Chuyện về người thư ký Việt của Tổng Bí thư Lào: Điệu Lăm vông tình nghĩa

Thứ Tư, 17/06/2015, 15:45
Hơn nửa đời người, ông Đào Văn Tiến sống và chiến đấu với những người bạn Lào ở mặt trận Lào. Đó là những ngày tháng gian khổ, hiểm nguy nhưng đầy cao đẹp và thấm đẫm tình nghĩa anh em ấm áp, rộn rã như điệu múa Lăm vông của nước bạn Lào. Năm tháng qua đi, những ký ức đó đã là một phần của đời ông, được ông ghi lại trong tác phẩm "Những câu chuyện rừng Lào".

Người thư ký của Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản

Năm 1955, Bộ Chính trị cử ông Đào Văn Tiến tham gia đoàn công tác Việt - Lào để soạn Cương lĩnh cho Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản. "Đây là Cương lĩnh cách mạng của Chính phủ Dân chủ Nhân dân Lào. Trước đó họ chỉ mới có chương trình hành động, chưa có Cương lĩnh cách mạng.

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, chúng ta giúp bạn soạn Cương lĩnh cách mạng. Muốn soạn thảo Cương lĩnh cách mạng, phải là người đi sâu vào hoạt động trong phong trào cách mạng để có thực tiễn cách mạng. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản (có khi viết: Kaysone Phomvihane - nguyên Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào) quyết định thành lập bộ phận nghiên cứu và đề nghị Việt Nam cử cán bộ sang giúp. Chúng ta cử một đoàn khoảng 10 cán bộ sang, trong đó có ông Đào Văn Tiến.

Sau khi qua Lào, đoàn công tác đã nghiên cứu thực tế và tìm ra sự khác biệt giữa Việt Nam và Lào… Sau một thời gian làm việc, ông Tiến được phân công làm Thư ký cho Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Trong mấy tháng trời, ông Tiến mời các chuyên gia tới làm việc, thảo luận để soạn thảo cương lĩnh cho hoạt động cách mạng ở Lào. Sau các buổi nói chuyện, thảo luận đó, ông Đào Văn Tiến có nhiệm vụ tóm lược lại rồi báo cáo cho Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Năm 1968, theo yêu cầu của cấp trên, ông Tiến cùng một nhóm cán bộ của Đảng Nhân dân cách mạng Lào vào hoạt động trong vùng địch hậu của thủ đô Viêng Chăn. Cùng đi với ông Tiến có ông Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vắt là Thư ký của Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, xin đi theo để rèn luyện trong thực tế của hoạt động cách mạng.

Hiện nay, ông Xổm-xa-vạt là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào kiêm Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào - Việt. Trước khi đi, Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản dặn dò ông Tiến và ông Xổm-xa-vạt.

Năm đó ông Xổm-xa-vạt mới 23 tuổi, ông Tiến 38 tuổi, hai người coi nhau như anh em. Những lần đi vào vùng địch hậu móc nối với cán bộ trong nội thành ra, họ gặp nhiều hiểm nguy cận kề cái chết, gian nan đói khổ. Sau này, những ký ức về những tháng ngày sống và chiến đấu ở nước bạn Lào được ông Đào Văn Tiến viết trong tác phẩm "Những câu chuyện rừng Lào".

Một lần, do bị một người tên là Hùng Thong phản bội, họ bị bọn lính đặc biệt của Vương quốc Lào bao vây, đòi bắt sống. Lúc đó đang là mùa mưa ở Lào, địa hình của Lào phần lớn là rừng, ở đồng bằng cũng có rừng, họ trú chân trên một tổ mối, bốn bề nước lũ bao phủ, đói rét. Nhờ có người dẫn đường Phò Thít Tha (phò, tiếng Lào nghĩa là bố), họ vượt vòng vây, thoát được ra ngoài trong đêm tối và mưa tầm tã.

