12 năm nỗi đau chưa thể khép lại

Thứ Ba, 19/05/2020, 08:38
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không bàn đến phiên Giám đốc thẩm liên quan đến tử tù Hồ Duy Hải. Gia đình nạn nhân cũng chỉ mong muốn công lý phải được sáng tỏ, hung thủ phải bị đền tội trước pháp luật. 12 năm là khoảng thời gian quá dài cho một nỗi đau...
Phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã diễn ra trong 3 ngày, từ 6 đến 8-5.

Thêm một lần đau

Nắng gió tháng 5 hầm hập phả xuống con đường đất đá dẫn vào nhà của vợ chồng ông bà Sáu Mần ở ấp Nhơn Cầu (P. Tân Khánh, TP. Tân An, tỉnh Long An). Ngôi nhà cấp 4 của ông Nguyễn Văn Mần có rặng hoa giấy thật đẹp phía cổng vào. Cây trái trong vườn xanh mướt, không gian bình yên như chưa từng chứng kiến nỗi đau kinh hoàng 12 năm trước.

Ông Mần đón khách bằng cái nhìn lặng thinh, chẳng nói một lời. Bà Sáu (Nguyễn Thị Ngọc Thắm) bần thần ngồi trên ghế đá, nước mắt cứ thế tuôn trào. Những ngày này, khi vụ thảm án tại Bưu cục Cầu Voi (ấp Bình Cang 1, xã Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An) được dư luận quan tâm sau phiên tòa Giám đốc thẩm, nỗi buồn đau mất con của 12 năm trước bị khơi lại, vợ chồng bà Sáu thêm một lần đau.

Gia đình bà Sáu tâm niệm rằng hung thủ phải bị đền tội thì vong hồn con gái của bà mới được thanh thản mà siêu thoát. Chừng đó năm rồi, vụ án vẫn chưa thể khép lại khiến cho trái tim người làm cha làm mẹ cứ rỉ máu, thương tổn biết bao giờ mới lành.

Nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (SN 1985) là con gái đầu lòng, dưới Hồng còn 3 đứa em nhỏ nên sau khi học xong lớp 12, bà Sáu khuyên con dừng lại. Hồng nghe lời mẹ, gác ước mơ giảng đường đại học, xin vào làm công nhân tại một xí nghiệp gần nhà, được hơn một năm thì xin được việc tại Bưu cục Cầu Voi. Thu nhập không cao nhưng ổn định, gia đình bà Sáu rất an tâm.

Mỗi ngày, Hồng chạy xe máy hơn chục cây số từ nhà đến Bưu cục làm việc. Hồi tưởng, nước mắt bà Sáu lại trào ra: “Sáng nào tôi cũng ra cổng nhìn theo xe con gái cho đến khi khuất hẳn. Trong lòng tôi, con gái dù đã trưởng thành nhưng vẫn luôn bé nhỏ và cần được sự bao bọc, che chở của cha mẹ”. Những đồng tiền kiếm được, Hồng dành dụm đưa hết cho mẹ để trang trải cuộc sống. Cô muốn những đứa em sẽ được học hành đến nơi đến chốn.

Theo bà Sáu, các mối quan hệ xã hội bên ngoài của con gái mình không có nhiều và cũng không hề phức tạp. Hồng chăm chỉ đi làm, tối trở về nhà, thỉnh thoảng có việc phát sinh mới ở lại Bưu cục. Trong những lần tới thăm con gái, bà Sáu quan sát rất tỉ mỉ mọi ngóc ngách, ngó trước ngó sau khu làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại bưu cục và dặn dò Hồng phải hết sức cẩn thận.

Ông Sáu Mần bần thần khi nhắc lại chuyện xưa.

Khi ngủ lại, phải chốt cửa chắc chắn, đặc biệt là chỗ tắm rửa vệ sinh, vì nơi này nằm độc lập bên ngoài, vị trí tầm nhìn bị che khuất. Thời gian sau này, linh tính của người mẹ như được báo trước, bà trở nên lo lắng và liên tục nhắc nhở con gái về việc đề phòng kẻ trộm đột nhập vào Bưu cục.

Trước khi bị sát hại một ngày, Hồng gọi về gia đình là sẽ mang tiền lương mới nhận của tháng này đưa cho mẹ đi mua đồ tết. Thế rồi, những đồng tiền ấy đã không bao giờ kịp về tới nhà, những đứa em mãi mãi không được nhận món quà từ chị gái.  

Buổi sáng 14-1-2008, một cuộc điện thoại gọi về thông báo con gái bị sát hại tại Bưu cục Cầu Voi, vợ chồng bà Sáu rụng rời chân tay. Máu sôi lên trong người bà Sáu nhưng da thịt bà thì lạnh ngắt. Bà gào lên hoảng loạn. Ông Mần đang bệnh không thể gượng dậy nổi, nỗi đau lặn ngấm vào từng mạch máu. Hai ông bà không còn đủ tỉnh táo và bình tĩnh để đến hiện trường vụ án. Họ nhận xác con sau khi Cơ quan công an hoàn tất việc khám nghiệm tử thi.

