cách mạng:

“Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng; Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau; Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương; Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không; Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. 

Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. 

Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng; Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát; Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng; Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. 

Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên; Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo; Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài; Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. 

Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng; Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.

Không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng

Để làm tròn nhiệm vụ vinh dự và cao quý này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng người đảng viên phải rèn luyện và thực hành 5 điểm: nhân-nghĩa-trí-dũng-liêm: “NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân, vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần III (Hà Nội, 9-1960).
NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng, ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất cứ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng đúng đắn. TRÍ là vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian. 

DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc là phải có gan làm. Thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc... 

LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Gương mẫu đi đầu cho quần chúng noi theo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng Đảng muốn tồn tại và phát triển phải có nhân dân và sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng phải bắt đầu từ trong quần chúng rồi trở lại nơi quần chúng. 

Chính vì vậy, cán bộ đảng viên phải luôn: “Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng”. 

Bên cạnh đó, đảng viên cũng cần phải ghi nhớ rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Chỉ thị của Đảng phải theo sát, phù hợp với thực tiễn cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định vấn đề lý luận cách mạng rất quan trọng, nó như cái kim chỉ nam cho người cách mạng trong công việc thực tế, nếu không có lý luận thì như người nhắm mắt đi đường và ngược lại, lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế, nếu không chỉ là lý luận suông, bởi vậy: “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”. 

Tranh vẽ Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930).

Mọi chính sách đưa vào cuộc sống đều có thể thành công hay thất bại, tuy nhiên: “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng”.

Giữ kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới

Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn phân tích rằng mặc dù Đảng ta rất tiên tiến, rất vẻ vang nhưng nội bộ vẫn còn những sai lầm và khuyết điểm, đó là cá nhân chủ nghĩa; tự do chủ nghĩa; quan liêu mệnh lệnh; tham ô, lãng phí; lười biếng.

Vì thế, chúng ta cần phải tìm thấy nguồn gốc của những sai lầm khuyết điểm đó để tìm cách sửa chữa. Và biện pháp hữu hiệu nhất để thừa nhận, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm chính là tự phê bình và phê bình. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình tha thiết như người ta cần không khí... Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”. 

Phê bình là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng tiến bộ. Không phê bình là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, quyết không nên “thầm thì thậm thụt”, viết thư giấu tên...”.

Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng, thiết thực của công tác kiểm tra vì muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, làm có đúng không, ai làm việc, ai không làm thì chỉ có cách phải thường xuyên kiểm tra. “Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mắt thì nể, kể lể sau lưng”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tại Văn phòng Trung ương Đảng (Hà Nội, 7-1966).

Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật. Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”. Người còn lưu ý rằng: “Muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.

Đảng ta là một đảng cầm quyền, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề bảo vệ Đảng, giữ gìn uy tín của Đảng và chỉnh đốn Đảng trở nên vô cùng cấp thiết. Hội nghị lần 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và kể từ đó đến nay cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thoái hóa trong tổ chức Đảng diễn ra quyết liệt, nóng hổi, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận làm cho quần chúng nhân dân hồ hởi, phấn khởi, ủng hộ, dõi theo từng ngày và qua đó đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng. 

Trước tình hình đó, trọng trách của người đảng viên càng nặng nề hơn, mỗi người, từ kinh nghiệm cá nhân trong công việc cần phải rút ra những bài học thực tế cho riêng bản thân, không ngừng tu dưỡng đạo đức người đảng viên.

Người đảng viên phải nhận thức tư tưởng đúng đắn, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức, tẩy chay bất kỳ hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích gia đình, địa phương hay lợi ích quan hệ. Thực hành cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư trong công việc và đời sống hàng ngày. Cần phải dựa vào nhân dân để củng cố và xây dựng Đảng. Triệt để thực hành tự phê bình và phê bình. Phải giữ vững và thi hành nghiêm khắc kỷ luật của Đảng. Đánh giá đúng, khách quan giữa cống hiến và sai phạm, công và tội rõ ràng. Đảng viên cần phải nêu gương từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến chi bộ cơ sở

Để xứng đáng là một người đảng viên chân chính, mỗi cán bộ đảng viên luôn ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đã là đảng viên thì phải cố thành một đảng viên bốn tốt, tức là phải hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng, nếu không thì vào làm gì? Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. 

Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào. Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là quan nhân dân”. 

Đỗ Hoàng Linh - PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
.
.