Khi thoát vòng vây, ông Đào Văn Tiến cùng ông Xổm-xa-vạt và các đồng chí của mình tiếp tục hoạt động, chiến đấu ở Lào cho đến ngày nước Lào được giải phóng. Những ngày tháng chiến đấu gian khổ, giữa lằn ranh sinh tử cùng ông Xổm-xa-vạt và các bạn Lào đã để lại trong ông Đào Văn Tiến những kỷ niệm khó quên và hình thành nên tình bạn keo sơn giữa ông và ông Xổm-xa-vạt cùng các bạn Lào khác.

Bìa cuốn sách “Những câu chuyện rừng Lào”.

Không chỉ có ông, nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam và Lào cũng đã có những tình bạn keo sơn máu thịt được hình thành trong chiến đấu như thế. Nó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tinh thần cách mạng không phân chia màu da, dân tộc giữa Việt Nam và nước bạn Lào anh em. Và những ngày tháng cao đẹp, thiêng liêng trên đất Lào, sau này được ông Đào Văn Tiến tái hiện lại trong một tác phẩm của mình. Đó là tập truyện "Những câu chuyện rừng Lào".

Thấm đẫm tình Việt - Lào

Nhiều năm sống, hoạt động ở nước Lào, ông Đào Văn Tiến đi gần hết đất nước. Dù không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nhưng ông rất am tường về phong tục, văn hóa… của người Lào. Có thể nói ông là chuyên gia về Lào.

Trong cuốn sách của mình, ông mô tả rằng người Lào theo đạo Phật phái Tiểu thừa, từ nhỏ họ đã vào chùa tu và học trong chùa, khi lớn lên, nếu không theo con đường tu hành, thì ra khỏi chùa và hoàn tục, lấy vợ. Những người từng đi tu và học trong chùa, người Lào gọi là "sút" - người chín, với ý nghĩa là người đó như trái cây đã chín muồi, đã có hiểu biết, đạo đức. Người không đi tu, người Lào gọi là "đút" - người sống, tức là chưa chín… Nhờ đi tu trong chùa từ nhỏ nên người Lào hiền hòa. Họ sống nghiêm cẩn theo những điều răn của Đức Phật.

 Ngoài ra, người Lào còn có 3 điều răn của người đời, trong đó có việc cấm uống rượu say. Nhờ thế người Lào thường uống rượu nhưng ít khi say. Trong xã hội Lào thời trước chia làm hai dạng người là người tự do (tiếng Lào gọi là người khay) và người nô lệ (tiếng Lào gọi là người khạ).

Người tự do thường là người Thái, là các lãnh chúa sống lâu đời ở vùng đất đó, họ có đất đai nhiều, truyền từ đời này sang đời khác. Những người khác đến sau không có đất phải đi làm thuê cho chúa đất. Nhưng các chúa đất ở Lào không bóc lột như những chúa đất ở nước khác. Việc bóc lột chủ yếu là lao dịch (lao động vất vả).

Xã hội Lào cơ cấu theo hình quả táo, tầng lớp cai trị, giàu có ở trên và tầng lớp nô lệ nghèo khổ ở dưới chiếm tỷ lệ thấp; chủ yếu là tầng lớp trung lưu, khá giả.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải ảnh) chúc mừng Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Đại hội II Đảng Nhân dân Lào, tháng 2/1972. Ảnh tư liệu.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, giữa cán bộ Việt Nam và Lào đã nảy sinh những tình bạn thắm thiết, keo sơn, thủy chung đến cả thế hệ con cháu. Rất nhiều trường hợp cán bộ Việt - Lào kết nghĩa anh em, coi nhau như máu mủ, ruột thịt. Nếu chẳng may người bạn Lào mất đi, hoặc hy sinh trong chiến đấu, người anh em kết nghĩa sẽ nhận con của họ làm con nuôi, chăm lo cho đến khi trưởng thành. Việc nuôi dưỡng, giáo dục con của các bạn Lào được sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam.

Ông Đào Văn Tiến kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về ông Nguyễn Tài kết nghĩa với ông Phây Đang và ông Thâu Tu (Thotou). Ông Phây Đang có một người em trai làm Phó chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước. Khi ông Thâu Tu hy sinh, ông Nguyễn Tài đã nhận con gái ông Thâu Tu tên là Pa ny Già Thâu Tu (Pany Yathotou) làm con nuôi, đưa về Việt Nam nuôi dưỡng. Nhà nước ta cho con gái ông Thâu Tu đi học, bà Pany Yathotou là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội của Lào.

