Xtalin trong ký ức của người con nuôi

Thứ Ba, 04/12/2007, 11:00
Người cha đẻ của Archiom Sergeiev là nhà cách mạng Fedor Sergeiev - lúc đó được các chiến hữu gọi là "Đồng chí Archiom". Năm 1921, ông bị mất vì  một tai nạn bất ngờ. Cậu bé Archiom được gia đình Xtalin cưu mang nuôi dưỡng.

Lớn lên, Archiom cùng con trai thứ của Xtalin là Vaxili vào học ở trường quân sự. Về cuối đời binh nghiệp, ông là trung tướng của quân đội Xôviết. Gần đây, tờ báo Tin nhanh là cơ quan thông tin đầu tiên "bật mí" câu chuyện về Archiom và được ông  trả lời những câu hỏi lý thú.

Một ngôi nhà vườn không to tát cầu kỳ nhưng thoáng đãng. Ông già có khuôn mặt phúc hậu, hồn nhiên và hoạt bát, tươi cười cởi mở đón khách. Nhìn ông, không ai nghĩ là năm nay ông đã sang tuổi 86.

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa khách và chủ.

- Archiom Fedorovich, ông là người con nuôi của lãnh tụ Xtalin nhưng nhiều người không biết chuyện này? Vì sao vậy? Có điều gì bí ẩn?

- Thật là đơn giản, vì tôi chưa một lần kể với ai rằng tôi là con nuôi Xtalin, rằng tôi được gia đình Xtalin nuôi dưỡng thành người. Mẹ tôi cũng hoàn toàn im lặng về điều đó.

- Sau khi Xtalin mất và cả con trai Vaxili của Xtalin nữa thì Khrusov có biết ông không?

- Khrusov không biết tôi, hoàn toàn không biết tôi. Và cả Brejnev nữa, cũng không biết tôi. Đó là điều tốt cho tôi.

- Ông đã trở thành con nuôi Xtalin như thế nào?

- Bố tôi và Xtalin là bạn chiến đấu, thân nhau từ năm 1906, khi còn hoạt động bí mật. Cả hai đều là đại biểu của các đại hội Đảng trước Cách mạng. Cả hai từng cùng bị tù và bị đi đày.

Từ năm 1917, họ luôn sát cánh cùng nhau cho tới ngày bố tôi mất do một tai nạn giao thông bất ngờ. Khi cùng đoàn đi dự Đại hội 10 của Đảng rồi được cử đi trấn áp cuộc nổi loạn ở Cronstad (tháng 3/1921), bố tôi đã đề nghị với Xtalin rằng, nếu bố tôi có mệnh hệ gì thì nhờ Xtalin chăm sóc gia đình tôi, vì lúc ấy tôi còn trong bụng mẹ.

Cũng vào lúc đó Vaxili – con trai thứ hai của Xtalin ra đời. Thế là từ 5 tháng tuổi, tôi được gia đình Xtalin nuôi dưỡng, sống cùng một phòng với Vaxili cho tới năm 16 tuổi.

- Tôi không thể hiểu nổi, bởi chính ông không chỉ đơn giản là một thành viên của gia đình vị nguyên thủ quốc gia mà sau này còn là một vị tướng của quân đội Xôviết nữa. Đấy có phải là cái kim trong đụn cỏ khô đâu?

- Tôi phục vụ trong quân đội mà không cần “ô dù”, không cần đặc cách để tiến thân. Tôi đóng quân ở xa Moskva. Vào những năm 1937-1938, tôi học ở trường quân sự, rồi sau là học viên của Trường sĩ quan pháo binh Leningrad số 2.

Tốt nghiệp trường đó năm 1940, tôi được chỉ huy một trung đội. Khi chiến tranh nổ ra, từ ngày 28/6/1941, tôi chỉ huy một trung đội pháo. Chiến trận diễn ra ác liệt, không cân sức. Chúng tôi bị quân Đức đông gấp bội ném bom, bắn phá hủy diệt. Sau khi xe pháo bị đánh tan, tôi được cử chỉ huy một đại đội bộ binh.

Bị quân thù bao vây chặt, chúng tôi đã phá vây và tập hợp lại thành một đội quân du kích. Tôi đã bị quân Đức bắt trong thế không còn đường thoát. Bị chúng đưa tới trại tập trung rồi vào nhà tù ở Orsa. Tôi may mắn tìm cách chạy thoát được.

Dĩ nhiên, nếu lúc ấy có ai đó biết rõ lý lịch tôi thì chắc tôi khó thoát! Rồi tôi lại trở về tham gia các đơn vị chiến đấu, hết trận này tới trận khác.

