Việt Nam nhìn từ những chuyến bay

Thứ Hai, 23/01/2012, 11:35

Một thập niên trở lại đây, dường như năm nào cũng vậy, tôi lại có dịp được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm hữu nghị các nước thuộc các châu lục. Lần gần đây nhất là chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm 3 nước châu Âu: Vương quốc Hà Lan, UKraina và Cộng hòa Uzbekistan. Mỗi chuyến đi là mỗi lần thâu nạp thêm kiến thức và sự hiểu biết về nền văn hóa, tiềm năng đất nước và con người nơi đây, để rồi có dịp nhìn trở lại tổ quốc mình thấy thêm tự hào, thấy rõ những bước trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của đất nước mình.

Hôm nay, Việt Nam đã được cả thế giới biết đến, không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập - tự do, mà cả trong cuộc chiến chống đói nghèo, xây dựng đất nước hòa bình, ổn định và phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.

"Chúng tôi đánh giá cao vị thế của Việt Nam"

Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, buổi sáng 28/9/2011, trong buổi gặp gỡ báo chí Việt Nam và Hà Lan sau khi kết thúc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không phải ngẫu nhiên hoặc xã giao mà ông đưa ra lời nhận xét như thế, mà đó là lời khẳng định rất trách nhiệm của một người đứng đầu Chính phủ Hà Lan khi ông trả lời câu hỏi: "Ngài đánh giá như thế nào về Việt Nam, về mối quan hệ giữa Hà Lan và Việt Nam?".

Tiếp nối điều mà mình đã khẳng định, Thủ tướng Mark Rutte nói: "Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, chúng tôi luôn theo sát những bước tiến của Việt Nam. Sau những nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam đã ghi tên mình vào bản đồ thế giới như một quốc gia đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Từ một nước đói nghèo, giờ đây Việt Nam được cả thế giới biết đến là một quốc gia xuất khẩu lương thực đứng hàng đầu thế giới, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Và theo thời gian Việt Nam đã và đang trở thành một quốc gia có vị thế cao trên trường quốc tế. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập".

Kết thúc chuyến thăm Vương quốc Hà Lan, ngồi trên máy bay để đến thăm nước Cộng hòa Uzbekistan, tự nhiên tôi liên tưởng đến một câu chuyện cảm động khác mà cánh báo chí chúng tôi ghi nhận được trong chuyến tháp tùng Thủ tướng nước ta thăm 3 nước ở châu Phi; trong đó có Cộng hòa Nam Phi, nơi mà cách Việt Nam gần chục múi giờ. Câu chuyện ấy chúng tôi ghi được tại diễn đàn doanh nghiệp giữa 2 nước Việt Nam - Nam Phi.

Theo chương trình được in sẵn phát cho các đại biểu thì người đọc diễn văn khai mạc là ông Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nam Phi, tiếp sau là phát biểu của Thủ tướng nước ta. Chương trình là vậy nhưng vừa bước lên bục để khai mạc diễn đàn doanh nghiệp 2 nước, ông Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nam Phi với cử chỉ thật thân thiện đã mở đầu những câu chuyện biểu lộ tình cảm của cá nhân ông cũng như của những nhà lãnh đạo và nhân dân Nam Phi với Việt Nam: "Những điều tôi nói dưới đây là từ trái tim tôi về đất nước và con người Việt Nam".

Cả hội trường im lặng; dường như quá xúc động, ông Bộ trưởng cũng im lặng trong ít phút. Vẫn là những lời ấm áp và chân tình, ông tiếp: "Các bạn có biết, ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới với Cộng hòa Nam Phi quan trọng như thế nào không? Khi mà chúng tôi trải qua bao khó khăn, đôi lúc tưởng chừng không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng chính trong thời điểm cam go ấy, chúng tôi đã nhận được sự cổ vũ từ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Còn nhớ, lúc đó Chủ tịch Đảng của chúng tôi đi thăm Việt Nam, hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, khi trở về Nam Phi, chúng tôi đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy chính trị.

