Vui như ngày hội

Thứ Hai, 15/02/2010, 09:20
Đó là cái tết thứ tư kể từ khi Cụm Tình báo chiến lược H67 của chúng tôi rời chiến trường miền Đông Nam Bộ về bám trụ tại địa bàn xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, được ngụy trang với cái tên "Đoàn Nghiên cứu địa hình của tỉnh".

Cái tết đầu tiên, vì mới về, chỉ có anh em đơn vị đón tết với nhau. Năm thứ 2, có thêm một số cán bộ địa phương, anh em du kích và một số cơ quan của huyện đóng trên địa bàn An Phước. Tới cái tết thứ 3 thì có thêm một số bà con ngoài ấp chiến lược cùng vào dự. Đó là cái tết đầy ý nghĩa, tạo điều kiện thắt chặt thêm tình quân dân, được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương khen ngợi, coi đó là một sáng kiến góp phần thực hiện tốt công tác dân vận.

Sau khi Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết, bước đầu anh em chúng tôi nhận định nhiều khả năng tình hình sẽ êm hơn - Vì vậy, cần chuẩn bị một cái tết chu đáo để đón bà con về thật đông.

Đơn vị họp bàn thành lập ban tổ chức hẳn hoi với 3 bộ phận: Tổ hậu cần lo cơ sở vật chất, xây dựng thêm hầm tránh phi pháo, lán hội trường; Tổ văn hóa văn nghệ: tập luyện các tiết mục múa, hát, độc tấu, trang trí hội trường, làm cả đèn kéo quân và một cây đào bằng giấy để đối xứng với cây mai vàng tượng trưng cho mùa xuân hai miền Nam - Bắc; Tổ lễ tân chuẩn bị đón tiếp bà con.

Mọi việc được khẩn trương chuẩn bị đầy hưng phấn thì xảy ra tình huống phức tạp. Tại cuộc họp liên cơ (bao gồm các cơ quan bám trụ tại địa bàn An Phước) cùng cán bộ địa phương và du kích xã do Ban An ninh huyện chủ trì, bàn về công tác đảm bảo an ninh địa bàn.

Hôm đó, ông Quốc Thái (thường gọi là ông Năm Quốc Thái) - Trưởng ban, thông báo tóm tắt tình hình: "Địch có âm mưu phá Hiệp định Paris bằng cách đẩy mạnh càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng. Chúng sẽ tăng cường lực lượng biệt kích, thám báo, đặc biệt là tung bọn "Thiên Nga" trong kế hoạch "Phụng hoàng" vào vùng giải phóng để nắm tình hình và đầu độc cán bộ, đề nghị các đơn vị phải cảnh giác, bàn biện pháp đối phó với âm mưu thâm độc của chúng.

Về phía An ninh, chúng tôi sẽ bám sát tình hình kịp thời thông báo. Trước mắt, trong khi tình hình địa bàn chưa căng thẳng, ta cần tăng cường tiếp xúc quần chúng vừa để tuyên truyền cho bà con cảnh giác với âm mưu của địch, vừa răn đe số đối tượng xấu làm tay sai cho địch. Nội dung tiếp xúc chúng tôi sẽ chuẩn bị. Rất cần sự phối hợp của các đơn vị và địa phương, đặc biệt là đoàn Nghiên cứu địa hình - chỗ anh Bảy Vĩnh".

Căn cứ của An ninh huyện, đóng gần chúng tôi thuộc địa phận ấp I. Vì thế rất thuận lợi trong việc trao đổi tình hình. Sau cuộc họp, ông Quốc Thái có buổi làm việc riêng với "Đoàn Nghiên cứu địa hình". Ban An ninh và công trường (tên ngụy trang của đơn vị công binh) huyện là hai đơn vị chí cốt bám trụ chiến đấu cùng đơn vị chúng tôi nên được tiếp xúc với ông nhiều lần. Song, buổi làm việc hôm ấy tôi mới có dịp gần ông lâu hơn, mới phát hiện ra nhiều điều bất ngờ trong con người "ông già trầm lặng" ấy.

Với con mắt của người bao nhiêu năm gắn bó với công tác an ninh, tôi nghĩ rằng ông thừa hiểu "chân tướng" của cái đơn vị khoác áo "Đoàn Nghiên cứu địa hình" chúng tôi. Có lẽ vì thế mà buổi làm việc của ông đầy ắp thông tin, hầu hết là những vấn đề không thấy ông nêu cụ thể trong cuộc họp liên cơ. Như danh sách đối tượng cần răn đe, cảnh cáo; xung quanh vấn đề địch sử dụng lực lượng “Thiên Nga”; quân số của 2 bót bảo an đầu lộ Ông Kế và bót Cầu Đình…

Cuối cùng, ông chốt lại 2 việc: Thứ nhất, các đơn vị trong địa bàn phối hợp với địa phương tấn công phá khu gom dân ở khu vực ấp II, tạo cớ cho bà con trở về vườn cũ sinh sống, kết hợp gặp trực tiếp cảnh cáo một số đối tượng hoạt động tiếp tay cho địch; Thứ hai, tăng cường công tác nắm tình hình, chọn thời điểm thích hợp tổ chức một buổi gặp mặt tại ven đồng ấp I, vận động bà con về thật đông để thông báo chiến công của ta ở các chiến trường, thông báo âm mưu của địch phá hoại Hiệp định Paris, thông báo chủ trương sẽ kiên quyết xử lý những kẻ rắp tâm làm tay sai cho địch chống phá cách mạng.