- Ông là con nuôi Xtalin, nhiều năm được sống trong gia đình của lãnh tụ. Ông thấy Xtalin thế nào? Có người cho là khuôn mặt Xtalin trong ảnh là được tô điểm.

- Xtalin không bao giờ tô điểm gì, rất tự nhiên. Khuôn mặt hiền hậu, không có tì vết gì. Nói chung khuôn mặt ông trông rất thông minh, giản dị của một con người tốt. Có một phụ nữ từng bị hại trong những năm bị trấn áp là Kira Pavlovna khi được hỏi về Xtalin cũng trả lời: “Nếu nói thật thì ông là một người khả ái”.

- Thế Xtalin nuôi dạy ông như thế nào?

- Bố nuôi tôi là một người cha ân cần và mẫu mực,  điềm đạm. Về bản chất, ông là một con người năng nổ, linh hoạt nhưng rất mô phạm. Ông không cho phép đứa trẻ tự coi mình là người không biết suy nghĩ. Ông nói chuyện với chúng tôi, với Vaxili, với con gái út Svetlana về những vấn đề một cách nghiêm túc rõ ràng, dễ hiểu.

Có lúc ông đưa chúng tôi ra làm gương cho nhau trong sinh hoạt, đối xử. Ví như khi thấy những khiếm khuyết của Vaxili thì ông đã đưa tôi ra làm gương. Và ông biết đó là điều không hay cho Vaxili. Thực ra thì Vaxili là người tốt, anh ấy có thể hiến dâng tất cả, tặng tất cả, nhưng bản chất là người hiếu thắng.

Trong số những món quà Xtalin cho tôi có hai cuốn truyện hay. Ông đề tặng tôi trong cuốn sách “Robinson Cruso” của Daniel Defo: “Tặng Tomic thân yêu của cha, chúc con lớn lên thành người Bolsevich giác ngộ, kiên định và dũng cảm”.

Ông gọi tôi là Tomic để kỷ niệm tên cha tôi thời hoạt động cách mạng ở nước ngoài theo cách gọi của người địa phương nơi đó.

Do rất bận công việc nhà nước nên ông ít khi chơi với con cái. Khi có chút thì giờ rảnh rỗi, hay khi đi làm về mà con cái chưa đi ngủ thì ông mới trò chuyện.

- Thế ông có nhớ gì về Trosky?

- Tất nhiên là có. Chính xác là khi tôi lên 6 tuổi, lần đầu tiên tôi chú ý tới ông ấy. Tôi lập tức có ấn tượng không tốt: ông có chòm râu nhỏ, luôn tỏ ra dữ tợn, đôi mắt nhìn xuyên suốt, lạnh lùng. Tôi có cảm nhận đầu tiên rằng đó là con người không tốt.--PageBreak--

Bố tôi và Trosky là 2 người đối nghịch. Các chiến hữu của bố tôi luôn đề phòng sao cho họ không nổi nóng mỗi khi gặp nhau, bởi vì bố tôi là người nắm vững những phương thức đấu tranh, còn Trosky thì đóng vai trò tên phản bội, đạo đức giả.

Hắn chỉ luôn tìm cách thụi ngầm địch thủ đằng sau lưng, khi trước mặt thì tỏ ra là “bạn hữu”. Lúc đó hầu hết đều nhận ra bộ mặt thật của Trosky.

- Thế ông có nhớ gì về Beria không?

- Tôi có ấn tượng u ám. Mỗi khi Beria tới nhà Xtalin thì không khí thật nặng nề khó chịu. Tuy nhiên lúc đó Beria là một nhân vật to tát, có vai vế. Tất cả năng lượng nguyên tử là ở ông ta. Không phải vô cớ mà nhà bác học I.Curtratov đã khuyên và thậm chí còn nằng nặc yêu cầu Chính phủ để cho Beria thay Molotov đứng đầu dự án nguyên tử...

Ngôi nhà của Archiom Sergeiev.

- Xin hỏi hơi tò mò một chút: Các vị lãnh đạo “tu chỉnh, sửa sang nhan sắc” của mình ở đâu? Ví như cần cắt tóc, cạo râu chẳng hạn?

- Ở Kremlin có một hiệu cắt tóc, cạo râu chung cho tất cả. Tôi thấy hình như bố tôi tự cạo râu cho mình, vì tôi không còn nhớ ai đến làm cho bố tôi cả. Còn cắt tóc thì ông cũng tới hiệu chung đó. Một hôm, tôi đã tới hiệu cắt tóc. Đang ngồi chờ theo thứ tự thì Mikhain Ivanovich Kalinin đi tới.