Hồng trở về nhà với hình hài không lành lặn. Bà Sáu bảo rằng, hình ảnh ấy chưa bao giờ thôi ám ảnh bà. Sự mất mát này đã thật sự vượt ra ngoài giới hạn chịu đựng của một người mẹ.

Suốt những ngày sau đó, bà Sáu như người mất hồn, bơ phờ, đờ đẫn thều thào gọi tên con. Trong bữa ăn, giấc ngủ và bất cứ ở đâu, làm gì, bà đều thấy hình bóng của con gái váng vất, luẩn quẩn bên cạnh. “Con tôi ngoan hiền ngay cả lúc chết, nó không báo mộng gì cả nhưng vì tôi thương con quá nên mường tượng ra như vậy”, bà Sáu thổn thức.

Bà Điểu luôn khóc khi nhớ về con gái.

Hồng mất đi, ông Mần phải nghỉ làm ở công ty xay xát vì không chịu nổi khi người ta nói về vụ án và nhắc tên con gái. Chỉ cần một câu hỏi thăm của làng xóm cũng làm ông đau đớn mà rơi nước mắt. Ông ở nhà chăm cô gái thứ hai bị bại liệt bẩm sinh và đưa rước hai người con khác đi học. Gia đình chỉ có 2 công đất, bà Sáu phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Ngoài việc kiếm cái ăn cho cả nhà, bà cuốn mình vào công việc, để quên đi bi kịch.

Quá ám ảnh với cái chết của Ánh Hồng, những đứa con sau này, bà Sáu không cho đi làm đâu xa, chỉ quanh quẩn ở gần nhà, mẹ con gần gũi nhau. Bây giờ, con cái đã trưởng thành, có công việc ổn định nên vợ chồng bà Sáu đỡ cảnh chạy ăn từng bữa.

Chúng tôi hỏi, khi nào thì bà chấp nhận sự thật mất con? Bà Sáu nhìn lên trời, lau nước mắt: “Chỉ đến khi tôi không còn trên cõi đời này nữa. 12 năm rồi, tôi chưa bao giờ chấp nhận con mình đã mất. Trong lòng tôi, con gái chỉ đang đi đâu đó thật xa mà chưa trở về”.

 “Tôi đã cố quên rồi...”

Hai ngôi mộ của nạn nhân Vân và Hồng nằm cạnh nhau, được chôn cất ngay khu đất sau nhà của vợ chồng bà Sáu. Họ là hai chị em con chú con bác. Họ không sinh cùng ngày nhưng đã phải chịu chung một nỗi đau, một số phận. Gia đình của Nguyễn Thị Thu Vân (SN 1985) cách đó vài bước chân. Ngôi nhà cấp 4 cũ nằm ẩn mình giữa những rặng dừa sum sê trái.

Ông Nguyễn Văn Hộ đốt điếu thuốc đưa lên miệng để kìm nén cảm xúc. Khói thuốc bảng lảng qua gương mặt nâu sạm, hốc hác, cằn cỗi của người đàn ông vừa bước qua tuổi 65. Ông Hộ vỗ thật mạnh vào ngực, nói mà như khóc: “Tôi đã cố quên rồi nhưng mấy ngày này người ta lại xới vụ án lên, lại bàn tán tranh luận về hung thủ khiến tim tôi thắt lại. Nỗi đau mỗi lần bị khơi lại, tôi nhớ con gái vô cùng”.

Ông Hộ chỉ vào chiếc xe máy Honda đời cũ nói rằng, đấy là chiếc xe ông đã mua cho con gái để đi làm ở Bưu cục Cầu Voi. Buổi sáng định mệnh 12 năm trước, ông Hộ đang rửa chiếc xe này để Vân về chạy cho sạch sẽ mới mẻ thì có người tới thông báo Vân bị sát hại. Ông Hộ còn chưa tin đó là sự thật, gầm vào mặt người báo tin hỏi đi hỏi lại. Một người cháu chở ông đến hiện trường. Ông ngồi trên xe mà thấy người như mây như gió, nước mắt chảy không thể lau nổi.

Bà Sáu chưa bao giờ chấp nhận sự thật là con gái đã mất.

Cái chết quá đột ngột và thương tâm của con gái đã khiến những người ở lại phải chịu đựng tổn thương và mất mát không có gì khỏa lấp được. Cuộc sống của gia đình ông Hộ mang nỗi buồn thăm thẳm, một thời gian dài, ngôi nhà vắng bặt tiếng cười. Chỉ qua một đêm, đôi mắt bà Đinh Thị Điểu thâm đen, những nếp nhăn xếp xô khuôn mặt, vầng trán, bà Điểu già đi chục tuổi.

