Vì sao bia mộ của Võ Tắc Thiên không có chữ?

Thứ Tư, 22/10/2008, 09:30
Võ Tắc Thiên là vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Từ một tài nhân trong cung bà đã từ từ lên ngôi vị hoàng đế, mãi cho đến sau này mới thiết lập ra triều đại nhà Chu. Sau khi đăng quang ngôi vị hoàng đế, mặc dù đã làm nhiều chuyện độc ác nhưng bà vẫn được coi là một vị hoàng đế dốc sức vì nước.

Trong thời gian chấp chính, bà luôn củng cố sự thống nhất, bình định đất nước, tuy nhiên truyền thuyết dân gian về Võ Tắc Thiên thì có rất nhiều. Bản thân Võ Tắc Thiên không phải là người cam chịu "cô đơn", vì thế cho dù có chết đi bà cũng để lại một tấm bia không có chữ khiến ngàn năm sau người đời vẫn còn nhiều tranh cãi.

Bí ẩn ngôi mộ

Lăng mộ chôn chung của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên rộng 80 ha được đặt trên núi Lương Sơn ở phía tây bắc thành phố Tây An. Phía trước lăng mộ có hai tấm bia đá cao trung bình khoảng 6,3m, tấm bia chếch về hướng tây là "thuật thánh bi" ca tụng Đường Cao Tông văn trị võ công, văn bia là do đích thân Võ Tắc Thiên soạn ra và do Đường Trung Tông viết.

Tấm bia này do 7 phần ghép lại mà thành, vì thế nó còn được gọi thành "Thất tiết bi", tấm bia rộng 1,86m, nặng 81,6 tấn. Còn tấm bia chếch về hướng đông là tấm "Vô tự bi" của Võ Tắc Thiên, tấm bia là một khối đá điêu khắc lớn, rộng 2,1m, nặng 98,8 tấn.

Phía đầu tấm đá đó chỉ khắc 8 đầu rồng quấn vào nhau. Hai bên thân bia khắc hai con đường, trên con đường đó khắc một con tuấn mã và một con sư tử đực thần thái uy nghiêm. Thuật điêu khắc tinh vi như vậy thật hiếm có trong lịch sử.

Đường dẫn vào Càn Lăng Còn nhiều tranh cãi

Người đời còn nhiều tranh cãi về nguyên nhân tại sao Võ Tắc Thiên lại lập tấm bia không chữ đó, song có 3 quan điểm chủ yếu như sau:

Quan điểm thứ nhất: bản thân Võ Tắc Thiên cho rằng, bà là người công cao đức trọng, công lao của bà không thể nào ghi hết trên một tấm bia. Bà cho rằng, mặc dù bà làm thân nữ nhi, nhưng Cao Tông là kẻ tầm thường, còn bà tài năng tuyệt đối hơn hẳn Cao Tông, hơn nữa trong thời gian bà chấp chính, xã hội an bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, đây có thể coi là một chính tích to lớn của bà.

Nhưng một điều đáng tiếc là, thời đó nhiều người coi Võ đế là kẻ đi ngược lại giang sơn xã tắc nhà Đường, rằng bà là kẻ phản nghịch nên đối với những công lao của bà, họ coi như không có. Chính vì thế, Võ Tắc Thiên lập tấm bia trống là hàm ý những công lao to lớn của bà để người đời sau tự kể ra và ghi chép lại.

Quan điểm thứ hai: Võ Tắc Thiên biết mình có tội lớn, thay vì để hậu thế cười chê chi bằng không chạm chữ nào lên bia. Có ý kiến cho rằng, sau khi Võ Tắc Thiên lập ra triều đại nhà Chu, trong lòng cảm thấy hổ thẹn bất an, chuyên tâm nghĩ rằng sau khi mình chết đi, giang sơn xã tắc sẽ trả về cho dân nhà Đường.

Tuy nhiên, có những chuyện xảy ra trong quãng thời gian bà chấp chính khiến bà không có lòng tin vào điều đó, càng sợ người đời quở trách bà về tội cướp ngôi, thành ra bà để lại một tấm bia không chữ cũng là để tự mình chuộc lỗi.