Tôi lập tức nhường chỗ của mình cho ông. Nhưng ông đã từ chối và nói: “Không, không được làm thế. Bây giờ tới lượt của cháu thì cháu cứ vào. Lẽ nào chúng ta lại có cái luật cho phép Kalinin không phải xếp hàng vào hiệu cắt tóc?

Không có luật lệ nào như thế. Tôi là người ký ra văn bản luật pháp thì tôi trước hết phải thi hành luật đó... Nào, cháu cứ mạnh dạn thực hiện cái quyền của mình...”.

- Đúng là “đã có những người như thế trong thời đại chúng ta?...".

- Tôi nhớ lại một vài sự kiện mà Ivan Alexandrovich Serov, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia lúc đó kể khá tỉ mỉ. Chắc các anh đã từng nghe chuyện đơm đặt về Xtalin rằng ông không ra chiến trường.

Thì đây, một hôm ông ra lệnh: Chuẩn bị đi ra mặt trận. Ông Serov đã chuẩn bị xe cộ, còn người đi theo thì rất ít. Họ đi đến Phương diện quân miền Tây. Xtalin chú ý tới công việc ở đó; sự hoạt động của không quân ta; kiểm tra rồi khen ngợi Không quân tầm xa của tướng Golovanov vì đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chiến đấu được giao.

Rồi Xtalin đến Phương diện quân Kalinin. Từ sở chỉ huy ở đó, ông gọi về Moskva cho Georgi Maximilianovich Malenkov. Malenkov liền hỏi: “Thưa đồng chí Xtalin, đồng chí gọi từ đâu đấy?”. Trả lời: “Từ đâu, đó là điều không quan trọng...”.

Một cuộc trao đổi công việc rất lâu, một lần nữa tên của Golovanov lại được nhắc tới ở mức cao nhất. Lúc đó Xtalin nói với Malenkov: “Ngày mai trên các báo sẽ đăng tin về việc Golovanov được phong hàm Nguyên soái Không quân”.

Rồi lập tức nhiều người gọi điện chúc mừng Tư lệnh Không quân Golovanov, Xtalin cũng gọi chúc mừng vị Tư lệnh này được phong hàm Nguyên soái. Ông Golovanov nói rằng, ông không được biết gì về việc đó. Xtalin nói ngay: “Hãy đọc báo đi!”.

- Ông sống ở gia đình lãnh tụ như thế nào?

- Từ năm 1923 đến 1927, tôi và Vaxili cùng được nuôi dạy ở nhà trẻ. Ngoài chúng tôi – là những đứa con mà cha mẹ không có điều kiện và thì giờ chăm nuôi do quá bận rộn với công việc quốc gia, còn có một số khác không nhà cửa, mồ côi cha mẹ... Tất cả có 50 đứa, gọi vui là “nhà trẻ 50”.

Các bà bảo mẫu chăm sóc chu đáo và tận tình dạy dỗ, không phân biệt đó là con Xtalin hay trẻ vô gia cư và mồ côi cha mẹ. Về sau tất cả chúng tôi đều được đi học ở trường phổ thông, rồi chúng tôi vào học trường quân sự. Khi chiến tranh nổ ra, chúng tôi đều lập tức ra chiến trường.

- Thế khi nào thì ông và Vaxili gặp nhau lần cuối cùng?

- Chúng tôi vẫn còn được gặp nhau khi anh ấy vào nằm điều trị ở quân y viện.

Tham gia chiến tranh, Vaxili được thưởng 4 huân chương. Các bạn cùng lứa, có người được thưởng nhiều hơn. Một lần, đội bay ném bom của Đức ồ ạt tấn công vào hậu phương của ta. Khi phát hiện ra chúng, Vaxili lập tức phóng máy bay lên chặn đánh mặc dù máy bay của anh chưa kịp trang bị đầy đủ vũ khí.

Bộ chỉ huy ở mặt đất chứng kiến hành động mưu trí và dũng cảm đó đã ghi danh để phong anh hùng. Tuy nhiên, khi đã biết đó là con trai Xtalin thì họ đã hạ xuống một bậc: chỉ tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ...

Về Vaxili – người bạn, người anh em của tôi đã có nhiều bài viết không đúng sự thật, thậm chí còn vu khống. Và ngày nay có người vẫn tiếp tục cố tình bóp méo hình ảnh của anh... Sự thật không phải như vậy.

- Xin hỏi, ông có coi Xtalin là một người cha thật sự?

- Vâng, tôi rất tự hào về cả hai người cha của mình. Tôi tự hào vì cả hai được an táng ở bức tường Điện Kremlin. Những ngày sinh và ngày mất của hai người, tôi đều mang những bó hoa tươi thắm đến dâng trước mộ, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của mình. Tôi rất tự hào về hai người cha của mình

Nguyễn Hữu Dy
.
.