Trong thời kỳ cùng các bạn Lào hoạt động cách mạng, giữa cán bộ, chiến sĩ hai nước có nhiều câu chuyện thú vị. Ông Đào Văn Tiến kể: "Một lần, tôi được phân công đi cấp phát quân trang, quân dụng cho đội du kích người Lào ở trong rừng. Đến nơi thấy họ nằm la liệt và đang hút thuốc. Tôi về nói với ông Tài. Ông Tài nói: "Họ hút thuốc nhưng đánh giặc giỏi. Một đội quân của họ chỉ có mấy chục người nhưng hiệu quả chiến đấu theo kiểu du kích còn hơn cả một đại đội của ta, vì họ quen thuộc địa hình, giỏi ẩn nấp, giỏi bắn súng…".

Ký ức không thể nào quên

Năm 1980, ông Tiến được điều về công tác ở Viện Văn học rồi được cử qua Lào công tác. Khi đó, con gái đầu lòng của vợ chồng ông mới 7 tuổi nói với ông: Cha đi nhớ viết thư về cho con. Trong thư, cha nhớ kể những câu chuyện về Lào cho con biết. Ông hứa với con là sẽ viết thư kể cho con nghe. Khi qua Lào, đi công tác ông sưu tầm những câu chuyện cổ tích của Lào, chuyện đi đường, chuyện được nghe những người bạn Lào kể lại… lần lượt được ông  chọn lọc rồi viết trong thư gửi về cho con gái.

Năm 1989, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức cuộc thi viết về những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết Việt -  Lào. Cuộc thi được tổ chức trong 10 ngày ở hồ Đại Lải. Ông cũng tham dự  viết được một số truyện, có 4 truyện được vào tập "Điệu Lăm vông tình nghĩa" cùng nhiều tác giả.

Sau này, ông còn viết bổ sung thêm nhiều truyện mới. Năm 1996, ông Tiến gặp lại ông Xổm-xa-vạt (lúc đó đang làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Lào) và đưa ông xem tập bản thảo của mình. Ông Xổm-xa-vạt rất thích và cảm động khi được đọc và nhớ lại những kỷ niệm xưa của hai người.

Ông Xổm-xa-vạt có nói với ông Đào Văn Tiến là tập hợp lại để in thành một cuốn sách. Ông Tiến làm theo và chỉnh sửa thêm thành hơn 10 câu chuyện rồi đưa bản thảo cho nhà văn Lê Minh Khuê là biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn lúc đó. Nhà văn Minh Khuê đọc xong bản thảo, khi gặp ông Tiến đã khen ngợi bản thảo rất tốt. Đích thân nhà văn Lê Minh Khuê viết lời giới thiệu. Sau đó sách được in.

Chúng tôi được ông Hoàng Xuân Sơn (cháu rể của ông Đào Văn Tiến - NV) cho mượn cuốn "Những câu chuyện rừng Lào". Đọc truyện, nhận ra giọng văn chân thật, mộc mạc, trong sáng, giàu tình cảm của tác giả Đào Văn Tiến. Và chất liệu, tư liệu ngồn ngộn ở trong đó. Phong tục, lễ nghi, tình cảm cảnh sắc thiên nhiên của nước Lào, con người Lào; tình bạn, tình nghĩa, tình đồng chí chiến đấu sắt son… ẩn hiện trên từng trang văn hồn nhiên trong trẻo, đáng yêu. "Những câu chuyện rừng Lào" còn cung cấp thêm những hiểu biết thú vị khác về nước Lào cho bạn đọc, là nguồn tư liệu về dân tộc học, văn hóa Lào.

Khi chúng tôi gặp ông Đào Văn Tiến, ông cho biết hiện ông được ông Xổm-xa-vạt Lênh-xa-vắt tin tưởng đề nghị viết Hồi ký cho mình. Ngoài ra, ông Tiến còn được Chính phủ Lào đặt viết nhiều bộ sách về lịch sử, dân tộc, văn hóa nước Lào.

Phạm Huy Văn
.
.