1001 chiêu lừa tiền qua tin nhắn

Thứ Bảy, 19/01/2013, 14:45

Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng sử dụng tin nhắn qua điện thoại di động, các phương tiện thông tin liên lạc có sử dụng mạng GPRS/3G… để lừa đảo lại bùng nổ như hiện nay. Nhiều chủ thuê bao không tài nào lý giải được "tự nhiên" tiền trong tài khoản cứ bay hơi với tốc độ chóng mặt. Đó chỉ có thể là do các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của chủ thuê bao để trục lợi.

Chạm là mất

Nguyễn Huân - nhân viên một công ty truyền thông tại quận Thanh Xuân tỏ ra rất bức xúc khi nói với chúng tôi về những chuyện bực mình xung quanh chiếc điện thoại di động, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua tin nhắn tràn lan như hiện nay.

Theo anh Huân, mỗi ngày điện thoại của anh nhận được hàng chục tin nhắn từ các đầu số khác nhau mà ngoài một vài tin nhắn rác ra thì còn lại đều là "quân lừa đảo".

Cách đây hai tuần, một buổi sáng bỗng nhiên anh nhận được tin nhắn từ một đầu số lạ hoắc lạ huơ với nội dung rất dễ thương: "Thuê bao 0989556xxx của quý khách được bạn Linh gửi tặng bài hát. Bấm vào đường link này để nghe…".

Có lần Huân đã từng gửi tặng bạn bè bài hát qua sóng phát thanh, và tưởng rằng cô bạn gái ngày xưa chợt nhớ ra mình… Huân bấm vào và thấy… chẳng nhận được gì. Tưởng mạng lỗi, Huân lại bấm thêm vài lần nữa. Cũng chẳng có gì xảy ra. Khi mở máy định gọi cho bạn bè thì thấy thông báo: "Tài khoản của quý khách đã hết, xin vui lòng nạp thêm…".

Huân cũng quên bẵng đi chuyện đó, nếu như vài ngày sau anh không nhận được một tin nhắn y hệt như vậy. Dĩ nhiên là anh không mắc lừa lần hai nữa.

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Một hôm Huân thấy bà mẹ đẻ đến nhà với vẻ mặt hầm hầm. Hỏi mãi thì bà gắt: "Mày đi mà hỏi bố mày ấy". Té ra, hai ông bà mặt nặng mày nhẹ với nhau cũng chỉ vì cái điện thoại. Số là Huân mua cho hai ông bà dùng chung một chiếc điện thoại. Bình thường cứ nạp cho hai cụ thẻ điện thoại tầm 200 ngàn là có thể dùng "thả phanh" cả tháng. Thế nhưng dạo này chỉ được vài ngày là tài khoản hết nhẵn. Ông đổ cho bà, bà đổ cho ông. Thế là giận nhau.

Tìm hiểu mãi, ông bố mới kể. Cứ thỉnh thoảng ông lại nhận được một tin nhắn từ những số thuê bao lạ báo tin ông đã trúng thưởng. Lúc thì là "Chúc mừng bạn đã nhận được chiếc điện thoại Iphone từ chương trình quay số ngẫu nhiên của Mobifone. Hãy gửi tin nhắn với cú pháp XU Iphone và gửi 4 lần đến số xxxx để xác nhận". Khi thì lại là: "Chúc mừng quý khách đã trúng thưởng 1 xe SH trị giá 125 triệu. Quý khách liên hệ với số điện thoại 04.xxxx để nhận giải". Mừng quá, ông làm theo ngay. Nhưng sau khi nhắn tin hoặc gọi lại đều không thấy hồi âm. Mà tiền trong tài khoản thì cứ bị trừ bằng sạch.

Cũng tương tự như trên, chị Lan Anh (nhà ở phố Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được tin nhắn với nội dung: "Chúc mừng bạn đã nhận được 1 chiếc điện thoại E770i từ chương trình quay số ngẫu nhiên của Mobifone. Soạn tin: XU E770i31 và gửi 4 lần đến 6769 để xem chi tiết...". Nhưng sau khi thực hiện xong cú pháp, quà tặng đâu không thấy, kiểm tra lại tài khoản thì đã bị trừ đến 60.000 đồng cho 4 tin nhắn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều cách lừa đảo qua hình thức tặng quà. Đơn giản nhất là một bài hát từ một thuê bao giấu tên (hoặc một cái tên thật phổ biến), gửi đến đích danh số điện thoại của người nhận. Đa số chủ thuê bao nhận được tin nhắn dạng này đều bị mắc bẫy, ít nhất một lần. Tiếp đến, khi mà hình thức lừa đảo này "nhạt" dần thì các đối tượng chuyển sang trò nhắn tin thông báo trúng thưởng. Cứ mỗi lần reply các tin nhắn này là chủ thuê bao lại bị trừ tiền trong tài khoản.

Nội dung một tin nhắn lừa đảo.

Giả gái teen để lừa đảo

Với những người không có nhu cầu nghe nhạc, cũng chẳng ham quà tặng thì các đối tượng lừa đảo lại có nhiều chiêu trò khác. Tuấn Anh (sinh viên Trường đại học Quốc gia Hà Nội) kể, 6 giờ sáng có một tin nhắn gửi đến thuê bao của anh với nội dung: "Quý khách đã nhận được 100.000 đồng do thuê bao 0164852215 gửi tặng. Cảm ơn quý khách đã sử dụng dịch vụ I-Share của Viettel Telecom".

