Vũ khí chiến lược của quân đội Nga sẽ trở lại duyệt binh trên Hồng trường

Thứ Sáu, 16/05/2008, 10:20

Trung tuần tháng 1/2008, Nga tuyên bố, sẽ khôi phục truyền thống duyệt binh thời liên xô. Điều này có nghĩa là sau 17 năm vắng bóng vũ khí chiến lược như: máy bay, xe tăng, tên lửa đạn đạo... thì nay chúng sẽ xuất hiện trở lại trên hồng trường trong lễ duyệt binh.

 Những năm 1990-1994 không có duyệt binh ở Nga. Từ năm 1995, duyệt binh Nga được khôi phục, nhưng với quy mô thu nhỏ, không có trang bị vũ khí hạng nặng.

Duyệt binh của Nga trải qua các thời kỳ

Ngày 7/11/1918, để chúc mừng Hồng quân và 1 năm thắng lợi của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười, chính quyền Xôviết non trẻ do Lênin đứng đầu, quyết định cử hành duyệt binh ở Hồng trường Moskva với sự tham gia của Sư đoàn Bộ binh, Sư đoàn Kị binh, Phân đội xe tăng đặc biệt và 3 máy bay. Cụm từ: Duyệt binh Hồng trường có từ đó.

Ngày 7/11/1918, báo Sự thật, Liên Xô (LX) cũ đã có bài bình luận: “... Đây là ngày tết công nông đầu tiên với sự chúc mừng bằng phương thức đặc biệt, thế giới sẽ nhìn thấy, nghe thấy, đồng thời phấn chấn. Cuộc duyệt binh và diễu hành này sẽ thức tỉnh đông đảo những người lao khổ của tất cả các quốc gia bị áp bức vùng lên làm cách mạng...”.

Duyệt binh Hồng trường năm 1918 đã mở ra lịch sử duyệt binh của quân đội LX. Tuy rằng trong thời gian hơn 70 năm sau đó, trước khi LX giải thể, với nhiều lý do khác nhau, không phải năm nào LX cũng tổ chức duyệt binh, nhưng được hiểu đây là một trang sử hào hùng của quân và dân LX. Đại duyệt binh Hồng trường đã được ghi vào sử sách.

Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ, ngày 7/11/1941, kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười, cũng là ngày Hitler theo kếá hoạch “Typhoon” (Bão nhiệt đới) muốn chiếm Moskva và cử hành duyệt binh kiểu quân Đức tại Hồng trường. Nhưng trong ngày này, Hitler đã thất bại vì trước mắt quân Đức, Stalin đã cử hành một cuộc duyệt binh chớp nhoáng qua Hồng trường, gây chấn động thế giới. Rất nhiều lực lượng quân đội và quần chúng tham gia duyệt binh đã đi thẳng ra mặt trận.

Có chuyên gia sử học đã nói, đây là cuộc “duyệt binh không thể ngờ tới” nhất trong lịch sử duyệt binh Hồng trường LX. Nhiều nhà sử học cho đây là sự sáng tạo “một ngày đông thần thoại” của quân dân LX.

Lịch sử cũng sẽ không quên ngày 7/11/1990, kỷ niệm 73 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga, LX vẫn hoàn thành duyệt binh Hồng trường sau khi khắc phục vụ gây rối của những người phản đối trong đó có một số người đã cản xe tăng tham gia tập luyện duyệt binh.

Người ta cũng không thể quên Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1991, những người phản đối đã diễu hành thị uy qua Hồng trường, khiến kế hoạch duyệt binh năm đó buộc phải hủy bỏ.

Mấy năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi LX giải thể, xuất hiện một số luồng tư tưởng chính trị nên duyệt binh Hồng trường không được tiến hành.

Khi xung đột xảy ra ở Chechnya đã khiến những người lãnh đạo Nga ý thức được tính tất yếu phải chấn hưng lại uy lực của quân đội Nga. Năm 1995, Tổng thống Nga Yeltsin đã ký dự luật liên quan đến khôi phục duyệt binh, cử hành mỗi năm một lần vào ngày 9/5, ngày kỷ niệm chiến tranh vệ quốc thắng lợi, nhưng dự luật này lại không quy định về trang bị quân sự tham gia duyệt binh.

