Xung quanh chuyến bay của Mao Trạch Đông tới Quảng Châu tháng 5/1956

Thứ Hai, 31/03/2008, 09:55
Mao Trạch Đông đã nói ra nguyên do: “Chúng ta có phi công của mình, tại sao còn ngồi máy bay của người nước ngoài? Tôi nhất định phải đi trên chiếc máy bay do người Trung Quốc tự lái”.

“Tôi phải đi trên máy bay do người Trung Quốc lái”

Tháng 5/1956, Mao Trạch Đông quyết định đi máy bay tới Quảng Châu. Đây là lần đầu tiên ông đi máy bay kể từ khi nước CHND Trung Hoa thành lập.

Tư lệnh Không quân Lưu Á Lâu nói với Đoàn trưởng Đoàn chuyên cơ số 1 Hồ Bình, lúc đầu định để Mao Chủ tịch ngồi máy bay của đoàn cố vấn Liên Xô nhưng ông không đồng ý. Nếu nói do Mao không yên tâm đối với máy bay nước ngoài cũng không đúng.

Năm 1945, khi đi Trùng Khánh đàm phán, máy bay Mao Trạch Đông ngồi là của người Mỹ. Thập niên 50 của thế kỷ XX, Mao nhận lời mời của Chính phủ Liên Xô sang dự lễ kỷ niệm cuộc Cách mạng Tháng Mười, ông đi máy bay của Liên Xô. Hơn nữa, đi máy bay thời đó không an toàn.

Tháng 4/1955, Thủ tướng Chu Ân Lai tới dự Hội nghị Bandung ở Indonesia đã thuê máy bay “Công chúa Casmia” của Ấn Độ. Đặc vụ của Đài Loan đã đặt bom hẹn giờ làm nổ tung máy bay. Sát giờ trước khi đi, Thủ tướng Chu đã lên chiếc khác, thoát nạn trong gang tấc. Bài học xương máu này xảy ra vào năm trước, tại sao Mao Chủ Tịch còn ngồi máy bay? Tại sao không đi tàu hỏa?

Mao Trạch Đông đã nói ra nguyên do: “Chúng ta có phi công của mình, tại sao còn ngồi máy bay của người nước ngoài? Tôi nhất định phải đi trên chiếc máy bay do người Trung Quốc tự lái”. Thì ra,  việc từ chối đi máy bay nước ngoài của Mao Trạch Đông chính là để cổ vũ cho không quân Trung Quốc còn non trẻ.

Làm thêm chiếc giường gỗ

Sân bay ngoại ô phía tây Bắc Kinh là sân bay lâu đời nhất ở thủ đô, cũng là sân bay gần trung tâm Bắc Kinh nhất.

Vào năm 1956, máy bay tốt nhất của Trung Quốc là loại L-2 của Liên Xô. L-2 là loại máy bay nhỏ, chỉ chở được hơn 10 người. Chuyên cơ chở Mao Trạch Đông, số hiệu 8025, với Cơ trưởng Hồ Bình, còn chiếc L-2 khác do Cơ trưởng Thời Niệm Đường đảm  nhận, với nhiệm vụ khi chiếc đầu gặp sự cố thì để Mao Trạch Đông ngồi lên chiếc phụ này. Đồng thời chiếc chuyên cơ phụ chở những người công tác bên cạnh Mao Trạch Đông bay trước, mở đường cho chuyên cơ chính, cung cấp số liệu về thời tiết, đường bay.

Ngày 30/4/1956, Uông Đông Hưng phụ trách công tác cảnh vệ cho Mao, tới sân bay kiểm tra tình hình chuẩn bị chuyên cơ. Do Mao Trạch Đông thích ngủ giường cứng, Uông yêu cầu thay tấm đệm mềm được bố trí tạm thời trên máy bay bằng chiếc đệm lá cọ to hơn một chút. Sau đó, do không đưa được lên máy bay, xưởng sửa chữa của sân bay làm ngay trong đêm một chiếc giường gỗ, bố trí xong một phòng ngủ cho Mao Chủ tịch.

Trên đường tới Quảng Châu

7 giờ 30 phút, ngày 3/5/1956, Mao Trạch Đông tới sân bay.