Với chúng tôi, những người đã trải qua thời điểm ấy, chúng tôi không thể quên sự đóng góp to lớn của nhân dân Việt Nam đối với hòa bình thế giới nói chung và Nam Phi nói riêng. Giờ đây, trên mảnh đất Nam Phi đã được giải phóng, chúng tôi vui mừng được đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đến thăm. Tôi xin đề nghị với ngài Thủ tướng ngày mai khi hội đàm với Tổng thống nước chúng tôi, ngài hãy để ý khi ông ấy cười. Lúc đó, chắc chắn ngài sẽ thấy Tổng thống của chúng tôi bị gãy một chiếc răng.

Ngài hãy hỏi ông ấy rằng: "Làm sao Tổng thống bị gãy chiếc răng cửa?". Tôi đảm bảo chắc chắn ông ấy sẽ trả lời: "Tôi bị gãy răng cửa do Cảnh sát Anh dùng dùi cui đánh khi tham gia vào cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam của đế quốc Mỹ hồi còn là sinh viên du học tại Vương quốc Anh năm 1966". Đã gần 40 năm trôi đi, giờ đây trên cương vị là người đứng đầu nhà nước Nam Phi, nhiều người khuyên Tổng thống nên làm lại chiếc răng đã bị Cảnh sát Anh đánh gãy, song ông không chịu, bởi lẽ ông coi đó là một kỷ niệm, là tình cảm mà ông đã lưu giữ và dành cho Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân thăm Nhật Bản.

Vẫn là đồng chí, vẫn là anh em

Tham gia đoàn phóng viên tháp tùng Thủ tướng thăm chính thức các nước bạn bè truyền thống, với tôi, tôi luôn để tâm đến các câu chuyện ngoài lề, các cử chỉ, lời nói, câu chào thể hiện tình cảm từ người đồng cấp với Thủ tướng ta. Lần này cũng vậy, khi Thủ tướng và phu nhân vừa bước xuống sân bay quốc tế ở Thủ đô Taskent, Cộng hòa Uzbekistan, Thủ tướng nước chủ nhà Miziyoyev đã ra tận cầu thang máy bay đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại sân bay cũng như trong phòng khách VIP của sân bay, những câu chuyện thân tình vừa mang tính xã giao, vừa ẩn chứa tình cảm nồng ấm và ở đó 2 từ "đồng chí" trong giao tiếp của 2 người đứng đầu 2 chính phủ lại có dịp được nhắc đến, khiến những người có mặt hôm ấy ai cũng thấy ấm lòng. Điều đó xem ra cũng đúng thôi, bởi vừa đúng 20 năm sau khi Liên Xô và khối XHCN ở các nước Đông Âu tan rã, thể chế chính trị tại nước Cộng hòa Uzbekistan cũng như các nước cộng hòa khác thuộc Liên bang Xôviết đã thay đổi; giờ đây việc xưng hô với nhau là đồng chí quả thực gợi lại cho mỗi người chúng ta một tình cảm đầm ấm. Đó là mối tình vừa là đồng chí, vừa là anh em. Ấn tượng ấy khiến tôi nhớ lại cách nay vừa đúng 11 năm, vào mùa thu năm Canh Thìn, tôi cũng được cử đi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm 3 nước châu Âu; trong đó có Liên bang Nga. Trong những ngày ở trên đất Nga dịp ấy, theo lịch trình, Thủ tướng và phu nhân cùng các thành viên trong đoàn đã đến thăm Học viện Kinh tế Plêkhanốp ở thủ đô Matxcơva, nơi mà Thủ tướng từng theo học trong những năm đầu của thập niên 60, thế kỷ XX.