Những ngày sau đó, trong giấc ngủ, bà Điểu thấy con gái về ôm chặt lấy thân hình của mình, hôn lên gò má gọi mẹ và khóc. Không biết bao nhiêu lần bà choàng tỉnh, giật mình thảng thốt. Bởi vì nhớ con, thương con mà ra thế chứ bà hiểu, chẳng có phép màu nào đưa được con gái trở về.

Vợ chồng ông Hộ, bà Điểu sinh được 4 người con, Vân là gái út. Hoàn cảnh khó khăn, ông bà phải rời nhà đi làm rẫy tận Khánh Hưng (Vĩnh Hưng - Long An). Ở nhà chỉ có hai chị em Vân ôm ấp, nương tựa vào nhau, thỉnh thoảng ba mẹ mới về. Vân chịu khổ cực từ bé, cũng không được học cao nên khi xin được công việc ở Bưu cục Cầu Voi, lại được làm cùng chị họ Nguyễn Thị Ánh Hồng thì gia đình rất phấn khởi.

Gần 2 năm làm việc, Vân dành dụm tiền đưa hết cho cha mẹ. Vân từng tâm sự với cha muốn mua một chiếc điện thoại nhưng ông không đồng ý vì gia đình còn khó khăn. Nghĩ lại việc đó, ông Hộ cảm thấy ân hận và day dứt vô cùng. “Một đứa con gái 22 tuổi chưa từng yêu và chưa một ngày sống cho bản thân. Nó có gây thù chuốc oán với ai đâu mà bị như thế”, ông Hộ nghẹn ngào thốt lên.

Vụ án Bưu cục Cầu Voi hiện đang là vấn đề nóng, gây ra nhiều tranh luận, nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận. Một trong những người trực tiếp tham gia giám sát vụ trọng án này và cũng nhiều lần nói chuyện với Hồ Duy Hải là bà Trần Thị Nhanh - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An vào thời điểm đó (sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đã nghỉ hưu năm 2016).

Trả lời báo chí, bà Nhanh cho biết, đây là vụ án rất phức tạp, kẻ gây án không bị bắt quả tang, ban chuyên án phải mất nhiều thời gian truy theo dấu vết để tìm ra nghi can. Với tư cách là người đại diện cơ quan giám sát thực thi pháp luật, bà Nhanh đã xem xét, đánh giá thật kỹ kết luận điều tra của Cơ quan công an.

Bà trực tiếp tham gia thực nghiệm điều tra tại hiện trường và chứng kiến bị can Hồ Duy Hải thực hiện hành vi phạm tội. Bà cũng nhiều lần trực tiếp nói chuyện với Hồ Duy Hải trong quá trình điều tra cũng như sau khi đã xét xử.

Bà Nhanh cho biết, do đây là vụ trọng án phức tạp về tình tiết, nên Cơ quan điều tra Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh Long An thường xuyên họp để đánh giá chứng cứ, xem xét mọi khía cạnh của vụ án. Theo bà Nhanh, do vụ án phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, lực lượng tham gia phá án khá đông nên đã để xảy ra một số sai sót về tố tụng nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.

Khi vụ án kéo dài, rồi có kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện KSND Tối cao, bà Nhanh vẫn tin rằng kết cục vụ án sẽ không có gì thay đổi. Cũng theo bà Nhanh, quá trình điều tra được làm rất công tâm, các cơ quan làm rất trách nhiệm, cân nhắc, suy xét mọi mặt; bởi sinh mạng của một người rất quan trọng, không thể làm oan cho ai và cũng không thể làm ngơ trước mất mát của gia đình nạn nhân nên bà và các đồng sự đã làm việc đầy công tâm, hết trách nhiệm. Sau những lần làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra về diễn tiến vụ án, bà đã nhiều lần trực tiếp gặp, trò chuyện với Hồ Duy Hải vì bà tin rằng, với tình cảm như của người chị, bà sẽ giúp Hồ Duy Hải trình bày những uẩn khúc với bà nếu có.

Bà cũng tin rằng giác quan nhạy cảm của người phụ nữ sẽ giúp bà phát hiện ra dấu hiệu oan sai nếu có. Trong các lần tiếp xúc với bà, không khi nào Hồ Duy Hải kêu oan mà luôn thành khẩn nhận tội. Một lần tiếp xúc với bà, Hồ Duy Hải đã khóc và nói rằng nhiều đêm mình không ngủ được, bị lương tâm dằn vặt vì tội lỗi đã trót gây ra với 2 nạn nhân.

Ngọc Hoa - Văn Hào
.
.