Ngày 9/5 năm đó, tại Moskva và một số thành phố anh hùng, các đại quân khu và hạm đội đều cử hành duyệt binh với sự tham gia chủ yếu là bộ binh và những trang bị vũ khí thông thường.

Hình ảnh hùng tráng nhất trong duyệt binh cũng chỉ là 10 máy bay “dũng sĩ” và “Vũ yến” của không quân bay biểu diễn trên vùng trời Hồng trường.

Như vậy, từ năm 1996, truyền thống duyệt binh Hồng trường mỗi năm một lần chính thức được khôi phục. Nhưng những vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu hiện đại... cũng chưa lần nào xuất hiện tại Hồng trường.

Duyệt binh kỷ niệm chiến thắng phát xít tại Hồng trường Moskva

Nga muốn thể hiện quốc uy

Ngày 15/1/2008, Thượng tá Iushkov, người phát ngôn của Quân khu Moskva đã thông báo với báo chí: “Gần đây, Pajin, Đại tướng, Tư lệnh Quân khu Moskva đã triệu tập và chủ trì hội nghị sĩ quan cao cấp, đưa ra quyết định: một loại trang bị vũ khí mới, bao gồm hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược “Bạch dương-M” sẽ tham gia duyệt binh Hồng trường ngày 9/5 năm nay”.

Cũng theo giới báo chí viện dẫn lời của Iushkov cho biết, lần hội nghị quân khu quan trọng này, thực hiện chỉ thị của Tổng thống Putin, Bộ Quốc phòng Nga đã có chủ trương từ giữa năm 2007 bắt đầu chuẩn bị cho việc duyệt binh Hồng trường. Đến nay, Quân khu Moskva đã có thể chính thức công bố, ngày kỷ niệm chiến tranh vệ quốc thắng lợi năm 2008 sẽ xuất hiện vũ khí chiến lược trong duyệt binh Hồng trường.

Sau khi tin tức truyền đi, nói chung dư luận Nga rất phấn khởi. Valenikov, cựu chiến binh chiến tranh vệ quốc, anh hùng LX nói: “Đây là một hành động trọng đại thể hiện hùng khí của Nga, sự kiện này sẽ nâng cao uy tín của quân đội trong nhân dân, đặc biệt là trong lòng lớp thanh niên trẻ”.

Kormilicakov, nguyên Tư lệnh Lục quân Nga nêu rõ: “Một loạt vũ khí hiện đại xuất hiện trên Hồng trường, biểu hiện Nga hoàn toàn có năng lực ứng phó với bất kỳ uy hiếp nào và có thể bảo vệ an toàn quốc gia”. Giơrinovski, người lãnh đạo đảng Tự do dân chủ, Phó chủ tịch Duma quốc gia Nga khi tiếp phóng viên thông tin quốc tế đã nhấn mạnh: “Chỉ có trang bị quân sự mới khiến người ta có ấn tượng mạnh mẽ.

So sánh với thời kỳ LX, vũ khí kiểu mới của Nga hiện nay còn hiện đại hơn, gây chấn động mạnh hơn. Đây sẽ là một chứng minh uy lực quân sự Nga đã được khôi phục”. Ông còn nói: “Chúng tôi không đe dọa thế giới, cũng không muốn thách thức cạnh tranh quân sự, chúng tôi chỉ muốn khôi phục lại vị thế của mình trên bản đồ chính trị, quân sự thế giới”.

Báo Độc lập ở Nga viết: “... Trong bối cảnh Mỹ có ý định bố trí hệ thống tên lửa đạn đạo đánh chặn ở châu Âu, NATO không ngừng mở rộng lực lượng, ý định khôi phục duyệt binh lớn là thể hiện ý chí, hành động của một nước lớn trước phương Tây do Mỹ đứng đầu”.

Giới bình luận Nga cho rằng, cùng với khôi phục máy bay ném bom chiến lược trực ban và hải quân đi tuần tiễu trên biển, nay lại đưa vũ khí trang bị chiến lược vào duyệt binh Hồng trường, Nga đã thể hiện sức mạnh quân sự mới trên trường quốc tế

Nguyễn Mau (Theo Globe)
.
.