45 năm "Vụ án thế kỷ" (1963-2008): Bí ẩn quanh vụ ám sát tổng thống John Kennedy

Thứ Hai, 08/12/2008, 13:00

Ngay sau khi John Kennedy đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 35 nhưng chưa làm lễ nhậm chức, đã có âm mưu giết ông rồi. Hung thủ là R.Pavlic, cựu nhân viên bưu điện, quấn mìn quanh người định “nổ tung” cùng vị tân tổng thống trong kỳ nghỉ trước khi vào Nhà Trắng của J.Kennedy ở Florida...

Từ khi nhận chức cho tới tháng 11/1963, John Kennedy nhận được rất nhiều lá thư nặc danh đe dọa mạng sống. Theo luật Mỹ, nếu Cơ quan điều tra tìm ra được bằng chứng thì thủ phạm sẽ bị truy tố trước pháp luật, nhưng chẳng có nét chữ nào bị phanh phui.  Rồi đến “Vụ án của thế kỷ” - như người ta thường gọi về vụ ám sát đương kim tổng thống thứ 35 của Mỹ. Cho tới tận bây giờ, nhiều bí ẩn xoay quanh cái chết của Tổng thống J.Kennedy được dư luận Mỹ cũng như thế giới luôn đòi hỏi phải được đưa ra ánh sáng.

Điểm lại lịch sử, Dallas - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du tiểu bang Texas của Tổng thống J.Kennedy. Texas rặt những kẻ bất mãn với đường lối của J.Kennedy sau gần 3 năm ông cầm quyền, nhất là sau thất bại ở Vịnh Con Lợn nhằm “đè bẹp” Nhà nước Cuba Xã hội chủ nghĩa non trẻ. Và 3 phát súng định mệnh đã nổ, mặc cho những biện pháp an ninh được phòng ngừa nghiêm ngặt...

Vài giờ sau, ngay tối hôm đó cả nước Mỹ tận mắt thấy được hung thủ qua màn ảnh tivi. Đó là tên  Lee Harvey Oswald, 24 tuổi, kẻ đã điểm hỏa từ một cửa sổ tầng 6 thuộc kho sách trên phố The Elms - nơi mà đoàn xe của tổng thống đi từ sân bay vào trung tâm thành phố phải băng ngang.

Khán giả Mỹ hẳn còn nhớ khuôn mặt thâm tím vì bị đánh của Oswald trên màn hình, cùng lời hét được hắn lặp đi lặp lại: “Họ ép cung tôi! Họ ép cung tôi!”. Đầu tiên Oswald bị bắt tại một rạp chiếu bóng vì tội đã bắn chết sĩ quan cảnh sát Tibet trước đó, nhưng không hiểu sao lại được “đổi” qua thành kẻ sát hại tổng thống. Người ta cũng tìm ra “tang chứng” ngay tối đó (22/11/1963): khẩu súng và kính ngắm; nhưng vân tay của Oswald mãi tới ngày 24/11 mới được “thẩm định” là đúng - khi đó hắn đã chết rồi.

Khoảnh khắc trước khi J.Kennedy bị ám sát.

Nhiều nhân chứng khác, cũng như các bức ảnh và phim tư liệu cho thấy đường đạn đi không phải chỉ từ kho sách, mà cả từ dải cỏ cao kế đó - nơi đoàn xe đi qua. Giới chức cảnh sát thì khăng khăng cho rằng, Oswald đã bắn và hắn là một kẻ “loạn trí, háo danh và cực đoan” - tự tổ chức lấy vụ ám sát. Rồi L.Oswald bị Jack Ruby - chủ một hộp đêm - bắn chết ngay trước mũi cảnh sát coi ngục  Dallas. “Chúng ta không bao giờ nghe được những lời biện bạch từ con người này nữa - nhà bình luận nổi tiếng E.Morgan của Hãng truyền hình ABC, nói - Ở đây có cái gì đó không đàng hoàng cho lắm, nhưng chúng ta không rõ là cái gì?”.

Trước áp lực của công luận, ngày 28/11/1963 Nhà Trắng thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 7 người, do Chánh án Tòa án tối cao E.Worren đứng đầu. Ngày 24/9/1964 Ủy ban Worren nói trên công bố một báo cáo, dựa trên lời khai của 550 nhân chứng cùng sự nghiên cứu phân tích hàng chục nghìn trang tài liệu. Bản phúc trình chính thức loại trừ “các âm mưu trong nước cũng như quốc tế can thiệp vào cuộc mưu sát, ngoài cá nhân Lee  Oswald với những phát súng bắn ra từ tầng 6 kho sách ở Dallas” - đó là kết luận của Ủy ban này. Nhưng chẳng ai lý giải nổi sao 3 phát súng mà gây ra được những 7 vết thương ở cả Tổng thống và Thống đốc Texas J.Connelly (ông này bị thương 4 chỗ), cũng như L.Oswald (hay kẻ nào đó đã bắn từ trên cửa sổ xuống), lại có thể bắn được 2 viên đạn chỉ trong 7/10 giây - với khẩu súng “tang chứng” do Italia sản xuất chỉ bắn được tối đa 2 viên trong 2,25 giây(?!).

Ủy ban Worren, cũng như Ủy ban đặc biệt được thành lập năm 1968, hay Hội đồng giám định y khoa của năm 1975, hoặc Ủy ban Đặc biệt do Quốc hội Mỹ lập ra trong năm 1976 đều không lý giải được vì sao khẩu súng của Oswald lại gây ra được những vết thương to hoác trên đầu tổng thống - ngoại trừ súng bắn đạn cực nhanh là một thứ vũ khí hoàn toàn khác? Và các ủy ban trên cũng chẳng thể khẳng định nổi là những vết thương đó được tạo ra từ chỉ một hướng bắn. Hiển nhiên là có một kẻ nào đó đã cùng điểm hỏa với Oswald.

