30 năm tù đối với trùm tập đoàn ma túy Cali

Thứ Năm, 12/10/2006, 08:00

Ngày 26/9/2006, 2 anh em ruột người Colombia, những kẻ từng được mệnh danh là “Vua cocain” đã bị một tòa án ở Mỹ tuyên phạt 30 năm tù vì tội buôn lậu hơn 200 tấn ma túy vào nước Mỹ. Ngoài ra, Gilberto Rodriguez Orejuela, 67 tuổi và Miguel Rodriguez Orejuela, 63 tuổi còn bị tòa tịch thu 2,1 tỉ USD tiền lợi nhuận bất chính.

Không những bị xét xử vì tội buôn lậu ma túy, Gilberto Rodriguez Orejuela và Miguel Rodriguez Orejuela còn bị cáo buộc tham gia rửa tiền và điều này đã được cả hai thừa nhận. Tuy nhiên, chúng sẽ được thi hành án song song với bản án 30 năm tù kể trên.

Theo giới truyền thông, những thành viên trong gia đình Gilberto Rodriguez Orejuela và Miguel Rodriguez Orejuela đã được tòa miễn truy tố tội rửa tiền và cản trở hoạt động của tòa án. Mặc dù “Vua cocain” đã phải nhận bản án thích đáng, song giới chuyên môn vẫn chưa phát hiện ra người thay thế vị trí của Gilberto Rodriguez Orejuela và Miguel Rodriguez Orejuela trong việc kiểm soát tới 80% lượng cocain tiêu thụ trên thế giới.

Cách đây gần 2 năm, ngày 14/3/2005, Tòa án Maiami, Mỹ đã xét xử anh em nhà Orejuela. Trước đó, ngày 28/1/2005, Tòa án Maiami cũng đã khai đình xét xử Gilberto Rodriguez Orejuela với những tội danh nhập lậu và phân phối cocain, giết hại, mua chuộc nhân chứng và âm mưu rửa tiền. Không phải bây giờ anh em nhà Orejuela mới dính dáng tới pháp luật, mà từng bị Tòa án Maiami xét xử vắng mặt từ năm 2003 với những tội danh như buôn lậu ma túy, rửa tiền và cản trở công tác điều tra của cơ quan pháp luật.

Ngay từ năm 1995, sau khi hai anh em nhà Orejuela bị bắt, nguồn cung cấp ma túy cho thế giới đột nhiên bị đóng băng. Điều này chứng tỏ vai trò của tập đoàn Cali nói chung và anh em nhà Orejuela nói riêng đối với thị trường ma túy thế giới lớn tới mức nào. Giới chuyên môn nhận định, mặc dù đã bị tòa kết án nhưng anh em nhà Orejuela vẫn có thể tiếp tục đứng đằng sau nhiều phi vụ làm ăn của tập đoàn Cali.

Để có thể bắt, dẫn độ Gilberto Rodriguez Orejuela và Miguel Rodriguez Orejuela sang Mỹ xét xử, lực lượng đặc nhiệm Colombia đã phối hợp rất ăn ý với lực lượng chống ma túy Mỹ. Được biết, cơ quan chức năng của Colombia và Mỹ đã phải bỏ ra gần 100.000 giờ điều tra, cùng 13 năm chờ đợi. Mặc dù bị bắt từ tháng 6/1995 ngay tại tổng hành dinh ở Cali và chịu mức án 15 năm tù, nhưng Gilberto Rodriguez Orejuela vẫn bị phía Mỹ tố cáo đang điều hành những chuyến vận chuyển ma túy và rửa tiền tại Mỹ.

Theo hồ sơ của Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA), Gilberto Rodriguez Orejuela là trùm buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới hiện nay và có lúc tập đoàn Cali do hắn chỉ huy đã cung cấp và kiểm soát tới 80% tổng số lượng cocain lưu hành trên thế giới. Mặc dù lọt vào tầm ngắm của Cảnh sát Colombia từ lâu, nhưng do khôn khéo.