Theo kế hoạch, chiếc chuyên cơ phụ bay trước, chiếc chính theo sau. Ngày này, tất cả máy bay trong nước đều không được cất cánh. Hồ Bình để máy bay ổn định ở độ cao 2.700m. Từ Bắc Kinh tới Quảng Châu dài 2.000km, do tốc độ của L-2 chỉ khoảng 220km/giờ, lộ trình bay ngắn, do vậy phải đỗ xuống tiếp xăng trên đường đi.

Trước tiên bay qua Hoàng Hà, Trường Giang. Buổi trưa hôm đó, chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Hồ Nam, Vũ Hán ở phía nam Trường Giang ăn cơm, tiếp xăng. Lại từ Vũ Hán tiếp tục hành trình bay.

Tháng 5, ở vào thời kỳ các nhà khí tượng học gọi “đỉnh điểm của gió tĩnh lặng ở vùng Hoa Nam”. Qua được Trường Sa - Hồ Nam về cơ bản là bay trong mây. Máy bay lắc lư dữ dội, nhưng không còn cách nào khác, hơn nữa độ cao của L-2 chỉ được 3.000m. Vì khoang hành khách không có oxy, cũng không có thiết bị tăng áp, cho nên L-2 không bay được lên trên tầng mây. Mây ở vùng trời sân bay Bạch Vân, Quảng Châu càng thấp, chỉ cao hơn 120m so với mặt nước biển, tầm nhìn 5km, phi công cơ bản không nhìn được đường băng trên sân bay. Với sự điêu luyện của hai cơ trưởng, hai chiếc chuyên cơ hạ cánh an toàn.

Bay mất gần 8 tiếng, Mao Trạch Đông không có dấu hiệu của sự mỏi mệt, bước xuống cùng Giang Thanh, bắt tay với Đào Chú, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông; Tư lệnh Quân khu Quảng Châu Hoàng Vĩnh Thắng ra nghênh đón. Mao Trạch Đông vui vẻ nói: “Ngồi máy bay thật nhanh, trong ngày đã tới Quảng Châu”. Mọi người vui vẻ chụp ảnh lưu niệm với Mao Trạch Đông.

Chặng quay về kinh động Lưu Á Lâu

Ngày 4/6, Mao Trạch Đông trở về Bắc Kinh, hai chuyên cơ chính và phụ vẫn do Hồ Bình và Thời Niệm Đường lái. Khi tới vùng Hoành Thủy - Hà Bắc, chuyên cơ phụ đã bay qua, chuyên cơ chính phía sau lại gặp phải vùng mây mưa lớn.

Mây đen cuồn cuộn, chớp đánh liên tục, máy bay tròng trành dữ dội. La Thụy Khanh không yên tâm, mấy lần tới phòng lái hỏi tình hình. Hồ Bình và hoa tiêu Trương Chấn Dân phân tích bản đồ thời tiết, đưa ra kết luận: “Mây mưa lớn chỉ là đối lưu cục bộ, không phải là hệ thống trên phạm vi lớn, chúng ta không đi vào vùng giông tố, hoàn toàn có thể tránh được nguy hiểm”. Sau đó, Hồ Bình cố gắng giữ máy bay ổn định.

Do ảnh hưởng của sấm chớp, thông tin vô tuyến điện trên chuyên cơ chính bị ngừng mất nửa tiếng. Việc này khiến cho Lưu Á Lâu ngồi trên chiếc chuyên cơ phụ đã về tới Bắc Kinh, đứng ngồi không yên trên tháp quan sát ở phi trường...

Cuối cùng, khi nhìn thấy chuyên cơ chính bình an hạ cánh. Lưu Á Lâu chạy như bay tới, nói với Hồ Bình: “Tôi lo quá”. Hồ Bình nói: “Lúc đầu tôi cũng lo, sau đó quan sát kỹ tình hình thời tiết, cho rằng có thể bay qua được”.

Lưu Á Lâu không quên cổ vũ mọi người: “Phải chú ý tổng kết kinh nghiệm, sau này Mao Chủ tịch còn ngồi máy bay của các đồng chí”. Mao bước xuống máy bay, không ngớt lời nói: “Các đồng chí vất vả quá!”. Tiếp đó Mao Trạch Đông còn nói: “Chúc các đồng chí cưỡi mây đạp gió, trưởng thành trong bão tố”

Chử Đức Cường (Theo Bắc Phương Lao động Thời báo)
.
.