Riêng Tổng thống Lyndon Jonhson người kế nhiệm Tổng thống Kennedy thừa nhận: “Tôi không bao giờ tin là Oswald chỉ hành động có một mình”.

Khi Ủy ban Worren nói trên đang tiến hành công việc điều tra, vào tháng 3/1969 tại Dallas đã mở phiên tòa sơ thẩm kéo dài 4 tuần xử J.Ruby tội cố sát L.Oswald với án tử hình. Rồi Tòa phúc thẩm Dallas đồng ý xử lại sau những khiếu nại triền miên của Ruby. Cho tới ngày cuối cùng trước khi lìa đời (Ruby chết trong tù vào tháng 1/1967 khi đang đợi phiên giám đốc thẩm), hắn vẫn luôn dọa là “sẽ bóc trần những kẻ chủ mưu thực sự trong vụ ám sát J.Kennedy”.

Đầu năm 1965 nữ ký giả Mỹ D.Kilgalen đã vào tận xà lim tử tù trò chuyện với Jack Ruby... Bà này sau đó bị đột tử trong phòng trọ thuộc một khách sạn ở New York bởi nguyên nhân “mất điện” (!). Cả một vài phóng viên khác có khả năng tiếp cận được gần với “đề tài Ruby” rồi cũng mất tích một cách khó hiểu...   Tháng 12/1977, kết thúc 14 năm điều tra từ FBI theo lệnh của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Robert Kennedy (em trai của J.Kennedy, ông này cũng bị ám sát chết hồi tháng 6/1968), nhưng 8 vạn trang tài liệu chẳng đưa ra được điều gì mới cả. Mọi cái chết mờ ám của hơn 20 nhân chứng tiêu biểu nhất có thể giúp vạch trần “Vụ án của thế kỷ” cũng bị FBI “vô tình” bỏ qua(!).

Còn vào tháng 7/1979 kết thúc công việc của Ủy ban Đặc biệt do Quốc hội Mỹ lập ra hồi năm 1976, sau hơn 3 năm điều tra với khoản kinh phí 5,4 triệu USD, thừa nhận: “Với sự phân tích một cách khoa học nhất, cho phép tồn tại khả năng có 2 người cùng bắn vào Kennedy”. Còn căn cứ vào đoạn băng ghi âm trong kho lưu trữ  của Sở Cảnh sát Dallas (mãi sau này mới được “phát hiện” ra), thì không phải là 3, mà đã có tới 4 tiếng súng nổ nhắm vào tổng thống - cả từ 2 phía: trước và sau xe chở Kennedy.

Ủy ban này kết luận: “Hiển nhiên là âm mưu ám sát Tổng thống J.Kennedy đã được xếp đặt trước. Nhưng chúng tôi không thể truy tìm được tên phát hỏa thứ hai, cũng như những kẻ chủ mưu...”. Ủy ban còn thêm: “Đứng đằng sau vụ mưu sát này không ngoài những nhóm người gốc Cuba cực hữu và những kẻ cực đoan trong thế giới tội phạm - mafia”.

Năm 1985 luật sư Mỹ nổi tiếng M.Lein, người nhiều năm nghiên cứu “vụ Kennedy” đã chỉ đích danh kẻ sát hại Tổng thống Kennedy là CIA, ông có trong tay bằng chứng chứng minh Oswald không phải là người bắn Tổng thống J.Kennedy. Ngoài ra Lein còn chỉ ra tên tuổi một vài người của CIA cộng tác với các nhóm Cuba lưu vong bàn mưu giết hại J.Kennedy vì những thất bại của ông đối với Cuba.

Cuối cùng vào giữa năm 1986 ở Mỹ phát hành thêm một cuốn sách tâm huyết nữa xoay quanh “Vụ án thế kỷ” của tác giả Henry Hurt, với nhan đề “Reasonable Doubt” (Nghi ngờ xác đáng). Trong đó tác giả phân tích các số liệu và sự kiện một cách tỉ mỉ, lôgic và khoa học cho thấy J.Kennedy bị chủ mưu giết chết - với sự tham gia của các tổ chức mật vụ hàng đầu là CIA, FBI và DIA (Cơ quan Tình báo Quốc phòng).

H.Hurt cho biết là cho đến ngày nay còn ít nhất 500 ngàn trang tài liệu liên quan tới vụ ám sát được giữ trong vòng tuyệt mật. Tác giả cũng cho biết một cựu nhân viên FBI (giấu tên - vì lý do an toàn), người từng tham gia vào giai đoạn đầu của cuộc điều tra vụ mưu sát tổng thống và ông này khẳng định: “Trước khi Oswald bị Ruby giết, dấu vân tay trên khẩu súng “tang chứng” vẫn chưa có và một điều gây sửng sốt nữa là: chưa có một thiện xạ nào ở Mỹ lặp lại được “thành tích” của tay súng hạng xoàng Lee Oswald, kể cả về thời gian bắn cũng như độ chính xác...”.

45 năm đã trôi qua sau “Vụ án của thế kỷ”, sự bí ẩn vẫn còn đó, ngày càng có thêm nhiều giả thuyết mới...

Ai là thủ phạm giết John Kennedy? Câu hỏi luôn mang tính thời sự với các thế hệ ngày nay. Có nhiều vụ án mà lịch sử phải bó tay và lần này cũng vậy chăng?!

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.