Cũng theo tài liệu của DEA, một trong những biện pháp quản lý hiệu quả nhất và thành công nhất mà hai anh em nhà Orejuela từng áp dụng là chia nhỏ băng nhóm; thuê và huấn luyện những kỹ sư giỏi để chế tạo ra những thiết bị chống nghe trộm; thuê những luật sư nổi tiếng để lách luật cũng như theo sát từng động thái của các công tố viên và DEA. Dưới sự chỉ huy của Miguel Rodriguez Orejuela, bọn buôn lậu ma túy đã sử dụng mọi phương tiện có thể để vận chuyển ma túy như quan tài, khinh khí cầu, gạch men lát nền nhà, rau quả đông lạnh...

Cũng giống như người anh của mình, Miguel Rodriguez Orejuela, kẻ đứng thứ hai trong tập đoàn buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới Cali được đích thân Tổng thống Colombia Alvaro Uribe ký lệnh dẫn độ sang Mỹ theo yêu cầu của nước này hôm 11/3/2005. Và tờ lệnh dẫn độ Miguel Rodriguez Orejuela đã được lực lượng đặc nhiệm Colombia và Mỹ thực thi một cách cẩn trọng giống như đã thực hiện đối với Gilberto Rodriguez Orejuela. Theo đó hắn phải bị còng tay, mặc áo giáp chống đạn và đưa lên máy bay trực thăng để dẫn tới căn cứ không quân Bogoda nằm ở phía tây nam thủ đô Colombia, sau đó được đưa về Mỹ bằng máy bay chuyên dụng của DEA.

Theo thống kê, tính đến nay Cảnh sát Colombia đã bắt và dẫn độ hơn 200 tên buôn lậu ma túy tới Mỹ và nhiều nước khác, tuy nhiên chiếc vòi bạch tuộc của tập đoàn Cali vẫn chưa bị khống chế hoàn toàn và nó vẫn tiếp tục hoạt động bởi nguồn cung cấp ma túy cho thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á vẫn không hề suy giảm.

Theo tài liệu của DEA, trong những năm 1980, anh em nhà Orejuela đã kiểm soát tập đoàn buôn lậu ma túy Cali và từng bước loại bỏ tập đoàn Medellin bằng những thủ đoạn khôn ngoan, xảo quyệt và thâm độc. Được biết, ngoài việc tìm mọi cách để hợp pháp hóa những đồng tiền “bẩn”, anh em nhà Orejuela còn tung tiền ra mua chuộc, tranh thủ từ quan chức chính phủ đến cảnh sát, cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật tại Colombia. Thậm chí cố Tổng thống Virgilio Barco, cựu Tổng thống Colombia E.Samper, Bộ trưởng Quốc phòng cùng nhiều hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ cũng từng bị cáo buộc nhận những khoản tiền “tranh thủ” của anh em nhà Orejuela trong các cuộc vận động tranh cử.

Tại buổi trả lời phỏng vấn trước khi bị dẫn độ sang Mỹ hôm 3/12/2004, Gilberto Rodriguez Orejuela, người được biết tới dưới biệt danh “kẻ chơi cờ” đã tiết lộ và thừa nhận (lần đầu tiên), chính hắn là người đứng đằng sau vụ cảnh sát đặc nhiệm Colombia bắn hạ Pablo Escobar, trùm ma túy của tập đoàn Medellin ngày 2/12/1993 tại Los Olivos. Chính Gilberto Rodriguez Orejuela đã cử người đưa cho cảnh sát một thiết bị dò tìm vị trí điện thoại mà Pablo Escobar đang sử dụng và họ đã thành công. Điều này cũng được nhà chức trách Colombia xác nhận. Mark Bowden, tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Giết Pablo Escobar” cũng tuyên bố, những thông tin của Gilberto Rodriguez Orejuela hoàn toàn đáng tin cậy.

Sinh năm 1939 trong một gia đình công chức tại tỉnh Tolima, Colombia, nhưng ngay từ năm 15 tuổi Gilberto Rodriguez Orejuela đã bỏ học và 10 năm sau người ta thấy hắn mở tiệm kinh doanh thuốc. Chẳng ai biết chính xác Gilberto Rodriguez Orejuela kinh doanh ma túy từ khi nào, nhưng ngay từ những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ XX, tên tuổi của hắn đã được nhiều người biết tới sau khi cùng Jose Santacruz Londono sáng lập ra tập đoàn ma túy Cali.