Chưa kịp mừng thầm vì số tiền lạc, máy anh lập tức nhận được cuộc gọi từ số điện thoại bắn nhầm tiền. Chủ thuê bao là một cô gái có chất giọng khá trẻ trung thỏ thẻ giọng oanh vàng: "Anh ơi, em mới bắn nhầm tiền qua máy anh, anh gửi lại giúp em được không ạ! Em là sinh viên chẳng có nhiều tiền, anh giúp em thì tốt quá". Cảm thông với cô gái, Tuấn Anh nhanh chóng bắn lại cho số thuê bao này 100.000 đồng từ tài khoản của mình rồi yên tâm ngủ tiếp.

Lát sau anh xem lại điện thoại mới phát hiện tin nhắn báo chuyển tiền không phải là tin nhắn từ tổng đài của Viettel mà lại được gửi từ chính thuê bao bắn nhầm. Kiểm tra lại tài khoản, anh mới biết chẳng có số tiền 100.000 đồng lạc nào cả, mà chỉ thấy 100.000 đồng "bốc hơi" từ tài khoản của anh.

Chị Thu Hương (nhà ở phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) kể chị chưa bao giờ sử dụng dịch vụ chuyển tiền của mạng Viettel nhưng có nghe nói đến dịch vụ này. Một buổi sáng, chị cũng nhận được một tin nhắn chuyển tiền tương tự như trên. Chưa kịp hiểu nội dung thì chị lại nhận được tin nhắn: "Chị ơi, em vừa chuyển 30.000 đồng vào số máy của chị. Làm ơn gửi lại giúp em nhé!". Thấy vậy, chị nhắn tin lại, tỏ ý không biết cách chuyển lại tiền thế nào vì chưa sử dụng dịch vụ này bao giờ. Ngay lập tức, số điện thoại vừa nhắn tin đã gọi lại nói giọng con gái khá dễ thương và nhờ chị mua hộ thẻ nạp để chuyển giúp số tiền bắn nhầm.

Chưa hết, với những thuê bao có sử dụng mạng GPRS hoặc 3G, các đối tượng lại có nhiều chiêu trò lừa tiền khác. Bản thân người viết ngày nào cũng nhận được cả chục tin nhắn dạng như: "Em gửi anh cái này, anh tải về rồi báo lại cho em biết nhé" cùng với một đường dẫn có nội dung câu khách rẻ tiền như: /sexybaby1; hoặc "Đã vào được facebook của Linhcute, bấm vào đây…". Nếu như chủ thuê bao nào không cảnh giác, chỉ cần bấm vào thì lập tức 15 ngàn đồng sẽ bị trừ nghiến trong tài khoản.

Theo nhận định của các chuyên gia, những tin nhắn lừa đảo hoành hành thời gian gần đây chủ yếu lợi dụng tính năng nạp tiền vào tài khoản game bằng tin nhắn của một công ty games trực tuyến. Những đầu số có dạng 8xxx, 7xxx, 6xxx được công ty này dùng làm cổng giao tiếp để các game thủ nạp tiền vào tài khoản game của mình bằng tin nhắn SMS. Tính năng này đã bị một số kẻ xấu lợi dụng để lừa người dùng điện thoại di động tự nguyện nạp tiền hộ vào tài khoản.

Do đó, để đề phòng, người sử dụng điện thoại cần nắm rõ số tổng đài tin nhắn của mình. Ngay khi nhận được những tin nhắn dạng khuyến mại, để chắc ăn nên gọi về tổng đài dịch vụ mạng mình đang dùng để kiểm tra. Về phía các nhà cung cấp dịch vụ cũng nên thường xuyên gửi tin nhắn cảnh báo lừa đảo để khách hàng tránh mắc bẫy.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT) hiện cả nước có 347 công ty tin nhắn giải trí (gọi tắt là Công ty CSP) hợp tác với các nhà mạng để cung cấp dịch vụ. Trong số này có những doanh nghiệp thực hiện phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo nhằm quảng cáo dụ dỗ dẫn dắt người dùng nhắn tin vào đầu số của mình để thu lợi.

Nội dung một số tin nhắn lừa đảo.

Trao đổi với báo giới, ông Lê Nam Thắng Thứ trưởng Bộ TT-TT cho biết, để ngăn chặn nạn tin nhắn rác cần có sự phối hợp của 3 bên gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ đã trình Chính phủ nghị định mới để tăng cường quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và quản lý các doanh nghiệp này qua đăng ký.

Theo đó Nghị định 77/2012/NĐ-CP trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác quy định, chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận, phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận thay vì trong vòng 24 giờ như trước đây.

Về số lượng thư điện tử, tin nhắn quảng cáo, không được phép gửi quá 1 thư điện tử, tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận; Tin nhắn quảng cáo chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ  mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận. Nhà cung cấp dịch vụ phải đồng thời gửi một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ TT-TT. Hành vi giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Đầu tháng 12/2012, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã làm rõ và bắt giữ nhóm chuyên lừa đảo bằng việc sử dụng công nghệ gửi tin nhắn trúng thưởng đến các thuê bao di động để lừa đảo.

Nhóm đối tượng gồm: Mai Việt Hưng (29 tuổi, ở Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), Võ Văn Hùng (30 tuổi, ở Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy), Nguyễn Xuân Hiển (27 tuổi, ở Triều Khúc, quận Hà Đông) và Lại Tuấn Anh (32 tuổi, ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh).

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, cả 4 đều là những thanh niên không có việc làm. Trong số đó có một đối tượng có hiểu biết về công nghệ thông tin và mạng. Bọn chúng đã tụ họp lại và nghĩ ra cách để lừa tiền bằng cách nhắn tin rác với nội dung trúng thưởng các tài sản giá trị như điện thoại di động, xe máy, máy ảnh... đến nhiều số điện thoại. Khi các số điện thoại này nhắn tin trả lời, sẽ bị tổng đài tự động trừ tiền và chuyển một phần số tiền cho các đối tượng trên.

Hoa Sơn
.
.