Quan điểm thứ ba: Võ Tắc Thiên muốn để hậu thế bình xét cả cuộc đời của bà. Quan điểm này so với quan điểm trước hoàn toàn tương phản. Theo quan điểm này thì Võ Tắc Thiên rất tự hào về bản thân mình. Là người thuộc hàng nữ lưu không thể làm ngơ với việc tranh giành chính trị, hơn nữa bà còn đạt tới đỉnh cao của quyền lực.

Bà muốn người đời công bằng mà bình xét tài năng văn trị võ công của bà, và bà muốn công kích sự khẳng định của người con trai thứ ba Lý Hiển về bà là không khách quan, không công bằng. Chính vì xét thấy như vậy nên Võ Tắc Thiên muốn giao hết công tội cả đời mình cho người đời sau phán xét. Quan điểm thứ ba này so với các quan điểm khác đều rất có lý đến nỗi mà cho đến bây giờ vẫn chưa có gì chứng tỏ được quan điểm nào mới là chủ ý ban đầu của Võ Tắc Thiên.

Có một loại văn tự đã thất truyền?

Đáng đề cập tới là sau thời Tống, Kim người ta bắt đầu bổ sung thêm những ký tự vào mặt tấm “Vô tự bi” đó, hiện nay trên bề mặt tấm bia có cả thảy 13 đoạn văn tự, nhưng làm người đời sửng sốt nhất vẫn là trong đoạn văn tự của người dân tộc thiểu số, hơn nữa suốt một thời gian dài cho đến nay vẫn chưa có ai hiểu được nó. Loại văn tự của người dân tộc thiểu số này đã sớm bị mai một từ trước rồi, nó được một học giả người Nhật Bản tên là Sơn Lộ Quảng Minh coi là "Bí mật của thế kỷ XX".

Theo một cuộc nghiên cứu nguyên bản vào năm 1134 em trai của Kim Thái Tông đã khắc lên "Vô tự bi" dòng chữ "Hoàng đế đô đại Kim đều là những lang quân hàng ký mưu lược" (Lang quân hàng ký), hơn nữa hai bên cạnh đều có bản dịch chữ Hán. Loại văn tự thất truyền này không phải là Kim văn, nhưng rốt cuộc đó là loại văn tự nào vậy?

Học giả Triệu Sơn Hàm - thời nhà Minh chuyên nghiên cứu các loại bia đá cổ trong tác phẩm "Thạch mặc thuyên hoa" có nói rằng: "Bia tự Lang quân hàng ký” không thể phân rõ được nét chữ của dân tộc Nữ Chân với nét chữ khắc trên “Vô tự bi” ở Càn Lăng".

Quan điểm này đã được lưu truyền rất rộng rãi mãi cho đến khi sang thế kỷ XX các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra "mộ chí" tấm bia ghi công của hậu thế Hoàng đế Đại Liêu tại một khu vực gần huyện Ba Lâm Tả (Baarin Zuun) thuộc khu vực tự trị Nội Mông, từ đó mới hé mở những điều huyền bí xung quanh câu chuyện này.

Hóa ra là những văn tự trên “Vô tự bi” ở Càn Lăng và những văn tự trên “Mộ chí” có nét tương đồng, nó sớm đã là chữ viết của người Khiết Đan.

Loại chữ của người Khiết Đan này xuất hiện lần đầu vào những năm 920 trước Công nguyên, tuy nhiên do quốc gia này sớm bị diệt vong nên đến đời nhà Nguyên đã hầu như không ai còn biết đến loại văn tự này nữa, và đến triều Minh thì loại văn tự này đã được liệt vào danh sách "văn tự chết" mà không ai còn biết đến nó nữa.

Loại văn tự thất truyền này đã được coi là văn tự tư liệu lịch sử quý giá cần được lưu truyền đến mai sau, đây cũng được coi là cống hiến lớn lao trong “Vô tự bi” của Võ Tắc Thiên

Văn Nguyễn (theo capsc.com.cn)
.
.