Đối thủ khi đó của Gilberto Rodriguez Orejuela là Pablo Escobar, thủ lĩnh băng Medellin. Nhưng nhờ vào cách hành xử khôn khéo, giảo quyệt của Gilberto Rodriguez Orejuela mà Cali không những loại trừ được một đối thủ đáng gờm như Medellin, độc chiếm thị phần cung cấp ma túy trên thế giới, mà còn được nhiều người nể trọng bởi sự hào hoa bên ngoài.

Theo giới truyền thông, sau những cuộc thanh toán đẫm máu trên đường phố giữa Cali và Medellin, cuối cùng Gilberto Rodriguez Orejuela và Pablo Escobar đã bắt tay giảng hòa để hợp tác và phân chia thị trường cocain tại Mỹ. Nhưng sự liên kết này nhanh chóng bị phá bỏ vì bên nào cũng muốn độc quyền thị trường cung cấp cocain. Theo thống kê của DEA, sau khi loại bỏ được Medellin lợi nhuận của Cali lên tới 8 tỉ USD/năm.

Sau khi loại bỏ được Pablo Escobar, Gilberto Rodriguez Orejuela được coi là trùm ma túy thế giới, nhưng cũng từ đó hắn trở thành mục tiêu săn lùng của Cảnh sát Colombia. Song phải mất 2.300 cuộc vây ráp, vào một ngày tháng 61995 Cảnh sát Colombia mới bắt được Gilberto Rodriguez Orejuela (trốn sau bức tường trong biệt thự). Chính con số 2.300 cuộc vây ráp kể trên đã nói lên mối quan hệ giữa Gilberto Rodriguez Orejuela với quan chức địa phương, cũng như vỏ bọc do hắn tạo ra lớn tới mức nào.

Theo thống kê, trước khi bị bắt Gilberto Rodriguez Orejuela là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành của nhiều ngân hàng, công ty, cửa hàng nằm rải rác trên khắp đất nước Colombia. Ngoài ra, Gilberto Rodriguez Orejuela còn quản lý, khống chế hơn 30 hãng phát thanh, truyền hình, hai phòng thí nghiệm thuốc, hơn 400 cửa hàng thuốc, 1 đội bóng, một đội xe trên 1.000 chiếc, cùng nhiều cổ phần trong các lĩnh vực thông tin, xây dựng.

Qua điều tra của Cảnh sát Colombia, hầu như tất cả những cơ sở kinh doanh kể trên của Gilberto Rodriguez Orejuela đều phục vụ cho việc kinh doanh ma túy: ngân hàng dùng vào việc rửa tiền, đưa hối lộ; phòng thí nghiệm thuốc dùng vào việc chế tạo ra những loại ma túy mới; cửa hàng bán thuốc dùng vào việc che giấu những thương vụ xuất nhập khẩu ma túy; đội xe dùng vào việc giám sát hoạt động của cảnh sát cũng như những nhân vật quan trọng... Chính sự tinh xảo này mà các nhân viên phòng chống ma túy Mỹ đã cho rằng, đây là một tổ chức buôn bán ma túy lớn nhất, phức tạp nhất thế giới mà họ từng biết tới.

Gilberto Rodriguez Orejuela còn đầu tư số tiền thu được từ ma túy vào những kinh doanh hợp pháp vừa để rửa tiền, vừa để tạo vỏ bọc. Ngoài ra, Gilberto Rodriguez Orejuela còn sử dụng một khoản tiền rất lớn cho việc hối lộ và thiết lập mối quan hệ với một số quan chức cao cấp thoái hóa biến chất. Thông qua những người này, Gilberto Rodriguez Orejuela đã biết trước được rất nhiều thông tin mật từ chính phủ, cảnh sát và nhiều cơ quan chức năng khác, nhờ đó hắn có thể sống ung dung và thoát khỏi 2.300 cuộc vây bắt.

 Sau khi bị bắt (tháng 6/1995), Gilberto Rodriguez Orejuela bị tòa tuyên phạt 15 năm tù. Nhưng đến tháng 11/2002, hắn được tòa phóng thích trước thời hạn vì có thành tích cải tạo tốt. Nhưng do sức ép của Mỹ và dư luận, tháng 3/2003, Gilberto Rodriguez Orejuela đã bị bắt trở lại và kể từ đó đến khi bị dẫn độ sang Mỹ (3/12/2004), nhiều cuộc thương đàm giữa Mỹ và Colombia đã diễn ra

Nguyễn Diệu Hương Ly (Tổng hợp)
.
.