Báo cáo của một Thượng nghị sĩ gửi Quốc hội Mỹ tháng 2/1976:

“Việt Nam không cần bất cứ ngoại lực nào chi phối”

Thứ Ba, 05/05/2015, 17:25
Hơn nửa năm sau ngày giải phóng miền Nam, rất ít người biết về chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 12/1975 của đoàn nghị sĩ Mỹ do ông Gillespie “Sonny” Montgomery dẫn đầu và đáng kể nhất là chuyến đi tiếp theo sau đó của Thượng nghị sĩ George McGovern thuộc đảng Dân chủ vào ngày 15/1/1976. Kết quả của chuyến đi kéo dài 5 ngày này của ông George McGovern là một bản điều trần dài 20 trang gửi Quốc hội Mỹ những gì mà ông đã chứng kiến ở Hà Nội và Sài Gòn.

Ngay từ trang 2 của bản báo cáo, điều đầu tiên ông khuyên Quốc hội Mỹ ngay lập tức từ bỏ các biện pháp hạn chế về thương mại và đóng băng tài khoản của Việt Nam ở nước ngoài. Mỹ phải công nhận chính phủ mới của Việt Nam sẽ được thành lập sau khi các cuộc bầu cử toàn quốc dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm 1976.

George McGovern khẳng định: "Việt Nam không cần sự chi phối của bất kỳ ngoại lực nào và không có lý gì chúng ta lại buộc họ phải như vậy. Các chính sách cô lập có thể sẽ phản tác dụng".

Người tiên phong thúc đẩy cho mối quan hệ Mỹ - Việt Nam sau chiến tranh

Trong bản báo cáo đề ngày 29/2 gửi Quốc hội Mỹ, Thượng nghị sĩ McGovern trình bày rằng, chuyến đi Việt Nam của ông vào tháng 1 là để phục vụ chương trình nhân đạo của Chính phủ Mỹ liên quan đến các gia đình bị thất lạc người thân vào giai đoạn cuối của cuộc chiến.Kế đến, phía Mỹ cũng cố gắng tìm hiểu định hướng về tương lai chính trị cũng như vị thế quốc tế của Việt Nam thời hậu chiến.

Các vấn đề này là chủ đề thảo luận chính của các viên chức Mỹ với các quan chức Việt Nam lúc bấy giờ là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, nhà ngoại giao Xuân Thủy, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Huỳnh Tấn Phát và bà Nguyễn Thị Bình. Cuộc viếng thăm này với ông McGovern tuy ngắn ngủi nhưng được tận mắt thấy và giải đáp gần hết mọi thắc mắc của mình.

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ phải ủng hộ Việt Nam có một ghế trong Liên Hiệp Quốc (LHQ). 

Khi đề cập đến Điều 21 -Hiệp định Paris, trong đó Mỹ đã cam kết "… góp phần vào việc hàn gắn vết thương của chiến tranh và việc tái thiết sau chiến tranh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vùng bán đảo Đông Dương". Nước Mỹ cần phải thực hiện điều này như một nghĩa vụ nhân đạo. Ông ví trường hợp Việt Nam cũng phải xứng đáng được Mỹ nỗ lực tham gia tái thiết như trường hợp của Đức và Nhật Bản sau Thế chiến II.

Thượng nghị sĩ McGovern đã thất vọng hoàn toàn khi Ngoại trưởng Henry Kissinger có những hành động gây khó dễ cho những người đòi quyền thực thi nghĩa vụ pháp lý trong vấn đề tù binh chiến tranh/nhân viên mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA).

Trích dẫn từ tờ New York Times đưa tin vào ngày 14/11/1975, Ngoại trưởng Kissinger cho rằng "Hiệp định Paris xem như đã "chết" và vì ý kiến này mà Mỹ đã từ chối tuân theo Điều 21 - Hiệp định Paris.

Thượng nghị sĩ McGovern, người tiên phong phản đối mạnh mẽ chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trái ngược với ấn tượng của ông với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về thái độ sẵn sàng hợp tác thì ông chỉ trích gay gắt Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu (lúc này đang sống lưu vong) về thái độ vi phạm có hệ thống nhằm cản trở thực thi Hiệp định Paris.

"Ông Thiệu đã bác bỏ thỏa thuận này ngay từ đầu. Ông ấy ngăn chặn, phớt lờ các văn bản và tuyên truyền hết sức xuyên tạc về những gì đã ký. Ông ấy cũng ngăn cản việc thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải dân tộc" - Thượng nghị sĩ McGovern nói trong bản báo cáo.

Bên cạnh việc chối bỏ cam kết, Chính phủ Mỹ thời gian này vẫn giữ lập trường thù địch với bên thắng cuộc là Việt Nam, đồng thời đã thực hiện quyền phủ quyết của mình chống lại Việt Nam trở thành thành viên LHQ.

Mỹ cũng từ chối công nhận Chính phủ Việt Nam, do đó hai bên không thể thiết lập các kênh ngoại giao để bàn thảo về các vấn đề nhân đạo. Kể cả khi chiến tranh đã chấm dứt về mặt quân sự, Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại Việt Nam thông qua các hạn chế thương mại, đặt quốc gia này vào tình trạng tương tự như Bắc Triều Tiên và Cuba.