Buổi sáng hôm đó, sau lễ trao Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho các viện sĩ, giáo sư, giám đốc học viện, cả hội trường lặng đi khi nghe các giáo sư đầu ngành ở đây phát biểu về cảm nghĩ của mình: Về nước Nga và về Việt Nam. Chúng tôi - những phóng viên Việt Nam và các bạn người Nga, ai nấy đều ngạc nhiên khi một giáo sư mở đầu bằng cụm từ: "Chào các đồng chí Việt Nam". Ông nói như nấc nghẹn và những cảm xúc ngập tràn bởi tình cảm đằm thắm ông đã dành cho đất nước và con người Việt Nam. Dường như phát hiện thấy mọi người ngạc nhiên khi mình đưa ra cụm từ ấy, ông chủ động giải thích: "Sở dĩ tôi muốn dùng từ "đồng chí" để mong sao những người bạn Việt Nam có mặt ở diễn đàn này thấu hiểu cho nỗi lòng của chúng tôi. Thế giới, nước Nga dù có thay đổi thế nào, song trái tim của chúng tôi vẫn coi Việt Nam là người bạn thân thiết. Chúng ta đã có với nhau hơn nửa thế kỷ chia ngọt sẻ bùi, gian khổ có nhau, vậy thì tại sao lại phải xa nhau".

Tiếp nối những tình cảm nồng hậu ấy, một giáo sư đầu ngành khác nói: "Những năm qua, từ học viện này đã có hàng nghìn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam tốt nghiệp, nhiều người giờ đây đã giữ những trọng trách quan trọng ở Việt Nam. Và cũng trong thời gian đó, nhiều giáo sư của Học viện đã sang công tác tại Việt Nam; giảng bài hoặc tham dự nhiều diễn đàn khác. Chúng tôi đã ăn bữa cơm Việt Nam và chia sẻ cùng Việt Nam những lúc khó khăn, hoạn nạn. Bây giờ khi theo dõi tiến trình đổi mới ở Việt Nam, chúng tôi mới hiểu ra rằng, tại sao lãnh đạo Việt Nam không đi theo con đường cải tổ ở Liên Xô trước đây? Tại sao Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận; bị chiến tranh tàn phá nặng nề mà vẫn đứng vững và vươn lên giành vị thế cao trên trường quốc tế. Và tại sao từ một nước hàng năm phải đi xin viện trợ lương thực từ Liên Xô trước đây, nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới; một quốc gia có tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất? Rồi ông khẳng định thay cho lời kết của mình: "Dẫu thời gian có trôi đi, thế giới dù có thay đổi như thế nào, nhưng tôi nghĩ: Hai tiếng "Liên Xô" ngày nào vẫn là một biểu tượng tốt đẹp luôn bên cạnh các đồng chí Việt Nam".

Đến lượt mình, ông viện sĩ, Giám đốc Học viện, sau khi nhận Huy chương Hữu nghị của Nhà nước ta, xúc động nói: "Qua những năm đổi mới thành công ở Việt Nam, chúng tôi đã nghiên cứu và học tập. Rồi đây, theo kế hoạch đã đề ra, Học viện sẽ mời các chuyên gia kinh tế Việt Nam, trong đó có cả cá nhân Thủ tướng sang đọc bài giảng và trao đổi kinh nghiệm với Học viện".

Tương tự như vậy, khi Thủ tướng và đoàn đại biểu Chính phủ ta đến thăm nước Cộng hòa Belarus, hai từ "đồng chí" ở đây tuy không thể hiện trên bàn Hội đàm hoặc trong các cuộc tiếp xúc tay đôi nhưng bỏ qua những thủ tục, lễ nghi mà Bộ Ngoại giao hai nước đã đệ trình, Tổng thống Lukashenko đã làm một việc khá bất ngờ so với chương trình đã được chuẩn bị sẵn từ nhà là tiếp và hội kiến với Thủ tướng ta trước khi diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa hai Thủ tướng hai nước. Điều thú vị là khi tiếp Thủ tướng nước ta, Tổng thống Lukashenko thổ lộ: "Trên nghi thức ngoại giao, chúng ta gọi nhau là ngài, nhưng thực chất trong lòng chúng tôi vẫn coi Việt Nam là những đồng chí, là người anh em".

Quả thực nếu chỉ ở trong nước, hàng ngày phải đối mặt với nỗi lo thường nhật, nhiều người trong số chúng ta còn có sự ngờ vực rằng Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo nhất thế giới chưa?... Xin thưa, nếu ai chưa một lần theo các chuyến bay để đến với những vùng quê cùng cảnh ngộ như ta thì chưa thể thấy hết kết quả và ý nghĩa to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo

L.V.
.
.