Đón giao thừa tại căn cứ An Phước - Bến Tre (năm 1973).

Đắn đo giây lát, ông nêu vấn đề: "Cả hai việc trên, rất cần sự hỗ trợ của anh Bảy và các đồng chí trong Đoàn. Nhất là phần trực tiếp gặp, đấu tranh răn đe đối tượng. Thực ra, anh em địa phương đều làm được cả, có điều… bố mẹ, gia đình, vợ con hầu hết bị dồn vào khu gom dân. Nếu anh em trực tiếp tấn công sẽ không tránh khỏi bị bọn chúng trả thù, gây khó dễ với gia đình…".

Chúng tôi coi đó là niềm vinh dự được Cơ quan An ninh địa phương tin tưởng phân công đảm nhiệm một cung đoạn quan trọng trong đợt tấn công chính trị này. Đúng như nhận định của ông Quốc Thái, sau đợt tấn công đó tình hình địa bàn An Phước ổn định hơn, bà con trở về vườn cũ thu hoạch cây trái không còn bị bọn tề ngụy ngăn cản, gây phiền hà như trước. Nhiều gia đình đã bỏ khu gom trở về, cụm lại ở ven đồng ấp I. Lực lượng du kích, các cơ quan, đoàn thể huy động nhân lực giúp bà con xây dựng hầm tránh phi pháo, nhà ở tạm, cuốc đất trồng tỉa hoa màu… Có thể nói đó là những ngày tạm gọi là thanh bình nơi vùng ven sau bao năm ác liệt.

Với đơn vị chúng tôi, lại tập trung triển khai kế hoạch đón tết. Rôm rả nhất là bộ phận văn hóa - văn nghệ, các tiết mục tự biên, tự diễn được tập luyện rất công phu - Năm Phương đạo diễn tiết mục múa trống. Tư Cần và Sáu Hóa tập trung xây dựng tờ báo tường, "sản xuất" đèn kéo quân và làm cây đào giả. Vũ Minh Lĩnh - Tổ trưởng điện đài lo phần ánh sáng bằng bình ắc quy. Bộ phận hậu cần thì ung dung hơn - Tổ trưởng đời sống Tư Tia từ mấy tháng trước đã "bí mật" chuẩn bị một vườn rau xanh đủ loại, một đàn vịt mấy chục con. Đơn vị có sào đáy để cải thiện đời sống nên cái khoản tôm cá là khỏi lo, cứ gọi là ăn mệt nghỉ. Nhu yếu phẩm khác thì nhờ bà con mua giúp. Cả đơn vị chộn rộn từ sáng 29 - luộc bánh chưng, bánh tét; sáng 30, trang trí hội trường, chuẩn bị thêm bàn ghế "tất cả đều ghép bằng tre".

Chiều 30 đơn vị có mặt đông đủ. Bắt đầu có khách là thân nhân cán bộ, chiến sĩ từ quê về chơi. Các bà, các chị giao thông viên nội thành cũng về "tất nhiên vì nguyên tắc nghiệp vụ nên vẫn phải bố trí ở lán riêng, nhưng vẫn quan sát được mọi sinh hoạt ở lán hội trường".

Khoảng 4 giờ chiều thì khách bắt đầu đông, để 5 giờ dự bữa tất niên và sau đó là liên hoan văn nghệ. Hầu hết các gia đình thân quen ở địa bàn An Phước, đã từng gắn bó, giúp đỡ đơn vị đều có mặt. Các bà, các cô chưng diện như đi trẩy hội. Ai cũng mang theo quà tết tặng đơn vị - những mứt chuối, mứt dừa, bánh kẹo, rượu đế… một bữa tất niên, một đêm cuối năm ắp đầy tình nghĩa quân dân và trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với tôi. Cũng có thể từ cái đêm tất niên ấy đã nảy nở nhiều mối tình để rồi sau đó, có tới 5 cán bộ, chiến sĩ H67 đã trở thành chàng rể của An Phước.

Những năm tháng sau chiến tranh, chiến trường xưa vẫn là miền ký ức thẳm sâu trong tâm hồn người lính. Với tôi, mỗi năm khi xuân đến, tết về lại da diết nhớ về Bến Tre, nhớ bà con cô bác quê dừa An Phước, những người đã che chở, giúp đỡ chúng tôi trong những năm tháng đầy gian khó hy sinh. Đặc biệt là nhớ tới "tác giả" của những phương án phòng ngừa, đấu tranh trấn áp bọn phản động góp phần đảm bảo an ninh địa bàn - Đó là ông Năm Quốc Thái và Ban An ninh huyện Châu Thành những người đã một thời gắn bó với chúng tôi, sống chết bên nhau vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chúc vị huynh trưởng của tôi, các đồng chí và nhân dân quê dừa An Phước một mùa xuân mới vui khỏe, hạnh phúc vượt qua mọi khó khăn xây dựng An Phước ngày thêm giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống quê hương Đồng Khởi anh hùng.

Hà Nội, 12/2009

K.M.D.
.
.