Cuối cùng là tài sản của người Việt tại Mỹ cũng bị đóng băng. Một khối tài sản trị giá khoảng 70 triệu USD, chủ yếu là tiền gửi tại các nhà băng, đã bị Bộ Tài chính phong tỏa sau khi tham vấn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thượng nghị sĩ McGovern cho rằng, mối quan hệ với Việt Nam cũng liên quan đến lợi ích quốc tế rộng lớn hơn của Mỹ.

"Sau những bài học từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cuba, lẽ ra chúng ta đã phải học được một điều rằng việc đưa ra các chính sách kinh tế và chiến tranh chính trị chống lại các nước khác chỉ vì chúng ta không đồng tình với tư tưởng của họ hay vì những mâu thuẫn lợi ích mới phát sinh không hợp ý mình, là một cách tự chống lại chính mình. Đặc biệt là trong trường hợp của những nước nhỏ, rõ ràng chúng ta không cần phải áp đặt bất kỳ nước nào vào thế cạnh tranh.  Việt Nam không cần sự chi phối của bất kỳ ngoại lực nào và không có lý gì chúng ta lại buộc họ phải như vậy. Các chính sách cô lập có thể sẽ phản tác dụng".

Cuộc nói chuyện thẳng thắn, cởi mở

Trong đoạn cuối của bản báo cáo, ông George McGovern miêu tả khá chi tiết buổi nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông Nguyễn Xuân Oánh về việc hợp tác, đầu tư giữa 2 quốc gia trong tương lai.

Về vấn đề ngoại giao nói chung, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói đơn giản: "Chúng tôi đã sẵn sàng". Nhưng phía Mỹ luôn nghĩ rằng, Việt Nam sẽ nhấn mạnh vào việc thực hiện Điều 21 - Hiệp định Paris như là một điều kiện tiên quyết để bình thường hóa. George McGovern không nghĩ rằng "vấn đề này sẽ gây khó khăn cho các mối quan hệ ngoại giao bình thường khác".

"Chúng tôi cũng thảo luận về thương mại. Khi tôi hỏi họ muốn nhập khẩu mặt hàng nhu yếu phẩm nào, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết có vô số thứ mà Việt Nam đang cần. Tôi hỏi, liệu họ có chào đón sự hợp tác của các công ty dầu của Mỹ để phát triển các nguồn tài nguyên dầu mỏ, và ông trả lời: "Tất nhiên rồi. Tại sao không?". Ông nói đây là một trong những điều cần được thảo luận ở cấp độ chính thức.

Thượng nghị sĩ McGovern (áo vest trắng) dẫn đầu đoàn biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở đại lộ Auburn, năm 1970.

Thượng nghị sĩ McGovern đã hết sức ngạc nhiên khi người Việt Nam từ các công chức đến người dân thường không hề thể hiện sự thù oán gì với người Mỹ. "Tôi có thể cảm nhận được sự thân thiện và quan tâm chân thành của người dân khi đi bộ trên những con phố ở Hà Nội. Trẻ em và những người có học tiếng Anh đều chào lớn "hello" khi thấy tôi trên đường".  

Trong phần cuối bản báo cáo, Thượng nghị sĩ McGovern nhận định rằng, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bất cứ mối quan hệ ngoại giao, thương mại hay viện trợ nào kể cả từ bên trong hay bên ngoài.

Sau khi phải đấu tranh và chịu đựng quá lâu để giành được hòa bình và độc lập, Việt Nam kiên quyết không để mất thêm bất cứ thứ gì. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang sẵn sàng ngừng cuộc chiến với bên ngoài để hướng đến tương lai trên cơ sở lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau.

George Stanley McGovern (19/7/1922 - 21/10/2012) là một nhà sử học và một chính trị gia Mỹ

Từ năm 1957 - 1961: Thành viên của Hạ nghị viện Hoa Kỳ vùng South Dakota.

Năm 1962: Tham gia tranh cử và trở thành Thượng nghị sĩ vùng South Dakota.

Tháng 9/1963: Ông là người đầu tiên cảnh báo sự can thiệp quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở Việt Nam trong một bài phát biểu trước hội đồng các thượng nghị sĩ.

Năm 1965: McGovern chính thức phản đối cuộc chiến ở Việt Nam. Ông cho rằng Mỹ sẽ không giành được thắng lợi ở miền Nam Việt Nam và quyết liệt phản đối chính sách mở rộng cuộc chiến ra miền Bắc. Thay vào đó, ông đề xuất một bản kế hoạch 5 điểm ủng hộ việc giải quyết bằng cách thương lượng, thành lập một ủy ban tự chủ liên Việt Nam với sự giám sát của LHQ nhằm đảm bảo an ninh và công bằng.

Năm 1966 - 1969: McGovern liên tục đẩy mạnh các hoạt động chống chiến tranh Việt Nam.

Năm 1968: Quyết định tranh cử chức tổng thống sau sự kiện Robert F. Kennedy bị ám sát. McGovern được đảng Dân chủ đề cử cho cuộc tranh cử năm 1972. Tuy nhiên, cả ông và một đối thủ khác là Sargent Shriver đều thất bại trước Richard Nixon.

Năm 1988 - 2001: Trở thành Đại sứ của Tổ chức Lương Nông ( FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc.

Quang Dũng - Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.